LẠM PHÁT MỤC TIÊU
CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ VÀ MỤC TIÊU CỦA CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ
Trong kinh tế học vĩ mô, chính sách tiền tệ được coi là một công cụ quản lý kinh tế vĩ mô do Ngân hàng Trung ương thực hiện. Chính sách tiền tệ là việc thực hiện tổng thể các biện pháp, sử dụng các công cụ của Ngân hàng Trung ương nhằm góp phần đạt được các mục tiêu của chính sách kinh tế vĩ mô, thông qua việc chi phối, điều tiết quá trình cung ứng tiền và tín dụng, tức là thông qua chi phối dòng chu chuyển tiền và khối lượng tiền. Cùng với chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ thường được sử dụng trước hết để tác động đến khu vực kinh tế trong nước (tác động đến cân bằng đối nội), và sau đó sẽ ảnh hưởng đến khu vực kinh tế đối ngoại (tác động đến cân bằng đối ngoại). Mặc dù có sự khác nhau về việc xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ ở các nước, nhưng nhìn chung việc xây dựng khuôn khổ chính sách tiền tệ đều bao gồm các bước như: lựa chọn hệ thống mục tiêu chính sách tiền tệ; xác định cơ chế truyền tải của chính sách tiền tệ; và lựa chọn các công cụ chính sách tiền tệ để điều hành. Khuôn khổ này luôn được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với sự biến động không ngừng của môi trường kinh tế, tài chính.
Một câu hỏi đặt ra là tại sao phải lựa chọn mục tiêu chính sách tiền tệ? Luận giải này được tiếp cận trên các khía cạnh sau: Thứ nhất,
Ngân hàng Trung ương không thể cùng một lúc có thể đạt được tất cả các mục tiêu. Thứ hai, do môi trường hoạt động của mình đã buộc Ngân hàng Trung ương phải lựa chọn mục tiêu. Môi trường hoạt động của Ngân hàng Trung ương rất rộng song các khía cạnh sau đây sẽ tác động (thuận lợi/bất lợi) tới Ngân hàng Trung ương khi họ theo đuổi các mục tiêu, đó là: (i) mức độ độc lập của Ngân hàng Trung ương đối với Chính phủ; (ii) mức độ và hiệu quả phối hợp giữa các chính sách kinh tế vĩ mô của nền kinh tế, đặc biệt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; và (iii) năng lực điều hành của Ngân hàng Trung ương. Thứ ba, tình hình nền kinh tế thay đổi cũng buộc Ngân hàng Trung ương điều chỉnh mục tiêu. Ngân hàng Trung ương phải kiên trì, uyển chuyển, linh hoạt để đối phó kịp thời khi trạng thái nền kinh tế có biến động lớn, đặc biệt là sau những “cú sốc” của nó. Dĩ nhiên, khi trạng thái nền kinh tế rơi vào các biến động thì sự điều chỉnh trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương thường là sự điều chỉnh ngắn hạn. Họ có thể tạm thời thay thế mục tiêu này cho mục tiêu khác, song rõ ràng mục tiêu dài hạn là không đổi.
Lựa chọn mục tiêu chính sách tiền tệ như thế nào? Có thể lựa chọn điều hành chính sách tiền tệ đa mục tiêu hoặc điều hành chính sách tiền tệ đơn mục tiêu. Có thể nói, điều hành chính sách tiền tệ
đa mục tiêu là điều hành chính sách tiền tệ theo lối truyền thống. Tuy
nhiên, do mức độ quan trọng của từng mục tiêu đối với sứ mạng và nhiệm vụ trong từng giai đoạn nhất định nên hệ thống mục tiêu chính sách tiền tệ được cấu trúc bởi mục tiêu cuối cùng/hàng đầu và mục tiêu khác. Trong đó, mục tiêu cuối cùng có thể là mục tiêu đơn mà cũng có thể là mục tiêu cuối cùng kép. Trong nhiều trường hợp, do áp lực nhiệm vụ chính trị nên Ngân hàng Trung ương có thể theo đuổi mục tiêu cuối cùng kép là lạm phát thấp và tăng trưởng kinh tế cao. Đương nhiên, vấn đề cần giải trình là lạm phát thấp không có nghĩa là lạm phát ở mức quá thấp, chẳng hạn 0%. Nếu duy trì lạm phát ở mức quá thấp thì sẽ xuất hiện rủi ro thiểu phát. Lạm phát thấp nhưng
phải duy trì ổn định thì mới kích thích được đầu tư và mới duy trì được tăng trưởng kinh tế. Còn tăng trưởng cao cần hiểu không phải là tăng trưởng ở mức “nóng”, mà đó là mức tăng trưởng cao và ổn định. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách tiền tệ đa mục tiêu và chưa quy định cụ thể mục tiêu nào là mục tiêu cuối cùng. Vấn đề này sẽ được đề cập và phân tích sâu hơn ở các phần dưới đây.
