10. Cấu trúc của luận án
1.2.2. Tác động đến môi trường tự nhiên của quá trình đô thị hóa
Các nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP), Hội nghị của Liên Hợp Quốc về môi trường và phát triển (UNCED), Hội nghị của Ngân hàng thế giới về môi trường đô thị cho rằng môi trường tự nhiên của đô thị ngày càng bị ô nhiễm và suy thóai bởi những tác động của con người, của đô thị hóa, công nghiệp hóa và sự phát triển văn hóa xã hội, KHKT [68]. Quá trình ĐTH hiện tại diễn ra trong bối cảnh của ba mối lo ngại lớn về sinh thái:
Sự bùng nổ dân số
Sự cạn kiệt tài nguyên
Sự ô nhiễm môi trường
Ba tác nhân này gây sức ép ngày càng mạnh, càng rộng và càng sâu lên quá trình ĐTH, làm cho ĐTH hiện nay, đặc biệt ở các nước đang phát triển bị biến dạng
28
ghê gớm, làm cho ĐTH vốn là một quá trình tiến bộ, tích cực nhưng ở nhiều vùng trên thế giới lại bị đánh giá như là một hiện tượng không bình thường của thế kỷ. Các nước nghèo bắt đầu công cuộc “ĐTH quá mức”, khác hẳn với công cuộc ĐTH của các nước phát triển đã và đang diễn ra. Đó là điều đáng lo ngại nhất và là mối quan tâm hàng đầu hiện nay trong quá trình phát triển.
Ở nhiều nước đang phát triển, quá trình ĐTH đã và đang gây ra hàng loạt hiện tượng quá tải, làm cho môi trường sinh thái đô thị phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, làm phá vỡ sự cân bằng giữa môi trường tự nhiên và phát triển KT-XH.
* Những tác động tích cực đến môi trường tự nhiên của quá trình đô thị hóa
ĐTH là một quá trình đa diện, đa chiều, tiềm ẩn trong mình những mâu thuẫn. Những tác động của quá trình ĐTH thể hiện ở cả hai phương diện: tích cực và tiêu cực đến môi trường tự nhiên, cũng như quá trình phát triển KT-XH. Những tác động tích cực đến môi trường tự nhiên gắn liền với quá trình phát triển và mở rộng không gian đô thị, tạo ra tiềm lực để tôn tạo cảnh quan đô thị, nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng môi trường để cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường đô thị, không gian sống của cộng đồng. Kofi Annan - cựu Tổng thư ký LHQ đã nói "Hãy tạo ra các 'thành phố xanh' để con người có thể nuôi dưỡng con cái và thực hiện các ước mơ của mình trong một môi trường được quy hoạch hợp lý, sạch sẽ và trong lành".
Với các chính sách quản lý và phát triển đô thị phù hợp, quá trình ĐTH sẽ có những tác động tích cực đến môi trường tự nhiên, thể hiện: môi trường sinh thái và cảnh quan đô thị được cải thiện, từng bước giảm bớt và tiến tới giữ được sự cân bằng sinh thái tự nhiên theo không gian đô thị. Chất lượng của một số thành phần môi trường tự nhiên cũng từng bước được cải thiện, như môi trường nước mặt, nước dưới đất, môi trường không khí, môi trường đất sẽ có xu hướng biến đổi tích cực, mức độ ô nhiễm ngày càng giảm dần do các chất thải gây ô nhiễm môi trường sẽ quản lý và kiểm soát chặt chẽ trước khi xả thải ra môi trường.
* Những tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên của quá trình đô thị hóa
ĐTH tạo ra những nơi tiêu thụ một khối lượng khổng lồ các nguồn nhiên liệu - năng lượng, các nguồn nguyên vật liệu, nguồn nước, lương thực - thực phẩm và các nguồn nguyên liệu thô khác. Quá trình ĐTH tương đối nhanh đã có những tác động đáng kể đến môi trường và TNTN, đến sự cân bằng sinh thái: tài nguyên đất bị khai thác triệt để để xây dựng đô thị, làm giảm diện tích cây xanh và mặt nước, gây ra úng ngập, cùng với nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt, dịch vụ, sản xuất ngày càng tăng làm suy thóai nguồn tài nguyên nước. Mặt khác việc mở rộng không gian đô thị dẫn
29
đến chiếm dụng đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến vấn đề an toàn lương thực quốc gia và đến đời sống của dân cư ngoại thành. Sản xuất công nghiệp phát triển mạnh làm phát sinh một lượng lớn chất thải, trong đó chất thải nguy hại ngày càng gia tăng; bùng nổ giao thông cơ giới gây ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn nghiêm trọng. ĐTH làm tăng dòng người di dân từ nông thôn ra thành thị, gây nên áp lực đáng kể về việc làm, nhà ở và vệ sinh môi trường, hình thành các khu nhà "ổ chuột" và khu nghèo đô thị. Tất cả cộng hưởng vào nhau làm suy giảm chất lượng của môi trường đô thị, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân, đe dọa sự phát triển ổn định, lâu dài và bền vững của các đô thị.
Những tác động tiêu cực của quá trình ĐTH đã và đang để lại nhiều dấu ấn sâu sắc.
- Gia tăng sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong phát triển KT-XH đã làm gia
tăng ô nhiễm môi trường tự nhiên.
