7. Cấu trúc luận văn
2.2.3. Con người cô đơn
Cô đơn như một định mệnh của con người, đặc biệt là con người của thế kỉ XX, thế kỉ XIX. Về mặt triết học, bản thân con người từ khi ra đời đã là một động vật cô
đơn. Tuy nhiên, khái niệm con người cô đơn mà ngày nay người ta thường dùng là hệ quả của nền văn minh hiện đại, nơi khoa học - kỹ thuật phát triển, máy móc đã thay thế cho con người trong nhiều công việc cụ thể. Nền văn minh phát triển đẩy con người vào một tình trạng chạy đua với thời gian, với công việc. Bởi thế, sự gắn kết giữa con người với con người là rời rạc. Theo chúng tôi, đây chính là biểu hiện cốt lõi nhất của khái niệm cô đơn mà ngày nay dùng phổ biến.
Trong tiểu thuyết Sống mòn, do chỗ tác phẩm ra đời trong bối cảnh có những đặc thù nên biểu hiện của con người cô đơn, đối sánh với tình trạng con người cô đơn nói chung, có những khác biệt. Sống mòn ra đời khi xã hội Việt Nam vẫn còn là thuộc địa nửa phong kiến. Văn minh phương Tây vào Việt Nam nhưng lại không mang đến những con đường “ánh sáng” cho con người, đặc biệt là trí thức. Con người một mặt được giác ngộ những luồng tư tưởng, nhưng một mặt lại bị kìm kẹp, mất quyền tự do, quyền con người. Chính điều này làm cho trạng thái cô đơn của con người không thuần chất như kiểu con người cô đơn dưới sự tác động trực tiếp của máy móc hiện đại. Nền văn minh kỹ trị đã làm cho con người bị lép vế ở một chừng mực nào đó trong lao động, trong cải tạo thế giới. Vì thế, con người rơi vào cô đơn, buồn chán trước thế cuộc đẩy họ thành người như vậy. Còn ở đây, con người cô đơn là bị kìm kẹp, bị tước đoạt quyền được phát triển, được phát huy năng lực, sở trường. Tuy nhiên, vẫn một mẫu số chung với con người cô đơn nói chung đó là: mối quan hệ giữa con người và con người trở nên rời rạc, sự liên kết trở nên lỏng lẻo.
Trong Sống mòn, chúng ta dễ dàng tìm ra sự lỏng lẻo trong mối liên kết này. Các thầy giáo trong tác phẩm đều có những mơ ước và khát vọng riêng, nhưng mỗi người một kiểu. Thực tình đó là mỗi người một kiểu tìm cách thoát khỏi thực tại khốn cùng. Tất cả những con người này không có sự liên lạc với nhau, thậm chí, đôi lúc sự đồng cảm cũng không có được. Thứ là nhân vật có những phẩm chất tốt, là nhân vật tích cực, tuy vậy, không phải lúc nào Thứ cũng bày tỏ sự cảm thông đối với những người xung quanh. Thứ tuy đồng phạm với San trong nhiều hành động làm tổn hại người khác, nhưng Thứ không phải hành động theo ý muốn của mình, Thứ làm như là để thỏa mãn lòng ích kỷ để rồi ngay sau đó Thứ phải hối hận. Trong quan hệ
với Đích, Thứ không đồng tình với Đích trong nhiều việc Đích làm. Thậm chí, Thứ đã cùng với San tìm cách lên án, giễu cợt những hành động của Đích. Dù cuối tác phẩm, lòng thương người của Thứ đã giúp Thứ “đến gần” (không chỉ hiểu về khoảng cách vật lý) Đích nhưng giữa Thứ và Đích vẫn không tìm ra sự thông cảm. Trong quan hệ với gia đình, Thứ luôn nghĩ rằng vợ mình là người hư hỏng. Thứ cầu toàn trong việc đòi hỏi vợ phải là người như mình muốn: sắc đẹp, nết na... Tuy biết rằng vợ có những vất vả và nhận ra những phẩm chất tốt đẹp của vợ nhưng Thứ vẫn không chiến thắng được con người cố hữu của mình. Bởi thế, đã có lúc trong Thứ dâng lên một nỗi khinh bỉ, tức giận. Thứ muốn quát tháo, đánh đập...
Ở các nhân vật khác trong tác phẩm như San, Đích, Oanh, Mô... thì việc tìm ra những biểu hiện chứng tỏ mối quan hệ giữa con người và con người là rời rạc cũng không phải là thao tác khó khăn. Cùng chung một khung cảnh không gian, thời gian, tuy nhiên giữa các nhân vật này lại luôn nảy sinh những mâu thuẫn. Oanh thì mâu thuẫn với hầu hết mọi người. Mọi người đều cho rằng Oanh là người tính tình hay cáu bẳn, lại ti tiện, không có tình thương yêu, chia sẻ với người khác. Điều này hằn cả trong đầu óc của Mô – người giúp việc. Tuy nhiên mâu thuẫn ở đây lại không to tát, không có tính bước ngoặt, thời điểm. Đây là mâu thuẫn hằng ngày. Điều này, theo chúng tôi, càng làm rõ tính ngột ngạt, tính bào mòn của cuộc sống. Các mâu thuẫn nảy sinh không được giải quyết, ngược lại còn tiếp diễn, lặp lại mỗi ngày. Chính vì thế mà quan hệ giữa các nhân vật càng bị đẩy xa ra.
