Trung thành vớiNhà nƣớc và Tổ quốc Việt Nam xã hộichủ nghĩa

Một phần của tài liệu Luận án Trương Thị Phương Thảo (Trang 84 - 90)

Trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp như hiện nay, trung thành với nhà nước và Tổ quốc XHCN, ý thức kỷ luật, chấp hành quy chế công vụ của đội ngũ công chức được đặt trong thử thách khốc liệt nhất, đòi hỏi bản lĩnh chính trị, lòng yêu nước, ý thức kỷ luật ở mỗi cán bộ công chức phải thực sự sâu sắc. Để phát huy các giá trị tốt đẹp của đạo đức

công vụ trong bối cảnh mới, đòi hỏi công chức nước ta, một mặt, phải chấp hành nghiêm túc luật pháp, quy chế hoạt động công vụ; mặt khác phải bảo vệ bí mật quốc gia, có trách nhiệm với các nguồn lực hiện có của nhà nước, trong đó có nguồn ngân sách, nguồn tài nguyên.... Hầu hết công chức xem đó

là lương tâm, nghĩa vụ và đồng thời cũng là trách nhiệm, là mục tiêu phấn đấu của mình. Phát huy chuẩn mực đạo đức của người công chức đối với Nhà nước XHCN là một trong những nhân tố quan trọng để chuyển hóa ý thức về nghĩa vụ đối với nhà nước thành hành vi trong đời sống đạo đức cá nhân cũng như đạo đức nghề nghiệp của người công chức.

Trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế, lòng trung thành với nhà nước, với nhân dân không chỉ được thể hiện ở ý thức mà đã và đang được hiện thực hóa thành hành vi một cách sinh động, linh hoạt ở những cơ quan, đơn vị, ở cá nhân người công chức. Chúng ta luôn luôn ghi nhớ và tự hào về đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, công chức ngành công an hay bộ đội đang ngày đêm bảo vệ sự bình yên và chủ quyền nơi biên cương của Tổ quốc, những công chức hành chính không vì lợi ích cá nhân mà làm sai lệch quy chế công vụ, ảnh hưởng đến lợi ích của nhân dân. Không ít công chức luôn đặt lợi ích chung của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân mình, đấu tranh không khoan nhượng với những âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta có: thượng tá Nguyễn Văn Giáp - công tác tại Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, là người đã cùng đồng đội lăn lộn trên trận tuyến nguy hiểm, đối đầu với tội phạm ma túy. Không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, anh cùng đồng đội đã trực tiếp chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc và được biết đến như một "khắc tinh" của tội phạm ma túy vùng biên giới Hà Tĩnh. Chị Vi Thị Tôn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bắc Xa (huyện Đình Lập, Lạng Sơn) là người hoạt động không mệt mỏi trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh biên giới khu vực miền núi tỉnh Lạng Sơn.Với cương vị là người đứng đầu cấp ủy ở địa phương, chị đã linh hoạt trong triển khai các chủ trương của Đảng và Nhà nước tại địa phương

một cách hiệu quả, đi đầu trong công tác tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn hiểu và đi theo các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, củng cố và phát huy niềm tin của nhân dân với Đảng. Cùng với đó, chị đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã phối hợp với Đồn biên phòng Bắc Xa thực hiện tốt Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về "Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới".

Ở ngành tư pháp, có công chức Bùi Thị Lệ Thủy (Sở tư pháp Quảng Ngãi) đã nỗ lực hết mình trong chương trình hướng về biển đảo do mình đề ra để vừa giúp nhân dân trên các huyện đảo giảm bớt khó khăn, vừa giáo dục công chức trong ngành truyền thống tương thân tương ái, vừa khơi dậy tinh thần yêu nước, vừa góp phần thiết thực bảo vệ biển đảo quê hương. Ý tưởng của chị sau khi triển khai đã tạo thành phong trào và có sức hút rất lớn, được sự quan tâm, ủng hộ sâu sắc từ Bộ Tư pháp đến các cơ quan, ban ngành trong cả nước v.v.. Dù chỉ là những công chức bình dị nhưng phẩm chất đạo đức sáng ngời ở họ đã làm cho niềm tin yêu trong quần chúng nhân dân đối với cán bộ nhà nước ngày càng được củng cố.

