Một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến sự biến đổi đạo đức công vụ theo chiều hướng tiêu cực của một bộ phận công chức nước ta hiện nay là do tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường. Do đó hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải là một trong những giải pháp không thể thiếu được để khắc phục tình trạng biến đổi đó.
Sau hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã chuyển đổi thành công từ thể chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chế độ sở hữu và cơ cấu các thành phần kinh tế được đổi mới; Cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đã đi vào cuộc sống; Quản lý nhà nước về kinh tế được đổi mới từ can thiệp trực tiếp bằng mệnh lệnh hành chính vào hoạt động sản xuất kinh doanh chuyển sang quản lý bằng luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các công cụ điều tiết vĩ mô khác. Việc gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, xóa đói, giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta còn chậm. Một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu ổn định, thiếu nhất quán, còn biểu hiện cục bộ, chưa tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Hiệu quả hoạt động của các chủ thể kinh tế, các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế còn nhiều hạn chế ếp cận một số nguồn lực xã hội chưa bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế. Cải cách hành chính còn chậm. Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, mức độ minh bạch, ổn định chưa cao. Quyền tự do kinh doanh chưa được tôn
trọng đầy đủ
v.v Tại Đại hội lần thứ XII, Đảng ta đánh giá: việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta: "còn chậm, thiếu kiên quyết; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, chất lượng không cao, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện ba đột phá chiến lược." [34, tr.98]. Điều đó đang có tác động đến sự biến đổi nhiều mặt khác nhau của đời sống xã hội, trong đó có sự biến đổi đạo đức công vụ của một bộ phận công chức nước ta hiện nay.
Đảng ta xác định: những hạn chế, yếu kém nêu trên, có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, nhưng chủ yếu là do nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đầy đủ, rõ ràng. Tư duy bao cấp còn ảnh hưởng nặng nề. Năng lực xây dựng và thực thi thể chế còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế thị trường. Trên cơ sở đó, chúng ta xác định phải tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng thành công và vận hành đồng bộ, thông suốt nền kinh tế, góp phần huy động và phân bổ, sử dụng có hiệu quả nhất mọi nguồn lực để thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển nhanh, bền vững. Phấn đấu hoàn thiện một bước, đồng bộ hóa hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo các chuẩn mực phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Đảm bảo tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, giữa Nhà nước với thị trường, sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển con người, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội.
Để hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, trước hết, phải thống nhất nhận thức về bản chất của nó. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời đảm bảo tính định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội
nhập quốc tế, có sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Tính hiện đại và hội nhập quốc tế của nền kinh tế thị trường đinh hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta được thể hiện ở chỗ kế thừa có chọn lọc những thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại, kinh nghiệm tổng kết thực tiễn của hơn 30 năm đổi mới, có hệ thống luật pháp và cơ chế chính sách và các yếu tố thị trường, các loại thị trường đồng bộ, vận hành thông suốt, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong khu vực và trên thế giới. Vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường được xác định và thực hiện phù hợp với thông lệ và nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế. Định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường được nhất quán xác lập và tăng cường thông qua sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, lấy con người làm trung tâm, phát huy đầy đủ vai trò của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển.
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng trong của nền kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh cùng phát triển theo pháp luật. Thực hiện phân phối chủ yếu theo hiệu quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
Để nền kinh tế thị trường có tác động to lớn đến việc ngăn ngừa sự biến đổi tiêu cực đạo đức công vụ ở một bộ phận công chức nước ta hiện nay đòi hỏi phải thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản sau:
1) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho các thành phần kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật; góp phần quan trọng trong việc khắc phục nạn tham nhũng, tệ quan liêu; đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như giao dịch hành chính.
2) Tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; Hoàn thiện thể chế bảo vệ nhà đầu tư; bảo vệ quyền sở hữu và quyền tài sản; Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, không để cho một bộ phận có chức, có quyền nắm khối lượng tài sản lớn của Nhà nước để tham nhũng, trục lợi cá nhân, lợi ích nhóm.
3) Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, bảo đảm các loại thị trường ngày càng hoàn thiện và vận hành thông suốt, cạnh tranh công bằng, bình đẳng, chống độc quyền; Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đảm bảo giữ vững định hướng XHCN của nền kinh tế; Gắn tăng trưởng kinh tế với đảm bảo phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội, quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế thế giới.v.v.
Hiện nay, cơ chế thị trường nước ta chưa được phát triển một cách đầy đủ. Những lỗ hổng, những yếu tố "chưa hoàn thiện" chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến những biến đổi tiêu cực đạo đức công vụ của công chức. Để hạn chế sự biến đổi theo khuynh hướng bất lợi, trái với quy luật khách quan, đi ngược mục tiêu phát triển của đất nước của đạo đức công vụ thì trước hết là phải "bịt kín" những lỗ hổng mà mặt trái của nền kinh tế thị trường tạo ra. Một khi nền kinh tế thị trường được hoàn thiện, các yếu tố cấu thành của thể chế kinh tế được vận hành một cách thông suốt, chức năng mỗi bộ phận được thực hiện một cách chuyên nghiệp thì khi đó kiến trúc thượng tầng được xây dựng trên nó cũng sẽ vận hành và biến đổi phù hợp quy luật và dễ được kiểm soát hơn.
Tham gia vào một nền kinh tế thị trường đầy đủ, hoàn thiện, đội ngũ cán bộ công chức có điều kiện phát triển nhân cách cá nhân như tính quyết đoán, độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính tự giác năng động sáng tạo
trong hoạt động công vụ. Cơ chế thị trường khuyến khích các cá nhân có quyền bình đẳng trong cạnh tranh, giữ chữ tín trong trao đổi và tăng cường quan tâm phát triển lợi ích chung của toàn xã hội, tạo lập cơ chế đãi ngộ xứng đáng với cống hiến của họ.
Một khi thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được xác lập một cách đầy đủ, vững chắc, thì những giá trị, những ưu điểm của nền kinh tế sẽ được bộc lộ một cách đầy đủ. Điều đó sẽ không chỉ kích thích nền kinh tế phát triển mà còn tác động tích cực tới các lĩnh vực xã hội, trong đó có đạo đức. Đó là lúc nền kinh tế có khả năng dẫn dắt lĩnh vực đạo đức biến đổi một cách tích cực, phù hợp quy luật khách quan. Một khi thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN hoàn bị thì tự nó sẽ đào thải những hạn chế, khuyết tật hiện có. Chỉ khi đó, chúng ta mới có đủ công cụ, phương tiện để khống chế, đẩy lùi những tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế lên văn hóa, đạo đức, trong đó có đạo đức công vụ.