Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”, toàn Đảng, toàn dân luôn coi công tác giáo dục thế hệ trẻ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Sau hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, bộ mặt kinh tế - xã hội của nước ta đã có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân không ngừng tăng lên, một bộ phận lớn dân cư trở nên giàu có. Điều đó kéo theo sự thay đổi trong nhân cách con người, bên cạnh mặt tích cực, đã xuất hiện các mặt tiêu cực làm ảnh hưởng xấu đến đạo đức của thế hệ trẻ, trong đó có học sinh THPT. Vì vậy việc nghiên cứu công tác GD đạo đức học sinh đang được đặt ra trong một tình hình mới. Việc quản lý công tác GD đạo đức cho học sinh đồng thời cũng được xem xét trong những điều kiện mới để đem lại hiệu quả, chất lượng.
Chăm lo giáo dục thế hệ trẻ đáp ứng những yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước là nhiệm vụ của toàn xã hội. Việc làm cho mọi người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ tự hào với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và các truyền thống tốt đẹp đó là điều có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong nội dung GD đạo đức hiện nay, trong đó nhà trường giữ vai trò đặc biệt quan trọng.
Trong quản lý công tác GD đạo đức học sinh ở trường THPT, Hiệu trưởng nhà trường phải xác định rõ mục tiêu, nắm vững nội dung, phương pháp GD đạo đức cho học sinh, huy động được các lực lượng tham gia một cách tích cực và có hiệu quả trong công tác này. Bên cạnh việc nắm vững những vấn đề về lý luận, thì Hiệu trưởng phải đánh giá một cách khách quan, khoa học về thực trạng quản lý công tác giáo dục đạo đức ở trường THPT để đề ra được những giải pháp quản lý có tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương.