Đạo đức là một trong những hình thái ý thức xã hội xuất hiện tương đối sớm. Ngay từ khi còn sống thành từng bầy đàn trong các hang động hay các khu rừng nhiệt đới, con người đã biết đề ra các quy tắc, chuẩn mực dùng để điều chỉnh hành vi của các thành viên trong các thị tộc, bộ lạc như: không được lấy phần của nhau, không được đàn áp nhau v.v.. Đây chính là các quy tắc, chuẩn mực đạo đức đầu tiên của con người. Do trình độ nhận thức của con người thấp, lực lượng sản xuất chưa phát triển, quan hệ xã hội còn đơn giản nên ý thức của con người lúc này "cũng mang tính động vật như chính đời sống xã hội ở giai đoạn ấy; đó là một ý thức quần cư đơn thuần" [65,
tr.44]. Do đó, các quy tắc chuẩn mực đạo đức này cũng còn hết sức sơ khai. Cùng với sự phát triển của sản xuất, sự gia tăng về nhu cầu và dân số, trình độ nhận thức của con người ngày một cao hơn, phân công lao động xuất hiện, giới tự nhiên bây giờ không còn là thù địch, đối lập và không hiểu nổi đối với con người nữa. Con người từng bước làm chủ giới tự nhiên và làm chủ cả chính mình và ý thức của họ cũng từng bước được "giải thoát" ra khỏi tình trạng "hỗn mang" để trở thành những hình thái ý thức độc lập, trong đó có ý thức đạo đức.
phạm trù “đạo”. Ban đầu, “đạo” có nghĩa là “con đường”, “lối đi”, về sau, “đạo” trở thành một trong những phạm trù quan trọng nhất khi được dùng để chỉ con đường của tự nhiên, tính quy luật của tự nhiên. Trong đời sống, “đạo” còn có nghĩa là phép tắc đối xử trong xã hội, mọi người đều phải biết và tuân thủ. Lâu dần cách hiểu này trở thành khái niệm đạo đức. Như nậy, ngay từ khi ra đời, đạo đức đã mang ý nghĩa là cách thức, là lối sống của các cá nhân trong xã hội buộc mọi người phải tuân theo. Bất cứ xã hội nào cũng có đạo đức phù hợp với nó. Đạo đức sinh ra từ chính nhu cầu của thực tế đời sống xã hội và phát triển con người.
Cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất cao về khái niệm đạo đức [theo
8;
18; 20; 59; 96]. Về mặt khoa học thì đây không phải là điều gì quá khó hiểu. Bởi lẽ như Ph.Ăngghen đã từng viết: "Đứng về một khoa học mà nói, thì mọi định nghĩa đều chỉ có một giá trị nhỏ thôi" [67, tr.121]. Hơn nữa, đạo đức - ở góc độ nào đó là một hiện tượng xã hội phong phú, có nhiều mặt phải quan sát, do đó, định nghĩa mà người ta đưa ra trên cơ sở các mặt khác nhau ấy cũng không thể giống nhau. V.I.Lênin đã từng nói: "có thể có nhiều định nghĩa, bởi vì đối tượng có nhiều mặt" [62, tr.256].
