Tình hình nghiên cứu ngoài nước

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động đến môi trường tự nhiên của quá trình đô thị hóa ở thành phố vinh, tỉnh nghệ an (Trang 44 - 48)

10. Cấu trúc của luận án

1.3.1. Tình hình nghiên cứu ngoài nước

Trên thế giới nhiều nhà khoa học đã đi sâu nghiên cứu các vấn đề về ĐTH và BVMT đô thị, đặc biệt là các tác giả ở các nước, các khu vực có nền công nghiệp phát triển như Mỹ, Châu Âu, Liên Xô (cũ)… ngay từ thời kỳ phong kiến với nền văn minh nông nghiệp, khi ĐTH còn ở dạng phôi thai [67]. Nhiều mô hình đô thị gọi là "thành phố mẫu" hoặc "thành phố lý tưởng" đã ra đời thời đó như những đơn vị ở và sản xuất biệt lập, kết hợp với đồn trú, thành quách, tiêu biểu là thuyết thành phố "lý tưởng" của Albrech Durer (1527), Jacoue Francois Perret (1601), Daniel Speckle (1608), Vincenzo Scamozzi (1615), Denis Vairasse (1675) [67]. Đến thời kỳ CNH, quy mô đô thị tập trung lớn hơn, hoạt động đô thị phức tạp hơn, ô nhiễm môi trường sống khá phổ biến, tuy người ta chưa quan tâm nhiều đến bảo vệ môi trường thiên nhiên, nên đã xuất hiện ý tưởng muốn đưa công nghiệp ra ngoài khu nhà ở như mô hình thành phố tươi sáng của Le Corbusier (1933) hoặc cấu trúc những "thành phố vườn" cách ly với KCN với các dải cây xanh ở Anh hoặc những đô thị cảnh quan kết hợp hài hòa giữa môi trường nhân tạo và môi trường thiên nhiên mà Le Corbusier nêu ra năm 1934, 1943, 1952; Kenzotange (1950), Luciocospa (1956) [67], hoặc nếu không có điều kiện chuyển công nghiệpđi thì phân tán dân cư ra các thành phố vệ tinh xung quanh thành phố hạt nhân, lập một vành đai xung quanh để không cho thành phố phát triển quá lớn của G.B.Krasin (1930), Patrick Abercrombie (1944), G.E.Misenko (1961) [67]. Hệ thống đô thị được W.Christaller khái quát hóa cấu trúc không gian lãnh thổ theo mô hình tầng bậc hình học, đặc biệt thuyết vị trí trung tâm (1933) đã giải thích nguyên nhân đô thị hàng đầu lớn đặc biệt và đưa ra mô hình lý thuyết của mạng lưới đô thị 4 cấp được phân bố hợp lý trên không gian lục lăng dựa vào khả năng cung ứng dịch vụ của các điểm trung tâm [67].

ĐTH ngày nay không còn là một vấn đề mới bởi nó đã thực sự được nghiên cứu ở mọi khía cạnh, mọi phương diện từ kiến trúc, xây dựng tới văn hóa, môi trường, lịch sử... Nhưng ý nghĩa của quá trình ĐTH lại mang tính mới mẻ bởi ĐTH trên thế giới hiện nay đang ngày càng trở thành một vấn đề mang tính toàn cầu thu hút sự chú ý của các nhà khoa học trong mọi lĩnh vực nhằm giải quyết những vấn đề mà quá trình đó tạo ra. Nổi bật với các công trình nghiên cứu "Ranh giới đô thị"

36

(City and region) (1972) của Robert E. Dickinson [133], "ĐTH bền vững" (Sustainable urbanisation, bridging the green and brow agendas) (2002) của Adrian Atkinson, Nathan Maron, Patrick McAlpine, Salma Nims, Anna Soave, Julian Walker [126], "Quy hoạch đô thị bền vững" (Sustainable Urban Planning) (2004) của Robert Riddell [134],… đã trình bày một cách tổng quát về các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường nảy sinh trong quá trình ĐTH tại các nước, các khu vực khác nhau trên thế giới.

Trong "ĐTH và vấn đề di cư từ nông thôn ra thành thị. Lý luận và chính sách” (1992), Todaro Michael [137] đã đưa ra những quan điểm và nhận định về đặc điểm và tính chất của quá trình ĐTH của các nước phát triển và đang phát triển trong thế kỷ XX và luận giải cho việc đề xuất những chính sách quản lý, phát triển kinh tế, xã hội, BVMT nhằm kiểm soát và điều tiết quá trình ĐTH.

