HT có thể thông qua các tổ chức trong nhà trường để quản lý con người và việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy tại trường. Trong khi triển khai hoạt động của các tổ chức, thực tế công việc quản lý của HT thường diễn ra theo qui trình như quản lý các hoạt động khác trong nhà trường: soạn thảo kế hoạch, phổ biến kế hoạch, tổ chức cho các đơn vị lập kế hoạch, tổ chức và chỉ đạo thực hiện kế hoạch, kiểm tra - đánh giá, kích thích động viên, tạo động lực.
Bước lập kế hoạch:
Đầu tiên, HT cần phải tìm hiểu các văn bản chỉ đạo về ứng dụng CNTT. Sau đó, HT tiếp tục tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu ứng dụng CNTT vào dạy học của đơn vị kết hợp với việc xác định điểm mạnh, điểm yếu của đơn vị. Một điều cực kỳ quan trọng là HT cần xác định được mục tiêu ứng dụng CNTT vào dạy học của nhà trường ở mức độ và quy mô như thế nào. Cuối cùng, HT tiến hành xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu đã đề ra.
Bước tổ chức:
Từ kế hoạch được lập ra, HT đầu tiên phải xác định và phân loại các hoạt động nào cần thiết để tiến hành thực hiện kế hoạch. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng CNTT, HT phải quy định cơ cấu tổ chức hoạt động ứng dụng CNTT hợp lý phù hợp với tình hình đơn vị. Từ đó, người lãnh đạo đơn vị cần phân công, phân quyền cho cấp dưới, tổ chức các hoạt động ứng dụng CNTT vào dạy học. Để hỗ trợ cho công tác này, HT cũng phải lưu ý đến vấn đề nhân sự giỏi CNTT cũng như các phương án tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ tin học của GV và nhân viên.
Bước chỉ đạo:
HT cần theo dõi và giám sát việc thực hiện kế hoạch ứng dụng CNTT vào giảng dạy để chỉ huy, ra lệnh cho các bộ phận và các hoạt động của nhà trường diễn ra đúng hướng,
đúng kế hoạch, tập hợp được các lực lượng giáo dục trong nhà trường và phối hợp tối ưu với nhau. HT cũng cần tạo được sự liên hệ giữa các thành viên trong nhà trường, tập hợp, động viên và hướng dẫn, điều hành họ hoàn thành những nhiệm vụ nhất định để đạt được mục tiêu trong việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy tại trường. Khi thực hiện kế hoạch ứng dụng CNTT vào giảng dạy ở tại trường có thể có một số vấn đề chưa phù hợp với thực tiễn cần phải điều chỉnh cho hợp lý hơn, HT phân tích nhanh chóng các vấn đề thực tiễn để kịp thời điều chỉnh, sửa chữa, bù đắp, chỉnh lý kế hoạch để việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy đạt hiệu quả tối ưu. Ngoài ra để chỉ đạo tốt việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy tại trường, HT cần thu thập thông tin chính xác, biết phân tích, xử lý các nguồn thông tin và đưa ra các quyết định đúng đắn. Nguồn thu thập thông tin quan trọng đó là kiểm tra, đánh giá.
Bước kiểm tra:
Là một nỗ lực có hệ thống nhằm thực hiện ba chức năng: phát hiện, điều chỉnh và khuyến khích. Thông qua việc kiểm tra mà HT có được thông tin để đánh giá kết quả việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy ở trường mình đã đạt đến đâu, ở mức nào từ đó có những điều chỉnh việc ứng dụng một cách đúng hướng nhằm đạt mục tiêu. HT cũng cần phải xác định được chuẩn kiểm tra việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy ở trường mình. Ngoài ra, HT cũng phải thường xuyên đánh giá, hình thành những nhận định, phán đoán về kết quả của việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy trên cơ sở những thông tin thu được, đối chiếu với những mục tiêu, tiêu chuẩn đã đề ra nhằm đề xuất những quyết định thích hợp để cải thiện thực trạng, điều chỉnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy tại trường.
Bước kích thích, động viên, tạo động lực:
Kích thích, động viên, tạo động lực là việc làm cần thiết cho bất cứ hoạt động nào trong nhà trường. Do việc ứng dụng CNTT vào dạy học là công việc còn mới mẻ, có ảnh hưởng trực tiếp đến hứng thú và quan trọng hơn là nó nằm trong tầm tay điều khiển của GV, vì vậy, HT cần có sự động viên kịp thời về mặt tinh thần cũng như có chế độ bồi dưỡng bằng vật chất thích đáng, tương xứng với khả năng và sự cống hiến của mỗi người trong việc thực hiện ứng dụng CNTT vào dạy học tại trường.
Qua 5 bước đúc kết trong quy trình quản lý việc ứng dụng CNTT vào dạy học có thể hình thành 5 nội dung quản lý chính mà người HT cần tập trung khi thực hiện quản lý việc ứng dụng CNTT vào dạy học có hiệu quả:
- Xây dựng kế hoạch - Xây dựng các quy định - Chỉ đạo – tổ chức thực hiện - Xây dựng các điều kiện hỗ trợ - Kiểm tra, đánh giá