7. Cấu trúc luận văn
2.2.2. Con người vô nghĩa
Cũng như con người nhỏ bé, con người vô nghĩa cũng là một sản phẩm của văn minh hiện đại. Con người vô nghĩa và con người nhỏ bé giống nhau ở chỗ, con người tự nhìn nhận bản thân mình, thấy vai trò của mình quá nhỏ bé. Con người vô nghĩa là kết quả của kiểu con người nhỏ bé. Con người vô nghĩa là một khái niệm nhằm chỉ con người tồn tại mà không có mục đích, không có nhu cầu nổi bật, phó mặc bản thân cho người khác, không làm được gì cho mình, cho gia đình và xã hội.
Trong tác phẩm Sống mòn, như đã nói, các nhân vật gần như đều trở nên bị động. Dầu nhân vật có lí tưởng, có hoài bão, nhưng trong một điều kiện không cho phép, họ không thể sử dụng ý chí và nghị lực để chiến thắng. Nói một cách khác, nhân vật không thể chủ động được trong cuộc sống, trong việc thực hiện ý chí, nguyện vọng. Các nhân vật trong tác phẩm đều có những lí tưởng, những khát vọng riêng, nhằm phát huy năng lực của mình, nhưng đều không thực hiện được. San thì “theo thời mà sống”, Đích thì cuối tác phẩm không nghĩ đến ước mơ của mình nữa, Thứ thì lững thững trở về nhà. Nhìn tổng thể trong tác phẩm, Thứ là nhân vật có hoài bão, khát vọng, nhưng lại thường xuyên thực hiện những hành động đi ngược lại phẩm chất của mình. Chính vì vậy, dầu là nhân vật “tốt đẹp nhất” trong tác phẩm, nhưng rất ít khi ta bắt gặp nhân vật thể hiện lòng tự trọng, ngoại trừ khi nhân vật đối diện với chính mình. Sự tồn tại của con người không có mục đích, không có các nhu cầu nổi bật thể hiện rõ trong suy nghĩ, hành động, ngôn ngữ... Trong tác phẩm Sống mòn, các nhân vật gần như chỉ quẩn quanh, lặp đi lặp lại những dòng suy nghĩ, những hành động, ngôn ngữ. Cũng vì lí do này mà tác phẩm có một độ ngưng trệ rất ám ảnh người đọc, là một phương diện chứng tỏ tác phẩm là một sự thành công của Nam Cao. Trong tác phẩm, so với các nhân vật khác, Thứ là người dành nhiều suy nghĩ về cuộc đời, về sự nghiệp, về gia đình nhất. Tuy nhiên, những suy nghĩa của Thứ cũng chỉ quẩn quanh, thuần túy suy nghĩ. Thứ không thể “bứt” lên để hành động nhằm thay đổi cuộc sống và thể hiện ước mơ. Ngày nối ngày, Thứ lên trường rồi về chỗ trọ, lại nghĩ vớ vẩn đó đây. Cuộc sống với Thứ là một thứ gì đó đơn điệu, nhàm chán, lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, ở Thứ về suy nghĩ, có những sự mâu thuẫn. Một mặt, do chỗ Thứ đại diện cho con người tiểu tư sản – lập trường hay giao động, hay ảo tưởng –
nên vẫn còn những suy nghĩ rất thơ, rất mộng, thậm chí đến cuối tác phẩm, khi phải rời thành phố về quê, Thứ vẫn hy vọng ước mơ của mình rồi sẽ thực hiện được; mặt khác, do va chạm với thực tại nghiệt ngã, Thứ nhận thấy cuộc đời sẽ tàn lụi, “mốc lên, rỉ ra”. Cũng vì Thứ không có suy nghĩ nào khác hơn, bứt phá hơn, cho nên hành động của Thứ cũng lặp đi lặp lại như một quá trình. Thứ, và các nhân vật khác trong tác phẩm, bộc lộ sự bế tắc, cùng quẫn. Nếu về suy nghĩ, Thứ chỉ quẩn quanh nghĩ tới sự nghiệp, nghĩ về vợ, về gia đình... thì hành động, Thứ cũng chỉ đến trường, về nhà trọ, rồi về quê. Nhưng, một điểm bất biến đó là dù Thứ hành động như thế nào thì cái cần thông báo cuối cùng vẫn là một sự bế tắc. Thứ hành động nhưng như là để ... có hành động, chứ các hành động của Thứ đều không giải quyết được những trăn trở lớn của Thứ. Cũng vì bế tắc trong tư tưởng, lặp lại trong hành động nên về mặt ngôn ngữ, nhà văn Nam Cao vừa để cho nhân vật độc thoại, vừa để nhân vật đối thoại. Trong ngôn ngữ của Thứ cũng có sự tồn tại của hai kiểu ngôn ngữ: kiểu ngôn ngữ thơ mộng - sử dụng khi nhân vật tưởng tượng ra những viễn cảnh nên thơ; kiểu ngôn ngữ ném vào thực tại, khô khốc, vô cảm. Hai kiểu ngôn ngữ này vừa thể hiện trong độc thoại, vừa thể hiện trong đối thoại. Như vậy, bằng cái nhìn tổng quát, chúng ta thấy, nhân vật Thứ đã bộc lộ “một cuộc sống không đáng sống”. Dầu có ước mơ, có khát vọng, có phẩm chất, nhưng tất cả đều không được thực hiện, mà ngược lại, thay vào đó là những sự chán ngán, tù túng, bức bí.
