7. Kết cấu báo cáo nghiên cứu
3.1.1. Cầu lao động tăng, nhất là cầu lao động có chuyên môn kỹ thuật
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có tác động tích cực đến tổng cầu lao động Việt Nam do việc hội nhập sâu rộng hơn vào Cộng đồng ASEAN mở ra cơ hội đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển các doanh nghiệp sản xuất và chế biến hàng xuất khẩu.
Thứ nhất, cầu lao động tăng lên do việc đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Khi gia nhập AEC, Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và môi trường đầu tư của ta trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng ta buộc phải tuân thủ hoàn chỉnh các hiệp định được ký kết trong khuôn khổ AEC, phải cải cách chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng giảm thiểu tối đa các rào cản trái với quy định của AEC. Nếu trước đây, các nhà đầu tư còn e ngại trong việc bỏ vốn vào thị trường Việt Nam do những chính sách phân biệt đối xử của chính phủ Việt Nam thì những năm gần đây vốn đầu tư vào Việt Nam tăng kỷ lục và thị trường Việt Nam được coi là thị trường rất có triển vọng.
Thứ hai, gia nhập AEC làm các doanh nghiệp sản xuất và chế biến hàng xuất khẩu phát triển mạnh hơn. ASEAN hiện là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là động lực giúp nền kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng và xuất khẩu trong nhiều năm qua, vượt trên cả EU, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ. Việc phát triển sản xuất và chế biến hàng xuất khẩu sẽ tạo nhiều việc làm mới. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy ở Việt Nam khu vực sản xuất hàng xuất khẩu có mức sử dụng lao động cao gấp 2 lần so với khu vực sản xuất thay thế hàng nhập khẩu. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng nếu xuất khẩu được 1 triệu USD hàng thủ công mỹ nghệ thì sẽ giải quyết được việc làm cho khoảng 3000-3500 lao động.