Công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức:

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức y tế dự phòng ở Việt Nam hiện nay (Trang 63 - 65)

Thực tế công tác đào tạo viên chức y tế dự phòng đã đem lại những hiệu quả nhất định góp phần bổ sung và nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ trong thực thi nhiệm vụ đối với viên chức trong ngành.

Hệ thống đào tạo nhân lực y tế dự phòng hiện nay bao gồm các trường trung cấp, cao đẳng, 9 trường đại học/học viện y dược và 5 viện nghiên cứu. Trước năm 2002 một số trường đại học như Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Huế, ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh triển khai đào tạo bác sỹ y học dự phòng nhưng từ năm 2002 đến năm 2005 không đào tạo mã ngành này. Các mã ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc nhóm ngành khoa học sức khoẻ gồm:

- Đại học: (1) Bác sỹ đa khoa, (2) Bác sỹ Răng hàm mặt, (3) Bác sỹ y học cổ truyền, (4) Dược sỹ, (5) Cử nhân y tế công cộng; (6) Cử nhân điều dưỡng, (7) Cử nhân kỹ thuật y học (phục hình răng, vật lý trị liệu phục hồi chức năng; chuẩn đoán hình ảnh; xét nghiệm).

- Cao đẳng: (1) Cao đẳng điều dưỡng, (2) Cao đẳng kỹ thuật y học.

- Trung cấp: (1) Điều dưỡng, (2) Hộ sinh, (3) Y sĩ đa khoa, (4) Y sĩ y học cổ truyền, (5) Dược sĩ trung học, (6) Kỹ thuật viên dược, (7) Kỹ thuật viên kỹ thuật y học...

Từ năm 2006 đến nay thì ngoài các mã ngành trên, hệ thống mã ngành đào tạo thuộc nhóm ngành khoa học sức khoẻ đã mở bốn mã ngành đào tạo thuộc ngành y học dự phòng, gồm (1) Bác sĩ y học dự phòng, (2) Cao đẳng kỹ thuật y học dự phòng, (3) Cao đẳng kỹ thuật dinh dưỡng tiết chế, (4) Cao đẳng kỹ thuật kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mặc dù hiện nay các trường đại học y đã tham gia đào tạo cử nhân y tế công cộng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ và phù hợp với nhu cầu nhiệm vụ của hệ y tế dự phòng, nhất là đối với công tác giám sát, triển khai các nhiệm vụ phòng chống dịch tại cộng đồng. Việc đào tạo các bác sỹ chuyên khoa vệ sinh dịch tễ như những năm trước đây là rất phù hợp, nhưng các trường đại học y hiện không đào tạo loại hình chuyên khoa này và cũng chưa có trường đào tạo kỹ thuật viên chuyên ngành y tế dự phòng. Bên cạnh đó, một số trường mới tham gia đào tạo nhân lực y tế dự phòng nên chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa thực sự có đủ nguồn lực phục vụ đào tạo ngành học này theo các quy định hiện hành về tiêu chí đảm bảo chất lượng giáo dục như: đội ngũ cán bộ giảng dạy các môn chuyên ngành còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng, nhiều cán bộ giảng dạy là tốt nghiệp bác sĩ đa khoa hoặc chuyên ngành khác; Chưa có phương pháp đánh giá phù hợp cho sinh viên ngành y tế dự phòng; Sức hấp dẫn của ngành y tế dự phòng đối với xã hội chưa cao nên nhu cầu nhân lực y tế dự phòng thì cao nhưng phần lớn các sinh viên y khoa lại có nguyện vọng học các chuyên ngành lâm sàng.

Công tác đào tạo lại cũng còn nhiều bất cập và hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Đó là, đào tạo chưa gắn với yêu cầu, tiêu chuẩn và quy hoạch sử dụng cán bộ, viên chức; chưa xây dựng được tiêu chuẩn cụ thể về trình độ chuyên môn, năng lực cần có để đáp ứng yêu cầu của từng loại viên chức như viên chức làm công tác y tế dự phòng, viên chức làm công tác kiểm dịch y tế, viên chức làm công tác phòng chống bệnh xã hội (mắt, da liễu... ); chưa có những chương trình bồi

dưỡng thích hợp cho mỗi ngạch viên chức; chưa chú trọng lựa chọn đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia giỏi trong từng lĩnh vực nghiệp vụ, chưa có hình thức tổ chức bồi dưỡng thích hợp để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức y tế dự phòng ở Việt Nam hiện nay (Trang 63 - 65)