Chính sách tiền tệ đơn mục tiêu là chính sách tiền tệ chỉ đeo đuổi một mục tiêu duy nhất và đó cũng là mục tiêu cuối cùng. So với điều hành chính sách tiền tệ đa mục tiêu thì việc điều hành chính sách tiền tệ đơn mục tiêu có một số ưu điểm nổi trội, đó là do: (i) mục tiêu đơn nhất nên Ngân hàng Trung ương sẽ lựa chọn được những công cụ có trọng lượng và quyết định nhất để tác động và đạt được mục tiêu đó; (ii) mục tiêu là đơn nhất nên thước đo hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương là rõ ràng và cụ thể; và (iii) mục tiêu đơn nhất tạo cơ hội cho bộ máy chuyên môn của Ngân hàng Trung ương “toàn tâm, toàn ý” tác nghiệp hơn và do đó dễ đạt được kỳ vọng hơn.
Hệ thống mục tiêu chính sách tiền tệ bao gồm mục tiêu cuối cùng, mục tiêu trung gian và mục tiêu hoạt động. Đối với Ngân hàng Trung ương hiện đại, chính sách tiền tệ bao gồm các mục tiêu sau: Lạm phát thấp và ổn định, tăng trưởng kinh tế ổn định, tạo công ăn việc làm, ổn định hệ thống tài chính v.v… Mục tiêu cuối cùng thường là mục tiêu trung hạn vì tác động trễ của chính sách tiền tệ đến các biến số kinh tế vĩ mô. Đa số các nước lựa chọn mục tiêu cuối cùng của chính sách tiền tệ là ổn định giá cả, duy trì lạm phát thấp và ổn định, trên cơ sở đó góp phần tăng trưởng kinh tế và công ăn việc làm.
Bằng việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Trung ương không thể tác động trực tiếp và ngay lập tức đến các mục tiêu cuối cùng của nền kinh tế như giá cả, sản lượng và công ăn việc làm. Ảnh hưởng của chính sách tiền tệ chỉ xuất hiện sau một thời gian nhất định từ 6 tháng đến 2 năm. Sẽ là quá muộn và không
hiệu quả nếu Ngân hàng Trung ương đợi các dấu hiệu về giá cả, thất nghiệp để điều chỉnh các công cụ. Để khắc phục hạn chế này, Ngân hàng Trung ương các nước thường xác định các chỉ tiêu cần đạt được trước khi đạt được mục tiêu cuối cùng. Các chỉ tiêu này trở thành mục tiêu trung gian và mục tiêu hoạt động.
