Năng lực cạnh tranh

Một phần của tài liệu NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TRONG ĐIỀU KIỆN CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 (Trang 27 - 30)

NĂNG LỰC CẠNH TRANH VÀ XU HƯỚNG TIẾP CẬN

2.1.3. Năng lực cạnh tranh

Có khá nhiều định nghĩa về năng lực cạnh tranh và trong luận án này xin trích dẫn một số khái niệm chủ yếu đề cập dưới góc độ năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhằm làm rõ hơn về vấn đề này.

Một là, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là khả năng duy trì, mở rộng thị

phần và đạt lợi nhuận cao của doanh nghiệp. Đây là quan niệm khá phổ biến hiện nay, theo đó năng lực cạnh tranh là khả năng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ so với đối thủ và khả năng “thu lợi” của các doanh nghiệp (Porter 1985, 1998);

Hai là, năng lực cạnh tranh đồng nghĩa với năng suất lao động. Theo Tổ chức

hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là sức sản xuất ra thu nhập tương đối cao trên cơ sở sử dụng các yếu tố sản xuất có hiệu quả làm cho các doanh nghiệp phát triển bền vững trong điều kiện cạnh tranh quốc tế. Porter (1990) cho rằng, năng suất lao động là thước đo duy nhất về năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, các quan niệm này chưa gắn với việc thực hiện các mục tiêu và sứ mạng của doanh nghiệp;

Ba là, năng lực cạnh tranh đồng nghĩa với duy trì và nâng cao lợi thế cạnh

tranh. Theo Porter (1985,1998, tr.10) thì năng lực cạnh tranh là “để có thể cạnh tranh thành công các doanh nghiệp phải có được lợi thế cạnh tranh dưới hình thức hoặc là có được chi phí sản xuất thấp hơn hoặc là có khả năng khác biệt hóa sản phẩm để đạt được những mức giá cao hơn trung bình. Đe duy trì lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp cần ngày càng đạt được những lợi thế canh tranh tinh vi hơn, qua đó có thể cung cấp những hàng hóa có chất lượng cao hơn hoặc sản xuất có hiệu quả hơn”.

Quan niệm của Porter (1985, 1998) không chỉ đề cập đến vấn đề năng lực cạnh tranh mà còn bao hàm cả việc doanh nghiệp phải liên tục duy trì lợi thế cạnh tranh

của mình. Nói cách khác, doanh nghiệp phải liên tục duy trì mức lợi nhuận trên cơ sở

bám sát với nhịp độ phát triển của thị trường. Việc hạ thấp giá thành sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh theo quan niệm mang tính dài hạn này của Porter cũng như đại đa số các nhà nghiên cứu khác không bao gồm việc hạ thấp giá thành bằng những biện pháp có tính tiêu cực như cắt giảm lương nhân viên, cắt giảm chí phí bảo

hộ lao động, cắt giảm chi phí phúc lợi, chi phí môi trường, . . . Năng lực cạnh tranh phải gắn liền với khái niệm phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội.

Một số tác giả trong nước dựa trên quan điểm của Porter (1985,1998) để đưa ra định nghĩa trong nghiên cứu về năng lực cạnh tranh của mình như: Nguyễn Minh Tuấn (2010) cho rằng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là khả năng duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh trong việc tiêu thụ sản phẩm, mở rộng mạng lưới tiêu thụ, thu hút và sử dụng có hiệu quả các yếu tố sản xuất nhằm đạt lợi ích kinh tế cao và đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững. Vũ Trọng Lâm (2006) cho rằng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là khả năng tạo dựng, duy trì, sử dụng và sáng tạo mới các lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo Lê Công Hoa và Lê Chí Công (2006) thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là thể hiện thực lực và lợi thế của doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh trong việc thoả mãn tốt nhất các đòi hỏi của khách hàng để thu lợi ngày càng cao hơn.

Bốn là, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dựa trên khả năng kết hợp các

nguồn lực, khả năng của doanh nghiệp để tạo ra lợi thế cạnh tranh. Theo Sanchez và Heene (1996), Sanchez (2004), năng lực cạnh tranh của một công ty là khả năng duy trì, triển khai, phối hợp các nguồn lực và khả năng theo cách giúp công ty đạt được mục tiêu của nó. Như vậy, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là khả năng tạo ra lợi thế cạnh tranh, năng suất và chất lượng cao hơn đối thủ cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần lớn, tạo ra thu nhập cao và phát triển bền vững. Nó trước hết phải được tạo ra từ thực lực của doanh nghiệp.

