Thoát ly quy phạm của điển hình hóa chủ nghĩa hiện thực

Một phần của tài liệu Tính hiện đại trong tiểu thuyết sống mòn của nam cao (Trang 84 - 86)

7. Cấu trúc luận văn

3.2.2. Thoát ly quy phạm của điển hình hóa chủ nghĩa hiện thực

Mỗi trào lưu văn học được xác lập bao giờ cũng dựa trên các nguyên tắc khái quát, phản ánh nhất định. Chủ nghĩa hiện thực phê phán là trào lưu đã khẳng định được mình dựa trên nhiều nguyên tắc, trong đó nguyên tắc xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình có thể xem là nguyên tắc tiêu biểu nhất. Hoàn cảnh điển hình là hoàn cảnh của hiện thực đáng lên án, thường đó là sự nghèo khổ tận cùng, sự bất công, sự áp bức đến tận độ. Tính cách điển hình là một kiểu nhân vật – nhân vật tính cách, đại diện cho một loại tính cách nào đó, nhưng loại tính cách này thường được miêu tả một cách chi tiết và gây ấn tượng đối với độc giả. Dĩ nhiên, tính cách ở đây cũng không phải thuần túy tính cách, xây dựng trên cơ sở tách biệt, mà có mối quan hệ mật thiết với số phận.

Ngược lại với kiểu miêu tả trên, ngược lại với cả chính bản thân mình trong nhiều tác phẩm, trong đó nổi bật là Chí Phèo, Nam Cao đã khái quát hiện thực khác với trào lưu hiện thực phê phán nói chung. Trong Sống mòn, Thứ là một nhân vật

điển hình, điển hình số một trong một hoàn cảnh sống mòn, chết dần. Nhân vật trung tâm là Thứ, là nơi tác giả gửi gắm thông điệp đối với cuộc đời, với bạn đọc nhưng Thứ không được xây dựng theo những nguyên tắc, quy phạm điển hình hóa của Chủ nghĩa hiện thực “cổ điển”. Ở đây Thứ cũng gần giống với San, cũng chung hoàn cảnh, chung tâm trạng, chung nỗi niềm. Tuy nhiên, Thứ và San chỉ là các nhân vật tiểu tư sản, họ từ quê lên tỉnh dạy học, rồi quẩn quanh mãi ở đó cho đến khi có tiếng súng nổ ra, trường lớp giải tán, họ trở về nhà mình. Các hành động, suy nghĩ của họ cứ lặp đi lặp lại, không theo quá trình, không theo các bước khởi đầu, cao trào, đỉnh điểm. Có cảm giác, họ tồn tại trong tác phẩm chỉ để hành động theo cuộc sống hàng ngày, rồi suy nghĩ vẩn vơ, rồi lại tự trách móc mình. Bởi thế, nhân vật trở nên rất gần gũi với đời sống, có thể họ cũng như những thầy giáo khác trong thời điểm trước 1945. Nói một cách bóng bẩy hơn thì Thứ, hay San chỉ là một cái tên. Nếu ta thay tên của Chí Phèo hay Chị Dậu thì sẽ không còn một Chí Phèo, một Chị Dậu thứ hai. Nhưng, ta lại có thể làm được như thế đối với Thứ, San, kể cả Oanh, Đích. Có cảm giác họ chỉ là những con người bình thường, vô danh, là nạn nhân của chính thời đại, hoàn cảnh. Thứ hay San, Oanh, Đích đều có những mặt tốt mặt xấu trong con người, cũng có tâm, có hoài bão, có tình yêu thương người khác, nhưng họ cũng nheo nhếch, ti tiện, cũng hằn học, cũng cá nhân. Gần như trong con người họ có cả mọi thứ, kể cả những biểu hiện nhỏ nhặt ngày thường như: “Thứ cảm thấy thoải mái vì không phải trông thấy Oanh cau có và nghe Oanh gắt gỏng”, “Thứ bật cười:

- Ồ, mà không hiểu sao mắt bà ta cũng vậy. Hai vợ chồng cùng toét (…) - Khéo rồi chúng mình ở đấy ít lâu cũng sinh toét nốt. Tôi sợ lắm.” [54; 72 - 73]. Nhân vật đã vậy, hoàn cảnh lại càng không tuân theo quy phạm của chủ nghĩa hiện thực phê phán. Hoàn cảnh trong tác phẩm là thứ hoàn cảnh không thôi thúc người ta hành động, không áp chế con người, tính chất gay gắt, căng thẳng là không xuất hiện. Thay vào đó, hoàn cảnh chỉ hiện lên như là bối cảnh. Trong bối cảnh đó, con người hành động, tính toán, bày tỏ buồn vui. Hoàn cảnh trong tác phẩm Sống mòn là một hoàn cảnh hoàn toàn bình thường ngoài cuộc đời. Đó có thể là một buổi chiều Thứ thấy lòng thanh thản “đem cái ghế mây ra sân gác, ngồi một cái, gác chân một cái, nhìn sao”,

cũng có thể là căn buồng tối om, nhỏ hẹp của San và Thứ, cái lối xuống chuồng ngựa ẩm thấp v.v.. Nói chung, cuộc sống chỉ hiện lên tẻ nhạt, thiếu sinh khí, nhưng tại đó, cuộc sống không thôi thúc con người, không có những thế lực thống trị, tàn bạo. Có cảm tưởng, không gian, hoàn cảnh trong tác phẩm, là không gian, hoàn cảnh của bất kỳ miền đất nào của đất nước Việt Nam thời ấy. Chủ nghĩa hiện thực ngoài xây dựng nhân vật điển hình hóa trong hoàn cảnh điển hình còn xây dựng nguyên tắc sự quy định của hoàn cảnh đối với tính cách nhân vật. Mối quan hệ giữa hoàn cảnh và tính cách trong tác phẩm hiện thực phê phán thường là mối quan hệ đồng biến, thuận chiều: hoàn cảnh thế nào tạo ra tính cách thế ấy. Trong Sống mòn nhà văn không chú trọng miêu tả hoàn cảnh, không chú trọng miêu tả tính cách - hiểu theo nghĩa, một nhân vật thường có một tính cách nổi bật. Sống mòn cũng có sự tác động của hoàn cảnh lên tính cách. Và, ở đây hoàn cảnh cũng không truy đuổi nhân vật, để hình thành ở nhân vật những kiểu tính cách cực đoan nào. Thứ là người có nhiều phẩm chất tốt, nhưng cũng có nhiều phẩm chất xấu lẫn lộn. Nhưng, Thứ luôn có ý thức tự đối thoại với mình để không sa xuống vũng bùn tha hóa. Vì biến động xã hội, Thứ buộc phải về lại ngôi làng của mình. Thứ bỏ một mộng ước, một hoài bão đang dang dở. Như vậy, hành trình của nhân vật là một hành trình khép kín; vẫn buồn, vẫn thất vọng nhưng không có một hành động theo lối nổi loạn, bứt phá nào xảy ra, thậm chí nhân vật còn vẫn mộng mơ, vẫn kỳ vọng ở xa kia Hà Nội. Như vậy, rõ ràng, hoàn cảnh ở đây đã không tác động đến tính cách, không làm cho tính cách phát triển. Liệu có phải Nam Cao muốn giữ “thiên lương” cho những người trí thức tiểu tư sản - những con người luôn có khả năng tự nhìn nhận mình, coi trọng lòng tự trọng, tình bác ái.

Một phần của tài liệu Tính hiện đại trong tiểu thuyết sống mòn của nam cao (Trang 84 - 86)