Tinh thần đoàn kết, hợp tác với đồngnghiệp trong thực thi công vụ

Một phần của tài liệu Luận án Trương Thị Phương Thảo (Trang 104 - 110)

công vụ

Chủ nghĩa tập thể, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp là một trong những nguyên tắc của đạo đức mới nói chung, đạo đức công vụ trong chế độ ta nói riêng. Đoàn kết là sức mạnh, là động lực, là nguồn lực to lớn trong quá trình đổi mới đất nước nói chung, cũng như quá trình thực thi công vụ nói riêng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta; Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công, Đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, đại thành công.v.v. Tất cả đó cho thấy: đoàn kết, hợp tác với đồng nghiệp, nâng cao tinh thần tập thể trong thực thi công vụ là một trong những phẩm chất đạo đức quan trọng của người công chức nước ta hiện nay.

Trong khảo sát của Sipas giai đoạn 2011 - 2020 (do Bộ Nội vụ thực hiện với sự giám sát của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam), bên cạnh tập trung đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công, chất lượng phục vụ người dân, tổ chức của cơ quan nhà nước thông qua ý kiến phản hồi và mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, còn đánh giá cả về đạo đức công vụ của công chức trên nhiều phương diện khác nhau. Theo đó, trong ba năm qua (từ 2017 đến 2019), công chức nước ta có sự chuyển biến tích cực trong đoàn kết, hợp tác với các đồng nghiệp, với các cá nhân và tổ chức trong và ngoài cơ quan. Sự kết nối giữa công chức trong các cơ quan hành chính các cấp, cũng như giữa công chức với các đối tác, các doanh nghiệp đã không chỉ thể hiện chính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa trong công vụ mà còn làm cho hoạt động của công chức ngày càng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và đem lại sự hài lòng từ phía người dân. Thực tế này là động lực to lớn thúc đẩy sự vận hành của cả hệ thống chính trị, trong đó có bộ máy hành chính từ Trung ương đến các địa phương.

Việt Nam đang hướng đến một nền công vụ hiện đại, năng động, hiệu quả. Quan hệ hợp tác và tính chuyên môn hóa trong quy trình thực thi nền hành chính công buộc công chức phải nhận thức sâu sắc yêu cầu hợp tác, đoàn kết với đồng nghiệp và đối tác trên mọi phương diện có liên quan đến nhiệm vụ của mình là một yêu cầu khách quan. Cơ chế thị trường tạo cơ hội cho cá nhân thể hiện nỗ lực, tài năng của mình, tôn trọng và ghi nhận cái tôi mỗi người. Tuy nhiên, trong hoạt động công vụ, cá nhân công chức không làm nên giá trị nếu không phối hợp với đồng nghiệp, với cá nhân khác. Nền kinh tế thị trường càng phát triển, sự kết nối trong các cơ quan, ban ngành các cấp tất yếu được tăng cường cả bề rộng lẫn chiều sâu. Theo đó, các đánh giá về đạo đức công vụ trong thời gian gần đây đều cho thấy tinh thần đoàn kết, hợp tác của công chức với đồng nghiệp, với các cá nhân, tổ chức liên quan ngày càng được thể hiện rõ nét. Sự đoàn kết hợp tác đó, một mặt thúc đẩy hiệu quả hoạt động công vụ, mặt khác làm cho môi trường văn hóa công sở được hoàn thiện hơn, công chức gắn bó với cơ quan đơn vị hơn, tình cảm đồng nghiệp, đối tác không ngừng được cải thiện. Nhờ đó, đội ngũ công chức đã hăng hái trong hoạt

động thực tiễn, có ý thức tổ chức kỷ luật, tuyệt đối phục tùng nhiệm vụ mà cơ quan giao phó, đoàn kết nội bộ, có tinh thần hợp tác chặt chẽ với đồng nghiệp, với cơ quan, tổ chức liên quan để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bên cạnh những ghi nhận tích cực, tinh thần đoàn kết, hợp tác trong thực thi công vụ của công chức nước ta trước tác động của kinh tế thị trường còn nhiều biểu hiện chưa đồng thuận, chưa đáp ứng được yêu cầu phát huy giá trị đạo đức công vụ của đội ngũ công chức trong bối cảnh mới.

