Các tiêu chí cụ thể:

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức y tế dự phòng ở Việt Nam hiện nay (Trang 28 - 31)

Để nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức nói chung và đội ngũ viên chức y tế dự phòng nói riêng, cần xác định những tiêu chí cụ thể, bao gồm các tiêu chí về:

- Phẩm chất chính trị, tư tưởng: Là một trong những tiêu chí quan trọng đối với mỗi viên chức. Người viên chức có phẩm chất chính trị, tư tưởng tốt là người tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, tích

cực thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, không giao động trước những khó khăn thách thức. Nắm vững các quan điểm lý luận, am hiểu đường lối chính sách của Đảng, nhà nước và của ngành mình công tác; đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có ý thức học tập để nâng cao trình độ lý luận và chuyên môn nghiệp vụ, phấn đấu hết sức mình cho sự thắng lợi, sự phát triển của công cuộc đổi mới với dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

- Phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách làm việc: Mỗi viên chức phải trung thực, trung thành, khiêm tốn, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư; giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí nội bộ, có tinh thần phục vụ nhân dân. Trong cuộc sống, họ phải là những tấm gương về lòng trung thực, lời nói đi đôi với việc làm. Có tinh thần trách nhiệm cao với nghề nghiệp, gương mẫu, đi đầu trong công tác, sẵn sàng lắng nghe sự phê bình góp ý và thường xuyên tự phê bình. Có phong cách làm việc một cách có tổ chức, khoa học và hiệu quả. Có lối sống trong sạch, lành mạnh, có kỷ cương, kỷ luật. Không quan liêu, tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác. Quan hệ với đồng nghiệp, đối tác nước ngoài, nhân dân phải tuân theo tiêu chuẩn văn minh, lịch sự. Đối với ngành y tế, phẩm chất đạo đức còn thể hiện ở đạo đức nghề nghiệp (y đức) của người thầy thuốc đối với người bệnh, với nhân dân.

- Trình độ, năng lực và khả năng tổ chức hoạt động thực tiễn: Đây là một tiêu chí rất cơ bản và quan trọng trong việc đánh giá chất lượng viên chức. Tiêu chí này thể hiện ở sự nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc về những quy luật khách quan trong đời sống xã hội, thể hiện ở trình độ học

vấn, trình độ làm chủ khoa học kỹ thuật, ở năng lực hoạt động thực tiễn... Thước đo cơ bản và chủ yếu để đánh giá chất lượng của đội ngũ viên chức là chất lượng, hiệu quả hoàn thành công việc được giao và khả năng hoạt động thực tiễn. Tiêu chí này đòi hỏi ngoài hiểu biết cơ bản về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, người cán bộ, viên chức phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có năng lực vận động và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, của Ngành, trong đó năng lực đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nó có mối quan hệ qua lại mật thiết với hiệu quả. Năng lực tốt, hiệu quả sẽ tốt, ngược lại, năng lực kém cỏi thì chắc chắn công việc sẽ bê trễ hoặc hoàn thành với chất lượng kém.

Từ những tiêu chí chung nêu trên, ngành y tế đã xây dựng được nội dung đánh giá viên chức phù hợp với những đòi hỏi của nhiệm vụ ngành y tế bao gồm:

- Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao: khối lượng, chất lượng và hiệu quả công việc theo từng vị trí, trong từng thời gian.

- Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống: bao gồm,

+ Nhận thức, tư tưởng chính trị và việc chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước.

+ Tinh thần học tập nâng cao trình độ về mọi mặt (chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ, tin học).

+ Tính trung thực trong công tác; Tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật.

+ Tinh thần đoàn kết, phê bình và tự phê bình.

+ Thái độ chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện tiêu cực khác.

+ Sự hợp tác, phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ.

+ Tinh thần phục vụ nhân dân trong đó chú ý tới việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp.

Đối với viên chức lãnh đạo, nội dung đánh giá còn bao gồm năng lực quản lý, lãnh đạo đơn vị, bộ phận; Kết quả hoạt động của đơn vị, bộ phận.

Như vậy, để có một đội ngũ viên chức có chất lượng, đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra trong thời kỳ mới thì mỗi viên chức phải là người hoàn thành tốt các yêu cầu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao cả về số lượng, chất lượng và thời gian; có đề xuất sáng kiến, cải tiến áp dụng trong thực tiễn làm tăng hiệu quả và chất lượng công tác; gương mẫu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của viên chức theo quy định. Đối với nghề y là nghề cứu giúp tính mạng con người nên vấn đề y đức phải được đặc biệt đề cao, nó đòi hỏi “lương tâm trong sạch”.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức y tế dự phòng ở Việt Nam hiện nay (Trang 28 - 31)