Miêu tả bằng sự di động điểm nhìn

Một phần của tài liệu Tính hiện đại trong tiểu thuyết sống mòn của nam cao (Trang 91 - 94)

7. Cấu trúc luận văn

3.3.2. Miêu tả bằng sự di động điểm nhìn

Điểm nhìn là “vị trí từ đó người trần thuật nhìn ra và miêu tả sự vật trong các tác phẩm (...) Điểm nhìn nghệ thuật có thể hiểu là điểm rơi của cái nhìn vào khách thể.” [Từ điển thuật ngữ văn học, 113]. Như vậy, muốn có tác phẩm, trước hết phải có điểm nhìn. Điểm nhìn quyết định tính chất các mối quan hệ trong tác phẩm, quyết định cách mô tả, trần thuật, cách dùng từ, gọi tên...

Xét một cách nghiêm ngặt thì gần như tác phẩm tự sự nào cũng sử dụng hình thức thay đổi điểm nhìn, bởi vì gắn với mỗi nhân vật khác nhau thường là sử dụng một điểm nhìn (điểm nhìn của nhân vật được mô tả). Tuy nhiên, cái cốt yếu là ở chỗ, sự thay đổi điểm nhìn đó có đem lại thông điệp nghệ thuật hay không? Vấn đề là sự thay đổi điểm nhìn của các nhân vật khác nhau kia có đem lại khoảng cách xa gần, thân sơ của người miêu tả đối với nhân vật được miêu tả không? Đây là những vấn đề mà văn chương hiện đại đi sâu vào khai thác. Văn chương hiện đại rất chú trọng xóa bỏ sự dự phần, can thiệp quá đáng của nhà văn vào thế giới riêng của nhân vật, chú trọng tính đa thanh, tính mở của tác phẩm. Và dĩ nhiên, đối với mỗi tác phẩm, mỗi nhà văn, hình thức thay đổi điểm nhìn có những sự khác nhau.

Đặt mình vào những bước khởi đầu của sự thay đổi hệ hình trong sáng tác, Nam Cao đã mạnh dạn tự đặt mình vào quỹ đạo hiện đại hóa văn học. Một cách tiếp cận đề tài, một cách phản ánh về tình trạng nhân sinh thôi là chưa đủ, điều cốt yếu là phản ánh bằng hình thức nghệ thuật sao cho nó đạt giá trị thẩm mĩ - hiệu quả nhất. Sự di động điểm nhìn được nhà văn áp dụng như một điều tất yếu. Nhưng, cũng phải khẳng định rằng, sự thay đổi điểm nhìn chỉ có được khi nhà văn có ý thức tạo khoảng cách giữa người trần thuật và thế giới được trần thuật. Đây có thể xem như đặc điểm làm tiền đề. Trong Sống mòn, có lúc người kể chuyện đóng vai trò là người kể câu chuyện mà mình biết cho người đọc, nhưng cũng có nhiều lúc, người trần thuật chỉ đơn thuần kể một câu chuyện mà mình “thấy” cho người đọc nhìn nhận mà thôi. Một thái độ điềm tĩnh trong miêu tả là đặc điểm cơ bản trong cách trần thuật của Nam Cao. Chẳng hạn có lúc, tác giả miêu tả như là người thấu hết nỗi niềm nhân vật: “Có thể nói rằng y đã chán nghề. Không phải vì nghề dạy học tư không thích hợp với y. Nhưng cái nghề bạc bẽo làm sao!”; có lúc lại miêu tả khách quan: “Sau khi Đích đi rồi, Thứ sang ở với San. San thuê một căn nhà ở gần trường, mỗi tháng năm đồng. Y mua lại bộ bàn ghế và hai cái giường gỗ tạp, bà chủ bắt của người thuê trước, còn thiếu đâu ba, bốn tháng tiền nhà”. Như vậy, việc tạo khoảng cách như đã nói ở đây, kì thực là sự thay đổi điểm nhìn - điểm nhìn nhân vật và điểm nhìn của người trần thuật. Nhưng, thường sự thay đổi điểm nhìn này được thực hiện một cách tự nhiên, từ

