1. Công tác xã hội cá nhân người nghèo
1.1. Tiến trình công tác xã hội cá nhân với người nghèo
Dù tiến trình CTXH với người và gia đình nghèo tương tự tiến trình CTXH với cá nhân và gia đình nói chung, nhưng nó vẫn mang tính đặc thù và có tính phức tạp riêng. Trước hết, họ có thể có những vấn đề tương tự như những cá nhân và gia đình bình thường, nhưng đồng thời vấn đề đó lại ở người và gia đình nghèo, do đó, mối quan hệ của họ với môi trường có thể phức tạp và trầm trọng hơn nhiều. Mặt khác, người nghèo và hộ nghèo lại có những đặc điểm tâm lý, xã hội đặc thù rất khó giải quyết. Điều này đòi hỏi ở NVXH phải ý thức được để trong quá trình giúp đỡ biết huy động kiến thức và sử dụng kỹ năng phù hợp.
Tiến trình CTXH với người và gia đình nghèo có các bước sau đây: Tiếp nhận đối tượng.
Thu thập, phân tích thông tin, xác định vấn đề và nguyên nhân. Lập kế hoạch giải quyết vấn đề.
Thực hiện kế hoạch giải quyết vấn đề. Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch. Kết thúc quá trình giúp đỡ/ chuyển giao.
1.1.1. Tiếp nhận đối tượng
Đối tượng ở đây là người nghèo và gia đình của họ là những người đang có vấn đề - vấn đề nghèo đói và có thể có cả những vấn đề khác có liên quan hoặc bắtnguồn từ vấn đề nghèo đói. Khi gặp phải những vấn đề xã hội thì có thể người và gia đình người nghèo chủ động gặp NVXH để tìm sự giúp đỡ và vì biết được mục tiêu hoạt động của tổ chức xã hội nơi NVXH làm việc. Nhưng trên thực tế, trường hợp này ít xảy ra mà NVXH thường phải chủ động tiếp cận với người nghèo và gia đinh của họ.
Khi tiếp cận với đối tượng, NVXH phải giới thiệu vai trò của mình và mục đich của cuộc gặp gỡ để bước đầu tìm kiếm thái độ hợp tác. Nếu ở bước tiếp cận đầu tiên mà NVXH tạo được ấn tượng ban đầu tích cực (cởi mở, thái độ sẵn sàng, đón nhận) thì các bước sau sẽ có nhiều thuận lợi.
Điều mà NVXH cần lưu ý trước khi tiếp nhận đối tượng để giúp đỡ, họ cần phải đưa ra các tiêu chí để phân loại người và hộ gia đinh người nghèo. Ví dụ: Gia đình nghèo mà chủ hộ là phụ nữ, hộ có người khuyết tật, hộ có người mắc bệnh hiểm nghèo, hộ thiếu sức lao động, hộ thiếu vốn, hộ thiếu đất hoặc thiếu tư liệu sản xuất hay hộ có người mắc tệ nạn xã hội...Ở các địa phương việc phân ra các loại hộ như vậy sẽ không mấy khó khăn và đấy là cơ sở rất quan trọng để có định hướng giúp đỡ sau khi chúng ta tiếp nhận đối tượng.
Thu thập, phân tích thông tin, xác định vấn đề và tìm nguyên nhân
Qua mỗi lần tiếp cận với người và gia đình nghèo, NVXH sẽ có được nhiều thông tin. Các thông tin này có thể được từ các cuộc gặp gỡ chung với mọi thành viên trong gia đình, cũng có thể được từ các cuộc gặp riêng lẻ từng thành viên. Bên cạnh đó nguồn thông tin cũng có thể được khai thác từ môi trường xung quanh của mỗi cá nhân và môi trường xung quanh của cả gia đình.
Khi làm việc với người và gia đình nghèo, NVXH cần chú ý một hoạt động mang tính kỹ thuật và là yêu cầu của chuyên môn, đó là “vãng gia”. Việc vãng gia là để tìm hiểu các thông tin cần thiết của người nghèo và gia đình của họ ( từ hoàn cảnh bản thân, gia đình, tâm sự, nguyện vọng và các mối quan hệ, nguồn lực...), trên cơ sở đó NVXH có thể hoạch định một chiến lược giúp đỡ họ hiệu quả và lâu dài. Tuy nhiên, để có được một buổi vãng gia hiệu quả, NVXH cần sử dụng kết hợp nhiều kỹ năng như: giao tiếp, thu thập và xử lý thông tin, ghi chép, vấn đàm...
