Khái niệm công chức

Một phần của tài liệu Luận án Trương Thị Phương Thảo (Trang 32 - 36)

Công chức là là bộ phận quan trọng cấu thành quyền lực công cũng như nền công vụ. Trên thế giới, chế độ công chức đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Nội hàm khái niệm công chức, theo đó, không ngừng được bổ sung, hoàn thiện theo hướng ngày càng phù hợp với đòi hỏi khách quan của quá trình xây dựng nền công vụ hiện đại và trình độ phát triển kinh tế, xã hội. Song, đây là khái niệm mang tính lịch sử, cách hiểu và diễn đạt khái niệm này không phải khi nào cũng thống nhất. Khái niệm công chức phụ thuộc vào thể chế chính trị và trong từng giai đoạn phát triển của mỗi quốc gia. Cho nên, không có một định nghĩa chung về công chức cho tất cả các nước trên thế giới.

Khái niệm công chức bao giờ cũng song hành và gắn liền với sự hình thành, phát sinh, phát triển của nền công vụ. Năng lực, hiệu quả hoạt động của nền công vụ được quyết định bởi trình độ, năng lực của công chức.

Ở Việt Nam, qua các thời kỳ, quan niệm về công chức cũng đã có một số thay đổi. Sự hình thành khái niệm công chức được gắn liền với sự phát triển của nền hành chính nhà nước. Theo quy định tại điều 1, Sắc lệnh số 76/SL ngày 20/5/1950 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà về quy chế công chức Việt Nam thì công chức là "những công dân Việt Nam được chính quyền nhân dân tuyển để giữ một chức vụ thường xuyên trong cơ quan Chính phủ, ở trong hay ở ngoài nước, đều là công chức theo quy chế này, trừ

những trường hợp riêng biệt do Chính phủ quy định". Sau đó một thời gian dài, ở Việt Nam ít sử dụng khái niệm "công chức" mà thay vào đó là khái niệm cán bộ, công nhân viên chức nhà nước và cũng không phân biệt rạch ròi công chức với viên chức.

Bước sang thời kỳ đổi mới (năm 1986), trước yêu cầu khách quan cần cải cách nền hành chính và đòi hỏi phải chuẩn hoá đội ngũ cán bộ công chức nhà nước, khái niệm "công chức" được sử dụng trở lại trong Nghị định 169/HĐBT ngày 25/5/1991. Theo đó những người được coi là công chức phải đáp ứng được những điều kiện sau: là công dân Việt Nam; được tuyển dụng và làm việc trong biên chế chính thức của nhà nước; được giao giữ một công vụ thường xuyên trong các công sở của Nhà nước, ở Trung ương hay địa phương, ở trong hay ngoài nước; được xếp vào một ngạch.

Pháp lệnh Cán bộ - công chức được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 9 tháng 3 năm 1998 có đối tượng điều chỉnh chung là cán bộ, công chức. Tất cả những người làm việc trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị xã hội đều được gọi chung là cán bộ, công chức. Tuy nhiên, có một nhóm đối tượng được phân loại với tên gọi là công chức. Để cụ thể hoá thuật ngữ công chức, nghị định 117/2003/NĐ-CP quy định: Công chức nói tại Nghị định này là công dân Việt Nam, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước được quy định tại Điều 1 của Pháp lệnh Cán bộ, công chức, làm việc trong các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội

Khác với công chức của nhiều nước trên thế giới, ở Việt Nam, khái niệm công chức được hiểu rộng hơn. Công chức Việt Nam không chỉ có những người làm việc trong các cơ quan nhà nước ở cả ba bộ phận lập pháp, hành pháp và tư pháp từ cấp Trung ương tới địa phương mà còn bao gồm những người hoạt động trong tổ chức chính trị (Đảng Cộng sản Việt Nam), các tổ chức chính trị - xã hội (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí

Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) và trong các cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, "công chức" là những người được tuyển dụng qua thi tuyển và bổ nhiệm chính thức vào một chức vụ trong một ngạch của các cơ quan, công sở hành chính, sự nghiệp của Nhà nước, làm việc thường xuyên, toàn bộ thời gian, được hưởng lương từ ngân sách nhà nước có tư cách pháp lý trong khi thi hành công vụ của Nhà nước [108, tr.1]

Còn theo Đại Từ điển tiếng Việt, "công chức" là những người làm việc trong cơ quan nhà nước và hưởng lương từ ngân sách nhà nước [107].

Theo Luật Cán bộ, công chức năm 2008, công chức được xác định là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; Trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội (sau đây gọi chung là sơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; Đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật[90].

Khái niệm công chức có nội hàm rộng. Trong khuôn khổ phạm vi của đề tài "Sự biến đổi đạo đức công vụ của đội ngũ công chức dưới tác động của kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay", tác giả luận án sử dụng khái niệm công chức theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và viên chức năm 2019. Theo đó,

Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã

hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước[94].

Trong hoạt động công vụ, cán bộ, công chức, viên chức là những thuật ngữ cơ bản, thường xuyên xuất hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong điều kiện thể chế chính trị của Việt Nam, có một điểm đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức luôn có sự liên thông với nhau. Theo yêu cầu nhiệm vụ, cơ quan có thẩm quyền có thể điều động, luân chuyển họ giữa các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội. Với điểm đặc thù này, khi tập trung làm rõ khái niệm “công chức” thì cũng phần phải xác định và phân biệt nó với những khái niệm liên quan như “cán bộ” và “viên chức” . Đây là vấn đề cơ bản, quan trọng, là một nhu cầu cần thiết xuất phát từ thực tiễn đổi mới cơ chế quản lý đặt ra hiện nay.

Theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt, cán bộ là người làm việc trong cơ quan, đoàn thể, đảm nhiệm một công tác lãnh đạo hoặc công tác quan lý, công tác nghiệp vụ chuyên môn nhất định.

Luật Cán bộ, công chức 2008 xác định, Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quạn, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước [94, khoản 2, Điều 4]

Theo quy định của Luật cán bộ, công chức thì cán bộ và công chức có những tiêu chí chung là: công dân Việt Nam; trong biên chế; hưởng lương từ Ngân sách nhà nước (trường hợp công chức làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì tiền lương được bảo đảm từ quỹ

lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật); giữ một công vụ thường xuyên; làm việc trong công sở; được phân định theo cấp hành chính (cán bộ ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ cấp xã; công chức ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; công chức cấp xã). Bên cạnh đó, giữa cán bộ và công chức được phân định rõ theo tiêu chí riêng, gắn với nguồn gốc hình thành.

Khác với cán bộ, công chức,Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật[91, Điều 2]

Khác với chức năng vận hành quyền lực nhà nước, thực hành quản lý của công chức, đội ngũ viên chức thực hiện chức năng xã hội, trực tiếp thực hiện nghiệp vụ, được xét tuyển hoặc ký hợp đồng làm việc, đực hươnhr lương từ ngân sách nhà nước hoặc nguồn thu từ các đơn vị sự nghiệp, làm việc ở các đơn vị sự nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp của các tổ chức xã hội .Trong thực tế, viên chức và công chức có thể chuyển hóa nhau khi đáp ứng những quy định mà luật đề ra.

Một phần của tài liệu Luận án Trương Thị Phương Thảo (Trang 32 - 36)