Lợi thế cạnh tranh

Một phần của tài liệu NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TRONG ĐIỀU KIỆN CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 (Trang 25 - 27)

NĂNG LỰC CẠNH TRANH VÀ XU HƯỚNG TIẾP CẬN

2.1.2. Lợi thế cạnh tranh

Lợi thế cạnh tranh là sở hữu những giá trị đặc thù, có thể sử dụng được để “nắm bắt cơ hội” và kinh doanh có lãi. Nói đến lợi thế cạnh tranh là nói đến lợi thế mà một doanh nghiệp, một quốc gia đang có so với các đối thủ cạnh tranh của họ. Lợi thế cạnh tranh là một khái niệm vừa có tính vi mô (cho doanh nghiệp), vừa có tính vĩ mô (ở cấp quốc gia). Lợi thế cạnh tranh bền vững là doanh nghiệp phải liên tục cung cấp cho thị trường một giá trị đặc biệt mà không có đối thủ cạnh tranh nào có thể cung cấp được.

Quan điểm của Porter (1980, 1998), cạnh tranh là vấn đề cơ bản quyết định sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp... Chiến lược cạnh tranh là sự tìm kiếm vị thế cạnh tranh thuận lợi trong ngành, đấu trường chính của cạnh tranh, nhằm mục đích tạo lập một vị thế cạnh tranh thuận lợi và bền vững trước những sức ép quyết định sự cạnh tranh trong ngành.

Có hai vấn đề trọng tâm làm nền tảng cho việc lựa chọn chiến lược cạnh tranh. Thứ nhất là mức độ hấp dẫn của ngành để có thể mang lại lợi nhuận lâu dài và các yếu tố quyết định điều này ... Thứ hai là vị thế tương đối của doanh nghiệp trong ngành. Định vị doanh nghiệp sẽ xác định khả năng thu lợi nhuận của doanh nghiệp cao hơn hay thấp hơn mức trung bình của ngành. Một doanh nghiệp có khả năng định vị tốt sẽ có thể thu lợi nhuận nhiều hơn ngay cả khi cấu trúc ngành bất lợi và do đó khả năng sinh lợi của ngành cũng khá khiêm tốn (Porter,1980, 1998).

Nền tảng cơ bản để doanh nghiệp hoạt động đạt được mức lợi nhuận trên trung bình trong dài hạn là lợi thế cạnh tranh bền vững. Cho dù doanh nghiệp có nhiều điểm mạnh và điểm yếu trước các đối thủ khác, nhưng tựu chung lại có hai loại lợi thế cạnh tranh mà doanh nghiệp có thể sở hữu: chi phí thấp hoặc khác biệt hóa. Điều quan trọng của bất cứ thế mạnh hay nhược điểm nào của doanh nghiệp cuối cùng vẫn là việc ảnh hưởng từ những ưu/ khuyết điểm đó đến chi phí và sự khác biệt hóa. Hai loại lợi thế cạnh tranh cơ bản này kết hợp với phạm vi hoạt động của một doanh nghiệp đang theo đuổi sẽ cho phép tạo ra ba chiến lược cạnh tranh tổng quát để đạt được hiệu

quả trên mức trung bình của ngành, đó là chiến lược chi phí thấp, chiến lược khác biệt hóa và chiến lược tập trung. (Porter, 1985, 1998)

Khi một doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp đó sẽ có cái mà các đối thủ khác không có, nghĩa là doanh nghiệp hoạt động tốt hơn đối thủ, hoặc làm được những việc mà các đối thủ khác không thể làm được. Lợi thế cạnh tranh là nhân tố cần thiết cho sự thành công và tồn tại lâu dài của doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp đều muốn cố gắng phát triển lợi thế cạnh tranh nhưng nó thường rất dễ bị xói mòn bởi những hành động bắt chước của đối thủ.

Ngoài ra, trên góc độ giá trị khách hàng, nghiên cứu của Slater và Narver (1990), Christensen (2010) cho rằng một doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh hơn so với doanh nghiệp khác khi khách hàng có thể nhận thấy được giá trị dành cho họ là cao nhất. Trong đó, giá trị dành cho khách hàng là phần chênh lệch giữa tổng giá trị và tổng chi phí của khách hàng.

Slater và Narver (1994, tr.22) định nghĩa lợi thế cạnh tranh như sau: “Đe đạt được hiệu suất cao, một doanh nghiệp phải phát triển và duy trì lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh đã từng được sử dụng dựa trên đặc điểm cấu trúc ngành như sức mạnh thị trường, tính kinh tế theo quy mô, hoặc một dòng sản phẩm rộng, thì hiện nay đã chuyển sang nhấn mạnh tới năng lực cho phép một doanh nghiệp luôn cung cấp giá trị vượt trội cho khách hàng của mình. Điều này, sau tất cả, là ý nghĩa của lợi thế cạnh tranh”

Christensen (2010, tr.21) thì cho rằng “Lợi thế cạnh tranh là bất cứ giá trị nào mà một doanh nghiệp cung cấp nhằm thúc đẩy khách hàng mua sản phẩm hoặc dịch vụ của họ hơn là sản phẩm, dịch vụ của đối thủ cạnh tranh và tạo rào cản đối với đối thủ tiềm năng và hiện tại”

Như vậy, lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thành công thường được giải thích thông qua chất lượng dịch vụ góp phần vào giá trị của khách hàng, kết quả là gia tăng sự hài lòng và định hướng tiêu dùng, thậm chí tạo ra lòng trung thành của khách hàng từ đó nâng cao khả năng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TRONG ĐIỀU KIỆN CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 (Trang 25 - 27)