Tháng 8/2019, dư luận cả nước bất bình với hình ảnh một đại úy công an gây mất trật tự tại sân bay Tân Sơn Nhất với những lời lẽ thóa mạ, lăng nhục nhân viên hàng không. Ở phương diện văn hóa, hiện tượng "không biết mình là ai" này thể hiện sự xuống cấp về văn hóa ứng xử. Ở phương diện đạo đức công vụ của công chức, hình ảnh trên thể hiện sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức của những công chức làm việc trong bộ máy công quyền. Đáng buồn trong xã hội đang hình thành thói quen lạm dụng vị trí, quan hệ của mình để chèn ép, đe dọa người yếu thế, thậm chí đứng trên cả pháp luật trong một bộ phận không nhỏ người có tiền, có quyền, trong đó có cả công chức, viên chức.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta được xây dựng và hoàn thiện trên cơ sở kế thừa có chọn lọc từ kinh nghiệm của các nước đi trước và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, kinh tế thị trường có mặt trái của nó, do đó, tác động mặt trái của nó lên chính bản thân nền kinh tế lẫn các lĩnh vực văn hóa, xã hội, đạo đức là tất yếu khách quan. Khi chúng ta chưa chủ động trong nhận thức và giải pháp giải quyết những mặt trái đó thì sự ảnh hưởng của nó lên các mặt của đời sống xã hội là khó tránh khỏi. Trước tác động mặt trái của kinh tế thị trường, một bộ phận công chức có xu hướng chạy theo những cám dỗ vật chất, theo sức mạnh của đồng tiền dẫn đến quá coi trọng lợi ích của cá nhân mà xem nhẹ lợi ích tập thể, lợi ích nhà nước. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức. Lối sống trên làm xuất hiện tình trạng một bộ phận công chức bị tha hóa trong mối quan hệ với đồng nghiệp, hình thức hóa trong đoàn kết, hợp tác với nhau. Bên ngoài thì nêu cao tinh thần đoàn kết, phối kết hợp, thực chất bên trong thì cục bộ, bè

phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền. Với đối tác, cộng sự bên ngoài cơ quan thì gây khó dễ, bất hợp tác, gây mất niềm tin từ khách hàng và người dân. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng.Việc tự phê bình và phê bình có nơi trở nên hình thức, có nơi bị lợi dụng để đấu đá, hạ bệ lẫn nhau. Cùng với đó, những biểu hiện cơ hội chủ nghĩa, "lợi ích nhóm", tính cục bộ địa phương có nơi đã xuất hiện và phá hoại sự đoàn kết thống nhất vốn có trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Ở mức độ trầm trọng và nguy hiểm hơn, việc chạy theo lợi ích cá nhân có nguy cơ đẩy công chức rơi vào chủ nghĩa cơ hội. Đó là thói tùy thời thỏa hiệp vô nguyên tắc, là hành động lợi dụng cơ hội nhằm chiếm đoạt lợi ích trước mắt và cục bộ, bất kể việc làm đó đúng hay sai, như kiểu "mượn gió bẻ măng", "đục nước béo cò", ngả nghiêng, xoay xở, "gió chiều nào che chiều ấy", sống a dua, tìm kiếm "ô, dù" trong các chuyến "buôn quyền lực", kèn cựa, gây bè kéo cánh, thậm chí vu cáo, bôi nhọ đồng chí, gây rối nội bộ... Đảng ta đã sớm nhận ra thực trạng đáng lo ngại này. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ rõ: "Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty" [30, tr.22].

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xem đoàn kết trong Đảng là quan trọng như "giữ gìn con ngươi của mắt mình", những năm gần đây, Đảng ta đề cao vai trò, trách nhiệm của công chức lãnh đạo đối với việc giữ vững sự đoàn kết thống nhất nội bộ trong các cơ quan, đơn vị do mình phụ trách. Tuy nhiên, thực tế là ở nhiều nơi, chính công chức lãnh đạo, chịu trách nhiệm trước cơ quan cấp trên và cấp mình về sự đoàn kết thống nhất nội bộ lại chưa thực sự gương mẫu, chưa thấm nhuần ý thức xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong nội bộ. Trong những cơ quan đơn vị, địa phương mất đoàn kết nội bộ, vi phạm kỷ luật, bị khiếu kiện đã được các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, kết luận và xử lý thì đa phần xuất phát từ cán bộ chủ chốt và do cán bộ chủ chốt (nhất là người đứng đầu).Vụ việc ở xã Đồng Tâm

(huyện Mỹ Đức, Hà Nội) xảy ra từ năm 2017 đến nay đã để lại bài học lớn về mất đoàn kết nội bộ âm ỉ kéo dài mà không được giải quyết triệt để.

