a. Hệ số cơ cấu nguồn vốn
Đây là hệ số tài chính hết sức quan trọng, cho thấy mức độ độc lập tự chủ về mặt tài chính, mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính và những rủi ro tài chính mà công ty có thể gặp phải. Hệ số cơ cấu nguồn vốn được thể hiện chủ yếu qua hệ số nợ và hệ số vốn chủ sở hữu.
• Hệ số nợ (Bảng 11)
Căn cứ vào bảng phân tích ta thấy, hệ số nợ của công ty tương đối cao, chứng tỏ chính sách huy động vốn của công ty chủ yếu thiên về nguồn vốn bên ngoài. Điều này làm giảm tính chủ động trong việc tổ chức nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, tiềm tàng rủi ro tài chính lớn. Sở dĩ công ty có hệ số nợ cao như vậy một phần cũng là do chịu sự chi phối của đặc điểm ngành nghề xây dựng. Để hoàn thành một công trình đòi hỏi một thời gian dài và vốn đầu tư lớn, trong khi đó khi xây dựng công ty chỉ được ứng trước một phần vốn, phần còn lại phải hoàn thành bàn giao mới được chủ đầu tư thanh toán hết. Vì số vốn tự có không đủ nên công ty phải đi vay, dẫn dến nợ phải trả chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn làm cho hệ số nợ cao.
Hơn nữa, tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau trong các công ty xây dựng vẫn còn rất phổ biến. Vốn của công ty thì bị chủ đầu tư chiếm dụng (các công trình hoàn thành xong thường bị thanh toán chậm vì nhiều lý do khác nhau). Đến lượt mình, các công ty xây dựng laị chiếm dụng vốn của các nhà cung cấp. Khi hồ sơ công trình được nghiệm thu xong, công ty được thanh toán thì mới trả cho nhà cung cấp vật tư. Hệ số nợ càng dần tới 1 thì khả năng rủi ro trong thanh toán càng cao. Tuy nhiên, một hệ số nợ cao chưa thể khẳng định chắc chắn rủi ro trong thanh toán là cao mà cần phải xem xét kết hợp với các yếu tố khác.
Đầu năm, hệ số nợ của công ty là 0,94 lần, tức là tại thời điểm đầu năm trong tổng nguồn vốn của doanh nghiệp thì có 94% là do vay nợ mà có, về cuối năm hệ số này có giảm 6,38% (đạt 0,88 lần) tức là tại thời điểm cuối năm trong tổng nguồn vốn của doanh nghiệp thì số vay nợ chiếm 88 %. Nguyên nhân làm cho hệ số nợ giảm về cuối năm là do trong năm 2009 công ty thực hiện giảm các khoản nợ phải trả đặc biệt là giảm các khoản vay và nợ, tăng cường sử dụng vốn chủ sở hữu. Điều này cho thấy khả năng tự chủ về mặt tài chính của công ty về cuối kì đã được cải thiện. Đây là một dấu hiệu tốt cho tình hình tài chính của một công ty đang sử dụng nhiều nợ.
Tuy về cuối kì có giảm nhưng nếu so sánh với hệ số nợ trung bình của ngành là 0,76 lần thì hệ số nợ của công ty vẫn còn khá cao. Hệ số nợ quá cao đang đặt ra nhiều mối đe dọa đối với tình hình tài chính của công ty, không chỉ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán, mức độ độc lập tài chính mà còn ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn bên ngoài của công ty trong thời gian tới. Ngoài ra, hệ số nợ cao còn phản ánh mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính của công ty cao. Điều này có thể làm khuyếch đại tỷ suất lợi nhuận sau thuế vốn chủ sở hữu (ROE) nhưng cũng làm cho mức độ rủi ro tài chính tăng lên, khiến cho tình hình tài chính của công ty sẽ bấp bênh, kém an toàn hơn.
