Quy hoạch quản lý và khai thác cát sỏi lòng sông

Một phần của tài liệu QH Lu11 (Trang 110 - 114)

- Khai thác cát sỏi bừa bãi trên các đoạn sông:

f) Quy hoạch quản lý và khai thác cát sỏi lòng sông

Hiện nay trên các tuyến sông thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tình hình khai thác cát sỏi đang diễn ra hết sức phức tạp. Hoạt động khai thác và nạo vét tận thu cát, sỏi lòng sông thời gian qua, đặc biệt từ năm 1995 trở lại đây đã diễn ra trên hầu khắp các sông trên địa bàn tỉnh đặc biệt là trên sông Lô và sông Phó Đáy. Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép của các tổ chức, cá nhân tại nhiều điểm trên lòng sông Phó Đáy đã làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng đê điều, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, sạt lở ven bờ, phá vỡ quy hoạch, làm thất thu thuế của Nhà nước... và đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận nhân dân.

Thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, đoàn Thanh tra liên ngành tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức thực hiện kiểm tra việc quản lý và khai thác cát, sỏi trên sông Phó Đáy tại 04 huyện: Lập Thạch, Vĩnh Tường, Tam Dương, Tam Đảo. Qua kết quả kiểm tra 20 xã thuộc 4 huyện trên, Đoàn Thanh tra phát hiện có 14 xã có các tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi tại 38 điểm với 37 hộ gia đình, cá nhân và 01 tổ chức tham gia khai thác; toàn bộ các trường hợp này khai thác chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Công nghệ khai thác cát chủ yếu là dùng máy xúc gầu treo có dung tích gầu từ 1 đến 2m3 được cố định trên xà lan tự hành còn gọi là xáng cạp. Theo đúng quy trình công nghệ thì bằng cách thả gầu rơi tự do xuống đáy sông nhờ trọng lực, xáng cạp xúc đi từng lớp cát dày từ 1 - 1,5m theo kiểu cuốn chiếu trên toàn bộ chiều dài doi cát. Khai thác được chuyển trực tiếp từ xáng cạp lên các xà lan để trở đến đến nơi tiêu thụ hoặc đưa về các bãi tập kết dọc trên bờ.

Kết quả điều tra và dự báo, trữ lượng cát sỏi của sông Lô, sông Phó Đáy còn không nhiều, đặc biệt là sau khi đã xây dựng thêm hồ Tuyên Quang trên đầu nguồn thì khả năng bồi lắng của lòng sông rất hạn chế. Rõ ràng, việc khai thác khoáng sản lòng sông nói chung, khai thác, nạo vét tận thu cát, sỏi nói riêng đã và đang không chỉ có hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu về vật liệu cho xây dựng, san lấp (nhu cầu này đặc biệt lớn đối với các khu vực đồng bằng Bắc Bộ) mà còn góp phần tạo điều kiện thông thoáng dòng chảy, thuận tiện cho việc phát triển giao thông thuỷ.

Tuy nhiên, phải thấy rằng bên cạnh những lợi ích nêu trên, hoạt động khai thác, nạo vét cát, sỏi lòng sông cũng có tiềm năng làm nảy sinh nhiều tác động môi trường bất lợi trong đó quan trọng nhất là gây biến đổi chế độ dòng chảy, làm mất trạng thái cân bằng động của sông và đó là nguyên nhân quan trọng dẫn đến xói lở bờ, tăng cường độ xâm thực đáy sông, đe doạ độ an toàn của hệ thống đê, kè, cống. Ngoài ra hoạt động này còn nhiều nguyên nhân làm suy thoái môi trường sinh thái thuỷ sinh, suy thoái môi trường nước và suy giảm tính đa dạng sinh học.

Một trong những yêu cầu mang tính nguyên tắc, bắt buộc nhằm loại trừ những tác động xấu đến môi trường đó là không được khai thác quá công suất, quá độ sâu quy định, đảm bảo khoảng cách xa bờ tối thiểu là 50m và phải thực hiện đúng quy trình công nghệ khai thác theo kiểu cuốn chiếu bóc đi từng lớp cát dày từ 1-1,5m. Quy trình khai thác này sẽ hạn chế tới mức tối đa việc tạo nên những hố sâu ở lòng sông

sau khi khai thác, giảm thiểu hiện tượng sạt lở bờ, diễn biến hình thái sông và biến động chế độ thủy lực của dòng chảy theo chiều hướng xấu.

