10. Cấu trúc của luận án
4.2.2.3. Các giải pháp bảo vệ môi trường nước
■ Đối với việc xử lý nước thải và nước mặt
- Giải pháp lâu dài đảm bảo chất lượng nguồn nước và môi trường sinh thái của các con sông và hồ trên địa bàn là làm sạch các nguồn nước đổ ra sông, hồ. Muốn vậy, cần phải thực hiện các biện pháp sau:
+ Đối với các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất: cần có biện pháp bắt buộc về xử lý nước thải trước khi đổ ra các con sông nhằm đảm bảo chất lượng nước sông khỏi các chất thải, hóa chất độc hại. Đối với các KCN, CCN đang và sẽ xây dựng, hệ thống xử lý nước thải công nghiệp phải được xây dựng đồng thời cùng với việc phát triển dự án.Với các cơ sở công nghiệp nằm riêng lẻ, phải xây dựng các trạm xử lý nước thải cục bộ.
+ Đối với khu vực tập trung dân cư, hệ thống thoát nước thải cần tách riêng với hệ thống nước mưa, đặc biệt tại các khu vực đô thị cũ. Hiện nay, tại các khu vực đô thị mới (Vinh Tân, Quang Trung, Lê Lợi, Hưng Dũng...), hệ thống thoát nước thải sinh hoạt đã được thiết kế riêng không đi chung với hệ thống thoát nước mưa.
Nước thải sau khi được tập trung xử lý tại các trạm xử lý theo các tiêu chuẩn xả thải mới được thải vào sông hồ.
+ Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thoát nước thải, xử lý nước thải tập trung cho các công trình sản xuất công nghiệp (nhất là tại các KCN, CCN), tiểu thủ công nghiệp, các công trình công cộng, khu dân cư. Đánh giá tải lượng ô nhiễm và lựa chọn phương án xử lý nước thải phù hợp.
+ Cần xây dựng các nhà máy xử lý nước thải và thành lập hệ thống thu phí sử dụng nước đối với dân cư khu vực đô thị - những người được hưởng lợi ích từ những nguồn nước trên. Họ sẽ phải trả phí sử dụng nước đặc biệt ngoài lệ phí sử dụng nước máy thông thường để bù đắp những chi phí xây dựng các nhà máy xử lý nước thải và để tiết kiệm nước.
Năm 2011, thành phố vừa xây dựng xong nhà máy xử lý nước thải tập trung ở xã Hưng Hòa với công suất 25.000 m3/ngày đêm và đang hoàn thiện hệ thống đường ống vận chuyển nước thải. Tuy nhiên hiện nay nhà máy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xử lý nước thải tập trung của TP.Vinh, việc đấu nối hệ thống thoát nước thải từ các cơ sở sản xuất, sinh hoạt dân cư vào hệ thống thoát nước thải tập trung của thành phố vẫn chưa được hoàn thiện.
138
+ Ngăn chặn nạn lấn chiếm sông, hồ làm nhà ở khiến cho các sông, hồ bị thu hẹp diện tích. Xây kè bờ sông, hồ để ngăn chặn dân cư xung quanh lấn chiếm lòng sông, hồ để xây dựng các công trình. Tiến hành nạo vét lòng sông, mặt hồ theo định kỳ. Trồng cây xanh, làm vệ sinh sạch sẽ hai bên bờ sông, hồ. Nghiêm cấm việc đổ rác thải vào sông, hồ.
- Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải hoàn chỉnh, đồng bộ để nâng cao năng lực tiêu, thoát nước của thành phố, chống ngập úng, ngập lụt.
Có thể thấy rằng thực trạng thoát nước của TP.Vinh hiện nay còn nhiều bất cập và không có hệ thống mương thoát đồng bộ làm ô nhiễm nguồn nước. Nước thải chảy chung trong mương nước mưa, không được tách ra và dẫn đi xử lý gây ô nhiễm nặng nề trong các mương thoát nước và làm suy thóai chất lượng môi trường nguồn nước mặt của thành phố, gây nên tình trạng ngập úng, ngập lụt cục bộ nhất là vào mùa mưa.
