Quan liêu, tham nhũng xét về bản chất là sự tha hóa quyền lực của cơ quan công quyền. Là sự biến đổi đạo đức công vụ theo hướng tiêu cực, sự tha
hóa này biểu hiện chủ yếu ở bên ngoài là hiện tượng giấy tờ, bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian và ở bên trong là tâm lý hám danh, chạy theo thành tích, địa vị, chức quyền và lợi dụng địa vị chức quyền, lợi dụng sơ hở của cơ chế quản lý để mưu cầu lợi ích cá nhân dẫn tới lạm quyền và lộng quyền. Quá trình vận hành nền công vụ nước ta những năm gần đây đã xuất hiện tình trạng quan liêu, xa rời quần chúng ở một bộ phận công chức.Tình trạng này đang diễn ra ngày càng phức tạp, có dấu hiệu ngày càng lan rộng như Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã chỉ rõ: là căn bệnh tồn tại khá phổ biến và gây hại trực tiếp đến sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Biểu hiện của "căn bệnh" này được thể hiện ở cả suy nghĩ, thái độ, hành vi và việc làm cụ thể ở một bộ phận công chức khi thực thi nhiệm vụ nhà nước. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đánh giá: thời gian qua, có những cán bộ thiếu kiểm tra, đôn đốc, không sâu sát, nắm chắc tình hình cơ sở, vì thế mắc vào "bệnh" xa quần chúng, bàn giấy,… dẫn đến lý luận suông, xây dựng kế hoạch thực hiện không sát với thực tế. Đó còn là biểu hiện ở cách làm việc quan cách, cửa quyền, hách dịch, thiếu dân chủ, theo kiểu đóng cửa làm kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo, hoặc chỉ biết mệnh lệnh hành chính, không làm cho dân hiểu, dân theo, gây bức xúc, giảm lòng tin của nhân dân vào Nhà nước, v.v. Điều này diễn ra khá phổ biến ở cách làm việc của công chức khi giải quyết các vấn đề về đất đai, đền bù giải tỏa,… dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài ở nhiều địa phương trong thời gian qua. Đó còn là thái độ thờ ơ, vô cảm, tắc trách, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi quyền lợi chính đáng của nhân dân; thấy những việc có hại đến nhân dân vẫn làm ngơ, không giải quyết, hoặc đùn đẩy trách nhiệm. Thậm chí, những ý kiến đúng, nêu rõ vấn đề thì họ dìm đi, làm cho dân chúng nghi ngờ, thậm chí bất mãn, không ủng hộ,… dẫn đến thất bại.
Phòng, chống bệnh quan liêu, tham nhũng ở đội ngũ công chức hiện là nhiệm vụ cấp bách và cần tập trung vào các giải pháp sau:
Thứ nhất, tuyên truyền phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích
cực, thống nhất có hiệu quả từ nhận thức đến hành động của cán bộ, công chức, viên chức trong việc phòng, chống tham nhũng.
Tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện, củng cố đội ngũ công chức cấp cơ sở liêm chính, có chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; kiểm tra giám sát, ngăn ngừa việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ công chức chính quyền cấp cơ sở trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng; ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động gây lãng phí, thất thoát kinh phí và tài sản trong cơ quan, đơn vị cơ sở; phát huy vai trò phản biện xã hội về phòng chống tham nhũng; kịp thời ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tiêu cực tham nhũng trong toàn hệ thống chính quyền. Đồng thời, tập trung công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng; Luật phòng chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành; nội dung cơ bản của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đến toàn thể cán bộ, công chức cơ sở; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, các giải pháp nhằm nâng cao năng lực phát hiện, xử lý tham nhũng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức cấp cơ sở nhằm ngăn chặn, phòng ngừa có hiệu quả những hành vi tham nhũng.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng.
Hoàn thiện các quy định để quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thu chi ngân sách của cơ quan Nhà nước các cấp như các khoản chi cho đầu tư xây dựng, chi thường xuyên, chi phí hội nghị, lễ hội, tiếp khách. Công khai các chế độ, định mức, tiêu chuẩn và việc thực hiện chế độ định mức tiêu chuẩn sử dụng tài sản công của cán bộ công chức, trước hết là người đứng đầu cơ quan tổ chức đơn vị, minh bạch tài sản thu nhập, việc thực thi công vụ ở những vị trí trực tiếp giải quyết yêu cầu của công dân và doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong
các lĩnh vực gắn liền với quyền lợi của người dân, doanh nghiệp như: đất đai, tài nguyên, thuế, ngành nghề kinh doanh nhạy cảm... Rà soát việc tổ chức, triển khai thực hiện các văn bản pháp luật của Trung ương và địa phương nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu quản lý, đồng thời không gây khó khăn, phiên hà cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức - cán bộ nhằm góp phần chống tham nhũng.
