Tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân

Một phần của tài liệu Luận án Trương Thị Phương Thảo (Trang 94 - 100)

Trước đổi mới, với cơ chế kế hoạch hóa tập trung, người dân phải phục tùng Nhà nước theo mệnh lệnh; người lao động, cán bộ công, chức phục tùng, thực thi trách nhiệm theo các chỉ tiêu Nhà nước định sẵn. Do đó, dễ nảy sinh thái độ quan liêu, xa dân, hành dân. Sau đổi mới, đặc biệt từ khi bước vào kinh tế thị trường, tinh thần, thái độ của cán bộ, công chức có sự biến đổi nhanh chóng phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Mục tiêu của kinh tế thị trường là tối đa hóa lợi nhuận, mọi hoạt động phải hướng đến hiệu quả. Theo đó, yêu cầu đặt ra đối với hoạt động công vụ là nâng cao chất lượng phục vụ người dân và xã hội, thủ tục hành chính gọn, nhẹ, linh hoạt, nhu cầu của người dân được giải quyết kịp thời, hợp pháp, hợp tình. Muốn vậy, đội ngũ cán bộ, công chức phải không ngừng phát huy tinh thần lấy "dân làm gốc", tôn trọng, lắng nghe dân trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Cho đến nay, hầu hết công chức nước ta nhận thức rất rõ bổn phận và trách nhiệm của mình là công bộc của dân, phục vụ nhân dân, tự xác định

mình là người đại diện cho cơ quan Nhà nước để giải quyết nhu cầu và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Mặt khác, việc tăng cường giám sát hoạt động công vụ của cơ quan Nhà nước cũng như của người dân được xem là nhân tố khách quan buộc công chức luôn phải ý thức trách nhiệm và thái độ của mình trong thi hành công vụ.

Với sự hỗ trợ của các thiết bị khoa học, công nghệ, cộng với ý thức đạo đức công vụ ngày càng nâng cao, hiệu quả hoạt động công vụ, hoạt động phục vụ nhân dân của đội ngũ công chức ngày càng được cải thiện góp phần hình thành nền công vụ hiện đại, tạo động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Có thể thấy rõ điều này qua sự chuyển biến mang tính bước ngoặt ở một số bộ, ngành như: Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Hải quan, Kiểm toán Nhà nước...hay điển hình ở một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Nam Định, Hải Phòng....

Trong Báo cáo Chính phủ về Chỉ số hài lòng của người dân về dịch vụ hành chính công (Sipas) năm 2018 ngày 24/5/2019, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chỉ rõ: tỉ lệ hài lòng của người dân, tổ chức với chất lượng cung ứng dịch vụ công tại 63 tỉnh, thành phố dao động trong khoảng 69,98 đến 97,88%. Một nửa số tỉnh, thành được khảo sát cho thấy mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp là trên 80%. Cũng theo Bộ nội vụ: so với năm 2017, chỉ số hài lòng của người dân trong năm 2018 về sự phục vụ hành chính của các cơ quan nhà nước đã tăng 2%, nhờ các chỉ số thành phần như tiếp cận dịch vụ, thủ tục hành chính, thái độ phục vụ của công chức, kết quả trả dịch vụ đều cải thiện. Sipas 2018 cũng ghi nhận những phản ứng khá tích cực của người dân, tổ chức đối với quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công tại 63 tỉnh, thành phố. Số liệu khảo sát ghi nhận 100% người dân, tổ chức giao dịch dịch vụ hành chính tại bộ phận một cửa. Trong giải quyết thủ tục hành chính, chỉ có 78,2% người dân phải đi lại 1-2 lần, 93,8% thủ tục được giải quyết đúng hẹn, và trước hẹn, 97,55% người dân không bị làm phiền, sách nhiễu, và 98,58% không bị gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí [dẫn theo 12].

