- Lũ 300 năm và lũ 500 năm có sự điều tiết của các hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang.
b) Quá trình diễn biến xói bồi và sạt lở lòng dẫn
1) Diễn biến trên sông Hồng:
Dựa vào các tài liệu lịch sử thu thập được của đoạn sông Sơn Tây - Bá Giang - Liên Mạc từ năm 1925 tới nay, ta có thể đưa ra nhận xét sơ bộ như sau:
- Những biến hình lòng sông rõ rệt nhất thường bắt đầu ở vùng Vân Cốc - Châu Phan. Do đặc điểm đê chính vùng này rất rộng, bãi sông không cao nên biến hình lòng sông thường xảy ra rất lớn. Trước năm 1925 có lúc lòng sông đi sát tuyến bờ trái.
- Năm 1962 - 1963, lòng sông xói sâu vào bãi Trung Hà - huyện Vĩnh Lạc hình thành đỉnh cong thứ nhất phía bờ trái, đỉnh cong thứ hai chuyển qua bờ phải tại đầu bãi Bá Giang còn đỉnh cong thứ ba lại chuyển sang bờ trái gần Văn Quán.
- Năm 1964 đã xẩy ra hiện tượng cắt cong, lòng sông chảy thẳng hơn. Từ Vân Cốc qua Trung Hà đến Đan Hoài chỉ còn duy nhất một đỉnh cong.
Ngay sau khi bị cắt thẳng, bắt đầu vào các năm 1966-1967 trở đi, quá trình lòng sông uốn cong lại bắt đầu, bãi Trung Hà lại bị xói theo quy luật uốn cong hình sin và dần dần tạo lại hình cong đầu tại phía bãi Trung Hà.
Những năm tiếp theo, bờ lõm phía bãi Trung Hà tiếp tục bị xói và lòng sông càng cong hơn. Khoảng năm 1980-1981, dạng lòng sông gần như tình hình lòng sông năm 1962-1963 với 3 đỉnh cong ở Trung Hà, Bá Giang và Văn Quán.
Bắt đầu từ năm 1989-1990, hiện tượng cắt cong đã xẩy ra ở đỉnh cong Văn Quán - Văn Khuê. Quá trình vận động uốn cong gây sạt lở bãi Trung Hà bắt đầu diễn ra từ cuối mùa lũ năm 1993 và diễn ra mạnh nhất vào các năm 1996 đến cuối mùa lũ năm 1999.
Lòng sông chính và dòng chủ lưu hiện tại vẫn chảy sát bờ sông. Chiều rộng lòng sông trung bình mùa kiệt chỉ rộng từ 300 – 500m. Bãi bồi đối diện ở cao trình từ +9 đến +10 đang di chuyển dần xuống hạ lưu tạo thành đỉnh cong tại thôn 1 xã Trung Hà, ép dòng chủ lưu sát bờ tạo thành nhiều dòng xoáy, tình hình sạt lở bờ còn tiếp tục diễn ra.
2) Diễn biến trên sông Lô:
Kết quả khảo sát 30 mặt cắt địa hình sông Lô đoạn từ thượng lưu phà Then đến ngã ba Lô Hồng cho thấy lòng sông Lô tiếp tục bị xói sâu. Bằng phương pháp chồng ghép địa hình giữa hai lần đo năm 1997 và năm 2006 cho thấy:
- Từ mặt cắt SL01 đến mặt cắt SL03 hạ lưu cầu Việt Trì sông có mặt cắt hình tam giác đáy sông bị xói bờ tả và bồi bờ hữu, độ sâu xói trung bình mặt cắt từ 0.4 - 0.6m.
- Tại mắt cắt SL04 thượng lưu cầu Việt trì mặt cắt sông có hình tam giác cao độ đáy chỗ sâu nhất là -6.2 lòng sông bồi nhẹ tại lạch sâu song xói mạnh về hai bờ tả và hữu, độ sâu xói trung bình 0.88m.
- Từ mặt cắt SL05 đến mặt cắt SL09 lòng sông bồi bờ hữu và xói đáy độ sâu xói trung bình khoảng 0.6m, nhưng đáy sông bị xói mạnh chỗ xói sâu nhất tại mặt cắt SL07 hmax = 3.16m.
- Hai mặt cắt SL10 và SL 11 lòng sông bị xói mạnh độ sâu xói trung bình từ 3 đến 5m chỗ xói sâu nhất tại mặt cắt 11 là 11.61m.
- Từ mặt cắt SL12 đến SL14 lòng sông xói sâu đáy và bồi hai bờ độ sâu xói trung bình 0.6m chỗ xói sâu nhất tại mặt cắt SL13 là 2.1m.
- Từ mặt cắt SL16 đến mặt cắt SL30 lòng sông bị xói sâu độ sâu xói trung bình là 1.2m chỗ xói sâu nhất tại mặt cắt SL23 là 9m, mặt cắt SL26, 27 là 8m.
3) Diễn biến trên sông Phó Đáy:
Sông Phó Đáy đoạn qua tỉnh Vĩnh Phúc có diễn biến lòng sông rất phức tạp. Trong những năm gần đây nhiều đoạn bờ sông Phó Đáy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc liên tiếp bị sạt lở, có đoạn bị sạt lở dài hàng trăm mét như đoạn bờ sông xã Đình Chu.
Chỉ tính riêng đoạn sông Phó Đáy chảy qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc dài hơn 36 km mà đã có 58 cơ sở khai thác lớn và hàng trăm hộ khai thác cát sỏi. Mỗi ngày, các cơ sở này đã móc lên hàng nghìn khối sỏi đá.
Tình trạng khai thác cát sỏi trái phép không chỉ làm sạt lở đất ngay tại nơi đào, mà còn làm đổi dòng chảy của sông , khiến nhiều tuyến đê, ngôi làng ở các vị trí bị dòng chảy thúc thẳng vào làm sạt lở bất thường. Bên cạnh đó, ngư dân đi lại rất khó khăn; khi các con tàu hoạt động thì dây buộc định vị chằng chịt gây cản trở giao thông đường thuỷ.
Qua khảo sát khúc sông này có nhiều bãi bồi tích đọng một khối lượng lớn cát sỏi, tính trung bình mỗi bãi bồi có trữ lượng khoảng 400.000 mét khối, tương đương 600.000 tấn cát sỏi, nhưng đến nay nguồn tài nguyên quý giá này đã bị cạn kiệt.