5. Cấu trúc của luận án
1.4.1 Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp
Khái niệm về hiệu quả kinh doanh
Cho đến nay, đã có rất nhiều học giả nghiên cứu và đưa ra những phát biểu khác nhau về hiệu quả kinh doanh. Các phát biểu này thường xoay quanh các vấn đề so sánh giữa kết quả đầu ra với đầu vào, đánh giá khả năng sử dụng các nguồn lực nhằm đạt được kết quả, mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có thể hiểu chính xác và đầy đủ về hiệu quả kinh doanh, trước tiên cần làm rõ khái niệm về hiệu quả và khái niệm về kinh doanh.
Theo từ điển kinh tế học của Nguyễn Văn Ngọc (2006), hiệu quả là mối quan hệ giữa các đầu vào nhân tố khan hiếm với sản lượng hàng hóa và dịch vụ. Mối quan hệ này có thể được tính bằng hiện vật (gọi là hiệu quả kỹ thuật) hoặc giá trị (hiệu quả kinh tế). Hiệu quả kinh tế là phương diện của quá trình sản xuất cho biết kết hợp các đầu vào nhân tố cho phép tối thiểu hóa chi phí để sản xuất ra một mức sản lượng nhất định. Hiệu quả kỹ thuật là phương diện của quá trình sản xuất. Nó biểu thị dưới dạng hiện vật cách kết hợp các đầu vào nhân tố tốt nhất để sản xuất ra một mức sản lượng nhất định.
Theo Điều 4 luật doanh nghiệp Việt Nam (2014), kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi. Đồng thời, theo Điều 8 luật doanh nghiệp Việt Nam (2014), doanh nghiệp có nghĩa vụ đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh; tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế
toán, thống kê; kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp và chính đáng của người lao động, tạo điều kiện người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề; đảm bảo về chất lượng hàng hóa; bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh; thực hiện đạo đức kinh doanh để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng và người tiêu dùng.
Từ những phân tích trên, tác giả cho rằng “Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp là phạm trù kinh tế phản ánh khả năng kết hợp các nguồn lực đầu vào, cho phép tối thiểu hóa các chi phí trong hoạt động kinh doanh nhằm đạt được mục tiêu sinh lợi của doanh nghiệp”.
Trong cơ chế thị trường ở nước ta hiện nay nhìn chung các doanh nghiệp khi tiến hành hoạt động sản xuất - kinh doanh đều hướng đến mục tiêu bao trùm đó là tối đa hóa lợi nhuận thu được. Để đạt được mục tiêu này các doanh nghiệp cần phải xác định chiến lược kinh doanh trong các giai đoạn sao cho phù hợp với sự thay đổi của môi trường kinh doanh và cần có sự phân bổ và quản trị các nguồn lực một cách có hiệu quả. Như vậy, hiệu quả kinh doanh là phạm trù phản ánh mặt chất lượng của các hoạt động kinh doanh, phản ánh trình độ lợi dụng các nguồn lực sản xuất (lao động, máy móc thiết bị, nguyên liệu, tiền vốn) trong quá trình tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (Nguyễn Thành Độ và Nguyễn Ngọc Huyền, 2001). Vì vậy, có thể mô tả hiệu quả kinh doanh bằng công thức sau: H = K/C
Trong đó: H - Hiệu quả kinh doanh, K - Kết quả đạt được, C - Hao phí nguồn lực cần thiết gắn với kết quả đó.
Theo đó, có thể thấy rằng hiệu quả kinh doanh là một khái niệm rất rộng, nó bao hàm hiệu quả kinh doanh cả về mặt kinh tế và xã hội. Hiệu quả kinh doanh chính là thước đo tăng trưởng cho các doanh nghiệp, là mối quan tâm hàng đầu của bất kỳ doanh nghiệp nào và là vấn đề quan trọng nhất trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Hiệu quả kinh doanh phản ánh trình độ quản lý và sử dụng các nguồn lực của các doanh nghiệp sao cho tối đa hóa kết quả đạt được và tối
thiểu hóa chi phí bỏ ra để đạt được mục tiêu mà doanh nghiệp đã xác định trong các giai đoạn và hướng tới mục tiêu lâu dài là tối đa hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Một số chỉ tiêu đo lường hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp
Chỉ tiêu ROA
Chỉ tiêu này cho biết công ty bỏ ra một đồng tài sản bình quân đầu tư thì thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận. Chỉ tiêu này càng lớn thì càng tốt. Chỉ tiêu này có thể được đo lường bằng nhuận sau thuế chia tổng tài sản bình quân (Nguyễn Ngọc Quang, 2011).
ROA = Lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản bình quân
Trong đó, lợi nhuận sau thuế thông thường sẽ được lấy từ báo cáo kết quả kinh doanh còn tổng tài sản thông thường sẽ được lấy trong các bảng cân đối kế toán của công ty. Tuy nhiên, tổng tài sản tại một thời điểm không phải là con số đại diện của công ty trong cả một thời kỳ, vì vậy người ta sử dụng tổng tài sản trung bình và được tính bằng đầu kỳ cộng với cuối kỳ chia 2.
Bên cạnh đó, chỉ tiêu ROA cũng có thể được tính bằng Lợi nhuận trước thuế cộng lãi vay (EBIT) chia cho Tổng tài sản bình quân (Hu & Izumida, 2008).
ROA = EBIT/Tổng tài sản bình quân
Trong đó: EBIT = Lợi nhuận trước thuế + lãi vay
Chỉ tiêu ROE
Đây là chỉ tiêu phản ảnh một đồng vốn chủ sở hữu (CSH) đem lại bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế. Chỉ tiêu này càng cao càng tốt và nó được đo lường bằng lợi nhuận sau thuế trên vốn CSH bình quân (Nguyễn Ngọc Quang, 2011).
ROE = Lợi nhuận trước sau thuế/vốn CSH bình quân
Trong đó lợi nhuận sau thuế sẽ được lấy từ các báo cáo kết quả kinh doanh, còn tổng vốn CSH sẽ được lấy từ các bảng cân đối kế toán của công ty. Tuy nhiên, tổng vốn CSH tại một thời điểm không phải là con số đại diện của công ty trong cả
một thời kỳ vì vậy người ta sử dụng tổng vốn CSH trung bình và được tính bằng đầu kỳ cộng với cuối kỳ chia 2.