Tác phẩm tự bộc lộ ý nghĩa

Một phần của tài liệu Tính hiện đại trong tiểu thuyết sống mòn của nam cao (Trang 86 - 89)

7. Cấu trúc luận văn

3.2.3. tác phẩm tự bộc lộ ý nghĩa

Chủ nghĩa hiện thực dầu các cách làm ở mỗi nhà văn là khác nhau nhưng đều có đặc điểm chung là ý nghĩa của tác phẩm trở nên có sự tác động của nhà văn. Dĩ nhiên, về mặt lí luận mà nói, không có tác phẩm nào là không có sự tác động của nhà văn bởi vì nhà văn tạo nên tác phẩm. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi muốn nói tới đặc điểm bám sát sự kiện miêu tả trong tác phẩm theo lối không ngừng nghỉ của nhà văn.

Nhà văn thông qua người kể chuyện để làm nên tác phẩm, nhưng lại áp đặt tư tưởng của mình vào cho nhân vật, cho tác phẩm. Điều này khiến nhân vật ít khi có được sự độc lập với nhà văn, thậm chí có thể hình dung các quá trình nhân vật hành động, lựa chọn là quá trình bị sai khiến, bị câu thúc. Cái hành động đánh lại tên quan lại bỉ ổi của Chị Dậu là hành động tất yếu; Anh Pha hành động trong Bước đường cùng cũng là tất yếu; Chí Phèo giết Bá Kiến lại càng hợp logic. Cho nên, hiện thực ở đây đã không còn thuần túy là hiện thực theo kiểu tự phô diễn.

Đối với Sống mòn, Nam Cao đã lựa chọn một hình thức phản ánh hoàn toàn khác với hình thức phản ánh trên. Kể chuyện trong Sống mòn là lối kể chuyện vận dụng được hai ưu điểm: sự điềm tĩnh của người quan sát, chủ thể kể và lối ghi chép theo kiểu liệt kê. Trong tác phẩm, hiện thực đó là cuộc sống của những trí thức tiểu tư sản nhưng hiện lên trong sự khách quan đối với người trần thuật. Người trần thuật không chi phối đến hiện thực được mô tả trong tác phẩm: “Ngày hôm sau, Thứ hỏi học trò xem có anh nào ở gần trường mà nhà rộng rãi. Chẳng anh nào đáp lại y. Y không hiểu rằng đó là chúng khiêm tốn mà thôi. Y khó chịu, buồn buồn. Y rất yêu học trò và cần được biết rằng chúng đã yêu y” [54; 41]. Xét riêng về hiện thực trong tác phẩm thì hiện thực ở đây hiện lên có chừng mực, tuần tự. Các chi tiết trong tác phẩm được hiện lên một cách rất tự nhiên, thường không tuân theo nguyên tắc bắt đuổi, nối nhau. Chi tiết trong tác phẩm có vẻ như hiện lên tình cờ, từ chuyện đến lớp đến về nhà, ngồi tán gẫu với nhau, rồi thuê nhà trọ... Tất cả diễn ra nhẹ nhàng, trầm lặng, và song song với nó luôn là các trạng huống cụ thể của nhân vật. Nhà văn cứ tự nhiên miêu tả, trần thuật, câu chuyện cứ tuần tự đi từ câu đầu tiên đến câu cuối cùng, một nhịp độ đều đều được giữ cho đến hết tác phẩm. Có vẻ như tác giả không chú ý đến việc khái quát hiện thực, không chú ý đến sự can hệ giữa các chi tiết “chẳng đâu vào đâu” mà mình đang mô tả với cái hiện thực lớn lao hơn, bao quát hơn?

