kỹ thuật, tăng vốn kinh doanh.
Bất cứ một doanh nghiệp nào hoạt động trong nền kinh tế thị trường đều muốn có nguồn vốn chủ động để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và tái đầu tư mở rộng mà không phải lo đến việc trả nợ. Một doanh nghiệp đang và sẽ đứng vững trong tương lai phải là doanh nghiệp có cơ cấu vốn và nguồn vốn hợp lý. Đặc biệt như đã phân tích ở trên, hiện nay Công ty Cổ phần Cơ khí 4 và Xây dựng Thăng Long đang có nhu cầu huy động vốn lớn để đầu tư nâng cấp tài sản cố định thì việc làm sao để tìm được nguồn huy động vốn hợp lý với chi phí sử dụng vốn thấp là điều rất quan trọng.
Thực tế công ty năm 2009, cơ cấu nguồn vốn vẫn nghiêng nhiều về nợ phải trả. Nợ phải trả năm 2008 chiếm 94.47%, năm 2009 đã giảm xuống 87,67%. Tương ứng, vốn chủ sở hữu năm 2008 chiếm 5,53% đã tăng lên 12,33% trong tổng nguồn vốn kinh doanh năm 2009. Sự thay đổi cơ cấu này đang có chiều hướng tốt, làm giảm rủi ro tài chính, tăng khả năng tự chủ của công ty. Tuy nhiên, cơ cấu này vẫn thiên về nợ phải trả. Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới công ty cần chú ý một số vấn đề sau:
• Xây dựng kế hoạch huy động vốn, lựa chọn nguồn tài trợ tối ưu. Do mỗi nguồn vốn có chi phí sử dụng vốn khác nhau, nên công ty cần cân nhắc tính toán kỹ lưỡng giữa hiệu quả sử dụng nguồn tài trợ với chi phí sử dụng nguồn tài trợ đó.
- Huy động vốn thông qua quỹ khấu hao cơ bản: công ty có toàn quyền sử dụng linh hoạt quỹ khấu hao để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình hoặc công ty có thể huy động động vốn từ lợi nhuận để lại thông qua các quỹ chuyên dùng đặc biệt là quỹ đầu tư phát triển. Lợi nhuận
để lại là nguồn hỗ trợ tích cực cho nhu cầu vốn kinh doanh, thể hiện sự độc lập và khả năng vững vàng về mặt tài chính của công ty. Công ty có thể sử dụng nguồn này một cách chủ động không bị phụ thuộc bởi các diều kiện cho vay như vay ngân hàng, vay các tổ chức tín dụng,…
- Huy động vốn thông qua liên doanh liên kết: đây cũng là xu hướng tích cực, thông qua quá trình liên doanh, một mặt tạo thêm được kênh cung cấp vốn kinh doanh, mặt khác tạo ra cơ hội cho công ty hòa nhập với nền khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, sẽ nâng cao được khả năng cạnh tranh của công ty trên thị trường. Mà như hiện nay, công ty chưa góp vốn liên doanh, liên kết với một công ty nào trên thị trường. Vì vậy, trong thời gian tới công ty cần xem xét lại phương án huy động vốn này.
- Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nội sinh: đi vào cụ thể đối với Công ty Cổ phần Cơ Khí 4 và Xây Dựng Thăng Long, ta thấy: việc phát hành thêm cổ phiếu ở thời điểm hiện tại là không phù hợp, chứa đựng nhiều rủi ro bởi vì trong năm 2009 công ty vừa mới phát hành thêm một lượng lớn cổ phiếu thường (1.076.470 cổ phiếu chiếm 0,36 số cổ phiếu được phép phát hành). Tính đến nay, công ty đã phát hành được một số lượng cổ phiếu khá lớn, 2.057.921 cổ phiếu chiếm 0,69%. Hơn nữa, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang trong thời kì ảm đạm, các nhà đầu tư mất niềm tin. Ngoài ra, công ty mới chỉ cổ phần hoá được hai năm, chưa tạo lập được một niềm tin vững chắc đối với các nhà đầu tư. Do vậy, mức độ rủi ro trong việc bán cổ phiếu của công ty là rất cao, đồng thời công ty sẽ tốn kém một khoản chi phí phát hành không nhỏ. Phần lợi nhuận sau thuế của công ty tuy nhỏ nhưng trong tương lai sẽ có sự tăng trưởng. Trong những năm tới công ty nên giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư mở rộng. Đây chính là kênh huy động chủ yếu, quan trọng để tăng quy mô vốn nói chung và vốn chủ sở hữu nói riêng.
