GDP là chỉ tiêu đại diện cho sự phát triển của nền kinh tế. Khi nền kinh tế tăng trưởng, biểu thị thông qua GDP tăng, điều đó cho thấy các doanh nghiệp trong nền kinh tế đang hoạt động hiệu quả, hàng hóa và dịch vụ sản xuất ra có thị trường tiêu thụ sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp gia tăng hiệu quả hoạt động, tái sản xuất và đầu tư, từ đó phát sinh nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp huy động vốn từ nhiều kênh trên thị trường như phát hành trái phiếu, cổ phiếu hoặc vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất kinh doanh. Điều đó thúc đẩy gia tăng tốc độ tăng trưởng cho vay.
Ngược lại, khi GDP tăng trưởng thấp đồng nghĩa với việc nền kinh tế rơi vào suy thoái, hoạt động kinh doanh khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng đình trệ hoặc phá sản, các khoản nợ vay trước đó ở các NHTM khó có khả năng được trả đúng hạn, từ đó gây ra nợ xấu, và vì vậy dư nợ tín dụng cũng giảm. Như vậy, GDP có tác động thuận chiều đến tăng trưởng cho vay và lợi nhuận ngân hàng
GPD phản ánh đặc điểm của chu kỳ kinh tế và có thể sẽ có tác động vào nhu cầu vay vốn ngân hàng. Tác động tích cực của GDP lên lợi nhuận ngân hàng cho thấy mối quan hệ tích cực giữa tăng trưởng kinh tế và hoạt động của ngành ngân hàng (Theo Kosmidou và cộng sự, năm 2006). Neely và Wheelock (1997) cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn khuyến khích ngân hàng cho vay nhiều hơn và cho phép họ tính phí cao hơn từ đó gia tăng lợi nhuận và cải thiện chất lượng tài sản. Tuy nhiên vẫn có nghiên cứu tìm ra bằng chứng ngược lại thể hiện mối quan hệ ngược chiều giữa tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận ngân hàng thương mại, như nghiên cứu của Ayadi và Boujelbene (2011).
Do dữ liệu của mô hình nghiên cứu lấy theo tháng, nhưng GDP chỉ có thống kê quý và năm, do đó trong nghiên cứu tác giả thay thế chỉ số GDP bằng chỉ số IPI. IPI là chỉ số sản xuất công nghiệp. Chỉ số này thường được tính dựa trên khối lượng sản phẩm sản xuất, nên còn được gọi là “chỉ số khối lượng sản phẩm công nghiệp”; là một chỉ tiêu quan trọng phản ánh khái quát tình hình phát triển toàn ngành công nghiệp nói chung và tốc độ phát triển của từng sản phẩm, nhóm ngành sản phẩm nói riêng; đáp ứng nhu cầu thông tin
của cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà đầu tư và các đối tượng dùng tin khác. Công thức chung của phương pháp tính IPI:
- Iq: Tốc độ phát triển sản xuất một ngành, một tỉnh, TP, một khu vực tính theo khối lượng sản phẩm.
- iq: Tốc độ phát triển của sản phẩm hoặc ngành cấp dưới liền kề để tính cho ngành ở cấp cao hơn.
- Wqo: Quyền số được tính bằng giá trị tăng thêm kỳ gốc
(Giá trị tăng thêm: Phản ánh giá trị hàng hóa, dịch vụ cuối cùng được tạo ra trong một thời kỳ nhất định. Vì không bao gồm chi phí trung gian nên nó phản ánh đúng mức kết quả hoạt động do cơ sở sản xuất ra).