Như vậy, tất cả các nhân vật trong tác phẩm, từ Thứ, San, Đích, Oanh, đến vợ chồng Mô đều đã tạo cho bức tranh con người trong tác phẩm những nét màu buồn, ảm đạm. Đó là bức tranh về mối quan hệ rời rạc, thiếu liên kết, có khi như là sự hỗn loạn, nhiều bè.
Biểu hiện của con người cô đơn, ngoài việc tạo thành bức tranh mối liên kết rời rạc giữa con người và con người còn có biểu hiện nữa đó là việc mỗi người tìm kiếm một ý hướng suy nghĩ riêng. Tất nhiên, giữa hai biểu hiện này hoàn toàn không thể tách khỏi nhau. Khi đề cập đến vấn đề này là đã đề cập đến vấn đề kia và ngược lại. Nói về mối liên kết lỏng lẻo giữa con người và con người tức là cũng phần nào đó
nói về việc mỗi người tìm một ý nghĩ riêng. Tuy nhiên, một bên là cái nhìn đại cục – nhìn như thế để thấy được bức tranh, bối cảnh; một bên là sự mổ xẻ đại cục ấy. Con người thời hiện đại khác với con người thời trung đại là luôn thể hiện mình là một cá nhân, có nhu cầu, nguyện vọng riêng, không trùng với người khác. Theo cách nói của Xuân Diệu là “một tiểu vũ trụ”. Hơn nữa, trong bối cảnh mà mọi con đường tìm đến cơm áo, tìm đến tự do đều bị chèn ép thì mỗi người tự tìm cho mình một cách nghĩ, một cách hành động là đương nhiên.
Nhân vật Thứ, như đã nói, là người có ước mơ, hoài bão, tuy nhiên, mọi suy nghĩ và hành động của Thứ đều tách khỏi xung quanh, tách khỏi gia đình. Cùng là thầy giáo với nhau, nhưng Thứ không bao giờ đồng cảm được với San, Đích. Thứ nghĩ ra một chân trời mới đối với mình. Trong quan hệ với gia đình Thứ cũng có cách thể hiện khác hơn San. Thứ quan niệm về gia đình mang màu sắc truyền thống, nhưng lại muốn một cái gì đó tươi mới, đẹp đẽ. Thứ, trên thực tế là một thế giới, một cá nhân không trộn lẫn. Thứ vừa mang những phẩm chất tốt đẹp, nhưng vừa mang những hạn chế, khiếm khuyết trong hành động (trong nhân cách thì trước sau Thứ vẫn là giữ nguyên sự nghiêm túc). Con người Thứ là một thế giới phong phú, tồn tại nhiều mâu thuẫn, mâu thuẫn trong cách nghĩ, cách nhìn, mâu thuẫn giữa hành động với cách nghĩ. San, ngược lại, lại là người bộc lộ rõ nhất sự tha hóa của một trí thức. San sống theo thời. San vui theo sở thích, mặc kệ tất cả những thứ danh dự, nhân phẩm. San không đồng tình với cách nghĩ, cách hành động của người “đồng sàng”. Bởi thế, đã không chỉ một lần, San xui khiến Thứ hành động để thỏa mãn thói ích kỷ, sự hằn học cá nhân. Ước mơ của San là được ăn ngon, mặc đẹp, được thỏa tính phong tình làm vui cho cuộc sống. Điều này càng làm cho San trở thành một người khác biệt đối với mọi người. San không thể cùng suy nghĩ với Thứ, càng không làm cho Thứ có những đồng cảm, bởi thế, San càng xa cách và khác biệt đối với Đích, Oanh. San phản đối Đích trong cái cách Đích lựa chọn đường đi, trong sự tính toán. Thậm chí, San còn phản đối cả nhân cách của Đích. Đối với Oanh, thì từ đầu chí cuối, San không hề có được sự gần gũi, sự bắt gặp trong tư tưởng, hành động. Thế giới của San là một thế giới riêng lẻ, khép kín. Thế giới này, kỳ thực cũng giống thế
giới của Thứ, Đích, Oanh mà thôi. Tuy nhiên, thế giới của hai nhân vật Đích, Oanh có phần khác hơn, do chỗ đó là những nhân vật xuất hiện với tần số ít hơn trong tác phẩm nên diện mạo thể hiện không rõ bằng.
Trong tác phẩm, nếu xét cho kỹ càng, thì Mô vẫn là nhân vật cô đơn. Dầu Mô không có tư tưởng, nhưng về cuối tác phẩm, khi sự chèn ép của cuộc sống làm cho Mô thấy ngột ngạt, không tìm kiếm được con đường ra đã khiến Mô thành con người khác: trơ lì, cáu gắt và tàn nhẫn. Về một mặt nào đó mà nói đây là một trạng thái của cô đơn, khi con người không tìm ra sợi dây liên kết với đồng loại, tự mình tìm kiếm một nẻo đi, một con đường.
Như vậy, trên đây chúng tôi đi vào phân tích những biểu hiện của những kiểu con người trong tác phẩm Sống mòn. Cụ thể: con người nhỏ bé, con người vô nghĩa, con người cô đơn. Trên thực tế ba kiểu con người này không tách bách khỏi nhau, không tồn tại riêng lẻ và đều là sản phẩm của nền văn minh hiện đại. (Tuy nhiên, để dễ dàng nhìn nhận, chúng tôi vẫn mạnh dạng phân xuất và chỉ ra những biểu hiện xác đáng). Từ đây, con người có xu hướng tự nhìn nhận lại sự tồn tại của mình và đưa ra nhiều lí luận, nhận định. Đây chính là nội dung của phần 2.3 mà chúng tôi sẽ trình bày ngay sau đây.