Vấn đề tự tu dƣỡng, tự rèn luyện của bản thân ngƣời công chức

Một phần của tài liệu Luận án Trương Thị Phương Thảo (Trang 100 - 104)

Xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường đặt ra nhu cầu ngày càng cao đối với chất lượng nguồn nhân lực. Trước áp lực đó, đội ngũ công chức trong nền công vụ tất yếu phải không ngừng học tập, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp phù hợp với cơ quan, đơn vị và ngành mình. Trong rèn luyện đạo đức công vụ, nâng cao ý thức tự tu dưỡng, tự rèn luyện, nghiêm khắc với chính bản thân mình, thực hành cần,kiệm, liêm, chínhlà một trong những nội dung cốt lõi.

Trước tác động của nền kinh tế thị trường, đặc biệt là ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đội ngũ công chức nước ta không ngừng học tập để nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ và năng

lực quản lý, rèn luyện phương pháp làm việc khoa học và sáng tạo, có ý thức tu dưỡng, xây dựng lối sống lành mạnh, giản dị, tiết kiệm, kiên quyết chống tệ tham nhũng, quan liêu, xa dân; chấp hành nghiêm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, luôn tôn trọng lẽ phải, thực hiện công bình chính trực, sống có trách nhiệm với đất nước, với nhân dân và với chính mình [dẫn theo 12].

Nhiều tấm gương sáng về đạo đức, lối sống trung thực, liêm khiết, năng động, sáng tạo đã góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới, đồng thời là chất xúc tác cho sự phát triển của đội ngũ công chức kế cận ngày càng hoàn thiện hơn cả về tài lẫn đức. Có thể kể đến công chức Nguyễn Văn Hòa (công ty khai thác thủy điện Đồng Nai), người kiên quyết từ chối một dự án xây dựng gần 14 tỷ đồng của cơ quan chức năng cấp tỉnh, đưa ra một đề án chỉ tốn vài trăm triệu đồng mà hiệu quả không kém đã tiết kiệm quỹ công ích cả chục tỷ đồng; công chức Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt (thành phố Hồ Chí Minh) tố cáo đường dây sản xuất, kinh doanh sách lậu tại Công ty cổ phần In (tỉnh Thái Nguyên) tiêu thụ tại thành phố Hồ Chí Minh, thu hồi trên 100.000 cuốn sách lậu. Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, bóc dỡ toàn bộ đường dây sản xuất, kinh doanh sách lậu liên tỉnh, xử lý kỷ luật giám đốc và phó giám đốc Công ty cổ phần In Thái Nguyên, truy nã chủ nhân các lô hàng in lậu. Hay như Phóng viên Hoài Nam (Báo Thanh niên) là tác giả của nhiều bài điều tra về tham nhũng v.v..

Tinh thần chống tiêu cực, lên án gian lận thi cử trong ngành giáo dục tại trường trung học phổ thông Phú Xuyên A (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) của thầy giáo Đỗ Việt Khoa là những ví dụ điển hình. Hay quyết tâm chống sai phạm trong ngành y của y tá Hoàng Thị Nguyệt tại bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) năm 2012. Khi phát hiện điều bất thường trong việc xét nghiệm máu một cách "thần tốc" và tình trạng phiếu xét nghiệm trùng kết quả, nhiều bệnh nhân bị chẩn đoán lâm sàng là đau ruột thừa nhưng kết quả xét nghiệm lại không thể hiện điều đó, chị Nguyệt đã theo dõi, thu thập chứng cứ gần một năm để đưa sự việc ra ánh sáng. Tinh thần đấu tranh chống tiêu cực của Thầy Khoa và y tá Nguyệt, dù chỉ diễn ra ở địa phương nhưng có ảnh hưởng lớn tới hiệu

quả của ngành giáo dục, ngành y tế cả nước. Đó cũng là những tấm gương đạo đức sáng ngời của người công chức trong nền công vụ nước ta hiện nay: giản dị, thanh liêm, đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái sai trong đơn vị mình, ngành mình và là biểu hiện sinh động của ý thức tự phấn đấu, tự tu dưỡng của người công chức trong việc hướng tới xây dựng nền hành chính trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, quá trình vận hành nền công vụ trong điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay đang phải chứng kiến những biến đổi lệch chuẩn trong ý thức tự rèn luyện, ý thức "giữ mình" của đội ngũ công chức. Trước sức mạnh của lợi ích vật chất, trước cám dỗ của đồng tiền, đã xuất hiện một bộ phận công chức làm trái với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức người cán bộ cách mạng. Họ có khuynh hướng chạy theo lợi ích vật chất, sống ích kỷ; ngày càng lười học tập, ngại rèn luyện, sợ khó khăn. Đâu đó, người ta nói đến công chức này, cán bộ kia lợi dụng kẽ hở của pháp luật để đạt được lợi ích cá nhân thay vì phải nỗ lực, phấn đấu, tu dưỡng bản thân. Từ sai lầm, tiêu cực trong ý thức dẫn tới sai phạm trong hành vi và lệch chuẩn trong các quan hệ đạo đức công vụ. Đó là tệ quan liêu, bất liêm, tham nhũng, xa dân, hành dân. Tại Đại hội lần thứ XII, Đảng ta nhận định "tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi" [30, tr.61].