Cùng với đó, chất lượng phục vụ của nền công vụ ngày càng được nâng cao, hiệu quả phát triển kinh tế xã hội ngày càng được khẳng định. Điều này chứng tỏ đội ngũ cán bộ công chức nước ta vẫn phát huy tinh thần cách mạng triệt để, lập trường giai cấp nhất quán, kiên định với mục tiêu chủ nghĩa xã hội, trung thành với Tổ quốc, với nhân dân; có ý thức tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phấn đấu vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh". Với mục tiêu thiêng liêng ấy, nhiều công chức đã kiên quyết trong đấu tranh chống tư tưởng, quan điểm lệch lạc, bảo vệ cương lĩnh, đường lối đúng đắn của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Không vì lợi ích cá nhân mà họ làm sai quy định của cơ quan, không vì cám dỗ của đồng tiền mà làm tổn hại đến uy tín và danh dự của Nhà nước, lợi ích của nhân dân. Đội ngũ công chức cũng là lực lượng đi đầu trong phát hiện và đấu tranh chống lại các âm mưu chống phá cách mạng, chống phá nhà

nước, chống phá nhân dân, không khoan nhượng trước các âm mưu diễn biến hòa bình và bạo loạn lật đổ.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, đội ngũ công chức nước ta cũng bộc lộ không ít những yếu kém, tiêu cực về phương diện đạo đức công vụ. Đó là sự thờ ơ hay lãnh đạm chính trịở một bộ phận công chức. Sự bàng quan với thời cuộc và tình hình đất nước, sự "rũ áo xuôi tay", sự lẩn tránh trách nhiệm của chính mình... đã và đang trở thành phương châm hành xử của không ít công chức trong bộ máy nhà nước. Đó chính là hành động "trùm chăn", "án binh bất động"; là thái độ "sống chết mặc bay",... Nói chính xác, sự thờ ơ chính trị là đồng nghĩa với sự tê liệt về ý chí cách mạng chiến đấu, thụ động, tự hạ vũ khí chiến đấu, tự tước bỏ vị thế của người công chức nhà nước, tự làm mờ nhạt, "tan rữa" mình và vô hình cổ vũ cho cái xấu, cái ác ngóc đầu dậy và hoành hành.

Trên thực tế, đã xuất hiện một bộ phận công chức có dấu hiệu phai nhạt lý tưởng cách mạng, mất kiên định về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Nhà nước ta đã lựa chọn. Họ nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị, không chấp hành nghiêm các nguyên tắc hoạt động của Nhà nước, sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác, thậm chí có những phát ngôn đi ngược lại lợi ích của Nhà nước, của nhân dân, làm tổn hại đến danh dự và uy tín của Nhà nước. Đáng tiếc, còn một bộ phận công chức đi theo và cổ xúy cho các quan điểm, tư tưởng thù địch muốn chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Ý thức bảo vệ danh dự và lợi ích quốc gia bị phai nhạt, công chức có thể nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Một khi tham vọng chức quyền, công chức sẵn sàng không chấp hành sự phân công của tổ chức. Hay một khi vướng vào "tư duy nhiệm kỳ", thì xuất hiện những công chức chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Họ đang ngày càng thiếu gương mẫu

trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, đơn vị và đời sống sinh hoạt cá nhân.

Hoạt động công vụ là hoạt động liên quan đến nhà nước, trách nhiệm công vụ là trách nhiệm đối với quy trình thực hiện các chính sách nhà nước. Trong đó có việc bảo mật các thông tin của nhà nước, của các tổ chức, cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Việc thực hiện trách nhiệm này ở công chức nước ta những năm qua đã xuất hiện những dấu hiệu vi phạm đạo đức công vụ, vi phạm pháp luật cán bộ, công chức. Nhiều bí mật của nhà nước bị tiết lộ ra ngoài, nhiều dự án mật của các cơ quan, tổ chức được phụ trách bởi đội ngũ công chức chuyên trách bị bại lộ. Tại Hội nghị tuyên truyền Luật Phòng, chống tham nhũng và tập huấn công tác bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2019 cho cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ nước ta chỉ ra tình trạng lộ, mất bí mật Nhà nước vẫn diễn ra với tính chất, mức độ rất nghiêm trọng, số vụ việc được phát hiện còn nhiều; một số vụ đã ảnh hưởng lớn đến chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao của đất nước.