Theo cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội, giai đoạn 2002-2013, một số cán bộ ở Đồng Tâm đã cấp, giao đất trái thẩm quyền, hợp thức hóa đất lấn chiếm cho một số hộ dân trái quy định. Đây chính là khởi phát cho hiện tượng khiếu kiện kéo dài và giải quyết không hiệu quả rồi dần thành phe cánh, trở thành điểm nóng tốn nhiều thời gian, công sức của lãnh đạo các cấp và ngành chức năng mới ổn định được tình hình. Cuối tháng 3/2019, trong phiên họp giải trình của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội "Về kết quả thực hiện kết luận chất vấn tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố" cho thấy vấn đề đoàn kết nội bộ đang bị chi phối mạnh bởi lợi ích. Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, trong thời gian này các cơ quan chức năng đã xử lý 98 cán bộ, công chức và lao động hợp đồng thuộc lực lượng Thanh tra xây dựng do có liên quan đến các sai phạm xây dựng, khiến tình trạng khiếu kiện

ở các địa phương tăng lên. Đáng lưu ý là trong số 98 trường hợp bị kỷ luật thì có 20 người là công chức giữ chức vụ lãnh đạo, trong đó có 2 phó chánh thanh tra, 7 trưởng phòng/đội trưởng, 11 phó phòng/đội phó... Hay như sự việc gần 2 năm qua mà Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng chưa hoàn thành quy trình để bổ nhiệm 2 phó giám đốc sở bị thiếu trong khi có tới 5 ứng cử viên cho chức danh này. Đồng chí Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân là không đoàn kết và công tác cán bộ kém nên dẫn đến sự lúng túng trong quy trình tổ chức cán bộ của Sở [99].

Câu chuyện ở Hải Dương năm 2017 cũng là một minh chứng rõ nét. Trong số 46 người trong biên chế của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương hiện tại, chỉ có hai người là chuyên viên, còn lại 44 người đều có chức vụ từ phó trưởng phòng trở lên. Hầu hết các phòng đều có trưởng phòng và bốn đến năm phó phòng, như: Văn phòng sở có chánh văn phòng và bốn phó văn phòng; Phòng Kế hoạch tài chính có trưởng phòng và bốn phó phòng; Phòng Việc làm, an toàn lao động có trưởng phòng và năm phó phòng; Phòng Lao động, tiền lương và Bảo hiểm xã hội có trưởng phòng và bốn phó phòng; Thanh

tra sở có chánh thanh tra và bốn phó chánh thanh tra. Dư luận cũng "nóng" lên với kết luận của Thanh tra tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh bổ nhiệm nhiều hơn 23 trường hợp so Đề án vị trí việc làm năm 2014. Nghịch lý là, Đề án được xây dựng nhằm tinh gọn bộ máy theo hướng hiệu lực, hiệu quả, nhưng sau hai năm thực hiện, lại "phình" thêm nhiều lãnh đạo. Có phòng chỉ 11 người, bố trí một trưởng phòng, sáu phó trưởng phòng. Và mới đây, một lần nữa tình trạng lạm phát cấp phó ở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, đây không phải sự việc đơn lẻ [88].

Tình trạng "loạn cấp phó" có lẽ không chỉ dừng ở ba đơn vị nêu trên. Chính việc tuyển dụng, sắp xếp vị trí làm việc chưa hợp lý, quản lý công chức lỏng lẻo đã vô tình tạo cơ hội cho tình trạng kèn cựa địa vị, tham ô lãng phí, mất đoàn kết nội bộ nảy sinh và cũng là nguyên nhân dẫn đến suy thoái đạo đức, lối sống. Sự tha hóa đạo đức ở một bộ phận công chức không chỉ diễn ra trong các cơ quan công quyền, hành chính mà nhìn rộng ra trong một số ngành nghề khác như y tế, giáo dục, kinh doanh, luật,… vẫn còn những hiện tượng, những người vì danh lợi, địa vị tiền tài, tự hủy hoại nhân cách, lương tâm của bản thân, gây ảnh hưởng xấu đến ngành nghề, nơi công tác, làm giảm lòng tin của nhân dân.

Có thể nói, dưới tác động của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, đạo đức công vụ của đội ngũ công chức nước ta đã và đang không ngừng biến đổi. Bên cạnh những biến đổi tiêu cực, chưa phù hợp với yêu cầu và mục tiêu xây dựng nền công vụ hiện đại, phần lớn công chức nước ta làm việc mẫn cán, trung thành với đường lối, pháp luật nhà nước, quy tắc hoạt động nền công vụ, liêm chính, trọng dân, đoàn kết, hợp tác với đồng nghiệp, đối tác ở bất cứ cơ quan, ban, ngành nào từ Trung ương đến địa phương. Sự biến đổi đạo đức công vụ của đội ngũ công chức nước ta đang diễn ra ở những nội dung, hình thức thể hiện và mức độ khác nhau, nhưng qua những thành tựu có được từ công cuộc đổi mới cho phép chúng ta khẳng định đạo đức công vụ của đội ngũ công chức nước ta đã và đang có sự chuyển biến phù hợp, tích cực. Chất lượng đội ngũ công chức không ngừng được nâng cao đáp ứng từng bước nhu cầu phát triển mới của đất nước.

Một phần của tài liệu Luận án Trương Thị Phương Thảo (Trang 104 - 110)