Khi làm việc với người và gia đinh nghèo trong các hoàn cảnh sau đây, NVXH cần có sự quan tâm phù hợp và đặc biệt, đáp ứng tính “đặc thù” của từng đối tượng:
Người và gia đình nghèo đơn thân.
Người và gia đình nghèo đơn thân mà chủ hộ là phụ nữ.
Người và gia đình nghèo đơn thân mà chủ hộ là phụ nữ nuôi con nhỏ. Người và gia đình nghèo có người tàn tật và nhất là tàn tật nặng.
Người và gia đình nghèo có người gia cả ốm yếu, người ốm đau lâu ngày. Người và gia đình nghèo có thành viên mắc các tệ nạn xã hội.
Người và gia đình nghèo có thành viên bị nhiễm hoặc ảnh hưởng bởi HIV/AIDS...
Trên thực tế người và gia đình nghèo trong các hoàn cảnh cụ thể nêu trên, ngoài các nguyên nhân nghèo đói nói chung, họ có nhưng nguyên nhân rất riêng biệt dẫn tới nghèo đói. Vì vậy, khi làm việc với một trong các hoàn cảnh này, NVXH cần tìm hiểu thật đầy đủ thông tin để xác định vấn đề cốt lõi một cách chính xác để từ đó có sự “ưu tiên” giải quyết vấn đề nào trước của thân chủ.
Một điều nữa mà NVXH cần đặc biệt lưu ý là với các đối tượng rất “đặc thù” nêu trên, ngoài các đặc điểm tâm lý nói chung của người nghèo, họ có những đặc điểm tâm lý riêng biệt, trong cuộc sống họ thường sống khép kín điều này sẽ gây khó khăn trong việc tiếp xúc và tìm hiểu thông tin; vì vậy NVXH phải hết sực lưu ý trong việc sử dụng kỹ năng. Nhất là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng vấn đàm để tiếp cận và nhận các chia sẽ thông tin từ họ.
NVXH cần chú ý phải có kế hoạch hoặc và đặt ra mục tiêu cụ thể cho mình khi định tiếp cận với ai, để đạt được điều gì. NVXH cần ghi chép lại các thông tin quan trọng và phải biết lắng nghe để hiểu thấu đáo các quan niệm, nhận thức của từng đối tượng giao tiếp và của cả gia đình họ trước một thông tin được đưa ra. Có như vậy mới giúp cho việc phân tích thông tin một cách chính xác, mới xác định đúng vấn đề, và tìm được nguyên nhân cơ bản của vấn đề mà đối tượng quan tâm. Trong hoạt động chuyên môn, việc thu thập thông tin, xác định vấn đề và nguyên nhân đói nghèo của người nghèo hay hộ gia đình nghèo, NVXH có thể xây dựng “cây vấn đề” để xác định nguyên nhân sau khi đã ghi chép đầy đủ các thông tin. Cây vấn đề không chỉ giúp cho việc tác nghiệp trong trợ giúp hay cung cấp các dịch vụ cần thiết cho người và gia đình nghèo mà còn làm cho người nghèo hiểu thấu đáo hơn vấn đề của họ xuất phát từ những nguyên nhân nào. Cây vấn đề giúp người nghèo và gia đình học xác định đúng và trúng vấn đề của họ, trên cơ sở đó họ mới có thể từng bước tháo gỡ khó khăn để vươn lên.
NVXH cần thống nhất suy nghĩ, quan điểm của mọi thành viên trong gia đình về vấn đề cơ bản của họ. Mỗi thành viên trong gia đình có nhận thức và quan điểm khác nhau trước một vấn đề , nhất là vấn đề quan trọng của một thành viên hay của cả gia đình. Vì vậy NVXH phải làm cho tất cả các thành viên trong gia đình đồng nhất được về nhận thức và quan điểm trước vấn đề đó thì vấn đề mới được tiếp tục bàn thảo để đưa ra các phương án giải quyết. Ví dụ, vấn đề nghèo đói của một gia đình, người thì cho là thiếu vốn làm ăn, người thì bảo do không có kinh nghiệm, lại
có người cho rằng thời tiết không thuật lợi...( trong khi gia đình khác ở đây cùng chịu thời tiết ấy họ lại có thể phát triển được sản xuất), vậy thì nguyên nhân chủ yêu của cái nghèo ở gia đình này là gì?
