7. Cấu trúc luận văn
1.3.1. Những nét tiểu sử
Nam Cao – Nguyễn Hữu Tri (29 - 10 - 1917). Ông sinh tại làng Đại Hoàng thuộc tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) trưởng thành trong một gia đình trung nông. Cha là Trần Hữu Huệ (1895) làm nghề chạm trổ và cắt thuốc bắc, mẹ là Trần Thị Minh (1897) làm nông và dệt vải.
Là anh cả của một gia đình đông anh em (bốn em trai, ba em gái) nhưng chỉ một mình Nam Cao được ăn học chu đáo. Năm 1922 ông bắt đầu sự nghiệp học tập của mình tại trường tư ở làng, sau đó ông học tiếp bậc Tiểu học và Thành Chung ở thành phố Nam Định. Do ốm đau bệnh tật nên đầu năm 1935, Nam Cao từ Nam Định về quê để chữa bệnh và cũng vào năm này, ngày 02 - 10 - 1935 ông lập gia đình, vợ là Trần Thị Sen, sinh năm 1917 là người phụ nữ làm nông và dệt vải. Nam Cao từng làm nhiều nghề, chật vật kiếm sống và đến với văn chương đầu tiên vì mục đích mưu sinh. Năm 18 tuổi vào Sài Gòn giúp việc cho một hiệu may.
Sài Gòn cũng là nơi khởi nguồn cho sự nghiệp sáng tác của ông. Năm 1936 ông bắt đầu viết văn, làm thơ, viết kịch và cùng từ đây các tác phẩm của ông được đăng báo với các bút danh Nguyệt, Thúy Rư, Xuân Du, Nhiêu Khê. Truyện ngắn Cảnh cuối cùng và Hai cái xác lần đầu tiên ra mắt công chúng cũng vào năm 1936.
Năm 1938 Nam Cao bị ốm nặng do bệnh tim và tê thấp nên ông phải trở ra Bắc tự học và thi đỗ bằng Thành chung, sau đó ông nhận dạy học ở trường tư thục Công Thanh, Thụy Khuê, Hà Nội.
Năm 1940, Nhật vào Đông Dương, trường Công Thanh bị Nhật chiếm hữu buộc ông phải thôi dạy học và tiếp tục sự nghiệp sáng tác.
Nam Cao gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc vào tháng 4 - 1943, cũng trong năm này Nhà xuất bản Cộng Lực in tập truyện ngắn Nửa đêm của ông, các sáng tác tiếp theo xuất hiện rất nhiều trên Tiểu thuyết thứ bảy. Tháng 10 - 1944 Nam Cao hoàn thành tiểu thuyết
Chết mòn (sau đổi là Sống mòn). Ông còn có các truyện dài Ngày lụt, Cái miếu... Ông bán cho các nhà xuất bản nhưng đến nay không giữ được bản thảo.
Tháng 8 - 1945 Nam Cao tham gia cướp chính quyền ở phủ Lý Nhân, được bầu làm Chủ tịch xã.
Năm 1946 Nam Cao được điều động công tác ở Hội văn hóa cứu quốc tại Hà Nội, thư ký tòa soạn tạp chí Tiên phong của Hội, sau đó ông gia nhập đoàn quân Nam tiến với tư cách là phóng viên.
Ra Bắc, Nam Cao về hoạt động ở sinh quán, công tác ở ty văn hóa Hà Nam, làm báo Giữ nước và Cờ chiến thắng của Hà Nam. Năm 1947, Nam Cao lên Việt Bắc làm phóng viên báo Cứu quốc, phụ trách Tạp chí Cứu quốc, thư ký tòa soạn báo Cứu quốc Việt Bắc, phụ trách lớp huấn luyện chính trị cho địa phương.
Nam Cao được kết nạp Đảng vào cuối năm 1947, ông sống và hoạt động ở Bắc Cạn, tiếp tục viết Nhật ký Ở rừng và các sáng tác in trên Tạp chí văn nghệ...
Năm 1948-1949 Nam Cao đi thực tế ở vùng đồng bằng, năm 1949 Nam Cao từ đồng bằng trở lên chiến khu Việt Bắc, ông tham dự lớp Nguyễn Ái Quốc ở Việt Bắc, phụ trách phần văn nghệ trong Tạp chí và báo Cứu quốc.
Tháng 5-1950 Nam Cao nhận công tác tại Tòa soạn Tạp chí văn nghệ, cơ quan của Hội Văn nghệ Việt Nam và trong thời gian này ông được chỉ định làm ủy viên Tiểu ban Văn nghệ Trung ương, cũng trong thời gian này ông tiếp tục viết tiểu thuyết in trên các Tạp chí văn nghệ.
Năm 1951 Nhà xuất bản Văn nghệ - Việt Bắc in tập truyện ký Chuyện biên giới
và kịch bản Đóng góp của Nam Cao. Ban tuyên huấn Bộ Tư lệnh liên khu Việt Bắc đã lựa chọn những truyện tiêu biểu của ông làm tài liệu học tập và thảo luận trong quân đội.
Ngày 23 - 9 - 1951 Nam Cao cùng Nguyễn Huy Tưởng dự Hội nghị văn nghệ liên khu Ba, rồi hai ông cùng vào khu Bốn. Khi trở ra, Nam Cao tham gia đoàn công tác thuế nông nghiệp vào vùng địch hậu khu Ba. Ông có ý định kết hợp lấy thêm tài liệu cho cuốn tiểu thuyết đang thai nghén. Nhưng rồi, Nam Cao và đoàn công tác bị địch phục kích. Ngày 30 - 11 - 1952 Nam Cao anh dũng hy sinh ở Mưỡu Giáp, Hoàng Đan, tỉnh Ninh Bình, hài cốt của ông được đặt tại nghĩa trang Gia Viễn, Ninh Bình.
Cùng với những đóng góp to lớn của mình, Nam Cao được Đảng và Nhà nước ta phong tặng nhiều danh hiệu cao quý.
Nam Cao là nhà văn, liệt sỹ đã được nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt một năm 1996. Cũng trong năm 1996 một đường phố ở Hà Nội được mang tên Nam Cao, và một số thành phố lớn khác cũng có đường mang tên ông như: Quận 9 Thành phố Hồ Chí Minh; Thành phố Đà Nẵng; Thành phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai; Thành phố Rạch Giá, Tỉnh Rạch Giá và một số địa phương khác.
Vào ngày 18-1-1998 hài cốt của ông được chuyển về quê hương tại “Vườn hiện thực Nam Cao” ở Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam do chương trình của Hội liên hiệp câu lạc bộ UNESCO Việt Nam và Hội nhà văn phối hợp thực hiện.
Cuộc đời lao động nghệ thuật vì lý tưởng nhân đạo, lý tưởng cách mạng và sự hy sinh anh dũng của Nam Cao mãi là tấm gương cao đẹp của một nhà văn - chiến sỹ.