Trên thực tế, việc phối hợp giữa các sở, ban ngành trong công tác chống ngập vẫn chưa thực hiện đồng bộ, còn mang tính chắp vá. Hàng trăm tỉ đồng đã được thành phố chi cho mục tiêu thoát nước, chống ngập vẫn chưa phát huy được hiệu quả rõ ràng. Trong khi đó, các dự án thoát nước, chống ngập lại được triển khai chậm trễ, dở dang, đặt ra nhiều thách thức cho thành phố trong mục tiêu PTBV.
Bất chấp rất nhiều các nỗ lực của chính quyền thành phố, tỉnh, trung ương và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, vẫn chưa có một nghiên cứu hoàn chỉnh để xây dựng hệ thống thoát nước nói riêng và phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố nói chung có thể giải quyết triệt để được các bất cập hiện nay. Do vậy cần tập trung chọn những giải pháp mang tính đồng bộ, giám sát chặt chẽ việc thi công, đầu tư có tính toán lâu dài thì mới từng bước giải được bài toán này. Một số đề xuất:
+ Cần ra các quy định và chính sách khuyến khích nhằm gia tăng khả năng thoát nước tại chỗ như quy định diện tích bề mặt tự nhiên tối thiểu trong mỗi lô đất, yêu cầu các công trình lớn phải có bể chứa nước mưa, xây dựng "vỉa hè xanh", xây dựng các điểm trữ nước tạm thời khi mưa lớn xảy ra, chiếm lĩnh những không gian xanh còn chưa bị ĐTH ven sông để mở rộng lòng sông hoặc xây dựng những công viên có khả năng chứa nước,... Chỉ phụ thuộc vào giải pháp xây dựng công trình, vấn đề sẽ không được giải quyết triệt để mà thậm chí còn trở nên trầm trọng hơn.
+ Với các dự án đang và sẽ triển khai (khu đô thị mới Vinh Tân, Quang Trung, Hà Huy Tập...), yêu cầu các nhà đầu tư thi công công trình cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống thoát nước theo đúng quy định trong thiết kế đã được trình
139
duyệt. Thành phố phải tiến hành kiểm tra trước và sau khi hoàn thiện các công trình để các dự án phát huy hiệu quả.
Cần phải giám sát chặt chẽ việc thi công, đầu tư, không để xảy ra tình trạng dự án chống ngập triển khai hằng năm, nhưng cứ mùa mưa đến, ngập lụt lại tái diễn.
+ Cần kiên cố hóa và làm kín các kênh, mương dẫn thải, mở rộng và kè các kênh mương thoát nước chính.
Với các nguồn gây bẩn (các mương dẫn nước thải, các hồ chứa nước thải, các bãi rác...) phải xây dựng lại lớp chống thấm bằng đất sét hay vật liệu chống thấm.
+ Thường xuyên kiểm tra và nạo vét bùn rác gây ô nhiễm và cản trở thoát nước, phát quang cây cối, bụi rậm, khai thông cống rãnh, kênh mương theo định kỳ, bảo dưỡng, vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải để thoát nước nhanh và chống xuống cấp của hệ thống mương thoát nước trên địa bàn thành phố.
■ Đối với nguồn nước dưới đất
Giải pháp lâu dài để đảm bảo chất lượng nguồn nước dưới đất là giảm tối đa lượng nước thải ô nhiễm ngấm xuống lòng đất. Muốn vậy cần:
+ Xây dựng hệ thống cống rãnh thoát nước tốt.
+ Xử lý nghiêm những trường hợp đổ chất thải, rác thải ô nhiễm xuống lòng đất. + Việc khai thác nguồn nước dưới đất cũng cần phải từng bước đưa vào quản lý và thực hiện theo quy hoạch, tránh tràn lan, gây cạn kiệt nguồn nước.
+ Đối với các khu vực bãi thải tập trung (bãi rác Đông Vinh hiện nay đã quá tải, bãi rác Nghi Yên đang được xây dựng), cần có phương án xử lý triệt để nguồn rác thải, nước thải, tránh khả năng lượng nước này ngấm xuống mạch nước dưới đất.