Tinh thần đồng cam, cộng khổ với nhân dân ngày càng trở nên xa hơn một khi mục tiêu cuối cùng của một bộ phận công chức là giành lại các giá trị cho bản thân chứ không phải cho cộng đồng, người dân hay xã hội. Mọi khả năng, tâm trí của họ dồn hết vào cuộc tranh giành quyền lực để có lợi ích, bổng lộc nhiều hơn người khác. Với những người có chức, có quyền mang trong đầu chủ nghĩa cá nhân thì họ có vô số "cơ hội" để giành về cho mình những lợi ích cá nhân không chính đáng. Không ít cán bộ lợi dụng chức quyền để nhận hối lộ, tham nhũng gây tổn thất cho nhân dân và Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Công chức lãnh đạo trong các vụ án: "Nhận hối lộ, Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả

nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng công ty viễn thông MobiFone; "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB), Phú Thọ; hay vụ án "Vi phạm quy định về quản lý đất đai, Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Đà Nẵng... đã và đang gây bức xúc lớn trong nhân dân và xã hội.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tính đến tháng 8/2019,Thành phố Hồ Chí Minh đã kỷ luật 1.219 đảng viên, cách chức 44, khai trừ 126, đề nghị kỷ luật một đồng chí thuộc diện Trung ương quản lý; Nghệ An kỷ luật 2.103 đảng viên, cách chức 67, khai trừ 36; Hà Nội kỷ luật 2.054 đảng viên, cách chức 17, khai trừ 184; Cần Thơ kỷ luật 327 đảng viên, khai trừ 18; Phú Thọ kỷ luật 829 đảng viên, khai trừ 7 đảng viên tham nhũng; Bắc Giang kỷ luật 776 đảng viên, cách chức 26, khai trừ 8; Ninh Bình kỷ luật 710 đảng viên, cách chức 8, khai trừ 56; Đà Nẵng kỷ luật 2 ủy viên Thường vụ Thành ủy, 2 giám đốc sở, nhiều cán bộ cấp sở và tương đương; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk kỷ luật 59 đảng viên có dấu hiệu tham nhũng, cố ý làm trái; 2 cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý;…[100].

Theo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2018 khi tiến hành khảo sát về hiện tượng tham nhũng và hối lộ trong khu vực công, cho thấy, tham nhũng vẫn là một trong những mối quan ngại hàng đầu trong công chúng. Tại Hội nghị tổng kết ngành Thanh tra năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019, ngành Thanh tra đã triển khai 7.166 cuộc thanh tra hành chính và 219.796 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; kiến nghị thu hồi hơn 29,7 nghìn tỷ đồng và đã thu hồi được 16.656 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2076 tập thể và cá nhân; ban hành 118.598 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức và cá nhân; xử phạt hành chính 2.965 tỷ đồng. Riêng thanh tra Chính phủ đã tiến hành 59 cuộc thanh tra, đã ban hành kết luận; kiến nghị thu hồi hơn 11,7 nghìn tỷ đồng, 278 ha đất; chuyển cơ quan điều tra xử lý 7 vụ. Đặc biệt, thanh tra Chính phủ đã

tập trung ban hành kết luận một số cuộc thanh tra, kiểm tra do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: Thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu; công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam; việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn; kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Hồ Chí Minh.

Thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 1.585 cuộc thanh tra trách nhiệm tại 2.716 cơ quan, đơn vị; qua thanh tra phát hiện 552 đơn vị có vi phạm; kiến nghị xử lý 459 tổ chức, 1.001 cá nhân; chấn chỉnh những khuyết điểm, tồn tại và chấn chỉnh nhiều thiếu sót, vi phạm trong thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Riêng thanh tra Chính phủ đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 23 kết luận thanh tra, thu hồi và xử lý về kinh tế hơn 12,1 nghìn tỷ đồng, đạt 86%, tăng 14% so với năm 2017 và là năm có tỷ lệ thực hiện kết luận thanh tra, thu hồi và xử lý về kinh tế vượt mục tiêu đề ra (85%).

Tất cả những sai phạm, khuyết điểm nêu trên do nhiều nguyên nhân, có cả khách quan lẫn chủ quan, nhưng chủ quan là chủ yếu. Trong đó, việc thiếu ý thức tự tu dưỡng, tự rèn luyện, tự "mỗi ngày phải rửa mặt" phải là nguyên nhân chính.

Một phần của tài liệu Luận án Trương Thị Phương Thảo (Trang 100 - 104)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(170 trang)
w