Những con số biết nói trên đây đã chứng tỏ tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân nói riêng, đạo đức công vụ của công chức nước ta nói chung đã có sự tiến bộ đáng kể. Từ một hệ thống hành chính nhà nước cồng kềnh, đội ngũ cán bộ công chức bị động, ỷ lại vào nhà nước, chuyên quyền trước dân, làm cho nhân dân e ngại khi phải đến các cơ quan công quyền hay cảm thấy mệt mỏi khi phải thực hiện các thủ tục hành chính với nhiều cấp trung gian, đến nay, đội ngũ công chức trở nên năng động, tôn trọng, lắng nghe dân, linh hoạt, sáng tạo hơn trong công việc; đoàn kết, nâng cao tinh thần tập thể trong thực thi nhiệm vụ của mình.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn và chịu sự tác động từ quá trình chuyển đổi nền kinh tế, nhưng về cơ bản đội ngũ cán bộ công chức nước ta đã và đang bám sát pháp luật, chính sách của Nhà nước trong điều hành và xử lý công việc. Họ biết kết hợp chuẩn mực đạo đức với tri thức pháp luật, giáo dục đạo đức với giáo dục pháp luật trong thực hành chuyên môn cũng như trong tự rèn luyện đạo đức cá nhân. Không khó để chúng ta nhận ra những người công chức luôn nỗ lực làm việc đến nơi đến chốn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, giữ vững phẩm chất, đạo đức cách mạng, trách nhiệm với công việc, trách nhiệm với nhân dân.

Chúng ta đang tiến hành cải cách nền hành chính Nhà nước với nhiều nhiệm vụ khó khăn, nặng nề. Trong đó, đội ngũ công chức đóng vai trò quyết định từ cải cách thể chế, tổ chức bộ máy cho đến xây dựng nguồn lực con người. Những chuyển biến tích cực, những tiến bộ trong tinh thần và thái độ phục vụ nhân dân, sự linh hoạt trong giải quyết thủ tục hành chính đã làm cho chất lượng đội ngũ công chức không ngừng được nâng cao, hiệu quả công vụ được cải thiện. Nhờ đó mà mức độ hài lòng của người dân đối với cán bộ công chức cũng như hoạt động công vụ ngày càng được củng cố.

Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố ngày 2/4/2019 cho thấy, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2018 có nhiều cải thiện, người dân hài lòng hơn với mức độ công khai, minh

bạch của các hoạt động công vụ cũng như thái độ phục vụ của đội ngũ công chức các cấp. Lĩnh vực dịch vụ và thủ tục hành chính công có nhiều khởi sắc, có sự cải thiện từng bước ở cả bốn nhóm dịch vụ và thủ tục hành chính công, gồm dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền cơ sở; dịch vụ cấp giấy phép xây dựng; dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; và dịch vụ hành chính công cấp xã/phường. Bộ Nội vụ cũng chỉ rõ: so với năm 2017, chỉ số hài lòng của người dân trong năm 2018 về sự phục vụ hành chính của các cơ quan nhà nước đã tăng 2%, nhờ các chỉ số thành phần như tiếp cận dịch vụ, thủ tục hành chính, thái độ phục vụ công chức, kết quả trả dịch vụ đều cải thiện [13]. Đây chưa phải là tất cả, nhưng những con số biết nói này đã ít nhiều cho thấy những biến đổi tích cực trong tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ công chức Việt Nam thời gian qua.

Cùng với lợi thế được đào tạo và bồi dưỡng về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, môi trường làm việc cũng được cải thiện một cách đáng kể, góp phần kích thích sự sáng tạo, cạnh tranh, trình độ, kinh nghiệm, công chức nước ta ngày càng thể hiện rõ hơn tính tự giác, cầu thị, chứng tỏ vai trò của mình với tư cách là những mắt xích quan trọng trong hệ thống công vụ của nhà nước. Trong thực thi công vụ, về cơ bản, công chức nước ta nhận thức được bổn phận của mình là công bộc của dân, phục vụ nhân dân với tinh thần liêm chính, có ý thức tổ chức kỷ luật với tinh thần trách nhiệm cao, cố gắng vượt qua mọi thách thức, cám dỗ từ tác động của cơ chế thị trường để hoàn thành trách nhiệm của mình.