Để tăng cường công tác quy quản lý và quy hoạch về hoạt động khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông của tỉnh Vĩnh Phúc theo Luật khoáng sản, Luật đê điều, Luật bảo vệ môi trường và từng bước lập lại trật tự trong quản lý hoạt động khai thác, sử dụng nguồn cát, sạn lòng sông một cách có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, hạn chế những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường, thực hiện phát triển nền kinh tế bền vững cần thực hiện các nhiệm vụ sau:

1) Về công tác quản lý, luật pháp:

- Tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước đối với nguồn cát, sạn và các nguồn lợi khác trên sông theo chức năng thẩm quyền, nhằm bảo vệ, quản lý, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên.

- Tổ chức sắp xếp lại trật tự khai thác cát, sạn trên sông nhằm lập lại trật tự khai thác cát, sạn theo nguyên tắc vừa khai thác, sử dụng vừa bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, không ngừng đổi mới công nghệ kỹ thuật, mở rộng quy mô khai thác nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Luật khoáng sản, Luật đê điều, Luật bảo vệ môi trường và các văn bản của nhà nước hiện hành về công tác quản lý khai thác cát, sạn lòng sông đến các cấp, các ngành liên quan trên địa bàn.

- Tiến hành cắm mốc phân định ranh giới vùng được khai thác, cấm khai thác và giao trách nhiệm cho các địa phương trực tiếp quản lý. Thực hiện các văn bản của Nhà nước quy định về việc cấm khai thác cát, sạn trên sông trái pháp luật.

- Tổ chức sắp xếp thành lập các cơ sở khai thác cát, sạn theo các mô hình HTX, tổ hợp tác, Công ty TNHH... đảm bảo đủ điều kiện, năng lực hoạt động khoáng sản theo quy định của Nhà nước. Về phương án thành lập cơ sở khai thác theo các mô hình sau: Mỗi xã, thị trấn có các hộ tham gia khai thác thành lập một HTX hoặc toàn huyện thành lập từ 2-3 Công ty, doanh nghiệp tư nhân, đảm bảo đủ điều kiện cấp Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản.

- Quy hoạch, xây dựng các bến bãi tập kết vật liệu trên địa bàn đảm bảo theo yêu cầu quy định của Nhà nước về quản lý đường sông.

- Thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện công tác quản lý, khai thác cát, sạn trên địa bàn, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm.

2) Về kỹ thuật khai thác:

Trên cơ sở phân tích tính toán xác định mặt cắt và tuyến lòng sông ổn định, chúng tôi đề xuất những yêu cầu về kỹ thuật trong khai thác cát sỏi lòng sông như sau:

- Không khai thác tại các vị trí lòng dẫn đã bị xói sâu quá 5m so với đường lạch sâu trung bình trên toàn tuyến.

- Không khai thác tại các khu vực có dân cư sinh sống phía ngoài bãi sông. - Không khai thác trong phạm vi bảo vệ các các công trình chỉnh trị, công trình bảo vệ bờ, công trình giao thông, công trình thủy lợi và các điểm di tích lịch sử trên sông.

- Không khai thác tại các đoạn sông đang xảy ra diễn biến xói lở mạnh và có chế độ thủy lực phức tạp (các khu vực ngã ba sông, các trụ cầu, trạm bơm,…).

- Vị trí khai thác phải cách mép bờ sông tối thiểu Lgh > 50m.

- Việc khai thác phải đảm bảo không làm hệ số mái dốc của bờ sông nhỏ hơn 10 (m ≥ 10).

- Không khai thác tập trung trên tuyến lạch sâu, nên tập trung khai thác tại các vị trí gần bãi nổi, cù lao để kết hợp nạo vét lòng, tăng cường khả năng thoát lũ trên lòng chính và cải tạo tuyến giao thông thủy.

3) Về tổ chức thực hiện, giám sát:

- Thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện về triền khai thực hiện Đề án quản lý, khai thác cát, sạn trên sông do lãnh đạo UBND các huyện phụ trách và các thành viên là thủ trưởng các ban ngành Tài nguyên - Môi trường, Công an huyện, Chi cục thuế, Trạm quản lý đường sông, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn liên quan. Ban chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo triển khai các biện pháp, giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoáng sản nói chung và hoạt động khai thác cát, sạn trên sông nói riêng.

- Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện gồm các ngành Thủy lợi, Tài nguyên – Môi trường, Chi cục Thuế, Công an huyện, Trạm quản lý đường sông và công an viên của các xã, thị trấn thực hiện việc kiểm tra ngăn chặn việc khai thác cát, sạn tràn lan ở các khu vực cấm và kể cả khu vực cho khai thác nhưng chưa có giấy phép khai thác nhằm chấm dứt tình trạng khai thác tràn lan và buộc các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác cát, sạn trên sông phải đăng ký cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản theo quy định nhà nước.

3.3.8 Xác định các giải pháp kỹ thuật của quy hoạch phòng chống lũ

Một phần của tài liệu QH Lu11 (Trang 110 - 114)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(183 trang)
w