Cũng giống như Thứ, San và Đích cũng thể hiện sự bế tắc, chán ngán và thua cuộc trước cuộc sống. Tuy nhiên, khác với Thứ, San và Đích mỗi người một vẻ. Nếu San là nhân vật thể hiện tư tưởng tùy thời, cứ sống sao cho khỏi vướng bận là được, thì San có vẻ là người ưu tư, có trăn trở cho sự nghiệp, cho nghề. Tuy nhiên, tất cả họ, kể cả Thứ, đều thất bại, đều chứng tỏ cuộc sống này đang dần làm cho con người trở nên vô nghĩa. San thì theo những thú vui này kia và chuyên xoi mói chuyện người khác. Đây thực chất là một cuộc sống tha hóa – tha hóa về nhân cách. Suy nghĩ của San không có gì nhiều ngoài việc cho ít thức ăn vào miệng và vui vẻ với cô này, cô kia. Hành động của San, vì thế, cũng tập trung thể hiện suy nghĩ đó. Gần như San không có ước mơ, không có khát vọng để phát huy năng lực của mình, để đóng góp
cho xã hội. Và, theo chúng tôi, San cũng đã phần nào nhận ra sự nhỏ bé, hạn hữu, bạc bẽo của cuộc đời, tất nhiên là theo cách của San.
Dầu có suy nghĩ, có dự định, nhưng Đích lại không thể hiện được dự định của mình. Bỏ lại ngôi trường để ra đi nhằm thực hiện ước mơ về nghiệp nhà giáo đó là tư tưởng tốt đẹp. Tuy nhiên, cuộc sống vô vàn khốn khó đã làm cho những tính toán của Đích thành trò tai hại. Kết quả là cả 3 con người từng kính nể Đích đều trở thành nạn nhân của Đích. Thứ và San thì không được trả đúng đồng lương. Oanh thì ngoài sự chật vật về kinh tế, còn phải gánh thêm gánh nặng tình cảm với Đích. Quan sát diễn trình tác phẩm thì quả thật, hành trình của Đích là một hành trình vô nghĩa.
Chừng ấy con người sống trong một môi trường chật hẹp, công việc thì lặp lại. Mọi sinh hoạt thì tập trung, tập trung đến nỗi, bữa ăn cũng để ý từng thức một. Tất cả họ đều là nạn nhân của xã hội trước năm 1945, một xã hội mất quyền tự do, độc lập, một xã hội đang chìm trong màn đêm phong kiến – nghèo khổ về vật chất, tù túng trong tinh thần. Lúc này, ánh sáng phương Tây đã chiếu rọi sang Việt Nam. Tuy nhiên, đây chỉ mới là những mặt trái (có lợi) không thể khác của công cuộc khai thác thuộc địa. Văn minh phương Tây vào Việt Nam, trên thực tế đẩy con người thêm vào khủng hoảng. Ở đây chúng tôi hiểu theo hai nghĩa: làm cho dân ta thành nô lệ; làm cho tình trạng con người tiếp cận được văn mình nhưng lại nhận ra sự bế tắc trong mọi hành động để khai trí. Theo nội dung thứ hai mới là nội dung tác động sâu sắc vào giới trí thức. Bởi vì, trí thức, hơn ai hết, là những người có trí tuệ và thể hiện mình bằng trí tuệ.
Cũng như kiểu con người nhỏ bé, con người vô nghĩa là một bằng chứng chứng tỏ tác phẩm Sống mòn có biểu hiện tính hiện đại. Như đã nói, bởi vì, con người đặt trong trạng thái nhìn nhận lại hành động, suy nghĩ của mình, trở thành một nỗi ám ảnh, biểu hiện rõ nhất dưới thời đại nền văn minh phát triển. Nền văn minh đã sinh ra hệ quả là tình trạng con người ưu tư.