Khi đã thống nhất quan điểm nhận thức của mọi thành viên trong gia đình trước vấn đề của một thành viên hay của cả gia đình - kể cả của NVXH - thì NVXH cần nhắc lại như là một kết luận trong cuộc trao đổi cho mọi người nhớ và trải nghiệm vấn đề và nguyên nhân của vấn đề. Từ “sự trải nghiệm” đó mà mỗi người có thể tự suy nghĩ đưa ra phương hướng giải quyết vấn đề, đây là tiền đề cho bước tiếp theo của tiến trình.
Từ cách phân tích ở trên, trong hoạt động giúp đỡ, NVXH cần quan tâm đến các nhóm nguyên nhân nghèo đói của các nhóm gia đình nghèo để xác định đúng nhu cầu cần hỗ trợ. Ví dụ: nhóm gia đình nghèo là phụ nữ, họ cần vốn hay tư liêu sản xuất hoặc lao động; nhóm gia đình có người khuyết tật. họ cần phục hồi chức năng hay cần có vốn đề tự tổ chức việc làm phù hợp với lao động khuyết tật...
1.1.3. Lập kế hoạch giải quyết vấn đề
Nguyên tắc cơ bản trong CTXH là giành quyền tự quyết cho thân chủ, do vậy, khi vấn đề và nguyên nhân của vấn đề được xác định thì NVXH tạo điều kiện để mọi thành viên trong gia đình của người nghèo có thể trình bày các hướng giải quyết vấn đề. NVXH có vài trò của một nhà tham vấn viên giúp các thành viên đưa ra và lựa chọn được kế hoạch giải quyết vấn đề tốt nhất.
Kế hoạch này cũng phải được các cá nhân hay tất cả các thành viên trong gia đình thống nhất cao, phải được cụ thể hóa từ các hoạt động, người thực hiện, các nguồn lực cần thiết cho đến thời gian của mỗi hoạt động và kết quả có thể đạt được. Về nguồn lực cần thiết cho việc giải quyết vấn đề, NVXH cần xem xét thực lực của họ và có thể giới thiệu thêm nguồn lực bên ngoài để trong điều kiện có thể, họ có thể tiếp cận để sử dụng nó. Rà soát, lập danh sách các tổ chức, dịch vụ ở địa phương và cộng đồng có khả năng hỗ trợ họ.
Trong thực tế thì thường “ người trong cuộc” không nhìn rõ và hết tiềm năng sẵn có từ chính mình, nhất là đối với người nghèo, nhận thức của họ còn hạn chế, thì NVXH, trong quá trình tham vấn phải để họ có thể nhận ra các nguồn tiềm năng sẵn có và cái gì họ thật sự cần thiết có sự hộ trỡ từ bên ngoài. Tuy nhiên, phải xác định với đối tượng rằng tiềm năng của họ mới là điều căn bản, mới thực sự bên
vững, nguồn lực bên ngoài chỉ mang tính chất hỗ trợ và hạn hẹp. Làm như vậy để khi thực hiện kế hoạch giải quyết vấn đề, đối tượng có sự cố gắng, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại các nguồn lực bên ngoài.
1.1.4. Thực hiện kế hoạch giải quyết vấn đề
Điều khó khăn trong CTXH với người và gia đình nghèo là tìm hiểu, phân tích thông tin để xác định đúng vấn đề, nguyên nhân của vấn đề và lập kế hoạch giải quyết vấn đề mới chỉ nằm ở “giai đoạn lý thuyết”, điều quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn và là mục tiêu của cả tiến trình giúp đỡ họ là việc thực hiện kế hoạch như thế nào để họ sớm thoát khỏi cảnh nghèo đói và giải quyết được một số những vấn đề xã hội khác của người và gia đình người nghèo.
