Khái quát hiện thực không bị chi phối bởi hình thức bản thân hiện thực

Một phần của tài liệu Tính hiện đại trong tiểu thuyết sống mòn của nam cao (Trang 82 - 84)

7. Cấu trúc luận văn

3.2.1. Khái quát hiện thực không bị chi phối bởi hình thức bản thân hiện thực

Tác phẩm Sống mòn được hoàn thành tháng 10 năm 1944 ngay trên đất Đại Hoàng - một vùng quê chiêm trũng, quanh năm mất mùa, nghèo đói. Bởi thế, Sống mòn vẫn là tác phẩm lấy hiện thực những năm trước 1945, có thể là tại làng Đại Hoàng, làm cảm hứng. Nhưng, cái đáng ghi nhận ở Nam Cao đó là một hình thức phản ánh hoàn toàn khác so với các cây bút khác.

Văn chương hiện thực phê phán nói chung đã hoàn thành sứ mệnh là một trào lưu phản ánh sắc nét, đạt hiệu quả về hiện thực; nhưng cũng chứng tỏ, khả năng phản ánh hiện thực của các tác phẩm này còn phụ thuộc quá nhiều vào đời sống thực. Bởi

thế, nếu tinh tường, người ta có thể nhận thấy, hiện thực trong các tác phẩm này thường được tổ chức theo dạng diễn biến quá trình, có cao trào thôi thúc, đỉnh điểm, và, việc khái quát hiện thực đó là dựa trên cả chuỗi dài diễn biến, quá trình vừa miêu tả. Không những thế, việc phản ánh còn dựa vào cả một quá trình cường điệu, hư cấu. Do đó, hiện thực trở nên căng thẳng, đòi giải quyết, và rất chân thực so với ngoài cuộc đời. Một hệ quả xảy ra đó là đa phần người ta cho rằng chuyện xảy ra trong tác phẩm là chuyện xảy ra ngoài cuộc đời - phản ánh đạt đến hiệu quả. Chẳng hạn người ta có thể thấy cảnh những ngày thúc thuế, bắt bớ, đánh đập, van xin, hoảng hốt tại làng Đông Xá hay bất kỳ làng nào của nông thôn Việt Nam.

Với Sống mòn, mọi sự kiện, diễn biến trong tác phẩm, có cảm giác, có mối quan hệ bình đẳng, trong đó mỗi sự kiện sẽ tô thêm một cái gì ngoài nó, nhưng chẳng phải sự kiện khác, đến lượt sự kiện khác lại tiếp tục vai trò tương tự. Điều này đã làm cho bản thân các sự kiện trở nên nặng nề so với độc giả, và sự liên kết các sự kiện cảm giác như nới rộng ra, khiến cho sự kiện như nhiều thêm, như loang ra. Cấu trúc tác phẩm có vẻ như không chặt chẽ, nhưng về mặt phản ánh mà xét thì tác phẩm đã tạo được sự thành công, ít nhất, là tạo nên trạng thái u uất, gây tâm lí nhọc nhằn, nặng nề khi tiếp nhận.

Cách miêu tả trong Sống mòn trở nên gần gũi với thể loại ký, phóng sự - một hình thức chứng tỏ hiện thực ngoài cuộc sống có can hệ mật thiết tới hiện thực mà tác giả khái quát. Lối văn sử dụng trong Sống mòn là lối văn dàn trải, giàu độ mở. Mỗi sự kiện đóng vai là một chi tiết rời. Đó là việc đi dạy, thuê nhà của Thứ và San cũng giống như những người đến thuê trọ nhà ông Học, chuyện tình cảm riêng tư của mỗi người (bỏ vợ, bỏ chồng, cờ bạc, rượu chè...), cũng như công việc làm ăn (làm đậu, đẩy xe, dạy học, nấu ăn v.v..). Các chi tiết rời này nối kết với nhau để tạo nên xâu, chuỗi. Và, cả xâu, chuỗi ấy mới là hiện thực mà Nam Cao cần phản ánh. Đối với người tiếp nhận thì đọc Sống mòn người ta không bị cuốn theo, bị lôi đi, mà thường thấy mệt mỏi, mệt mỏi vì phải thường xuyên nghe nhân vật tính toán từng bữa ăn, từng đồng, từng hào của Thứ, San và hơn thế nữa là suy tư giằng xé nội tâm trong mỗi nhân vật, cũng như việc lặp lại quá nhiều sự kiện giống nhau; khi hoàn tất việc

đọc, người ta không phải hoàn hồn, mà thấy một cái gì đó nặng nề, bao trùm toàn bộ tác phẩm. Đây chính là hiện thực - hiện thực bối cảnh - mà Nam Cao cần khái quát và chuyển tải đến độc giả.

Tuy nhiên để có được hiện thực rộng lớn ấy, cần khẳng định rằng, thứ hiện thực đầu tiên mà Nam Cao đã thể hiện trong tác phẩm đó là hiện thực về cuộc sống, hiện trạng một tầng lớp người, những người tri thức tiểu tư sản. Như vậy, hiện thực ngoài cuộc đời vẫn đi vào tác phẩm của Nam Cao nhưng đã qua lăng kính, qua sự sàng lọc của tác giả, và cảm dễ dàng nhận thấy tác giả không áp đặt, không để lộ động cơ trong quá trình miêu tả.

Tóm lại, việc miêu tả, xây dựng hiện thực đời sống trong Sống mòn là một sự độc đáo trong lĩnh vực tư duy nghệ thuật của Nam Cao. Phản ánh hiện thực của một giai đoạn xã hội nhưng khi đi vào tác phẩm người đọc không dễ cảm nhận được chiều sâu của nó, mà buộc người đọc phải có sự trăn trở, suy nghĩ để khái quát hiện thực một cách sâu sắc nhất. Đây là điều rất mới trong việc phản ánh hiện thực của Nam Cao so với các cây bút đương thời.

Một phần của tài liệu Tính hiện đại trong tiểu thuyết sống mòn của nam cao (Trang 82 - 84)