• Hệ số vốn chủ sở hữu (Bảng 12)
Cùng với sự giảm đi của hệ số nợ, ta thấy hệ số vốn chủ sở hữu của công ty cuối năm cũng tăng lên so với đầu năm. Cụ thể, năm 2009 hệ số này đầu năm là 0,06 lần phản ánh cứ l đồng vốn mà công ty đang quản lý, sử dựng thì chỉ có 6đ vốn chủ sở hữu, cuối năm hệ số này đã tăng lên 12 đồng. Nguyên nhân khiến hệ số vốn chủ sở hữu trong năm 2009 tăng là do cả vốn chủ sở hữu và tổng nguồn vốn đều tăng nhưng tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu (139,03%) lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng của tổng nguồn vốn (7,21%). Sở dĩ vốn chủ sở hữu của công ty tăng lên là do trong năm công ty đã tiến hành phát hành thêm một số lượng lớn cổ phiếu làm tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu và xuất hiện thặng dư vốn cổ phần. Ngoài ra lợi nhuận sau thuế của công ty tăng lên đáng kể cũng là một lý do. Đây là một dấu hiệu tốt trong điều kiện công ty đang vay nợ cao như hiện nay
Tuy nhiên, khi so sánh hệ số vốn chủ sở hữu của công ty với hệ số trung bình của ngành, ta thấy hệ số này của công ty là rất thấp, phản ánh khả năng tự tài trợ hay mức độ tự chủ về tài chính của doanh nghiệp không cao. Phần lớn tài sản của công ty là do nguồn vay nợ bên ngoài tài trợ.
Xem xét thêm mức độ đảm bảo tiền vay bằng vốn chủ ta thấy, đầu năm tỷ lệ nợ trên vốn chủ là 15,67 lần, nghĩa là 1 đồng vốn chủ được dùng để đảm bảo cho 15,67 đồng vốn vay. Đến cuối năm, tỷ lệ này giảm xuống còn 7,33 lần. Như vậy, trong năm tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu tuy có giảm nhưng vẫn rất cao ( tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu bình quân của ngành chỉ là 3,17 lần). Hệ số này không chỉ cho thấy tương quan giữa nợ vay và vốn chủ mà còn cho thấy được khả năng huy động vốn của công ty trong thời gian tới. Bởi khi tỷ lệ nợ trên vốn chủ quá cao, mức độ đảm bảo tiền vay sẽ thấp hơn, khả năng rủi ro cao hơn, do đó, các chủ nợ sẽ hạn chế cấp tín dụng thêm. Thậm chí, nếu lo ngại, họ có thể yêu cầu công ty phải thanh toán số nợ cũ nhằm bảo toàn vốn
gốc. Khi đó, công ty sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Kết luận: trong năm các hệ số phản ánh cơ cấu nguồn vốn của công ty
đã có sự thay đổi tích cực, mức độ tự chủ về mặt tài chính của công ty ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, sự thay đổi là chưa lớn, công ty vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn bên ngoài, do đó có thể dẫn tới tình trạng thiếu vốn, thiếu tính chủ động trong sản xuất kinh doanh.
b. Hệ số cơ cấu tài sản
Nhóm hệ số này sẽ cho biết mức độ đầu tư vào các loại tài sản của doanh nghiệp, phản ánh tình hình trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, cũng như năng lực sản xuất của công ty và được thể hện chủ yếu qua hai chỉ tiêu: tỷ suất đầu tư vào tài sản ngắn hạn và tỷ suất đầu tư vào tài sản dài hạn.
• Tỷ suất đầu tư vào tài sản ngắn hạn (Bảng 13)
Căn cứ vào bảng số liệu, ta thấy tỷ suất đầu tư vào tài sản ngắn hạn có xu hướng tăng nhẹ, đầu năm so với cuối năm tỷ suất này tăng 1,28 lần từ 0,78 lần lên 0,79 lần. Nguyên nhân là do tốc độ tăng của tài sản ngắn hạn lớn hơn tốc độ tăng của tổng tài sản. Nhìn chung, đây là tỷ lệ khá cao, cho thấy phần lớn tài sản của công ty là tài sản ngắn hạn. Cả đầu năm và cuối năm, các khoản phải thu và hàng tồn kho đều chiếm tỷ trọng rất lớn trong tài sản ngắn hạn. Điều này thể hiện đặc điểm của ngành nghề xây dựng. Giá trị của các công trình xây dựng thường là lớn, chỉ cần chủ đầu tư nợ lại một hạng mục công trình nào đó thì cũng đã làm tăng đáng kể khoản phải thu. Hơn nữa, trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay, để thắng thầu đôi khi công ty cũng phải có những ưu đãi nhất định về phương thức thanh toán cho các chủ đầu tư. Do đó, các khoản phải thu trong công ty xây dựng thường cao. Hàng tồn kho lớn cũng là một tất yếu mà hầu hết các công ty xây dựng đều duy trì, chủ yếu nằm ở giá trị các công trình đang thi công dở dang. Do đó, việc phân bổ tài sản ngắn hạn theo cơ cấu như trên được xem là phù hợp với đặc điểm
của ngành kinh doanh. Dù vậy, việc đầu tư quá nhiều vào tài sản ngắn hạn trong tổng tài sản và có xu hướng tăng là chưa hợp lý. Bởi chính tài sản cố định mới là yếu tố quyết định đến năng lực sản xuất, năng lực thi công của công ty. Việc phân tích cơ cấu và sự biến động của các khoản mục trong tài sản ngắn hạn đã được một cách cụ thể trong phần phân tích bảng cân đối kế toán ở trên.
