1. Kết luận:
CNTT len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống trong đó không thể không kể đến vấn đề dạy và học. Ứng dụng CNTT vào dạy học, đặc biệt là ở tiểu học, bậc học nền tảng, là một vấn đề luôn đáng nhận được sự quan tâm hàng đầu từ các nhà quản lý.
Quản lý việc ứng dụng CNTT vào dạy học cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý của người HT. Cũng như các công tác quản lý khác, quản lý việc ứng dụng CNTT vào dạy học nói chung và ở bậc tiểu học nói riêng cũng phải tuân theo quy trình quản lý với đầy đủ các chức năng quản lý từ việc lập kế hoạch, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đến kiểm tra đánh giá, động viên khuyến khích đối tượng .
Qua kết quả nghiên cứu thực trạng công tác quản lý việc ứng dụng CNTT vào dạy học của HT ở các trường tiểu học quận 11, có thể thấy rằng HT các trường tiểu học quận 11 bước đầu đã đạt được kết quả nhất định trong việc nâng cao số lượng GV đến với CNTT, đến với việc thiết kế và sử dụng bài soạn điện tử đưa vào dạy học thực tế. Đồng thời, chất lượng của việc ứng dụng CNTT vào dạy học cũng được quan tâm ở mức tương đối.
Tuy nhiên, nhiều hạn chế vẫn còn tồn tại khi không phải HT nào cũng thực hiện đúng quy trình quản lý này, đặc biệt là ở khâu lập kế hoạch và các biện pháp xây dựng các điều kiện hỗ trợ GV trong việc dạy học có ứng dụng CNTT vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Một điều nữa cũng cần phải nhận ra là về chuyên môn, HT vẫn chưa tìm ra những chuẩn cần thiết để hướng CBQL và GV điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp trong các tiết dạy có ứng dụng CNTT và HT cũng sẽ khó khăn không ít trong việc kiểm tra, đánh giá. Mặt khác, chế độ khen thưởng để động viên khuyến khích GV tham gia tích cực hơn vào việc ứng dụng CNTT vào dạy học chưa được HT quan tâm đúng mức, thậm chí là chưa thực hiện. Điều đó ảnh hưởng khá nhiều đến hiệu quả của công tác quản lý việc ứng dụng CNTT vào dạy học.
Nguyên nhân của thực trạng cũng đã được xác định chủ yếu là các nguyên nhân khách quan từ cơ chế tài chính, kinh phí của trường tiểu học còn hạn hẹp. Dù vậy, xét đến việc thực hiện các chức năng quản lý của HT, nếu HT chú trọng hơn đến việc nâng cao từng mặt quản lý thì chắc chắn sẽ nâng cao hiệu quả quản lý việc ứng dụng CNTT vào dạy học. Ngoài ra, một nguyên nhân khách quan khác cũng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng của
công tác quản lý này là trình độ về CNTT của GV và khả năng sử dụng các phương pháp dạy học mới để phù hợp cho việc ứng dụng CNTT vẫn còn hạn chế.
Việc đề xuất các biện pháp bằng cách đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp mà HT đã thực hiện và kết quả khảo sát tính cần thiết và tính khả thi của các biện pháp đó cũng cho thấy kết quả hợp lý. Các biện pháp được đề cao về tính cần thiết, phản ánh rõ kết quả thực trạng. HT cần phải chú trọng hơn nữa việc xây dựng một kế hoạch ứng dụng CNTT thật cụ thể chứ không nằm trong kế hoạch chung của nhà trường. Bên cạnh đó, GV cũng rất cần HT chú ý hơn đến việc nâng cao chế độ khen thưởng nhằm động viên họ thực hiện một việc không phải là dễ dàng, nhất là đối với những GV còn hạn chế về kỹ năng CNTT. Ngoài ra, việc trang bị cơ sở vật chất bằng cách này hay cách khác cũng phải được HT chú ý để hỗ trợ GV thiết kế và sử dụng bài soạn điện tử một cách thuận lợi nhất.
Như vậy, với những kết quả nghiên cứu trên, giả thuyết khoa học đặt ra đã được chứng minh và nhiệm vụ nghiên cứu của tác giả đã được hoàn thành.
2. Kiến nghị:
Đối với HT các trường tiểu học trong quận 11:
o Nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện kế hoạch ứng dụng CNTT vào dạy học.
o Tìm kiếm, vận động các nguồn kinh phí từ xã hội hóa giáo dục để trang bị cơ sở vật chất phù hợp với việc ứng dụng CNTT.
o Nhanh chóng rà soát trình độ tin học thực tế của GV, từ đó có định hướng phù hợp nâng cao trình độ CNTT của GV toàn trường.
Đối với Phòng Giáo dục Quận 11:
o Có kế hoạch hướng dẫn cụ thể việc ứng dụng CNTT vào dạy học ở các trường tiểu học theo từng giai đoạn cụ thể.
o Chỉ đạo HT các trường tiểu học trong quận lập kế hoạch chi tiết và riêng biệt cho việc ứng dụng CNTT vào dạy học
o Có chính sách hỗ trợ các trường tiểu học nâng cấp trang thiết bị phục vụ cho việc dạy học có ứng dụng CNTT.
o Tổ chức các hội thi thiết kế bài soạn điện tử theo hướng thu hút đa dạng các đối tượng dự thi.
o Kiểm tra, đánh giá các tiết dạy có ứng dụng CNTT theo hướng đề cao tính thực tế và hiệu quả trong giảng dạy, tránh hình thức và biểu diễn.
o Thúc đẩy việc xây dựng, hoàn thiện trang web cho nhà trường, ngân hàng bài soạn điện tử.
Đối với Sở Giáo dục:
o Có kiến nghị đối với thành phố nâng cao mức kinh phí hằng năm cho các trường tiểu học dành cho việc trang bị cơ sở vật chất theo hướng hiện đại.
o Tổ chức có hiệu quả các lớp học bồi dưỡng CNTT, có tính đến việc ứng dụng vào thực tế giảng dạy.
o Phối hợp với trường Đại học Sư phạm tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phối hợp các phương pháp dạy học hiện đại với việc ứng dụng CNTT.
o Cần phải xây dựng chuẩn đánh giá một giờ dạy có ứng dụng CNTT.
o Tìm hiểu các mô hình ứng dụng CNTT vào dạy học ở trong và ngoài nước từ đó xây dựng một mô hình chuẩn để các trường tiểu học trong thành phố học tập.