Bản chất của Nhà nước ta là "Nhà nước của dân, do dân, vì dân". Công chức là "công bộc" của dân, phục vụ nhân dân thông qua hoạt động công vụ. Thế nhưng, trước tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân ở một bộ phận công chức có phần giảm sút. Trước sức mạnh của vật chất, trước cám dỗ của đồng tiền và quyền lực, một bộ phận công chức đã có biểu hiện xa dân, không còn xem người dân là trung tâm trong thực thi công vụ.Thậm chí, một số công chức có chức, quyền có biểu hiện quan liêu, nhũng nhiễu nhân dân, coi thường người dân, không lấy kết quả chăm lo đời sống của nhân dân làm thước đo sự lãnh đạo và phẩm chất

của mình.Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân ở một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức xuống cấp. Điều này làm cho mức độ hài lòng của người dân về công chức trong hoạt động công vụ cũng giảm đi ít nhiều.

Theo thống kê và phân tích của Sipas (Chỉ số hài lòng của người dân về hoạt động công vụ) năm 2018, cho thấy tỉ lệ người dân không hài lòng với sự phục vụ công chức tăng 1,96% so với năm 2017. Có 21 tỉnh, thành phố có chỉ số Sipas giảm 1 đến 2% so với cùng kỳ năm trước, tỉ lệ công chức gợi ý người dân nộp thêm tiền khi làm thủ tục hành chính cũng tăng 4,3%.Tỉ lệ trễ hẹn trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh lên tới 17,5%.

Không thể phủ nhận, nền kinh tế thị trường tạo ra cơ hội cho mỗi công chức cống hiến và thể hiện tài năng. Tuy nhiên, những cám dỗ mà nó đưa lại đã làm cho một bộ phận không nhỏ công chức sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi. Tình trạng chạy theo quyền lực, ham quyền, tham quyền cũng dẫn tới thái độ phục vụ nhân dân nhiều nơi, nhiều lúc chưa tốt. Hậu quả của thái độ đó là bệnh xa dân. Bởi, một số ít cán bộ, công chức không do năng lực, không vì tâm huyết với dân, với Đảng nhưng lại "chui" được vào bộ máy công quyền, họ chỉ lo kéo bè, kéo cánh tạo những nhóm lợi ích và mải thu vén cá nhân mà không lo cho dân. Vì kém tài, kém đức lại ham quyền lực "coi Đảng như một cái cầu thang để thăng quan phát tài... tự cho mình có quyền sống xa hoa hưởng lạc, từ đó mà đi đến tham ô, trụy lạc, thậm chí sa vào tội lỗi" [74, tr.37], từ đó mà càng ngày càng xa dân, xa rời tôn chỉ mục đích cán bộ là công bộc của nhân dân.

Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đánh giá: thời gian qua, có những công chức lãnh đạo thiếu kiểm tra, đôn đốc, không sâu sát, nắm chắc tình hình cơ sở, vì thế mắc vào "bệnh" xa quần chúng, bàn giấy,… dẫn đến lý luận suông, xây dựng kế hoạch thực hiện không sát với thực tế. Đó còn là biểu hiện ở cách làm việc quan cách, cửa quyền, hách dịch, thiếu dân chủ, theo kiểu đóng cửa làm kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo, hoặc chỉ biết mệnh lệnh hành chính, không làm cho dân hiểu, dân

theo, gây bức xúc, giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, v.v.. Điều này diễn ra khá phổ biến ở cách làm việc của cán bộ khi giải quyết các vấn đề về đất đai, đền bù giải tỏa,… dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài ở nhiều địa phương trong thời gian qua (như ở Nghệ An, Hà Nội, Phú Thọ...).

