Cơ cấu vốn mục tiêu của doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Luan an_Nguyen Thi Tuyet Lan (Trang 46 - 47)

5. Cấu trúc của luận án

1.2.3.Cơ cấu vốn mục tiêu của doanh nghiệp

Cơ cấu vốn mục tiêu là cơ cấu vốn gắn với mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp ở từng giai đoạn, khi mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp thay đổi thì cơ cấu vốn mục tiêu cũng thay đổi theo. Như vậy, cơ cấu vốn mục tiêu không phải là 1 khái niệm tĩnh. Đo lường cơ cấu vốn mục tiêu chính là đo lường cơ cấu vốn gắn với mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Hay có thể thấy, cơ cấu vốn mục tiêu được công ty hoạch định để huy động thêm vốn. Cơ cấu vốn mục tiêu có thể thay đổi khi các điều kiện thay đổi. Cơ cấu vốn mục tiêu là cơ cấu mà một doanh nghiệp thường xuyên sử dụng khi quyết định bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Thực tế, cơ cấu vốn của doanh nghiệp có thể dao động quanh cơ cấu mục tiêu vì hai lý do. Thứ nhất, lãnh đạo doanh nghiệp có thể khai thác tình huống cụ thể. Chẳng hạn, sự tăng giá cổ phiếu tạm thời sẽ tạo ra cơ hội vàng cho doanh nghiệp phát hành cổ phiếu và tăng tỉ trọng vốn chủ sở hữu. Thứ hai, do giá thị trường của cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp luôn biến động, dẫn đến cơ cấu vốn thực tế lệch khỏi cơ cấu vốn mục tiêu.

Trong lý thuyết đánh đổi cơ cấu vốn (TOT), người đưa ra quyết định về cơ cấu vốn của doanh nghiệp sẽ xem xét và đánh giá tất cả các chi phí và lợi ích trong các tình huống có những trạng thái cơ cấu vốn khác nhau. Lý thuyết này đưa ra giả định rằng doanh nghiệp khi ra quyết định về cơ cấu vốn sẽ đạt được mức cân bằng giữa chi phí biên và lợi ích biên.

Không giống như lý thuyết đánh đổi tĩnh của cơ cấu vốn cung cấp giải pháp cơ cấu vốn tối ưu trong một thời kỳ, lý thuyết đánh đổi động của cơ cấu vốn nhấn mạnh tầm quan trọng của thời gian, vai trò của kỳ vọng và chi phí điều chỉnh (Fischer, Heinkel và Zechner, 1989). Điều này mang tính linh động trong quyết

định cơ cấu vốn của các doanh nghiệp. Theo lý thuyết đánh đổi động về cơ cấu vốn, doanh nghiệp sẽ cố gắng điều chỉnh cơ cấu vốn về cơ cấu vốn mục tiêu. Trong mô hình động này, các yếu tố có ảnh hưởng đến cơ cấu vốn mục tiêu đã được nói đến và xem xét một cách khá đầy đủ hơn trong mô hình tĩnh như khả năng sinh lợi, chi phí cổ tức hay thuế thu nhập doanh nghiệp.

Mặt khác, Myers (1984) và Myers và Majluf (1984) đã phát triển mô hình tài chính đặt cược trên cơ sở lý thuyết thông tin bất đối xứng. Theo cách tiếp cận này, các nhà quản lý không tuân theo bất kỳ cơ cấu vốn mục tiêu nào, nhưng họ có một thứ tự ưu tiên trên các nguồn tài chính khác nhau: vốn chủ sở hữu (nghĩa là thu nhập chưa phân phối chủ yếu), tài trợ nợ và tài trợ vốn cổ phần bên ngoài. Đồng thời, Myers (1984) chỉ ra rằng cơ cấu vốn mục tiêu không thể quan sát trực tiếp được mà chỉ có thể ước lượng từ thực nghiệm, luật thuế thực tế phức tạp hơn nhiều so với giả định của lý thuyết, chi phí phá sản gây ra tổn thất thực tế chứ không chuyển từ người này sang người khác như trong lý thuyết, đồng thời chi phí giao dịch cũng phải được tính đến.

Cơ cấu vốn mục tiêu trong luận án này được hiểu dựa trên lý thuyết đánh đổi động và dựa vào quan điểm của Myers (1984) để xây dựng cơ cấu vốn mục tiêu. Cụ thể, mô hình xây dựng cơ cấu vốn mục tiêu như sau:

CCVit = α + βXit + εit (*)

Trong đó, CCVit là cơ cấu vốn của doanh nghiệp i thời điểm t được đo bằng tổng nợ trên tổng tài sản (Trần Thị Bích Ngọc, 2017; Võ Minh Long, 2017; Đặng Thị Quỳnh Anh và Quách Thị Hải Yến, 2014; Zeitun và Tian, 2007; Ebaid, 2009 và Pratheepkanth, 2011); Xit véc-tơ các nhân tố ảnh hưởng đến cơ cấu vốn; εit là nhiễu. Kết quả ước lượng của mô hình (*) chính là CCVMT của doanh nghiệp i tại thời điểm t.

Một phần của tài liệu Luan an_Nguyen Thi Tuyet Lan (Trang 46 - 47)