Số lượng, mật độ dân cư ở các siêu đô thị phát triển tăng tốc, theo sau nó là sự tăng cao về tiêu thụ TNTN (đặc biệt là đất tại các khu vực định cư mới), nước và năng lượng. Kết quả là một biến dạng sinh thái của môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng nước, không khí và đất.
ĐTH gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động sản xuất công nghiệp. Do đó, lượng chất thải từ các hoạt động sản xuất và sinh hoạt đã gây ảnh hưởng lớn tới môi trường, môi sinh, cảnh quan. Lượng phát thải quá nhiều trong khi xử lí chất thải chưa tương xứng và hiệu quả đã gây ô nhiễm nguồn đất, nước, không khí… ngày càng nghiêm trọng.
Ô nhiễm không khí, chủ yếu gây ra bởi các phương tiện giao thông, ùn tắc giao thông và sản xuất công nghiệp ở hầu hết các thành phố của các nước đang phát triển đã vượt quá tiêu chuẩn môi trường đáng kể. Các tổn thất hàng năm của thế giới được xác định bởi ô nhiễm không khí ước tính từ 0,5 - 2,5% GNP.
ĐTH với nhu cầu nước ngày càng tăng trong sản xuất và sinh hoạt đang dẫn con người tới nguy cơ thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Dân cư đô thị tăng, nước thải sinh hoạt ngày càng nhiều. Trong nước thải sinh hoạt do tổng hợp từ rất nhiều dạng khác nhau nên chứa nhiều vi khuẩn và virut gây bệnh nguy hiểm cho người và sinh vật. Bên cạnh đó, việc không có một hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt mà đổ thẳng ra các kênh rạch, sông ngòi làm cho nguồn nước ở nhiều khu đô thị bị nhiễm độc nặng nề và ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của chính nguời dân trong khu vực đó.
30
Việc thu hẹp đất sản xuất, chuyển đất sản xuất sang đất chuyên dùng và thổ cư, sự mở rộng quy mô đô thị đã tạo đà cho việc sử dụng quá liều lượng hóa chất, phân hóa học trong trồng trọt gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước dưới đất.
- Phát triển nhà ở, hình thành các khu nghèo đô thịđã gây áp lực lên cơ sở
hạ tầng đô thị và đã gián tiếp tác động đến môi trường tự nhiên.
Số liệu thống kê cho thấy, hiện cứ 3 người dân đô thị có 1 người sống trong khu ổ chuột [122]. Người dân các khu ổ chuột phải sống trong điều kiện tồi tệ chẳng kém những khu vực nông thôn nghèo khổ nhất, thiếu chỗ ở và nước sạch, điều kiện vệ sinh, y tế và an ninh vô cùng tồi tệ. Tại nhiều quốc gia đang phát triển, tỷ lệ trẻ em ở các khu ổ chuột suy sinh dưỡng và chết vì các bệnh liên quan đến nước sinh hoạt tương đương hoặc hơn so với khu vực nông thôn. Tại Đông Nam Á, 26% dân số các khu ổ chuột sống dưới mức nghèo khổ.
Việc gia tăng các khu nhà ổ chuột và các khu nghèo đô thịđã gây sức ép lớn đến điều kiện vệ sinh môi trường, làm gia tăng mức độ ô nhiễm các thành phần môi trường tự nhiên, nhất là môi trường nước do chất thải sinh hoạt và sản xuất tại các khu vực này rất khó quản lý.
Quá trình ĐTH với sự phát triển KT-XH và gia tăng dân số đã gây áp lực lên cơ sở hạ tầng đô thị. Ở hầu hết các siêu đô thị của các nước đang phát triển, quy hoạch đô thị và hạ tầng công cộng chỉ đạt được một phần trong quy hoạch phát triển đô thị hợp lý, bền vững.
Trong nhiều trường hợp có sự thiếu hiệu quả của cơ sở hạ tầng cho giao thông công cộng, các bãi rác và hệ thống xử lý nước thải. Hệ thống thoát nước mưa hoàn toàn không đủ. Tình hình này gây ra hậu quả nghiêm trọng về môi trường và sức khỏe cộng đồng. Tại các đô thị việc chiếm dụng đất công, san lấp mặt bằng, sông ngòi, lấn chiếm lòng đề đường để làm nhà và xây dựng trái phép diễn ra hàng ngày làm cản trở đến việc tiêu, thoát nước và chất thải đô thị. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng không đáp ứng đủ, đường sá giao thông tắc nghẽn, nguồn nước dưới đất và các dòng sông bị đe dọa nhiễm bẩn nghiêm trọng vì chất thải…
Như vậy, có thể thấy rằng ĐTH đã tác động không nhỏ tới tài nguyên, môi trường. Ở Việt Nam, làn sóng ĐTH tuy đã thổi luồng sinh khí mới vào đời sống KT- XH đất nước, nhưng cũng bộc lộ bất cập. Các kết quả đo mức độ ô nhiễm môi trường cho thấy một bức tranh không đồng nhất, mức độ ô nhiễm cũng đang gia tăng nhanh chóng. Quá trình ĐTH xảy ra nhiều năm trước quá trình CNH, khiến cho mô hình và tư duy đô thị gặp nhiều khủng hoảng. Sự phát triển ngược trên khiến hệ thống đô thị ở Việt Nam ngày càng lộ rõ những yếu kém, đi liền với các hệ quả, có thể được gọi
31
là "căn bệnh đô thị" như: kiến trúc thiếu đồng bộ, giao thông tắc nghẽn, nước thải sinh hoạt, di dân tự do và các vấn đề xã hội, môi trường nan giải khác...