LẠM PHÁT MỤC TIÊU
CƠ CHẾ TRUYỀN TẢI CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ
Chính sách tiền tệ tác động tới hành vi kinh tế thông qua các kênh khác nhau. Để điều hành chính sách tiền tệ có hiệu quả, nhất thiết phải nghiên cứu đầy đủ các kênh tác động của chính sách tiền tệ. Có bốn kênh qua đó chính sách tiền tệ tác động tới các khu vực kinh tế, bao gồm: kênh lãi suất, kênh tín dụng, kênh giá tài sản khác và kênh tỷ giá.
Kênh lãi suất
Khi thực hiện thắt chặt tiền tệ (giảm cung tiền), nhu cầu về trái phiếu sẽ tăng trong khi nhu cầu về tiền giảm. Nếu giá cả không điều chỉnh kịp thời, cung tiền thực tế sẽ giảm, làm tăng lãi suất, chi phí vốn tăng. Chi tiêu đầu tư giảm, làm giảm tổng cầu và sản lượng. Cơ chế này diễn ra bên tài sản nợ của bảng tổng kết tài sản của ngân hàng. Các nhà kinh tế đã nhấn mạnh vai trò của lãi suất trong việc phản ứng trước những thay đổi của chính sách tiền tệ cũng như trong việc tác động tới các hoạt động kinh tế thực. Cơ chế truyền dẫn này được thể hiện như sau: thắt chặt tiền tệ lãi suất tăng đầu tư giảm
sản lượng giảm.
Kênh tín dụng
Kênh tín dụng là một tập hợp các yếu tố làm phóng đại và lan truyền các tác động của lãi suất. Nói cách khác, kênh tín dụng là một cơ chế tăng cường, nó không phải là một kênh hoàn toàn độc lập hay
song song với các kênh khác. Ở các nước có thị trường tín dụng tư nhân kém phát triển hoặc chịu sự can thiệp của Chính phủ, tác động của chính sách tiền tệ đến tổng cầu thông qua việc thay đổi khối lượng tín dụng còn lớn hơn là thông qua lãi suất. Khi các điều kiện tiền tệ bị thắt chặt, các ngân hàng không muốn chỉ dựa duy nhất vào việc tăng lãi suất để hạn chế khối lượng tín dụng mà còn muốn thắt chặt các điều khoản tín dụng để ngăn chặn khách hàng đầu tư vào các dự án rủi ro. Điều này làm giảm cung tín dụng. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ cũng tác động đến khả năng tiếp cận nguồn tín dụng của người đi vay. Một người đi vay có tình trạng tài chính không lành mạnh, giá trị tài sản ròng nhỏ, sẽ phải chịu chi phí lớn hơn và các điều kiện tín dụng khắt khe hơn. Những thay đổi trong chính sách tiền tệ sẽ tác động đến trạng thái tài chính của người vay, do đó, tác động đến các quyết định đầu tư và chi tiêu của họ. Một chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ tác động trực tiếp đến bảng tổng kết tài sản của người đi vay thông qua ít nhất là hai kênh: (i) lãi suất tăng lên trực tiếp làm tăng chi phí trả lãi của người đi vay, làm giảm luồng tiền mặt ròng và trạng thái tài chính của người vay yếu kém; (ii) lãi suất tăng lên làm giá của các tài sản khác giảm xuống, trong đó có giá của các tài sản thế chấp của người vay. Chính sách tiền tệ thắt chặt cũng gián tiếp tác động đến bảng tổng kết tài sản của người vay thông qua việc làm suy giảm chi tiêu của người tiêu dùng và làm cho doanh thu của các hãng giảm xuống.
Kênh giá các tài sản khác
Một chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ làm giảm giá các tài sản tài chính khác, như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản v.v... khiến cho các hộ gia đình giảm những kỳ vọng về thu nhập và họ phải điều chỉnh tiêu dùng. Ngoài ra, những thay đổi trong chính sách tiền tệ làm thay đổi giá trị các tài sản mà các công ty đang nắm giữ, làm giảm giá trị thị trường của công ty, làm tăng tỷ lệ nợ/tài sản, khiến các công ty gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ. Các hộ gia đình
và các công ty trở nên dễ bị tổn thương hơn trước những suy giảm tài chính, họ cố gắng phục hồi bảng tổng kết tài sản của mình thông qua cắt giảm chi tiêu và vay mượn. Như vậy, đầu tư và tiêu dùng đều giảm và kết quả cuối cùng là sản lượng của nền kinh tế giảm.
Kênh tỷ giá hối đoái
Chính sách tiền tệ còn tác động đến nền kinh tế thông qua kênh tỷ giá hối đoái. Tại nhiều nước đang phát triển, đặc biệt các nước có thị trường trái phiếu, cổ phiếu, bất động sản còn chưa phát triển, tỷ giá hối đoái chính là giá tài sản quan trọng nhất chịu tác động của chính sách tiền tệ. Khi tỷ giá được thả nổi, thắt chặt tiền tệ làm tăng lãi suất, làm cho đồng nội tệ lên giá danh nghĩa. Một mặt, nó làm giảm nhu cầu về hàng hóa trong nước vì hàng hóa trong nước lúc này trở nên đắt hơn tương đối so với hàng hóa nước ngoài và vì thế làm giảm tổng cầu. Mặt khác, thay đổi tỷ giá cũng tác động đáng kể đến bảng tổng kết tài sản. Tại các nền kinh tế nhỏ, mở cửa với cơ chế tỷ giá linh hoạt, tỷ giá hối đoái là một kênh đặc biệt quan trọng, khác với các kênh trên, nó không chỉ tác động đến tổng cầu mà còn tác động đến tổng cung. Với cơ chế tỷ giá hối đoái cố định, hiệu quả của chính sách tiền tệ sẽ giảm đi. Thường thì các nước duy trì một biên độ tỷ giá dao động rộng. Hơn nữa, nếu các tài sản trong nước và nước ngoài không thể thay thế hoàn toàn cho nhau thì vẫn có sự chênh lệch giữa lãi suất trong nước và lãi suất quốc tế. Vì thế, thậm chí nếu tỷ giá danh nghĩa cố định thì chính sách tiền tệ vẫn có thể tác động đến tỷ giá thực thông qua mức giá. Cơ chế tác động này có thể thể hiện qua sơ đồ: thắt chặt tiền tệ đồng nội tệ lên giá, xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng, xuất khẩu ròng giảm sản lượng giảm.