Cung lao động

Một phần của tài liệu Tác động của việc tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đối với thị trường lao động việt nam (Trang 32 - 36)

7. Kết cấu báo cáo nghiên cứu

2.1.1. Cung lao động

2.1.1.1. Quy mô và cơ cấu cung lao động

Việt Nam có một nguồn cung lao động dồi dào. Nguồn cung lao động không ngừng tăng lên hàng năm. Theo thống kê của cuộc Tổng điều tra dân số vào năm 2009 ghi nhận Việt Nam có gần 86 triệu dân, đứng thứ 13 trong các nước đông dân trên thế giới. Từ đó đến nay, tỷ suất tăng dân số trung bình mỗi năm của Việt Nam là 1,06%, thấp hơn so với tỷ suất của giai đoạn 1999-2009 (1,2%). Đây cũng là mức tăng quy mô dân số thấp nhất trong 35 năm qua. Tuy nhiên, đến hết năm 2014, dân số Việt Nam đã chạm mốc 90,5 triệu dân, là nước đông dân thứ 3 Đông Nam Á. Hơn nữa, Việt Nam là một trong số ít nước có dân số trẻ với 54% dân số ở độ tuổi dưới 30 và 25% có độ tuổi dưới 15. Theo số liệu thống kê lao động – việc làm, từ năm 1996 đến nay, cung thực tế ở Việt Nam tăng với tốc độ khá cao với. Bình quân giai đoạn 1996-2000 là 2,37%, giai đoạn 2000 – 2009 là 2,49%, nhưng giai đoạn 2010-2014 tốc độ tăng lực lượng chậm lại (khoảng 1,5 %).

Bảng 2.1. Cung thực tế về lao động trên thị trường lao động Việt Nam giai đoạn 2010- 2014

2010 2011 2012 2013 2014

Cung thực tế về lao động

(nghìn người) 50.837,3 51.398,4 52.348 53.245,6 54.426,5

Tốc độ tăng trưởng (%) 0 1,1 1,85 1,71 2,22

Nguồn: Báo cáo lao động – việc làm 2010-2014, Tổng cục Thống kê

Cung thực tế về lao động ở khu vực thành thị tăng nhanh hơn khu vực nông thôn. Năm 2014 so với năm 2010, cung thực tế về lao động ở khu vực thành thị tăng 15% còn ở khu vực nông thôn con số này chỉ là 4%.

Bảng 2.2. Cung thực tế về lao động trên thị trường lao động Việt Nam chia theo khu

vực nông thôn, thành thị giai đoạn 2010-2014

2010 2011 2012 2013 2014 Số lượng (nghìn người) Tỷ lệ (%) Số lượng (nghìn người) Tỷ lệ (%) Số lượng (nghìn người) Tỷ lệ (%) Số lượng (nghìn người) Tỷ lệ (%) Số lượng (nghìn người) Tỷ lệ (%) Thành thị 14.231 28 15.251,9 29,7 15.885,7 30,3 16.042,5 30,1 16.357,2 30,1 Nông thôn 36.606,2 72 36.146,5 70,3 36.462,3 69,7 37.203,1 69,9 38.069,3 69,9

Nguồn: Báo cáo lao động – việc làm 2010-2014, Tổng cục Thống kê

Xét theo khu vực, do xuất phát điểm Việt Nam là nước thuần nông nên phần lớn dân số tập trung ở khu vực nông thôn. Mặc dù tiến trình đô thị hóa ở Việt Nam đã và đang diễn ra nhưng đến nay lao động ở nông thôn vẫn được xem là đông đảo, hiện chiếm gần 70% lực lượng lao động. Tuy nhiên, theo thời gian, xu hướng vận động rõ nét là giảm lực lượng lao động ở nông thôn và tăng lực lượng lao động ở thành thị. Nếu năm 2010 lao động ở nông thôn chiếm 72% thì đến năm 2014 tỷ lệ này giảm xuống còn gần 70% đồng thời nâng tỉ lệ lao động ở thành thị từ 28% lên hơn 30%. Điều này là do tác động của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, khu vực nông thôn bị thu hẹp dần và các khu đô thị mới xuất hiện.

Xét theo vùng lãnh thổ, đặc điểm rõ nét của cung lao động tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê vùng Đồng bằng sông Hồng (tính cả thành phố Hà Nội) chiếm tỷ lệ 22,4%, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung chiếm 22%, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 19,1%, Đông Nam bộ (tính cả thành phố Hồ Chí Minh) chiếm 16,4%. Bốn vùng trên có thị phần lao động lớn nhất đã chiếm giữ tới gần 80% tổng lực lượng lao động của cả nước.

Xét theo độ tuổi, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao trong tổng lực lượng lao động cả nước, năm 2014 là 96% trong khi trên độ tuổi lao động chỉ có 4%. Ngoài ra, có khoảng 700 nghìn lao động trẻ em (dưới 15 tuổi) tham gia hoạt động kinh tế, chủ yếu là ở nông thôn và từ nông thôn ra thành phố làm việc. Những năm gần đây, lực

lượng lao động cả nước có xu hướng tăng tỷ trọng lao động trong nhóm tuổi từ 25 trở lên và giảm ở các nhóm tuổi trẻ hơn từ 15 đến 24 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là do sự gia tăng số lượng và tỷ lệ đi học ở các nhóm tuổi trẻ từ 15-24 tuổi trong tổng số nhân khẩu từ 15 tuổi trở lên.