Nghiên cứu "Sự sản sinh không gian đô thị ở Trung Quốc" (2008), Terence Gary MC Gee [83] đã trình bày rất rõ nét về sự xuất hiện và vai trò tích cực của các vùng đại đô thị (Mega-Urban Regions) trong phát triển kinh tế ở châu Á. Ông đặc biệt quan tâm đến quá trình ĐTH nhanh chóng ở Việt Nam. Ông cảnh báo Việt Nam về những hậu quả không mấy khích lệ đang diễn ra tại các thành phố xây dựng dọc theo bờ biển, về khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội và phá hủy môi trường.

"Những biên giới đô thị mới: Quá trình ven đô hóa và tái lãnh thổ hóa ở Đông Nam Á" (2008) của Micheal Leaf [59] đã tập trung nghiên cứu các vùng ven đô thị ở Ðông Nam Á. Ðối với ông, đây là vùng đệm giữa đô thị cũ và vùng nông thôn xung quanh và là nơi đang diễn ra sự thể nghiệm các khu đô thị mới với các KCN, nhà ở, vui chơi giải trí. Hiện tượng ĐTH vùng ven đô thị diễn ra ở đây càng phức tạp hơn khi xuất hiện việc chiếm dụng đất canh tác nông nghiệp, đầu cơ đất đai và nạn tham nhũng. Ông nghĩ rằng chính quyền phải xác định lại phương cách quản lý mới và tái cấu trúc lại lãnh thổ thì mới mong phát triển hài hòa cho công cuộc ĐTH.

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu tiến trình ĐTH ở châu Á, Mike Douglass [86] đã lên tiếng báo động về nguy cơ các công ty bất động sản lớn đang chuyển đất đai nông nghiệp thành các khu đô thị mới với cư xá khép kín, với nhà ở cao cấp cùng các dịch vụ như siêu thị, công viên, sân golf, khu vui chơi giải trí riêng biệt dành cho người có thu nhập cao. Ðây là hình ảnh của “đô thị toàn cầu” rất xa lạ với khung cảnh đa phần còn nghèo khó vùng Ðông Nam Á.

Shigehisa Matsumura [86] đã nêu một quan điểm quy hoạch đô thị bền vững: tất cả các bên liên quan, không kể chính quyền hay người dân đều phải được chia sẻ

37

và phổ biến thông tin chung. Động thái này sẽ giúp tạo nên tình cảm với nơi mình sinh sống và tất yếu sẽ mang lại sự PTBV.

Trong "Những rủi ro và cơ hội từ quá trình ĐTH ở các thành phố lớn trên thế giới" (2008), Kotter [128] trên quan điểm liên ngành và đa ngành đã phân tích những thách thức của ĐTH và các siêu đô thị trong thế kỷ XXI. Từ đó đề xuất các nguyên tắc và giải pháp phát triển thành phố lớn với các mô hình PTBV, đặc biệt là chính sách đô thị và chiến lược quy hoạch đô thị.

Trong "Định cư đô thị - thực trạng, biện pháp, và xu hướng" (2010), David E. Bloom, Canning David, Fink Günther, Tarun Khanna và Patrick Salyer [127] đã xem xét các dữ liệu về ĐTH để phân tích xu hướng phát triển đô thị thời gian gần đây và các mô hình trong quá trình ĐTH trên toàn cầu… mở đường cho các nghiên cứu về quá trình ĐTH bền vững trong tương lai.

Hơn một nửa dân số thế giới hiện đang sống ở các đô thị. Các trung tâm đô thị đang mở rộng nhanh chóng, các siêu đô thị tăng nhanh đang gây sức ép vào môi trường tự nhiên, với những tác động lan rộng ở cấp đô thị, trên quy mô khu vực và toàn cầu. Những thập kỷ gần đây, ô nhiễm không khí đã trở thành một trong những vấn đề quan trọng nhất của siêu đô thị. Trong "Siêu đô thị và ô nhiễm khí quyển", Mario J. Molina và Luisa T. Molina [131] đã chọn nghiên cứu chất lượng không khí tại 9 thành phố lớn, 9 trung tâm đô thị lớn bậc nhất thế giới, từ các đô thị ở các nước phát triển: Los Angeles (California, Hoa Kỳ), Toronto (Canađa) đến các đô thị ở các nước đang phát triển: Mexico city (Mêhicô), New Delhi (Ấn Độ), Bắc Kinh (Trung Quốc), Santigo (Chilê), Sao Paulo (Braxin), Bogota (Côlômbia), Cairô (Ai Cập) để xác định sự tác động tới môi trường của các thành phố lớn trên thế giới. Từ đó cho thấy cách tiếp cận toàn diện các vấn đề môi trường phức tạp là cần thiết. Không có chiến lược duy nhất để giảm thiểu ô nhiễm không khí trong các thành phố lớn. Chính sách quản lý chặt chẽ của nhà nước, kết hợp với đối thoại cộng đồng là hết sức hiệu quả để thực thi và giải quyết các vấn đề đặt ra.