Theo báo cáo của Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an), sáu tháng đầu năm 2019 có 49 vụ lộ, lọt bí mật Nhà nước với 198 đầu tài liệu, sáu vụ xảy ra ở năm cơ quan trung ương và 43 vụ xảy ra ở 26 địa phương. Qua công tác quản lý an ninh mạng phát hiện 1.149 tài liệu lộ bí mật nhà nước như công văn, báo cáo mật do các bộ ngành, địa phương chuyển chế độ fax rọc, chuyển qua mạng viễn thông công cộng không được mã hóa, chuyển qua email. Trong các cơ quan nhà nước các cấp, tình trạng để lộ thông tin cũng để lại nhiều hậu quả tiêu cực. Nhiều dự án chuẩn bị đấu thầu, lắp đặt một hệ thống thiết bị hay chuẩn bị đấu thầu, mua sắm thiết bị cho cơ quan nhà nước bị công chức của chính cơ quan tiết lộ ra bên ngoài, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, dẫn tới hối lộ, đút lót, chạy dự án để được trúng thầu diễn ra khá phổ biến. Nhiều chủ trương bổ sung nhân sự, đề bạt nhân sự cơ quan đang được bàn tính bởi lãnh đạo lại bị tiết lộ ra ngoài dẫn tới tình trạng chạy việc, chạy chức chạy quyền, ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, uy tín và hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước

Cùng với đó, tình trạng đầu tư ra nước ngoài không có hiệu quả, thậm chí thua lỗ đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, xã hội đất nước do cán bộ, công chức của chúng ta gây ra. Theo Báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc, tính đến 31/12/2018 có 19 doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối (nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư tại 114 dự án. Bên cạnh những dự án thu được lãi như kinh doanh xăng dầu, dịch vụ dầu khí, xây lắp và dịch vụ lưu trú thì cũng còn nhiều dự án đầu tư thua lỗ, không những không đóng góp thêm cho ngân sách nhà nước mà còn làm mất một nguồn ngân sách đầu tư không nhỏ, đặc biệt là các dự án đầu tư lĩnh vực viễn thông, trồng - chế biến mủ cao su và lĩnh vực khai thác khoáng sản. Tổng số lỗ phát sinh trong năm 2018 của các dự án báo lỗ là 367 triệu USD, tăng 265% so với năm 2017.

Cùng với các nguyên nhân khách quan như đồng nội tệ mất giá, tình trạng lạm phát cũng như việc thay đổi chính sách ở các nước đầu tư thì tình trạng đầu tư thua lỗ hàng trăm triệu USD nói trên xuất phát từ khả năng dự báo thị trường, năng lực quản lý, năng lực tài chính và về kinh nghiệm trong đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn, trong đó có công chức lãnh đạo các tập đoàn còn nhiều hạn chế. Đáng nói, trong quá trình đầu tư ra bên ngoài, nhiều dự án đầu tư bị lũng đoạn, bị chi phối bởi lợi ích nhóm, bị tác động bởi chủ nghĩa cá nhân đã dẫn đến tình trạng đầu tư không hiệu quả, làm mất nguồn thu ngân sách, lãng phí tiền bạc của nhân dân.

Những hạn chế trên đây có cả những nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Về chủ quan, những thiếu hụt từ bản thân công chức như: bản lĩnh chính trị tư tưởng chưa thật vững chắc, việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống còn hạn chế....Về khách quan, sự tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường với lối sống thực dụng, cơ hội, chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân trực tiếp làm biến đổi ý thức và hành vi đạo đức công vụ của công chức. Vì chủ nghĩa cá nhân, vì lợi ích vật chất, một bộ phận công chức, nhất là công chức có chức quyền đã lờ đi lợi ích tập thể, lợi ích của

quốc gia, dân tộc, ký những quyết định mà biết chắc là tổn hại đến lợi ích chính đáng của người dân, như vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Thiếu trách nhiệm gây gậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hay vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" liên quan đến dự án tại số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt nghiêm trọng như hành vi gian lận thi cử được thực hiện có tổ chức bởi một bộ phận công chức có chức quyền ở Sơn La, Hòa Bình và Hà Giang trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018 đã không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội mà còn đánh mất niềm tin rất lớn ở nhân dân, gây hoang mang trong dư luận. Cùng với đó, hành vi làm lộ bí mật nhà nước trong vụ án VN Pharma, để cho cá nhân không có thẩm quyền sử dụng những thông tin mật của Bộ Y tế, hành vi cố tình làm lộ tài liệu bí mật của nhà nước trong vụ án của Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm", những dự án đầu tư nước ngoài thua lỗ của PVN không những ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến hoạt động của ngành y tế, ngành điện mà còn ảnh hưởng đến cả quá trình phát triển kinh tế, làm chậm lại mục tiêu đổi mới của nhân dân ta. Đây là những minh chứng rõ nét cho sự xuống cấp về ý thức, thái độ của một bộ phận công chức nước ta đối với Nhà nước XHCN, với tổ chức cơ quan họ làm việc. Đó là sự phản bội niềm tin với nhân dân trong một bộ phận không nhỏ công chức hiện nay.

Một phần của tài liệu Luận án Trương Thị Phương Thảo (Trang 84 - 90)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(170 trang)
w