Xét theo ngành nghề đào tạo, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê năm 2014, nhóm ngành kỹ thuật công nghệ có quy mô đào tạo lớn nhất với tỷ lệ 32,8%, nhóm ngành kinh tế hiện tại chiếm tỷ lệ 27,7%. Theo sau hai nhóm ngành này là sư phạm với tỷ lệ 17,7%, nhóm nông-lâm-ngư chiếm tỷ lệ 8,7%, nhóm ngành xã hội nhân văn chiếm 7,2%. Nhóm ngành khoa học tự nhiên chiếm tỷ lệ là 2,7%, thấp hơn là nhóm ngành y chỉ chiếm 2,1%. Cuối cùng là nhóm nghệ thuật, thể dục thể thao chiếm 1,3%.

2.1.1.2. Chất lượng cung lao động

Trình độ học vấn của lực lượng lao động Việt Nam khá cao nhờ sự phát triển mạnh của hệ thống giáo dục quốc dân. Theo thống kê Lao động – Việc làm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giai đoạn 2010-2014, tỷ lệ lao động chưa đi học có xu hướng giảm dần (năm 2010: 4,01%, năm 2014: 3,7%), nhờ có sự phát triển không ngừng của hệ thống giáo dục phổ thông. Trong đó, lực lượng lao động mới bổ sung là lao động trẻ, đa số tốt nghiệp trung học cơ sở và tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông không ngừng tăng lên. Yêu cầu về chất lượng lao động ngày càng khắt khe, nên xu hướng chung là cung lao động trên thị trường lao động phải đảm bảo trình độ văn hóa tối thiểu là tốt nghiệp trung học cơ sở.

Trình độ văn hóa của lực lượng lao động thành thị cao hơn lực lượng lao động nông thôn, tỷ lệ chưa đi học ở thành thị là 1,1% trong khi ở nông thôn tới 5% (2013), kéo theo tỷ lệ lao động ở thành thị đã qua tốt nghiệp trung học phổ thông cũng cao hơn.

Theo Báo cáo Lao động – Việc làm 2010-2014 của Tổng cục Thống kê thì trình độ văn hóa giữa thị trường lao động các vùng được thống kê cho kết quả không đồng đều: Đồng bằng sông Hồng có 32% lao động đã tốt nghiệp trung học phổ thông và 55% tốt nghiệp trung học cơ sở, vùng Đông Nam bộ là 30% và 35%, Bắc Trung bộ là 24% và 48%, Đông Bắc bộ là 25% và 40%, vùng Duyên hải Nam Trung bộ là 23% và 30%.

Đội ngũ lao động có chuyên môn kỹ thuật ở Việt Nam cũng không ngừng tăng lên, từ 14,7% năm 2010 lên 18,5% năm 2014; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 9,5% năm

2010 lên 15,2% năm 2014. Hiện nay, hàng năm tuyển mới đào tạo nghề tăng bình quân 9% trong đó đào tạo nghề dài hạn tăng bình quân 16%/năm, đào tạo cao đẳng, đại học tăng 4,8%/năm.

Sự phát triển theo chiều hướng tích cực của lực lượng lao động do quá trình nâng cấp và phát triển hệ thống giáo dục đào tạo. Nhà nước có sự quan tâm nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn đối với sự phát triển nguồn nhân lực, việc hợp tác quốc tế về đào tạo và dạy nghề được mở rộng; cùng với đó là sự nhận thức của người lao động đối với vai trò của giáo dục đào tạo được tăng lên.

Trên thực tế, tỷ lệ lao động qua đào tạo trong lực lượng lao động thành thị lớn hơn nhiều so với ở nông thôn, cụ thể là 32,4% so với 11,6%. Tình trạng này dẫn đến hạn chế khả năng tạo việc làm cho khu vực phi nông nghiệp, hạn chế chuyển đổi cơ cấu lao động và tiếp nhận chuyển giao khoa học công nghệ và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, tùy theo từng vùng cũng có sự chênh lệch về trình độ chuyên môn – kỹ thuật.

Đơn vị: %

Hình 2.1. Tỷ lệ lao động qua đào tạo theo từng vùng năm 2014

Nguồn: Báo cáo lao động – việc làm năm 2014, Tổng cục Thống kê.

Cơ cấu lực lượng lao động cả nước theo cấp trình độ chuyên môn kỹ thuật còn có bất hợp lý. Theo thống kê năm 2014, lực lượng lao động cả nước theo cấp trình độ như sau:

lao động qua đào tạo nghề hoặc tương đương là 15,2 %, qua đào tạo trung cấp chuyên nghiệp là 4,3% và qua đào tạo cao đẳng, đại học, trên đại học là 5,3%. Nguồn nhân lực của Việt Nam trẻ và dồi dào nhưng trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật còn thấp.

Một phần của tài liệu Tác động của việc tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đối với thị trường lao động việt nam (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)