7. Kết cấu báo cáo nghiên cứu
3.2.2. Khoảng cách thu nhập và phân hóa giàu nghèo có nguy cơ tăng nhanh
Một số nhà nghiên cứu đã cho thấy đối với những nước đang phát triển, số việc làm được tạo ra từ những ngành sử dụng nhiều lao động sẽ nhiều hơn số việc làm bị mất đi từ những ngành sử dụng nhiều vốn và công nghệ. Tuy nhiên, sự mất cân đối giữa cung và cầu trên thị trường lao động có thể dẫn đến nguy cơ tăng khoảng cách thu nhập giữa các nhóm lao động: giữa lao động có tay nghề, trình độ cao với lao động tay nghề thấp, giữa lao động trong khu vực chính thức và phi chính thức, giữa thành thị và nông thôn.
Thứ nhất là khoảng cách về thu nhập giữa lao động có tay nghề và trình độ cao với lao động có tay nghề thấp hay lao động giản đơn. Khi gia nhập AEC, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế khu vực, luồng đầu tư và thương mại sẽ tăng, nhu cầu về lao động có trình độ cao sẽ tăng nhanh trong khi cung trên thị trường lao động đối với nhóm lao động này còn thấp hơn nhiều so với cầu. Bởi vậy, theo quy luật cung- cầu, lương của lao động có tay nghề cao sẽ có xu hướng tăng nhanh. Còn lương của lao động có tay nghề thấp và lao động giản đơn sẽ ngược lại: với tỷ lệ lao động đã qua đào tạo hiện nay gần 20% lực lượng lao động và số lao động gia nhập thị trường hàng năm khoảng 1,2 triệu người thì cung của nhóm lao động giản đơn luôn trong tình trạng vượt quá cầu, mặc dù cầu cũng sẽ tăng cùng với sự gia tăng của đầu tư và thương mại. Bởi vậy theo quy luật, lương của lao động trên thị trường này sẽ tăng rất chậm nếu so với thị trường lao động trình độ cao. Do đó, có thể nói, khoảng cách về tiền lương và thu nhập giữa hai nhóm lao động này tăng là tất yếu. Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nhóm nhân lực có thu nhập cao nhất là các giám đốc điều hành, trưởng đại diện, trưởng phòng, cán bộ phụ trách kinh doanh… đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công ty liên doanh, các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bác sỹ tại một số bệnh viện, phòng khám… Nhóm này có mức thu nhập từ 1.000 USD/tháng trở lên. Ngược lại nhóm có thu nhập thấp là công nhân lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài hay trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước với khoản thu nhập hàng tháng chỉ bằng với mức lương tối thiếu, thậm chí có một số nơi còn thấp hơn (từ 90 đến 130 USD/tháng). Sự chênh lệch này đang tạo nên “ranh giới giàu nghèo” một cách rõ rệt. Trong khi lạm phát không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của nhóm lao động có thu nhập cao thì đời sống của công nhân lao động đang khó khăn.
Thứ hai là tăng khoảng cách về thu nhập giữa khu vực chính thức và phi chính thức. Đa số lao động làm việc trong thị trường lao động chính thức là làm trong các ngành kinh tế-kỹ thuật có vị trí quan trọng của nền kinh tế quốc dân như: công nghiệp, xây dựng, thương mại, tài chính, ngân hàng, thông tin, giáo dục đào tạo, văn hóa, y tế, quản lý Nhà nước… Khu vực thị trường lao động phi chính thức bao gồm các hoạt động kinh tế với những đặc trưng: hoạt động sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ với điều kiện thô sơ, vốn thấp, sử dụng lao động là chính, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá cả và chất lượng
thấp, khối lượng nhỏ (buôn bán nhỏ, phục vụ gia đình, sửa chữa nhỏ, cung cấp nhân lực cho các hoạt động xây dựng, vận tải…). Khi tham gia AEC, khu vực chính thức sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường khu vực và thế giới hơn, trong khi khu vực phi chính thức vẫn sẽ chủ yếu phục vụ thị trường trong nước với sức mua thấp hơn, giá trị tăng thêm của sản phẩm làm ra cũng nhỏ hơn.
Thứ ba là tăng khoảng cách giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Sự khác biệt về cơ hội giữa hai khu vực này cùng với nguyên nhân tương tự như khu vực chính thức và phi chính thức. Khu vực thành thị và phi nông nghiệp có cơ hội tiếp cận với thị trường quốc tế nhanh và nhiều hơn khu vực nông thôn và nông nghiệp nên được hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình thương mại và đầu tư quốc tế.