Về chế độ, chính sách đối với viên chức y tế dự phòng:

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức y tế dự phòng ở Việt Nam hiện nay (Trang 65 - 68)

Hiện nay đội ngũ viên chức YTDP còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao, cơ cấu chưa hợp lý, số viên chức được đào tạo chuyên ngành y tế dự phòng còn ít một phần là do chế độ đãi ngộ chưa thoả đáng.

Do chế độ tiền lương và đãi ngộ chưa cao nên một số viên chức chưa thật sự yên tâm công tác; các sinh viên trẻ không muốn học chuyên ngành y tế dự phòng và các bác sỹ ra trường không muốn về công tác tại các cơ sở y tế dự phòng.

Theo quy định hiện hành, viên chức công tác trong lĩnh vực YTDP được hưởng chế độ tiền lương theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và các chế độ phụ cấp khác như:

- Chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại Quyết định số276/2005/QĐ-TTg ngày 01/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chế độ phụ cấp chống dịch theo quy định tại Quyết định số 155/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các đơn vị sự nghiệp y tế theo quy định tại Thông tư số 23/2005/TT-BYT ngày 25/8/2005 và Thông tư số 07/2006/TT-BYT của Bộ Y tế.

- Chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Thông tư số 06/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ.

- Chế độ phụ cấp lưu động đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Thông tư số 06/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ.

- Chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Thông tư số 07/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ.

- Chế độ bồi dưỡng tại chỗ theo Thông tư liên tịch số 10/1999/TTLT- BLĐTBXH-BYT ngày 17/3/1999 và Thông tư liên tịch số 10/2006/TTLT- BLĐTBXH-BYT ngày 12/9/2006.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện các quy định của nhà nước về chế độ tiền lương và phụ cấp cho thấy:

- Mức phụ cấp chức vụ của hệ dự phòng hiện nay chưa cân đối với hệ điều trị và cũng chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 225/2006/QĐ-TTg ngày 09/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược quốc gia y tế dự phòng Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

- Chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề: hiện nay chế độ này đã góp phần giải quyết những khó khăn của đời sống viên chức làm việc ở một số nghề, bù đắp một phần hao phí lao động mà thang bảng lương chưa tính đến, nhưng đồng thời cũng tạo ra một sự mất cân đối với một bộ phận viên chức không được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, đặc biệt là đối với đội ngũ viên chức hành chính. Cán bộ, viên chức làm công tác quản lý về y tế không được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi làm ảnh hưởng đến việc bố trí, điều động cán bộ. Ngoài ra, mức phụ cấp đối với một số công việc chưa hợp lý, chưa cân đối với một số công việc khác. Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề áp dụng trong ngành y tế hiện nay thấp hơn ngành giáo dục 10%.

- Mức phụ cấp độc hại theo quy định hiện nay còn thấp, chưa tương quan với mức phụ cấp của một số chế độ khác và không được làm cơ sở để hưởng các chế độ khác cũng như tính lương hưu.

- Chế độ phụ cấp trực: Chế độ trực của ngành y tế nói chung và y tế dự phòng nói riêng là một yêu cầu bắt buộc của công việc, đặc biệt là khi có dịch. Chế độ phụ cấp trực quy định bằng tiền tuyệt đối còn mang tính bình quân, chưa tính đến trình độ và trách nhiệm của người lao động, nhất là khi mức lương tối thiểu luôn được điều chỉnh.

- Công việc của y tế dự phòng hết sức nặng nề, thường xuyên công tác lưu động, chịu nhiều nguy cơ rủi ro, ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng tại nhiều tỉnh cán bộ y tế dự phòng vẫn chưa được hưởng chế độ bồi dưỡng theo quy định. Chế độ phụ cấp lưu động còn thấp, nhất là tại các huyện có địa bàn rộng, đi lại khó khăn.

- Chế độ tiền lương của viên chức y tế dự phòng hưởng theo lương hành chính là rất bất hợp lý, không tương xứng với vai trò, vị trí, tính đặc thù của ngành. Trong chế độ lương không có sự ưu tiên đối với lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ, chưa gắn với năng suất, hiệu quả hoạt động.

Chế độ, chính sách đãi ngộ đối với viên chức nói chung, viên chức YTDP nói riêng chưa thật sự là đòn bẩy khuyến khích viên chức tận tâm, tận lực với nhiệm vụ, đồng thời rất khó có khả năng thu hút cũng như giữ được những người có năng lực và giúp viên chức y tế giữ gìn phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.

2.4. Nguyên nhân cơ bản của những tồn tại, hạn chế : 2.4.1. Nguyên nhân khách quan:

- Về nhận thức, hiện nay YTDP chưa được quan tâm thích đáng của xã hội, đôi khi còn được coi là lĩnh vực của riêng ngành y tế nên đã làm hạn chế quá trình xây dựng và phát triển của YTDP: Nhiều chính sách, quy hoạch và phát triển kinh tế xã hội chưa chú trọng, đề cập đầy đủ những vấn đề liên quan đến công tác dự phòng sức khoẻ cho người dân; Cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập như chính sách thu hút nguồn lực, chính sách khuyến khích đầu tư và sự tham gia của các thành phần kinh tế, chính sách đãi ngộ đối với viên chức làm công tác YTDP...; Đầu tư của nhà nước cho

công tác YTDP còn thấp, trong khi nhu cầu thực tế rất cần có sự ưu tiên kinh phí cho lĩnh vực này. Trong vòng 10 năm gần đây, ngân sách cho YTDP, năm thấp nhất là 11,3%, năm cao nhất là 20,7%, trung bình là 16,4% so với tổng ngân sách toàn ngành. Thống kê cho thấy ngân sách chi cho YTDP trong tổng chi tiêu y tế từ nguồn ngân sách nhà nước không vượt quá 20% (từ năm 1991 đến năm 2000) và không vượt quá 25% (từ năm 2001 đến năm 2004) trong khi các hoạt động YTDP ngày càng đòi hỏi các phương tiện kỹ thuật cao và chi phí lớn hơn.

- Từ những năm 1990 trở về trước, đội ngũ viên chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau do Nhà nước chưa có tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, năng lực cụ thể cho từng ngạch, từng vị trí công tác nên một số đáp ứng tốt yêu cầu công việc, một số chưa được chọn lọc kỹ theo chức danh tiêu chuẩn nên có mặt hạn chế về trình độ.

- Bản chất công tác tổ chức cán bộ là một khoa học và là công việc rất khó, đụng chạm đến từng con người cụ thể với sự đa dạng, phức tạp trong các mối quan hệ, nhất là trong thời kỳ quá độ, chuyển giao giữa cái cũ và cái mới. Từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, mở cửa với bên ngoài nên không thể tránh khỏi những nhận thức, quan điểm, tâm trạng khác nhau, do vậy khó có thể tạo ra sự nhất trí trong việc đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm và giải quyết các chính sách đối với viên chức.

- Công tác tổ chức cán bộ chưa khoa học, hiện nay công tác này đang đi theo quy trình ngược là: Tuyển dụng - Bố trí, Sử dụng - Đào tạo (đúng ra phải là: Tuyển dụng - Đào tạo – Bố trí, sử dụng). Viên chức mới được tuyển vào, chưa được đào tạo nghiệp vụ nên còn để xảy ra sai sót.

- Hệ thống các văn bản quy định về công tác cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu và chưa đồng bộ.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức y tế dự phòng ở Việt Nam hiện nay (Trang 65 - 68)