Kinh nghiệm của ngân hàng Việt Nam

Một phần của tài liệu Hiệu quả hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại cổ phần sài gòn hà nội chi nhánh tp hồ chí minh (Trang 31 - 33)

Kinh nghiệm của Vietinbank

+ Quan điểm hoạt động tín dụng

Bước phát triểnhiệu quả hoạt động tín dụng của VietinBank là quá trình kế thừa, phát huy giá trị sẵn có, thay đổi để thích nghi với sự biến động của môi trường kinh tế, xã hội và phù hợp pháp luật trong từng thời kỳ, tiếp cận nhanh chóng xu thế mới, thông lệ quốc tế, các phương pháp quản lý tiên tiến... Tín dụng hướng tới phục vụ nhu cầu hợp lý của khách hàng, tạo ra lợi nhuận trên cơ sở chấp nhận rủi ro đi kèm, các quyết định tín dụng dựa trên đánh giá lợi ích, rủi ro và có biện pháp kiểm soát rủi ro.

+ Mô hình tổ chức tín dụng

VietinBank đã chuyển đổi mô hình tổ chức bộ máy tín dụng trong toàn hệ thống với các chức năng độc lập, vừa đảm bảo tính chuyên nghiệp cao, vừa tăng cường khả năng giám sát giữa các chức năng, theo đó chức năng nghiên cứu tham mưu ban hành chính sách tín dụng được tách biệt với chức năng quản lý khách hàng, thẩm định và đề xuất tín dụng (Phòng khách hàng); thẩm định rủi ro và quản lý danh mục tín dụng (phòng Quản lý rủi ro); theo dõi, quản lý các khoản nợ bị suy giảm khả năng trả nợ (Phòng quản lý nợ có vấn đề); kiểm tra, giám sát tín dụng độc lập (Ban kiểm tra, kiểm soát nội bộ). Nhờ đó đã mang lại những kết quả quan trọng.

Vietinbank chú trọng quản lý điều hành tập trung bằng cơ chế, chính sách, quy trình tín dụng, thực hiện phân quyền cho các cá nhân, đơn vị trong quá trình thực hiện. Hoạt động tín dụng được diễn ra thống nhất trong toàn hệ thống, đảm bảo các giới hạn chấp nhận rủi ro thông qua các tiêu chuẩn cấp tín dụng, cũng như các biện pháp quản lý tín dụng, đảm bảo rằng dù khách hàng quan hệ tín dụng ở bất cứ chi nhánh nào, cũng được hưởng lợi các sản phẩm tín dụng như nhau. Đồng thời, các cá nhân, đơn vị được quyền chủ động thực hiện thông qua việc phân cấp, uỷ quyền của Hội đồng Quản trị,Tổng giám đốc và các cấp có thẩm quyền trên cơ sở phù hợp với môi trường, chất lượng hoạt động, xếp hạng tín dụng của từng đơn vị và năng lực, trình độ, kinh nghiệm quản lý của người

được uỷ quyền.

+ Chính sách tăng trưởng tín dụng

Bên cạnh đó, Vietinbank còn thực hiện chính sách tăng trưởng tín dụng linh hoạt trong từng thời kỳ, giải quyết có hiệu quả tình trạng thừa vốn, tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng; ứng xử tín dụng hợp lý với các đối tượng cấp tín dụng cụ thể, tuân thủ danh mục tín dụng đã được thiết lập, có ưu tiên cho các khu vực kinh tế phát triển, khách hàng có năng lực tài chính mạnh, các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, ít chịu rủi ro; Nâng cao tiêu chuẩn lựa chọn khách hàng, phương án, dự án kinh doanh, tăng cường biện pháp quản lý tín dụng đối với khách hàng, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ và tích cực xử lý nợ xấu. Cơ cấu tín dụng theo địa bàn, đối tượng khách hàng, mục đích sử dụng vốn, ngành hàng, kỳ hạn cấp tín dụng, hình thức bảo đảm tiền vay.... được điều chỉnh theo hướng tích cực.