Tóm lại, cho đến nay quan niệm về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vẫn chưa được hiểu thống nhất. Trong nghiên cứu này năng lực cạnh tranh được hiểu là: “khả năng sử dụng và kết hợp các nguồn lực, khả năng của doanh nghiệp nhằm duy

trì và tạo ra lợi thế cạnh tranh nhằm đạt được kết quả hoạt động kinh doanh cao hơn so với đối thủ và thích ứng với những thay đổi của môi trường kinh doanh”. Định nghĩa này không chỉ đề cập tới các yếu tố nội lực của mỗi doanh nghiệp được tính bằng các nguồn lực về tài chính, nhân lực, tổ chức quản trị, thông tin thị trường,... một cách riêng biệt mà còn thể hiện sự tổ chức, phối hợp sử dụng các nguồn lực, khả năng

nhằm tạo ra năng lực cạnh tranh và đạt mục tiêu của doanh nghiệp một cách bền vững trong môi trường động.

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có nhiều những khái niệm về năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại, trong tài liệu này trích dẫn một số khái niệm như sau:

Dựa trên nghiên cứu của mình, Nguyễn Thanh Phong (2010) đã định nghĩa:

“Năng lực cạnh tranh của NHTM là khả năng mà do chính ngân hàng tạo ra trên cơ sở duy trì và phát triển những lợi thế vốn có, nhằm củng cố và mở rộng thị phần; gia tăng lợi nhuận và có khả năng chống đỡ và vượt qua những biến động bất lợi của môi trường kinh doanh”. Theo quan định nghĩa này, năng lực cạnh tranh của NHTM được

đánh giá qua các yếu tố: năng lực tài chính; năng lực công nghệ; nguồn nhân lực; năng lực quản trị điều hành; mạng lưới hoạt động; mức độ đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh; .trong đó, năng lực tài chính và năng lực quản trị được xem là những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định năng lực cạnh tranh của NHTM.

Theo Nguyễn Thị Quy (2008), “Năng lực cạnh tranh của một ngân hàng là

khả năng ngân hàng đó tạo ra, duy trì và phát triển những lợi thế nhằm duy trì và mở rộng thị phần; đạt được mức lợi nhuận cao hơn mức trung bình của ngành và liên tục tăng, đồng thời đảm bảo hoạt động an toàn và lành mạnh, có khả năng chống đỡ và vượt qua những biến động bất lợi của môi trường kinh doanh”.

Với khái niệm này thì Quy (2008) đã đề cập đến năng lực nội tại của một NHTM và mối quan hệ của nó với sự phát triển của ngành ngân hàng trên cơ sở tận dụng được lợi thế của mình nhằm đạt được lợi nhuận cao hơn. Mặt khác, khái niệm trên cũng thể hiện sự linh hoạt trong chiến lược cạnh tranh của NHTM khi thích nghi và tận dụng những sự thay đổi của môi trường kinh doanh.

Như vậy, năng lực cạnh tranh của NHTM bao gồm sự phối hợp các yếu tố nội tại và ngoại sinh của ngân hàng tác động đến chiến lược cạnh tranh của ngân hàng. Từ đó, có thể tận dụng các cơ hội trên cơ sở phát huy lợi thế của mình, đồng thời cũng khắc phục, hạn chế những tác động tiêu cực của môi trường kinh doanh đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Năng lực cạnh tranh của một NHTM là khả năng tạo ra và

sử dụng hiệu quả các lợi thế so sánh để giành thắng lợi trong quá trình cạnh tranh với NHTM khác. Đây là một yếu tố năng động mà luôn được đặt trong sự phát triển liên tục. Các lợi thế so sánh (hiện có và được tạo ra) chỉ là những yếu tố tiềm năng, điều quan trọng là các lợi thế này phải được sử dụng một cách hợp lý, có hiệu quả, đồng thời phải luôn đầu tư nhằm duy trì và tăng cường thêm năng lực một cách bền vững. Ngoài ra, cạnh tranh là một hoạt động có chủ đích, do vậy năng lực cạnh tranh thường gắn liền với kết quả hoạt động kinh doanh, tức là mức độ đạt được các mục tiêu kinh doanh đã đặt ra.

Trong tài liệu này, năng lực cạnh tranh của NHTM được định nghĩa như sau:

“Năng lực cạnh tranh của NHTM là khả năng sử dụng, phối hợp các nguồn lực, khả năng nhằm duy trì và tạo ra lợi thế của mình so với đối thủ cạnh tranh và đạt được các mục tiêu đề ra trong môi trường kinh doanh luôn thay đổi”.

Một phần của tài liệu NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TRONG ĐIỀU KIỆN CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 (Trang 27 - 30)