Rõ ràng là hiện thực mà nhà văn cần mô tả, biểu hiện là một thứ hiện thực bên ngoài chi tiết được mô tả. Các chi tiết chỉ đóng vai trò là các thành viên đóng góp cho sự khái quát hiện thực, có thiếu nó thì sẽ bổ sung các chi tiết tương tự khác. Điều này khác với quy phạm của chủ nghĩa hiện thực, một chi tiết gần như là một mắt xích,

thay chi tiết thì phải thay đổi cả các chi tiết tiếp theo. Nếu như lối miêu tả của chủ nghĩa hiện thực nói chung là lối miêu tả theo diễn biến quá trình thì lối miêu tả của trong Sống mòn là lối miêu tả đơn lẻ, tách biệt các chi tiết, các sự kiện, trong lúc mỗi chi tiết, sự kiện. Nếu như lối miêu tả trong chủ nghĩa hiện thực nói chung là lối miêu tả mà càng về cuối bản chất cuộc sống càng hiện lên rõ thì lối miêu tả của Sống mòn

là cuộc sống đã vẫn như thế từ đầu, cuối tác phẩm chỉ giúp hiện thực có bề rộng hơn mà thôi. Hành trình trong tác phẩm hiện thực nói chung, suy cho cùng đó là một hành trình khép kín; ngược lại hành trình trong tác phẩm Sống mòn là một hành trình có độ mở. Độ mở này nằm ở chỗ, nhà văn có thể thêm, bớt các tình tiết mà không hề phương hại đến tác phẩm; cuối tác phẩm nhân vật chính trở về Hà Nội nhưng vẫn mơ về một cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn sau thời gian xảy ra sự chiến. Nhà văn không để cho nhân vật đón nhận cái kết sau cùng, là sẽ thế nào, mà tạo cho tác phẩm một độ mở nhất định để người đọc có thể can dự vào đó.

Một điều dễ thấy nhất ở Sống mòn là Nam Cao nói về tình trạng u ám của xã hội Việt Nam trước 1945, xã hội ấy đã tác động sâu sắc đến đời sống của trí thức nói chung, thế nhưng, trong tác phẩm, gần như nhà văn – người kể chuyện – không hề nói lên thực trạng u ám này. Nhà văn chỉ thuần túy mô tả, phơi bày cho bạn đọc, rồi từ đó người đọc nhận ra ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm. Khác với các tác phẩm hiện thực khác, nhà văn thường đứng trong đó, có khi nhân danh, để phát ngôn, để kêu cứu, hoặc lên án. Ở đây chỉ cò thuần túy câu chuyện mô tả, biểu hiện.

Như vậy, có thể thấy, nội dung, ý nghĩa của tác phẩm Sống mòn là tự bản thân tác phẩm nói lên. Sức mạnh ý nghĩa trong tác phẩm nằm ở chỗ tác phẩm đưa ra nhiều thông điệp nhưng bằng hình thức ám gợi, liên tưởng, hiện thực dễ nắm bắt mà khó mô tả. Bối cảnh xã hội những năm trước 1945 và hình ảnh những người trí thức tiểu tư sản hiện lên ám ảnh và vây quấn độc giả nhưng không hề có sự mách nước, hay sự khái quát lớn lao bằng ngôn từ trực tiếp.

Việc để tác phẩm tự bộc lộ ý nghĩa đã tạo nên nhiều tác động tích cực, làm nên thành công của tác phẩm. Trước hết, với cách biểu hiện như vậy, bản thân hiện thực trở nên chân thực hơn, hiện thực được hiện lên theo lối thuần chất. Nhà văn và thế giới

được miêu tả lúc này là có một khoảng cách vô hình nhất định, bởi thế, trong tác phẩm, đã có nhiều chỗ nhà văn đối thoại với nhân vật, nhất là nhân vật Thứ. Lúc này, hiệu ứng thẩm mĩ của tác phẩm cũng đạt đến một giá trị mới. Lúc này, người đọc cũng có thể tham gia vào quá trình tạo ý nghĩa tác phẩm, tham gia vào câu chuyện.

Qua những gì phân tích trên, có thể thấy, với Sống mòn, Nam Cao đã thoát ly những ràng buộc chủ nghĩa hiện thực “cổ điển”. Ông khái quát hiện thực nhưng không bị chi phối bởi bản thân hiện thực. Ông thoát ly khỏi cách mô tả điển hình hóa của chủ nghĩa hiện thực. Và, ông đã để tự thân tác phẩm toát lên ý nghĩa của nó.

Một phần của tài liệu Tính hiện đại trong tiểu thuyết sống mòn của nam cao (Trang 86 - 89)