Đi đôi với hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng là việc lựa chọn và sử dụng cán bộ. Ở nước ta, để khắc phục bệnh quan liêu trong một số cán bộ, công chức hiện nay, công tác lựa chọn cán bộ và bố trí cán bộ phải thật sự đáp ứng được sự nghiệp đổi mới. Trước tác động của kinh tế thị trường, để ngăn ngừa những biến đổi tiêu cực của đạo đức công vụ không chỉ dựa vào sự nỗ lực tự giác của mỗi công chức trong việc phấn đấu, rèn luyện về đức và tài, không chỉ đòi hỏi mỗi tổ chức cần phải đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, mà còn phải chấn chỉnh tổ chức, gắn chặt với công tác tổ chức, khắc phục triệt để những yếu kém, sai lầm trong công tác tổ chức cán bộ, nhất là đánh giá, tuyển chọn, bố trí, sử dụng cán bộ. Vì thế, phải ra sức cải cách thể chế, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ theo hướng đánh giá đúng cán bộ và sử dụng đúng cán bộ, thực hiện dân chủ hóa trong công tác cán bộ, khắc phục bằng được hiện tượng bổ nhiệm và sử dụng cán bộ theo cách nói của nhân dân là: "nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba đồ đệ, bốn tiền tệ, năm trí tuệ"; kịp thời thay thế những cán bộ, công chức yếu về năng lực, kém về phẩm chất. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới, phát triển kinh tế thị trường gắn với hiện đại hóa nền công vụ, đội ngũ công chức phải là những người có phẩm chất chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có năng lực hoạt động thực tiễn.
Cùng với đó, cần xây dựng và hoàn thiện chức danh cho từng loại cán bộ và kết hợp với dân chủ hóa trong công tác cán bộ. Có như vậy, chúng ta mới tìm được những cán bộ giỏi, có trí tuệ, có bản lĩnh cho Đảng và Nhà nước, loại trừ được những phần tử cơ hội chui vào bộ máy Nhà nước ta. Thực hiện chế độ trách nhiệm cá nhân, chế độ công tác ở mỗi cơ quan, đơn vị; làm
tốt công tác kiểm tra công việc thực tế là thiết thực chống chủ nghĩa quan liêu, giấy tờ loại trừ "bệnh bàn giấy".
Thứ tư, tăng cường vai trò giám sát trong công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng.
Kiểm tra là một hoạt động thiết yếu của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội, thông qua công tác kiểm tra nhằm phát hiện những khuyết điểm sai lầm trong tổ chức, chỉ đạo, trong việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Ở nước ta, việc kiểm tra, thanh tra từ nhân dân tuy đã được chế định bằng pháp luật, được thể hiện ở tư tưởng, quan điểm của Đảng nhưng một số nơi mới chỉ dừng lại ở nhận thức, chưa thật sự đi vào cuộc sống, chưa trở thành việc làm thường xuyên của nhân dân. Vì thế, nếu không làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra sẽ không phát hiện được những trường hợp lợi dụng chức quyền vi phạm pháp luật, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói - "muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo
kiểm soát" [71, tr.327]. Theo đó, phải có biện pháp bảo vệ an toàn và kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân dũng cảm tố cáo, phát hiện những hành vi quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và có chính sách truyền thông đúng đắn, phát huy vai trò và trách nhiệm của bộ phận tuyên truyền trong phòng, chống tham nhũng. Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực về công tác phòng, chống tham nhũng. Xây dựng kế hoạch phối hợp giữa tổ chức đảng các đoàn thể quần chúng và chính quyền cơ sở trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, duy trì công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí một cách thường xuyên, liên tục, có biện pháp chặt chẽ, không để sơ hở trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ đối với tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị như Đảng ta đã xác định: "Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng
Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội" [27, tr.286].
Hiện nay quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, ức hiếp, trù dập quần chúng vẫn đang là những trở lực lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. Quan liêu đang tạo ra những khoảng cách lớn, tổn thương lớn đến mối quan hệ máu thịt giữa cơ quan Nhà nước với nhân dân, giữa cán bộ nhà nước với dân. Bệnh quan liêu không dừng lại ở chỗ làm cho một số công chức đi đến thoái hóa, biến chất, mà còn làm cho bộ máy của Nhà nước, các tổ chức xã hội kém hiệu lực, thậm chí có lúc bị tê liệt, trong đó công tác tổ chức - cán bộ không là một ngoại lệ. Một khi đã tẩy trừ được bệnh quan liêu, tham nhũng là chúng ta khôi phục tính liêm chính, lòng trung thực của người cán bộ nhà nước, là góp phần làm cho đội ngũ công chức thật sự là "lương tâm trí tuệ - niềm tin" của nhân dân.