Các mục tiêu trung gian là những biến số tiền tệ mà Ngân hàng Trung ương có thể đo lường được chính xác, và kiểm soát được kịp thời. Đặc biệt, mục tiêu trung gian thường được lựa chọn là các biến số tiền tệ có mối quan hệ chặt chẽ với các biến số kinh tế vĩ mô như GDP, giá cả, tổng cầu v.v... Nói cách khác, mục tiêu trung gian gắn kết chặt chẽ với mục tiêu cuối cùng, là cơ sở để dự báo được mục tiêu cuối cùng và có mối liên kết với mục tiêu hoạt động. Các chỉ tiêu thường được sử dụng làm mục tiêu trung gian là tổng khối lượng tiền cung ứng (M2, hoặc M3) hoặc mức lãi suất thị trường (ngắn và dài hạn). Ngoài ra, tổng khối lượng tín dụng, và tỷ giá cũng là ứng cử viên của vai trò mục tiêu trung gian. Cụ thể: (i) mục tiêu trung gian là tổng tiền: lựa chọn một mức mục tiêu về tăng trưởng tiền tệ (là MS hoặc tín dụng) phù hợp với mục tiêu cuối cùng. Trong trường hợp mục tiêu trung gian là tổng tiền thì các phản ứng của chính sách tiền tệ là lãi suất giảm khi mức tăng tiền vượt mức mục tiêu và lãi suất tăng lên khi mức tăng tiền dưới mức mục tiêu; (ii) mục tiêu trung gian là lãi suất thị trường: điều hành chính sách tiền tệ hướng lãi suất thị trường theo lãi suất mục tiêu. Với mục tiêu này, chính sách tiền tệ hướng tới việc hạn chế tác động của sự biến động mức cung tiền đến tổng cầu của nền kinh tế; (iii) mục tiêu trung gian là tỷ giá: điều hành chính sách tiền tệ hướng về sự ổn định tỷ giá. Với mục tiêu này, chính sách tiền tệ của nước chọn mục tiêu trung gian là tỷ giá phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của nước neo tỷ giá. Tóm lại, mục tiêu trung gian là tổng tiền, tổng tín dụng, tỷ giá hối đoái, hoặc lãi suất thị trường đều có ưu, nhược điểm riêng đã được áp dụng trong nhiều thập kỷ qua. Mỗi một mục tiêu được lựa chọn gắn liền với những diễn biến kinh
tế và thị trường tài chính trong từng giai đoạn phát triển, gắn liền với mục tiêu, giải pháp đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, trong điều hành chính sách tiền tệ không thể theo đuổi đồng thời hai hoặc ba mục tiêu. Để lựa chọn mục tiêu trung gian thích hợp đòi hỏi sự phân tích kỹ lưỡng về các diễn biến kinh tế, tiền tệ hiện tại và dự báo trong tương lai và xác định rõ định hướng phát triển kinh tế trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
Mục tiêu hoạt động là những biến tiền tệ mà Ngân hàng Trung ương có thể dự báo được và có thể tác động hay kiểm soát một cách trực tiếp hơn so với mục tiêu trung gian thông qua việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ nhằm thay đổi mục tiêu trung gian, qua đó tác động đến mục tiêu cuối cùng của chính sách tiền tệ. Mục tiêu hoạt động được chia thành hai loại: (i) mục tiêu hoạt động là giá cả tiền tệ: Ngân hàng Trung ương kiểm soát lãi suất ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng. Ngân hàng Trung ương thông qua các công cụ chính sách tiền tệ có thể kiểm soát trực tiếp lãi suất này. Trường hợp Ngân hàng Trung ương chọn mục tiêu hoạt động là giá cả tiền tệ, nghĩa là những thay đổi tạm thời của cung và cầu tiền cơ bản chỉ nhằm đạt được mục tiêu là đảm bảo lãi suất ngắn hạn trên thị trường không xa rời lãi suất mục tiêu. Việc kiểm soát lãi suất sẽ có hiệu quả trong điều kiện thị trường tiền tệ phát triển, thị trường liên ngân hàng có thanh khoản cao và hiệu quả, hệ thống ngân hàng thương mại có tính cạnh tranh, Ngân hàng Trung ương có sự tín nhiệm cao với các thành viên thị trường; (ii) mục tiêu hoạt động là khối lượng tiền tệ: Ngân hàng Trung ương kiểm soát tiền cơ bản (MB), hoặc các cấu thành của MB như dự trữ quốc tế ròng, dự trữ của các ngân hàng thương mại, hoặc tài sản có trong nước ròng trên bảng cân đối của Ngân hàng Trung ương. Trong trường hợp Ngân hàng Trung ương chọn mục tiêu hoạt động là khối lượng tiền tệ, Ngân hàng Trung ương không điều tiết thay đổi của cầu tiền cơ bản và bỏ qua những tác động của lãi suất mà chỉ quan tâm đến tiền cơ bản có phù hợp với mục tiêu hay không. Đối
với mục tiêu là khối lượng tiền tệ, có thể áp dụng trong điều kiện thị trường tiền tệ chưa phát triển, kém hiệu quả, khả năng cạnh tranh giữa các ngân hàng thấp, nhất là trong điều kiện môi trường lạm phát cao.
Tóm lại, chính sách tiền tệ chỉ có thể thực hiện hiệu quả khi Ngân hàng Trung ương lựa chọn được một hệ thống mục tiêu chính sách tiền tệ phù hợp. Trong từng thời kỳ, các mục tiêu thường được lượng hóa cụ thể phù hợp với diễn biến kinh tế và tiền tệ.