Kế hoạch giúp đỡ giải quyết vấn đề là được cá nhân hay các thành viên trong gia đình người nghèo thực hiện như đã được thống nhất. Trong quá trình thực hiện kế hoạch giup đỡ này, NVXH phải theo sát cá nhân hay gia đình để tham vấn, có những điều chỉnh cần thiết khi có những “trục trặc” xảy ra hoặc để động viên khuyến khích kịp thời, củng cố niềm tin cho cá nhân hoặc gia đình trong từng bước thay đổi tích cực, hoặc họ tiếp tục là cầu nối để giúp cá nhân hay gia đình tiếp cận
được tốt hơn với nguồn lực bên ngoài như vốn liếng, các thủ tục pháp lý cần thiết...
1.1.5. Đánh giá thực hiện kế hoạch
Đây là bước diễn ra xem xét kết quả các hoạt động trong việc thực hiến kế hoạch giúp đỡ đối tượng đạt ở mức nào so với mục tiêu đặt ra. Kết quả đạt được mục tiêu hay không đạt được mục tiêu cũng phải có đánh giá khi kết thúc thời gian thực hiện kế hoạch.
Đánh giá giúp cho người được giúp đỡ và NVXH nhìn nhận được kết quả thực hiện kế hoạch, qua đó cả hai phía có được bài học kinh nghiệm và được trải nghiệm với những kết quả đó để có những hoạt động tích cực và hiệu quả hơn trong thời gian tới. Ở đây NVXH cần có những phân tich sâu sắc mang tính khuyến khích các hoạt động mà họ đã trải nghiệm thành công; đồng thời cũng chỉ ra các suy nghĩ và hành động chưa mang lại kết quả như mong muốn, để họ có được những bài học sâu sắc.
Nếu kết quả đạt được mục tiêu thì cần khuyến khích đối tượng củng cố kết quả và tăng cường niêm tin để tiếp tục vươn lên; nếu kết quả chưa đạt được mục
tiêu thì chúng ta động viên, khích lệ đối tượng tiếp tục các mục tiêu đó ở chu trình tiếp theo trên cơ sở có những điều chỉnh phù hợp.
Tuy nhiên, cả đối tượng và NVXH phải ngồi lại với nhau để kiểm điểm và xác định đâu là nguyên nhân của việc chưa đạt được mục tiêu, để trên cơ sở đó NVXH có định hướng mới cho đối tượng mặt khác đối tượng cũng nhìn nhận lại mình và các hoạt động đã thực hiện một cách thấu đáo hơn để rút kinh nghiệm cho các hoạt động sau.
Trên thực tế, việc đánh giá không chỉ được sử dụng ở bước cuối cùng của tiến trình giúp đỡ, mà thông thường, qua mỗi hoạt động của đối tượng đã diễn ra sự giám sát, đánh giá của NVXH để kịp thời có những tham vấn , chỉnh sửa cho phù hợp với “ sức” của đối tượng, với nguồn lực huy động, với cách thức tiến hành các hoạt động cũng như để tận dụng tối đa các DVXH có thể có được.
1.1.6. Kết thúc/ chuyển giao
Sau một chu trình (tiến trình) giúp đỡ đối tượng, NVXH có thể bước sang giai đoạn kết thúc và chuyển giao. Kết thúc quá trình giúp đỡ được diễn ra khi đối tượng thực hiện xong kế hoạch giải quyết vấn đề và đạt được các mục tiêu đặt ra trong kế hoạch giải quyết vấn đề và đối tượng đã trưởng thành.
Cũng có những trường hợp đến giai đoạn này NVXH phải giới thiệu đối tượng với một cơ quan cung cấp DVXH khác và phải thực hiện hoạt động chuyển giao, khi mà đối tượng cần được tiếp tục cung cấp các dịch vụ khác nằm ngoài khả năng chuyên môn của NVXH đang giúp đỡ đối tượng.
Trên thực tế, tùy theo nhận thức và hoàn cảnh của đối tượng được giúp đỡ và tùy theo các bước của tiến trình giúp đỡ, NVXH nên “ đứng xa” - không can thiệp quá tỉ mỉ và quá sâu - vào những hoạt động của đối tượng để họ có thể cố gắng, tăng cường khả năng tự tin mà chủ động thực hiện các nhiệm vụ. Điều này giúp cho đối tượng nhanh chóng trưởng thành và không bị hẫng hụt khi NVXH kết thúc một chu trình giúp đỡ.