7. Kết cấu báo cáo nghiên cứu
3.2.3. Thách thức từ hệ thống chính sách pháp luật lao động chưa hoàn chỉnh
Trong những năm tới, Việt Nam đứng trước sức ép rất lớn về cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ và năng lực cạnh tranh, trong bối cảnh ASEAN nhảy vọt từ nấc Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) lên nấc thang Liên minh Kinh tế AEC. Hiện nay, trình độ phát triển của Việt Nam còn kém xa nhiều quốc gia trong ASEAN. Do vậy, sức ép cải cách đặt ra với Việt Nam là rất lớn. Xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố cho năm 2014-2015 ở mức rất thấp và ít có cải thiện từ nhiều năm nay. Nền quản lý hành chính lạc hậu, nhiều thủ tục rườm rà gây ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh, chi phí về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp Việt Nam, như việc các doanh nghiệp Việt Nam cần đến 872 giờ/năm để đóng thuế trong khi con số bình quân của dịch vụ đó ở các nước ASEAN-6 chỉ là 172 giờ/năm. Thực tế này cho thấy, cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ và năng lực cạnh tranh đang là cấp thiết đặt ra cho Việt Nam khi tham gia AEC.
Hệ thống chính sách pháp luật lao động của Việt Nam còn nhiều điểm chưa hoàn chỉnh, phù hợp với thông lệ quốc tế. Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực lao động xã hội nói chung và chính sách về thị trường lao động nói riêng đã được xây dựng, sửa đổi và hoàn thiện theo hướng tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế và nguyên tắc thị trường trong những năm gần đây. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều văn bản trong lĩnh vực này còn chưa theo thông lệ quốc tế.
Hệ thống tiêu chuẩn lao động chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, một số tiêu chuẩn chưa phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Chẳng hạn, trong giao dịch thương mại quốc tế hiện nay, dưới sức ép từ một số nước phát triển đưa khái niệm “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” vào trong giao dịch thương mại quốc tế đang là một yêu cầu bắt buộc. Thế nhưng, ở Việt Nam, việc tổ chức áp dụng SA.8000 vẫn bị bỏ ngỏ. Hầu hết các doanh nghiệp đều chưa quan tâm đến vấn đề này, chỉ có vài doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may tự triển khai với mong muốn nâng cao sức cạnh tranh.
Nhận thức cũng như ý thức trách nhiệm chấp hành pháp luật lao động của người lao động chưa nghiêm, chưa tạo dựng và làm quen với những thể chế và khuôn khổ pháp lý mới. Việc áp dụng các chính sách thị trường lao động thụ động còn nhiều thách thức, sức ép về an ninh xã hội lớn hơn. Đối với bảo hiểm xã hội, để bảo hiểm xã hội Việt Nam phù hợp với cơ chế bảo hiểm trong nền kinh tế thị trường, hội nhập với khu vực và thế giới thì đối tượng bảo hiểm cần được mở rộng đối với tất cả mọi người lao động, nhưng trên thực tế vấn đề này còn có nhiều trở ngại. Thứ nhất là hệ thống bảo hiểm xã hội còn nhiều bất cập về nguồn lực, cơ chế. Cơ chế đóng bảo hiểm chưa căn cứ vào thu nhập thực tế. Thứ hai là phần lớn người lao động và người sử dụng lao động trong khu vực tư nhân, khu vực không chính thức, các hợp tác xã, khu vực nông nghiệp có thu nhập thấp nên chưa sẵn sàng tham gia bảo hiểm xã hội. Hiện nay, chỉ có 60-70% người lao động tuân thủ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc so với qui định của pháp luật. Điều này đã gây khó khăn cho ngành bảo hiểm và cả quyền lợi của người lao động trong quá trình làm việc.
Hiện có 37 triệu lao động nằm trong khuôn khổ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (23 triệu lao động nông nghiệp và gần 14 triệu lao động khu vực không chính thức). Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện luật bảo hiểm xã hội, chỉ có gần 140.000 người tham gia, chiếm 0,5% tổng số lao động trong cả nước. Thứ ba là cơ sở vật chất kỹ thuật và trình độ đội ngũ cán bộ bảo hiểm còn nhiều điểm yếu so với hệ thống bảo hiểm xã hội của các nước trong khu vực và trên thế giới. Hệ thống bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa có mối quan hệ chặt chẽ với hệ thống bảo hiểm xã hội của các nước trên thế giới.
Đối với bảo hiểm thất nghiệp, hội nhập kinh tế tác động mạnh tới tình trạng thất nghiệp ngắn và trung hạn. Việt Nam vẫn chưa thành lập được cơ chế phù hợp về bảo hiểm thất nghiệp. Bất cập này sẽ gây khó khăn cho việc giảm thiểu rủi ro về việc làm và thu nhập
của người lao động dưới tác động của hội nhập kinh tế khu vực.
Tóm lại, tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đem đến cho thị trường lao động Việt Nam những cơ hội to lớn: chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với định hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa, tăng cầu lao động, đặc biệt là lao động có chuyên môn kỹ thuật, góp phần cải thiện chất lượng cung lao động, phân bố và sử dụng có hiệu quả hơn nguồn lực lao động và phản ánh chính xác hơn năng suất và giá trị sức lao động. Bên cạnh đó, tham gia AEC cũng đặt ra những thách thức về giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sức lao động trong nước trước quy định tự do di chuyển lực lượng lao động có tay nghề, dẫn đến nguy cơ tăng tỷ lệ thất nghiệp; tăng khoảng cách thu nhập và gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Trong khi đó, hệ thống chính sách pháp luật lao động vẫn chưa hoàn chỉnh, phù hợp với thông lệ quốc tế. Xác định rõ những tác động tích cực và tiêu cực, những cơ hội và thách thức trên đóng góp một vai trò quan trọng trong việc đưa ra những giải pháp đúng đắn để phát triển thị trường lao động Việt Nam trong thời gian tới.
CHƯƠNG 4: MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỂ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM KHI THAM GIA CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN (AEC)