Do tính phức tạp và đa nghĩa của khái niệm đạo đức nên phạm trù này thường được hiểu khác nhau tùy theo cách tiếp cận
Thứ nhất, dưới góc độ triết học, đạo đức là “một trong những hình thái ý thức xã hội, một chế định xã hội thực hiện chức năng điều chỉnh hành vi của con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội…” [76, tr.157]. Nó xuất hiện do nhu cầu tồn tại của xã hội loài người và hình thành nên hành vi đạo đức. So với các hình thái ý thức xã hội khác, đạo đức là một trong những hình thái xuất hiện sớm nhất trong lịch sử loài người; bao gồm những chuẩn mực hành vi xã hội của con người hướng thiện, tránh ác. Vì là một hình thái ý thức xã hội nên trong những chế độ xã hội khác nhau, quan niệm về đạo đức và hành vi đạo đức cũng không hoàn toàn giống nhau. Hơn nữa, đạo đức và hành
vi đạo đức bao giờ cũng gắn với những chủ thể nhất định. Bởi, đạo đức là một hiện tượng lịch sử và xét cho cùng, là sự phản ánh các quan hệ xã hội. Do vậy, trong quan niệm và hành vi đạo đức, không thể tránh khỏi sự ảnh hưởng bởi yếu tố chủ quan của mỗi chủ thể nhất định. Vì thế, mỗi xã hội, mỗi nhóm xã hội, mỗi cá nhân có thể lý giải cái thiện (đạo đức), cái ác (vô đạo đức) theo những cách khác nhau, tùy theo quan niệm sống và lợi ích của mình. Nhưng điều đó không có nghĩa mỗi chủ thể có thể tùy tiện đặt ra cho mình đạo đức, hành vi đạo đức riêng. Vì trên hết tất cả, về cơ bản, do có chung nguồn gốc (đồng loại) nên đạo đức có mẫu số chung được gọi là đạo đức nhân loại (đạo làm người). Và hàng vạn năm tồn tại của xã hội loài người (với tư cách là chủ thể lớn nhất) đã tạo nên những giá trị đạo đức có tính phổ biến, của chung tất cả mọi người như công bằng, dũng cảm, vị tha, nhân từ … Đạo đức được hình thành từ những quan hệ xã hội, mà suy cho cùng là do hoạt động xã hội; trong đó, lao động xã hội của con người giữ vai trò to lớn. Vì thế, đạo đức là một trong “tiểu hệ thống” hợp thành hệ thống giá trị xã hội nói chung.
Thứ hai, đạo đức với tư cách là một thể chế xã hội. Khác với các thể chế xã hội có những quy tắc bắt buộc mọi người phải tuân theo (như pháp luật), đạo đức không có quy tắc bắt buộc và thường là không có văn bản quy định. Các quan hệ đạo đức thường được điều tiết bằng hai yếu tố: dư luận (khách quan) và lương tâm (chủ quan). Một hành vi nào đó, có thể không bị pháp luật trừng phạt nhưng bị dư luận và lương tâm lên án (không phải vì thế mà sức mạnh điều tiết của đạo đức lại kém hơn của pháp luật). Đây chính là vai trò nổi bật của đạo đức trong việc điều chỉnh hành vi của các cá nhân trong xã hội, hướng hành vi của họ đến các hành vi đạo đức.
Thứ ba, đạo đức với tư cách là một loại chuẩn mực xã hội. Đây là loại chuẩn mực được phần lớn mọi người thừa nhận nhưng thường không được ghi nhận thành văn bản. Đó là phép tắc về quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với tập thể, với xã hội. Đạo đức hình thành từ trong các quan
hệ xã hội; trong đó, lao động xã hội của con người giữ vai trò quan trọng. Vì thế, ngay từ đầu đạo đức đã là một trong các yếu tố hợp thành hệ thống giá trị xã hội.
Như thế, đạo đức giúp con người xác định ý nghĩa cuộc đời thể hiện qua nghĩa vụ và lương tâm của mình. Theo nghĩa hẹp nhất, đạo đức thể hiện sự tự nhận thức và quyền tự do của con người. Lợi ích cá nhân và xã hội trong xã hội có giai cấp là hai mặt đối lập nhau được thể hiện qua phạm trù đạo đức như là “mối bất hòa giữa nghĩa vụ và ham muốn, giữa tính cá nhân và tính ích kỷ” [76, tr.290]. Xu hướng phát triển cơ bản của đạo đức ngày nay là sự phát triển hài hòa giữa cá nhân và xã hội, giữa gia đình và cộng đồng, giữa quốc gia và quốc tế, giữa dân tộc và nhân loại.
Kế thừa các quan niệm đạo đức đã được công bố trong một số công trình khoa học, từ kết quả nghiên cứu của mình, chúng tôi quan niệm: đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tổng hợp các nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực nhằm đánh giá và điều chỉnh hành vi của con người trong mối quan hệ với nhau, với các cơ quan tổ chức và với xã hội. Đạo đức được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống dân tộc và sức mạnh dư luận xã hội.
Đạo đức vận hành như là một hệ thống tương đối độc lập của xã hội. Cơ chế vận hành của nó được hình thành trên cơ sở liên hệ và tác động lẫn nhau của những yếu tố hợp thành đạo đức. Ý thức đạo đức, hành vi đạo đức và quan hệ đạo đức là những yếu tố tạo nên cấu trúc đạo đức. Mỗi yếu tố không tồn tại độc lập, mà liên hệ tác động nhau, tạo nên sự vận động, phát triển và chuyển hóa bên trong của hệ thống đạo đức.