+ Kết quả đạt được

Nhờ đó, quy mô tín dụng của VietinBank tăng bình quân hàng năm 31% đáp ứng được các nhu cầu vốn hợp lý của nền kinh tế. Chất lượng tín dụng được nâng cao và trở thành một trong những Ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất.Đồng thời lợi nhuận tín dụng tăng tưởng.

Kinh nghiệm của Vietcombank và ACB

Tham khảo về thêm kinh nghiệm về quản lý mô hình hoạt động tín dụng tại Vietcombank và ACB ta thấy trong những năm gần đây VCB và ACB đã có một sự thay đổi cơ bản trong cơ cấu tổ chức bộ máy và quy trình cấp tín dụng:

- Hoàn thiện bộ máy quản trị rủi ro tín dụng từ Hội sở chính đến các chi nhánh với sự phân cấp rõ ràng về mức phán quyết, chức năng nhiệm vụ của từng bộ phận, đồng thời xây dựng các chính sách quản lý rủi ro tín dụng, chính sách phân bổ tín dụng, chính sách khách hàng, xây dựng danh mục đầu tư ...

- Chuyển đổi mô hình quản lý theo chiều ngang sang mô hình theo chiều dọc. Theo mô hình này, các nghiệp vụ kinh doanh chính, trong đó có hoạt động cấp tín dụng, được quản lý tập trung tại Hội sở chính, các chi nhánh chủ yếu làm chức năng bán hàng.

- Phân tách bộ phận tín dụng thành các bộ phận chuyên môn khác nhau như quan hệ khách hàng (tập trung chủ yếu vào hoạt động tiếp thị, tiếp xúc khách hàng, khởi tạo tín dụng), bộ phận quản lý rủi ro tín dụng (thực hiện thẩm định tín dụng độc lập và ra các ý kiến về cấp tín dụng cũng như giám sát quá trình thực hiện các quyết định

tín dụng của bộ phận quan hệ khách hàng), bộ phận tác nghiệp (thực hiện lưu trữ hồ sơ, nhập hệ thống máy tính và quản lý khoản vay.).

Kinh nghiệm của HD Bank

HDBank là một trong những ngân hàng đầu tiên đã công bố thực hiện thành công hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ gồm 9 bộ chỉ tiêu xếp hạng dành cho 4 đối tượng khách hàng: định chế tài chính, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh và cá nhân. Việc ứng dụng hệ thống này sẽ giúp HDBank đánh giá được chất lượng tín dụng, phân nhóm khách hàng cũng như lượng hóa tín dụng, phân loại nợ, trích lập dự phòng, nâng cao chất lượng tín dụng hiệu quả và toàn diện. Tính đến nay, tỷ lệ nợ xấu của HDBank đã được kiểm soát ở mức trên 1%/năm.

Đồng thời, HDBank đã xây dựng được khối quản trị rủi ro và kiểm soát tuân thủ theo theo tiêu chuẩn quốc tế gồm các phòng ban (Quản lý rủi ro, Thẩm định giá, Pháp chế, Kiểm tra kiểm soát nội bộ, Xử lý nợ,..). Các phòng ban này liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành quy trình thẩm định khép kín thực hiện các hoạt động quản trị rủi ro tín dụng và rủi ro phi tín dụng như: rủi ro thanh khoản, rủi ro tỷ giá, pháp lý, rủi ro nhân lực và các hoạt động khác. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đã hoàn thành chuẩn hóa nhiều văn bản nội bộ, quy trình xét duyệt thẩm định, đẩy mạnh công tác giám sát từ xa, xây dựng bộ tiêu chuẩn quản trị rủi ro, đơn giản thủ tục vay, thời gian giải ngân nhanh chóng (chỉ trong ba ngày với những hồ sơ hợp lệ) góp phần đem lại sự tín nhiệm đối với khách hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng trong hệ thống ngân hàng

Một phần của tài liệu Hiệu quả hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại cổ phần sài gòn hà nội chi nhánh tp hồ chí minh (Trang 31 - 33)