Môi trường tự nhiên đô thị

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động đến môi trường tự nhiên của quá trình đô thị hóa ở thành phố vinh, tỉnh nghệ an (Trang 28 - 30)

10. Cấu trúc của luận án

1.1.3. Môi trường tự nhiên đô thị

Môi trường đô thị là một bộ phận của môi trường sống chung, bao gồm tất cả các yếu tố vật chất và phi vật chất thuộc không gian của đô thị. Trên một phương diện khác, môi trường đô thị là những cảnh quan kiến trúc và thẩm mỹ, là sự sắp xếp các yếu tố vật chất nhân tạo theo một trình tự nhất định và luôn được điều chỉnh bởi ý thức của con người. Các hoạt động của con người luôn làm biến đổi các yếu tố thành phần vật chất của môi trường đô thị.

Nguyễn Thế Bá [2] cho rằng: "Môi trường đô thị là môi trường được hình thành bởi nhiều thành phần vật chất khác nhau, trước tiên là các khu nhà ở, các khu

sản xuất, khu công nghiệp, khu trung tâm, khu nghỉ ngơi, các hệ thống GTVT và các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác". Theo Trần Thị Hường [68], môi trường đô thị là sự tổng hòa của mọi yếu tố, bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo, bảo đảm cho hoạt động sinh hoạt, sản xuất, nghỉ ngơi của mọi người dân đô thị.

20

Môi trường tự nhiên đô thị là một bộ phận hết sức quan trọng của môi trường đô thị, bao gồm các thành phần của tự nhiên tồn tại, vận động và biến đổi gắn liền với sự tồn tại và phát triển của mỗi đô thị. Môi trường tự nhiên của đô thị gồm tất cả các thành phần thiên nhiên tồn tại bao quanh đô thị và xen cài trong đô thị như địa hình, động - thực vật, khí hậu, không khí, đất, nước.. [68]. Dưới tác động của con người và các hoạt động xây dựng, môi trường tự nhiên trong đô thị bị ô nhiễm có sự thay đổi về tính chất, số lượng, thành phần... so với môi trường tự nhiên nguyên sơ.

● Môi trường không khí đô thị

Trong đô thị, môi trường không khí bao quanh con người và đô thị là không khí đã bị ô nhiễm bởi các chất độc hại do hoạt động của con người như sản xuất (công nghiệp, dịch vụ), tiêu thụ tài nguyên, các hoạt động sinh hoạt, đi lại, làm việc, vui chơi giải trí, nghỉ ngơi và các hoạt động khác gây ra. Các hoạt động của con người rất đa dạng và thường xuyên thải ra môi trường nhiều khí độc hại nguy hiểm, điển hình là CO, SO2, NO2 và các loại bụi ảnh hưởng đến sức khỏe của dân cư đô thị. Hoạt động của con người đã làm tăng thêm ô nhiễm không khí, tăng khí thải cacbonic và nhiều chất khí độc hại khác vào khí quyển.

● Môi trường nước đô thị

Trong đô thị nơi dân cư tập trung đông đúc, nước càng có ý nghĩa quan trọng, không chỉ bởi khả năng cấp nước mà còn cả về chất lượng nước (nước cấp, nước thải) để phục vụ con người. Trong quá trình ĐTH, với yêu cầu CNH và hiện đại hóa đất nước thì nhu cầu dùng nước rất lớn. Các hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ, vui chơi giải trí... đã thải ra một lượng nước thải đáng kể bao gồm nước thải sản xuất, sinh hoạt. Nếu không tập trung và xử lý tốt thì chính những loại nước này sẽ gây ra ô nhiễm môi trường nước (vì trong nước thải đô thị có nhiều cặn lắng lơ lửng, chất hữu cơ và chất độc hại, dầu mỡ và các vi trùng gây bệnh).

● Môi trường đất đô thị

Sự hình thành đất là quá trình phức tạp do kết quả hoạt động tổng hợp các yếu tố: động - thực vật, đá, khí hậu, địa hình, thời gian và con người, trong đó tác động của con người là lớn nhất. Con người có thể làm cho đất khô cằn, bị ô nhiễm hoặc ngược lại có thể làm cho đất ổn định và màu mỡ. Điều đó tùy thuộc vào thái độ và hành vi của con người. Trong quá trình ĐTH và phát triển kinh tế, con người đã chiếm dụng đất canh tác để xây dựng nhà cửa, đường sá... cho đô thị. Đất được dùng cho mục đích xây dựng tăng lên rất nhiều. Quỹ đất xây dựng tăng lên sẽ thu hẹp các diện tích đất khác.

21

Trong đô thị, hoạt động xây dựng đã gây xói mòn, phá hoại đất, hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, sinh hoạt đã đưa vào đất một lượng phế thải, rác thải, nước thải, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... gây ô nhiễm đất. Lượng phân hóa học, thuốc trừ sâu dùng trong nông nghiệp đã ảnh hưởng đến đất. Rác thải, phế thải công nghiệp, chất thải rắn từ sinh hoạt, bệnh viện, công nghiệp, dịch vụ... không qua phân loại đã chuyển thẳng đến bãi chôn lấp rác thải không đảm bảo điều kiện vệ sinh là nguồn độc hại gây ô nhiễm môi trường đất, nước. Nguy hại nhất là rác không được thu gom, vận chuyển đã ngấm xuống đất làm ô nhiễm đất. Hiện nay ở hầu hết các đô thị chưa có bãi rác hợp vệ sinh. Trong rác có nhiều thành phần độc hại (hóa chất, vi trùng lây bệnh từ rác bệnh viện, ắc quy, chất phóng xạ...) và những chất vô cơ khó phân hủy (sợi nhân tạo, thủy tinh, sành sứ vụn...), các kim loại phế thải công nghiệp sẽ ngấm vào trong đất trong thời gian dài và gây tác hại khôn lường, làm thay đổi tính chất và thành phần của đất. Các nghiên cứu cho thấy [68] khả năng di chuyển các chất độc hại trong đất xa hơn nhiều so với phạm vi trực tiếp bị ô nhiễm, khả năng tích tụ tồn lưu chất độc trong đất lâu hơn nhiều so với không khí và nước.

Bảo vệ môi trường, phát triển đô thị bền vững có ý nghĩa rất quan trọng về mặt kinh tế, xã hội và dân sinh của đô thị. Con người phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ thiên nhiên và có thái độ đúng mực với thiên nhiên.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động đến môi trường tự nhiên của quá trình đô thị hóa ở thành phố vinh, tỉnh nghệ an (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)