• Tỷ suất đầu tư vào tài sản dài hạn và tài sản cố định (Bảng 14)
Tại thời điểm đầu năm : tỷ suất đầu tư vào tài sản dài hạn là 0,22, trong đó tỷ suất đầu tư vào TSCĐ là 0,20. Đây là một tỷ lệ khá thấp bởi các công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng thường cần nhiều máy móc để phục vụ sản xuất thi công công trình. Các loại máy như: máy trộn bê tông, máy ủi, máy bơm, dàn búa đóng cọc, ... là những thiết bị không thể thiếu được. Giá trị của các loại máy này thường là lớn. Do đó, khi qui mô vốn đầu tư tài trợ cho tài sản dài hạn quá ít thì không thể đủ nguồn đầu tư mua sắm máy móc, đáp ứng năng lực sản xuất cần thiết. Thực tế tình hình TSCĐ ở công ty cho thấy: hầu hết các loại TSCĐ công ty đang sử dụng hiện tại là những máy móc đã lỗi thời. Với tốc độ phát triển không ngừng của khoa học công nghệ trong thời gian qua thì những loại tài sản này đã trở nên lạc hậu, việc sử dụng nó không những ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình, làm tăng chi phí hoạt động mà còn có thể ảnh hưởng đến chất lượng và yêu cầu về tính hiện đại, tính thẩm mỹ của công trình.
Đến cuối năm, tình hình lại còn diễn biến theo chiều hướng xấu hơn. Tỷ trọng đầu tư vào tài sản dài hạn còn 0,20 (giảm 4,55% so với đầu năm), tỷ trọng đầu tư vào TSCĐ giảm còn 0,16 (giảm 20% so với đầu năm). Nguyên nhân giảm là do trong năm công ty đã tiến hành thanh lý, chuyển công cụ dụng cụ một số loại máy cũ, trong khi đó số lượng máy đầu tư mua mới lại không nhiều làm cho tốc độ tăng của tài sản dài hạn và TSCĐ nhỏ hơn tốcđộ
tăng của tổng tài sản. Xem xét các bảng kê chi tiết về tình hình tăng giảm TSCĐ trong năm 2009, ta thấy: TSCĐ tăng chủ yếu là phục vụ cho văn phòng công ty, số TSCĐ đầu tư để phục vụ trực tiếp cho sản xuất thi công lại không nhiều; trong khi đó TSCĐ giảm lại chủ yếu là các tài sản phục vụ trực tiếp cho việc thi công tại các công trường. Trong tài sản dài hạn thì các khoản đầu tư tài chính dài hạn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (khoảng 7%) và không có sự thay đổi lớn trong năm
Như vậy, qua phân tích cho thấy: tỷ trọng đầu tư vào TSDH, TSCĐ tại Công ty Cổ phần Cơ khí 4 và Xây Dựng Thăng Long trong năm 2009 là tương đối thấp và xu hướng còn giảm dần về cuối năm. Chứng tỏ công ty chưa chú trọng đầu tư dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị mới để phục vụ cho sản xuất, dẫn đến quy mô TSDH ngày càng bị thu hẹp, giảm tính chủ động trong sản xuất kinh doanh, mức độ sử dụng đòn bẩy kinh doanh của công ty còn thấp. Việc đầu tư vào tài sản ngắn hạn nhiều hơn tài sản dài hạn thực tế là do công ty mới tách ra khỏi sự quản lý của nhà nước và thực hiện cổ phần hóa được 3 năm, do đó khả năng huy động vốn còn hạn chế đặc biệt là vốn dài hạn. Từ đó, cũng hạn chế việc đầu tư vào tài sản cố định vì nếu quá chú trọng đầu tư vào TSCĐ công ty có thể sẽ phá vỡ nguyên tắc cân bằng tài chính gây mất an toàn tài chính.