điểm nhìn nhà văn chuyển dần sang điểm nhìn nhân vật. Lúc ấy khách thể miêu tả vẫn là một, nhưng chỉ khác là một bên cảm nhận của người ngoài cuộc, một bên là cảm nhận của người trong cuộc. Sự thay đổi, dịch chuyển điểm nhìn trong trường hợp chuyển từ điểm nhìn người này sang điểm nhìn người khác còn được thể hiện trong trường hợp các nhân vật khác nhau bày tỏ cách nhìn nhận khác nhau, trong tác phẩm chủ yếu là Thứ và San, và chủ yếu thông qua những cuộc đối thoại của họ. Chẳng hạn như chuyện Thứ và San đối thoại với nhau về chuyện gia đình, về chuyện con Dung, con Lân...

Sự di động điểm nhìn này được thể hiện một cách rõ nét ở trong trường hợp sử dụng điểm nhìn bên trong và sự luân phiên điểm nhìn. Đối với tác phẩm Sống mòn, một điều đáng chú ý nữa là, nhà văn rất chú ý đi sâu vào nội tâm, tâm lí nhân vật. Bởi thế, điểm nhìn từ bên trong được nhà văn khai thác gần như triệt để. Mục đích của điều này là làm cho đời sống bên trong được hiện lên một cách chân thực. Chúng ta có thể trích dẫn tình cờ loại điểm nhìn bên trong này: “Điều quan hệ là làm thế nào cho được sống. Cơm! Áo! Sự an toàn! Tương lai của mình! Tương lai của các con! Sống! Sống!... Tất cả sự quan hệ là ở đó. Phải làm thế nào cho được sống, được ngước mắt lên, được thở hít tự do, cùng với tất cả mọi người”. Nhưng, một điều lí thú ở Sống mòn là tác giả sử dụng điểm nhìn từ bên trong kết hợp với sự di chuyển điểm nhìn từ người kể chuyện sang nhân vật và ngược lại, khiến cho câu chuyện hiện như được đặt trong hai cái nhìn song song với nhau: “Nghĩ thế y thấy nghẹn ngào, thấy uất ức vô cùng! Không! Y sẽ không chịu về quê. Y sẽ đi bất cứ đâu, mặc rủi may, sống bất cứ thế nào và chết thế nào cũng được. Chết là thường. Chết ngay trong lúc sống mới thật là nhục nhã. Y sẽ đi và bất cần tất cả!...”. Tất nhiên, cái cơ bản trong cách sử dụng điểm nhìn và luân phiên điểm nhìn như chúng tôi phân tích ở đây có một mối quan hệ mật thiết với cách sử dụng lời văn, ngôn ngữ. Có thể nhận thấy lời văn cơ bản trong Sống mòn là lời hai giọng, lời văn nửa trực tiếp. Mà, cụ thể của hình thức này là cái nhìn của nhân vật, nội tâm của nhân vật trong lúc ngôn ngữ trần thuật là của người kể chuyện.

Việc di động điểm nhìn trong trần thuật đã tác động tới các bình diện hiện thực, tính chân thực trong mô tả, tác động tới lời văn, giọng điệu, tạo nên tính sinh động cho tác phẩm. Thậm chí có lúc, nhờ áp dụng hình thức ấy mà tác phẩm đã như dòng chảy miên man của những cảm xúc chân thành, những cảm xúc buột phát từ trong cùng quẫn, khổ đau, dằn vặt. Đây có thể xem là một thành công không thể phủ nhận của Sống mòn. Điều này khiến cho câu chuyện vừa là ngoài cuộc với người kể chuyện, lại vừa như là chuyện của chính nhân vật đặc biệt này. Nghĩa là, từ nhân vật đặc biệt ấy, cầu nối đến nhà văn và bạn đọc đã được rút ngắn rất nhiều. Người đọc dễ dàng thâm nhập vào trong tác phẩm.

Một phần của tài liệu Tính hiện đại trong tiểu thuyết sống mòn của nam cao (Trang 91 - 94)