Ngay từ những năm 30 của thế kỷ XX, các hội thảo quốc tế đã thảo luận các vấn đề về sự hình thành và phát triển của hệ thống các đô thị trên thế giới, đặc biệt chú ý tới các vấn đề về dân cư đô thị và BVMT đô thị. Phát triển đô thị bền vững đã được nhiều tổ chức khoa học quan tâm, nghiên cứu: Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Trung tâm định cư con người của Liên hợp quốc (UN - HABITAT), Tổ chức phi chính phủ: các phương án phát triển (Development Alternatives - India), Quỹ TNTN và môi trường (The Environment and Natural Resources Foundation - Achentina), Trung tâm môi trường khu vực Trung và Đông Âu (The Regional Environmental Center for Central and Eastern Europe)…

38

Năm 1972, mối quan tâm về môi trường toàn cầu, về sự bền vững của các xu hướng phát triển đô thị đã được nêu ra trong hội nghị Stokholm. Năm 1974, vấn đề biến đổi khí hậu nói chung do bị ảnh hưởng của sự bùng nổ dân số, của ô nhiễm môi trường và do sử dụng không hợp lý các nguồn tài nguyên đã được đề cập. Năm 1976, đại hội Địa lý lần thứ XXII tại Matxcơva (Liên bang Nga) đã coi vấn đề ĐTH trong điều kiện phát triển của cuộc cách mạng KHKT, vấn đề bảo vệ các hệ sinh thái đô thị và BVMT đô thị là một trong các vấn đề trọng yếu. Năm 1980, khái niệm PTBV liên quan đến việc bảo tồn các nguồn tài nguyên sống và tăng cường sự thịnh vượng của con người đã được nêu ra trước công chúng. Báo cáo Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (năm 1990) đã chỉ ra rằng quá trình ĐTH không phải là một sự khủng hoảng hay thảm kịch, nó chỉ là một thách thức đối với tương lai mà thôi, chỉ có con đường duy nhất để tránh được thách thức này là tạo ra đô thị bền vững.

Năm 2006, diễn đàn đô thị thế giới lần thứ ba tại Vancouver (Canađa) thu hút 15.000 đại biểu đến từ khắp nơi trên thế giới đã thảo luận về tương lai của các thành phố, xu thế ĐTH cũng như tình trạng nghèo khổ và ô nhiễm môi trường tự nhiên tại các thành phố khắp toàn cầu.

Tại hội thảo "Năm 2050 - Hướng tới tăng trưởng bền vững và thịnh vượng” trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần thứ 44 (2009) đã khuyến nghị các nước cần tập trung vào quy hoạch và xây dựng đô thị bền vững, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến loại hình “đô thị xanh”. Việc phần lớn dân số sẽ sinh sống và làm việc trong đô thị đã gây áp lực rất lớn lên cơ sở hạ tầng, vấn đề cấp nước, năng lượng, xử lý rác thải…

Trong thông điệp gửi Kỳ họp thứ 23 của Hội đồng quản trị Chương trình Định cư con người của LHQ (UN-HABITAT) tại thủ đô Nairôbi của Kênia (2010), Tổng Thư ký LHQ BanKiMun kêu gọi cộng đồng thế giới phát triển đô thị bền vững thông qua phát triển "nền kinh tế xanh". Kỷ nguyên ĐTH mà thế giới đang bước vào chứa đầy những ẩn số, trong đó nổi bật là những hiểm họa đang tăng lên cùng với biến đổi khí hậu. Những thách thức tập thể này đòi hỏi thế giới cần chuyển đổi nhanh chóng sang nền "kinh tế xanh" để đảm bảo phát triển đô thị bền vững.

Ngày 19/06/2012, Hội nghị thượng đỉnh LHQ về PTBV (Hội nghị Rio + 20) đã được tổ chức tại Braxin. Với chủ đề “kinh tế xanh” và các khuôn khổ thể chế cho sự PTBV, hội nghị đã đưa ra các công cụ, chương trình hành động để PTBV trở thành một mô hình kinh tế mà thế giới phải xây dựng;theo đó kêu gọi và tiến tới bắt buộc các quốc gia cam kết tiến hành đo lường mức tăng trưởng của họ không chỉ dựa trên các tiến bộ của nền kinh tế thông qua tốc độ tăng GDP mà còn dựa vào các tiêu chí xã hội và môi trường.

39

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động đến môi trường tự nhiên của quá trình đô thị hóa ở thành phố vinh, tỉnh nghệ an (Trang 44 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)