Những số kiếp bị đoạ đày

Một phần của tài liệu Tính hiện đại trong tiểu thuyết sống mòn của nam cao (Trang 63 - 65)

7. Cấu trúc luận văn

2.3.2. Những số kiếp bị đoạ đày

Trong trào lưu văn học hiện thực phê phán phương Tây thế kỉ XIX và Việt Nam đầu thế kỉ XX, chúng ta đã gặp những trang viết khá xúc động về nỗi thống khổ của con người. Và điều đó là nên giá trị tố cáo hiện thực, phê phán hiện thực. Riêng trong văn học Việt Nam, điều này cũng đã thể hiện một cách phong phú và hết sức sinh động. Chúng ta đã gặp những người dân gồng mình ra chống lũ trong lúc quan huyện và nha lại say sưa trong cuộc đỏ đen, để rồi cuối cùng, những người bị nước lũ cuốn trôi đầu tiên lại chính là những con người còng lưng chống lũ ấy. Chúng ta cũng đã biết đến một kép Tư Bền cha chết vẫn phải lên sân khấu mua vui cho thiên hạ; đã biết đến một chị Dậu phải bán chó, bán con để cứu lấy chồng trong nỗi tủi nhục đến vô cùng. Chúng ta cũng đã biết đến những dì Hảo, những Dần, Lang Rận, Chí Phèo... vật vã trong cuộc sống bấp bênh đầy đe doạ... Tuy nhiên, cái nghèo, cái đói, nỗi thống khổ bị áp bức trong phần lớn các tác phẩm ấy, kể những tác phẩm của Nam Cao, mặc dù đã mang đến những niềm thương cảm đối với con người, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy đấy chỉ là những nỗi khổ, mà đến một lúc nào đấy có thể giải quyết được. Nghĩa là đó vẫn chỉ là những nỗi thống khổ có thể nhìn thấy được

Trong một số không nhiều tác phẩm của Nam Cao, những thân phận đói nghèo không chỉ dừng lại ở việc phản ánh hiện thực, chia sẻ với những người thấp cổ bé họng, mà thực sự đã tạo được ám ảnh về một nỗi tủi nhục dai dẳng, một nỗi đoạ đày thực sự, thậm chí là lưu đày. Chúng ta đã thấy một Chí Phèo bị đày đọa trong kiếp sống từ chỗ không cha, không mẹ, trải qua bàn tay của những con người xa lạ, rồi trở thành đầy tớ, rồi tù đày và cuối cùng là triền miên trong cơn say. Một Hộ vật vã cũng trong từng cơn tỉnh say với một đời sống tinh thần lộn xộn, khắc khoải... Điều đó cho thấy cảm nhận về kiếp đọa đày của con người là một cái gì đó, một ý thức xuyên suốt trong tư tưởng của Nam Cao về con người. Đây cũng là một điểm cho thấy tính chất đi trước thời đại của ông, ở chỗ đã có sự gặp gỡ với các nhà văn hiện đại chủ nghĩa.

Sống mòn là tiểu thuyết viết về người trí thức. Và với những người này, có lẽ bởi sự đồng cảm, bởi cảm nhận chua xót của người trong cuộc, Nam Cao đã rất thành công trong việc miêu tả những số kiếp bị đoạ đày ấy. Các nhân vật của ông hiện lên, trước hết bằng hình ảnh của những con người bị hành xác. Họ sống trong đói nghèo, tù túng về cả vật chất và tinh thần. Họ quanh quẩn với những công việc tầm thường và vô nghĩa, những khát vọng tầm thường và sự giả dối cũng tầm thường. Nói họ bị đọa đày, thậm chí lưu đày bởi họ cảm nhận, họ thấu hiểu được tất cả và muốn kiếm một lối thoát nhưng họ tỏ ra bất lực. Mọi con đường đã bị bịt kín và họ đành phải sống riết với môi trường ấy. Thế rồi, những tâm hồn cao thượng, lương thiện của họ bị hoen ố. Họ đành phải tự tiêu những khát vọng, hoài bão để vướng vào một đời sống chen chúc, tủn mủn, thậm chí, ngay chính họ cũng phải thừa nhận, có lúc, rằng họ rất đê tiện. Ngay cả cái chỗ họ ở, chỗ dành cho những người trí thức, những người ưu tú trong đại chúng, chỉ là một vài căn phòng ẩm thấp, bẩn thỉu trong thứ ánh sáng mờ đục và họ chỉ được tiếp xúc với những con người nhạt nhẽo, vô vị kiểu ông Học, bà Hà. Nụ cười mà họ được nghe, cùng lắm là nụ cười của bà Hà, vô duyên và vô vị: “Hé!hé!hé!”. Không phải ngẫu nhiên mà Nam Cao lại dụng công mô tả tiếng cười của bà Hà đến như thế.

Rời khỏi không gian ấy, họ đi đâu? Họ không thể đi được những chuyến Sài Gòn, Mác - xây như mong muốn, như dự định. Họ chỉ lại trở về cái làng nghèo khốn

của họ, để rồi lại cự cãi với vợ hoặc đối mặt với những đứa con tội nghiệp để lòng thêm bứt rứt.

Ngồi ngẫm nghĩ về cảnh tình của bạn, Thứ cũng thấy nao lòng, cũng muốn sẻ chia, để rồi chạnh lòng với thực tại:

“Đúng vậy, tình cảnh của Thứ cũng là cái cảnh chung của một số đông thanh niên, con những nhà mới chỉ có thể gọi là hơi có máu mặt ở nhà quê mà đã có cái hứng khởi muốn cho con vượt khỏi cuộc đời bức bối, trói buộc của ông cha. Nhưng Thứ không hoàn toàn đồng ý với Đích và San. Đã đành, nếu họ không dùng gần hết cả cái cơ nghiệp của nhà vào việc học, thì bây giờ họ không đến nổi phải chật vật trong việc mưu sinh quá thế này đâu. ” [54; 94]

Nam Cao viết về những thống khổ của con người như vậy, theo cái cách của riêng ông. Viết về nỗi thống khổ của con người theo cái cách nhìn thấy ở họ những nỗi đoạ đày, thậm chí thấp thoáng ở đấy kiếp lưu đày, nghĩa là ông đã vượt qua được cái cách miêu tả số phận để kêu gọi sự cảm thương, bày tỏ thái độ tố cáo, lên án. Mà ông đã viết về nỗi thống khổ của đời sống tinh thần như là sự tự ý thức, không phải của ông, mà là con người nói chung trong ý thức sâu sắc về bản thân mình trong thế đối lập với hệ thống, với thế giới. Ông cũng đã viết như là tự xé ruột lòng mình. Đó là một cái nhìn có dáng dấp, ý vị của triết học nhân sinh hiện đại.

Một phần của tài liệu Tính hiện đại trong tiểu thuyết sống mòn của nam cao (Trang 63 - 65)