- Thuê tài sản cố định: nền kinh tế thị trường hiện đại tạo cho các doanh nghiệp nhiều hình thức để giải quyết khó khăn về vốn trong đó có thuê tài
chính tài sản cố định. Đây là một hình thức tương đối mới mẻ nhưng đang dần phát triển ở nước ta trong những năm gần đây. Xuất phát từ thực tế của công ty thì đây là một hình thức công ty nên sử dụng. Hiện nay, công ty vẫn chưa sử dụng hình thức này để huy động vốn. Vì thế, trong những năm tới công ty nên đẩy mạnh phương thức này, vì thuê tài sản mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Trong điều kiện thiếu vốn, công ty vẫn có thể có tài sản cố định hiện đại phục vụ sản xuất kinh doanh mà không phải chịu áp lực về vốn, cho phép công ty thực hiện đầu tư kịp thời mà không phải đảo lộn cơ cấu tài chính, không tăng hệ số nợ trong công ty, hạn chế rủi ro lạc hậu kỹ thuật cho công ty.
• Khi đã huy động được nguồn tài trợ, công ty cần chủ động lập kế hoạch về phân phối và sử dụng hợp lý để đạt được kết quả cao nhất. Khi sử dụng vốn, công ty cần phải căn cứ vào kế hoạch đã lập làm cơ sở điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế, nếu phát sinh thêm nhu cầu về vốn công ty cần phải đáp ứng kịp thời, nếu thừa vốn cần sử lý ngay, tránh để vốn bị ứ đọng.
• Về vấn đề cấp vốn cho từng công trình: hiện nay, tình trạng lãng phí vốn khi lượng vốn cấp cho các công trình không cân đối thường xảy ra. Vì vậy, để có thể sử dụng hiệu quả khoản vốn này, công ty nên thực hiện theo nguyên tắc: mọi chi phí hoạt động của từng công trình, chủ đầu tư hoặc các đội sản xuất phải tự chịu trách nhiệm, chỉ được quyết toán vào từng giai đoạn và khi hoàn thành. Để tăng hiệu quả hoạt động xây lắp, tránh bị ứ đọng vốn công ty nên hạn chế việc đấu thầu các công trình nhỏ lẻ có nguồn vốn đầu tư của các tỉnh, tập trung hoàn thành các công trình trọng điểm và các công trình trúng thầu theo tiến độ đã thoả thuận.
• Điều kiện thực hiện giải pháp:
- Về phía công ty: Công ty cần có sự phân tích kỹ lưỡng các phương án thực sự phù hợp với tình hình tài chính của công ty trong huy động vốn. Lựa
chọn thời điểm thích hợp cho công tác huy động được thực hiện một cách tốt nhất.
- Về phía Nhà nước: Nhà nước nên có một cơ quan chuyên môn để nghiên cứu về tình hình tài chính cũng như tình hình hoạt động kinh doanh của các công ty trong nước cũng như thế giới. Từ đó công ty có điều kiện để tham khảo những mô hình thích hợp, hay học hỏi cách xác định sao cho hợp lý, và có thể tự đặt ra cho công ty mình một cơ cấu tài sản và nguồn vốn phù hợp nhất. Mặt khác, Chính phủ cũng cần có những giải pháp định hướng cho thị trường chứng khoán, từ đó giúp công ty có thể xem xét triển vọng dài hạn để có sự phấn đấu và lựa chọn phù hợp.