KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu thực trạng công tác quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông ở huyện mỏ cày, tỉnh bến tre (Trang 128 - 131)

1.Kết luận.

1.1. Về lý luận.

Tiếp tục đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ mà toàn ngành đang quyết tâm thực hiện. Trong đó tăng cường quản lý công tác GD đạo đức cho HS là việc làm có tính cấp thiết. Đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành GD mà là của toàn xã hội. Điều này đã được ghi trong các văn kiện của Đảng cũng như trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Đó chính là đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về GD toàn diện cho HS trong giai đoạn hiện nay.

Các nghiên cứu trong và ngoài nước về công tác này đều nhằm mục đích nâng cao chất lượng đạo đức của thế hệ trẻ, phát triển nhân cách của các thế hệ công dân. Các phương pháp và hình thức tiến hành công tác GD đạo đức cho HS phải dựa trên cơ sở khoa học về Giáo dục học, Tâm lý học và các khoa học có liên quan. Trong quản lý công tác GD đạo đức cho HS cần phải nắm vững lý luận về khoa học quản lý, phương pháp luận nghiên cứu khoa học. Có như vậy việc đề xuất các giải pháp quản lý về công tác này mới có cơ sở đảm bảo.

1.2. Về thực trạng.

Hiện nay tình trạng đạo đức HS ở các trường THPT huyện Mỏ Cày có nhiều vấn đề đáng quan tâm, không ít HS có biểu hiện vi phạm mang tính chất nghiêm trọng, thậm chí vi phạm pháp luật, tình trạng bạo lực học đường đang ở mức báo động. Công tác GD đạo đức HS vẫn còn những hạn chế nhất định. Giáo dục đạo đức qua các môn học chưa đạt hiệu quả như mong muốn, nghiêng về dạy chữ nhiều hơn. Việc đánh giá, xếp loại hạnh kiểm HS chưa sát thực tế.

Những năm gần đây, các trường THPT có nhiều cố gắng trong quản lý công tác GD đạo đức cho HS. Tuy nhiên việc quản lý công tác này còn nhiều tồn tại cần sớm khắc phục. Đó là việc chỉ đạo, tổ chức, kiểm tra đánh giá chưa chặt chẽ và

thường xuyên, hình thức tổ chức chưa phong phú, thiếu các giải pháp quản lý phù hợp, công tác phối hợp giữa các lực lượng GD trong và ngoài nhà trường chưa thường xuyên và đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Do vậy cần thiết phải có những giải pháp quản lý khả thi để nâng cao chất lượng GD đạo đức cho học sinh.

1.3. Về các giải pháp và kết quả thăm dò tính cấp thiết, tính khả thi

Từ cơ sở lý luận và thực tiễn, chúng tôi đã đề xuất 8 giải pháp quản lý công tác GD đạo đức HS các trường THPT ở huyện Mỏ Cày. Các giải pháp này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Kết quả thăm dò tính cấp thiết và tính khả thi của các giải pháp nêu trên là khá cao, có thể vận dụng vào thực tiễn quản lý. Các giải pháp sẽ giúp cho đội ngũ nhà giáo và CBQL xác định đúng hơn tầm quan trọng của công tác này ở nhà trường để xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh và có sự quan tâm đúng mức trong việc giáo dục đạo đức học sinh. Từ đó giúp cho nhà giáo và cán bộ QLGD thấy được vai trò, trách nhiệm của mình đối với mục tiêu của công tác này, để ngoài việc dạy chữ cho tốt hơn còn phải lưu tâm, hết lòng giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện cả tài lẫn đức, đó là những nét nhân cách của con người Việt Nam trong thời đại mới.

2. Kiến nghị.

2.1. Với Bộ Giáo dục và Đào tạo:

- Tiếp tục cải tiến nội dung, chương trình, thời lượng, phương pháp dạy môn GDCD ở THPT cho phù hợp với mục tiêu GD của môn học này.

- Cần biên soạn, xuất bản nhiều sách, tài liệu tham khảo cho cán bộ quản lý, GVCN, phụ huynh về nội dung, biện pháp GD đạo đức cho học sinh phù hợp với giai đoạn hiện nay.

2.2. Với Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre.

- Nghiên cứu tổ chức nhiều hội thảo khoa học về công tác GD đạo đức cho HS, triển khai tập huấn cho đội ngũ GV tích cực đổi mới hình thức, phương pháp GD đạo đức.

- Thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra công tác GD đạo đức học sinh ở các trường phổ thông.

2.3. Với các trường THPT:

- Thành lập Ban GD đạo đức trong nhà trường, có quy chế và kế hoạch hoạt động.

- Tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác GD đạo đức và có hình thức tổ chức hấp dẫn HS.

2.4. Với Cha mẹ học sinh.

- Ban đại diện CMHS hoạt động theo đúng Điều lệ, chủ động tích cực liên hệ với nhà trường trong các hoạt động GD; đặc biệt xây dựng kế hoạch GD đạo đức cho con em.

- CMHS thường xuyên liên hệ với nhà trường mà trực tiếp là GVCN để nắm bắt được tình hình học tập, rèn luyện của con em, để có biện pháp phối hợp với nhà trường giáo dục học sinh.

- Tham dự đầy đủ các cuộc họp CMHS do nhà trường tổ chức.

- Nên trao đổi hoặc nhờ người khác tư vấn để có các biện pháp giáo dục con cái thích hợp với tâm lý lứa tuổi.

- Mẫu mực và quan tâm đến việc GD con cái nhiều hơn.

2.5. Với Chính quyền địa phương.

- Tích cực phối hợp với nhà trường xây dựng môi trường GD lành mạnh.

- Tăng cường các biện pháp chế tài đối với các hành vi vi phạm trật tự an toàn xã hội và các vi phạm khác của thanh thiếu niên. Tăng cường các lực lượng để làm tốt công tác này.

- Hỗ trợ nhà trường về kinh phí, phương tiện, nhân sự, tạo điều kiện tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp để GD đạo đức cho học sinh.

Một phần của tài liệu thực trạng công tác quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông ở huyện mỏ cày, tỉnh bến tre (Trang 128 - 131)