Lối làm việc xa dân ở công chức còn được thể hiện ở thái độ thờ ơ, vô cảm, tắc trách, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân; thấy những việc có hại đến nhân dân vẫn làm ngơ, không giải quyết, hoặc đùn đẩy trách nhiệm. Thậm chí, những ý kiến đúng, nêu rõ vấn đề thì họ dìm đi, làm cho dân chúng nghi ngờ, thậm chí bất mãn, không ủng hộ,… dẫn đến thất bại. Như câu chuyện chậm giải quyết giấy chứng tử cho người dân ở phường Văn Miếu (Hà Nội) năm 2017: chỉ vì "cán bộ phường lười" mà "bắt người chết nằm chờ giấy khai tử" ảnh hưởng tới thời gian tổ chức tang lễ cho người dân. Thậm chí, người dân còn phải "lót tay" cán bộ để làm nhanh giấy tờ ở phường Văn Miếu kể cả giấy chứng tử.

Câu chuyện "hành dân" ở ủy ban nhân dân thị trấn U Minh (huyện U Minh, Cà Mau) vào tháng 10 năm 2019 cũng là điều đáng tiếc về thái độ làm việc của công chức địa phương với nhân dân. Theo đó, cán bộ tư pháp của thị trấn U Minh đã làm khó dân khi làm thủ tục hành chính. Người dân đã phải 5 lần đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thì được công chức Tư pháp - Hộ tịch yêu cầu ngồi chờ. Sau đó người dân đã phải chi hai trăm nghìn mới được nhận kết quả. Sau khi nhận được giấy khai sinh, người dân yêu cầu được làm thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, công chức Tư pháp - Hộ tịch đã từ chối với lý do "thủ tục đó từ từ đi, chưa thực hiện liền được". Theo quy định của Nhà nước thì hai thủ tục này phải được thực hiện đồng thời và trả cùng lúc hai kết quả. Câu chuyện dù chỉ là điển hình ở một vài địa phương nhỏ nhưng ý thức và thái độ làm việc quan liêu, thậm chí xúc phạm người dân khi họ cần được giúp đỡ, hướng dẫn là những ví dụ đáng buồn về đạo đức công vụ trong nền hành chính nước ta hiện nay.

Đảng, chính sách của Nhà nước là đúng nhưng khi tổ chức thực hiện sai vì không áp dụng đúng với thực tiễn đa dạng, phong phú, không đến được với người dân, không làm cho dân tin, dân hiểu, dân theo, gây bức xúc làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Mặt khác, bệnh xa dân còn gây nguy hại ở việc không thấy được vai trò, sứ mệnh, sức mạnh quần chúng đối với lịch sử, không phát huy được sức mạnh của quần chúng nhân dân. Bệnh xa dân làm nguy hại thêm tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ công chức, là "đồng minh tự nhiên" của các thế lực phản động, thù địch với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Xa dân, quan liêu, tham quyền.v.v. trở thành mắt xích yếu nhất để kẻ thù lợi dụng lôi kéo, mua chuộc làm cho cán bộ, đảng viên, công chức sa ngã, làm suy yếu chính quyền, làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân.

Sự xuống cấp về tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân trong hoạt động công vụ của một bộ phận công chức không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động hành chính trong mỗi cơ quan, đơn vị nói riêng, cả nền công vụ nói chung mà còn làm cho khoảng cách giữa công chức với quần chúng nhân dân ngày càng xa, mối quan hệ của công chức trong hệ thống công vụ nhà nước cũng trở nên hình thức, khiên cưỡng. Đây là một trong những tồn tại cần sớm khắc phục để xây dựng nhà nước kiến tạo, phát triển.

Một phần của tài liệu Luận án Trương Thị Phương Thảo (Trang 94 - 100)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(170 trang)
w