Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của huyện Thường Xuân.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao chất lượng quản lý hoạt động dạy học của hiệu trưởng các trường tiểu học huyện thường xuân, tỉnh thanh hóa luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 29 - 31)

Để xác định các giải pháp cụ thể cần phải dựa vào cơ sở lý luận, căn cứ vào tình hình thực tế giáo dục địa phương Từ đó đưa ra các giải pháp nâng

2.1.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của huyện Thường Xuân.

Điều kiện tự nhiên

Thường Xuân huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa với diện tích tự nhiên 111.323,80 ha; phía bắc giáp với huyện Lang Chánh và huyện Ngọc Lặc, phía đông giáp với huyện Thọ Xuân, huyện Triệu Sơn, huyện Như Thanh, phía nam giáp huyện Như Xuân, phía tây giáp với tỉnh Nghệ An và giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với đường biên kéo dài 17km.

Huyện Thường Xuân có điều kiện địa lý rất phức tạp, chủ yếu là đồi và núi cao (chiếm 3/4 diện tích tự nhiên) lại bị chia cắt bởi nhiều sông suối. Trước đây là những khu rừng già và rừng nguyên sinh có nhiều gỗ quý hiếm: Pơmu, Lim thuộc khu bao tồn Xuân Liên, tuy nhiên phần nhiều đã bị khai thác cạn kiệt, nay chủ yếu còn những khu rừng tái sinh và nhiều loại gỗ tạp. Tuy nhiên, với sự lao động cần cù của người dân nơi đây những khu đồi rừng cằn cỗi đã biến thành những khu đồi, rừng phát triển cây công nghiệp và cây lâm nghiệp (như mía đường, keo, bạch đàn, luồng, nứa, sắn…) cung cấp nguyên liệu cho nhà máy Đường, nhà máy Giấy, nhà máy chế biến Sắn. Ngoài ra do đặc điểm sinh thái của huyện Thường Xuân phù hợp với nhiều loại động thực vật quý hiếm sinh sống tại khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, khu Hồ Cửa Đặt trên địa bàn rộng nằm ở khu vực tây nam của huyện Thường Xuân.

* Tình hình kinh tế.

Tình hình kinh tế Huyện Thường Xuân những năm gần đây có nhiều khởi sắc và đổi mới. Đặc biệt từ khi chính phủ thực hiện dự án xây dựng công trình thuỷ lợi,

thuỷ điện Cửa Đạt trên thượng nguồn sông Chu - Huyện Thường Xuân. Kinh tế phát triển về mọi mặt, hệ thống giao thông, mạng lưới điện vươn đến tất cả các đơn vị xã thôn, bản.

Tuy nhiên, Thường Xuân là một huyện miền núi, vùng sâu xa của tỉnh Thanh Hoá, một trong 62 huyện nghèo trong cả nước, mặc dù có nhiều thay đổi, nhưng đời sống nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn rất cao 41,4% (2010), trung bình mỗi năm giảm 3,2%.

Diện tích đất nông nghiệp là 154,12ha (Nguồn UBND Huyện Thường Xuân năm 2012). Sản xuất nông nghiệp chủ yếu là trồng sắn, mía. Việc sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Cây trồng chủ yếu của huyện là cây lúa nước, ngô, sắn, mía, cây keo. Ngoài việc trồng cây mang tính phục vụ đời sống sinh hoạt, tự cấp, tự túc còn cung cấp nguyên liệu cho nhà máy đường Lam Sơn (mía), cung cấp nguyên liệu cho nhà máy giấy(keo, nứa). Tuy nhiên việc sản xuất nông nghiệp chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân là chính.

Việc chăn nuôi chủ yếu là mô hình nhỏ, toàn huyện chưa có trang trại chăn nuôi nào có tính quy mô, khoa học và điển hình. Việc chăn nuôi chủ yếu còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát.

Về lâm nghiệp : Diện tích đát lâm nghiệp chiếm 81%. Kết quả trồng rừng và khai thác lâm sản đạt thấp, chưa tương xứng với khả năng và lợi thế của địa phương.

Về sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng: Ngành công nghiệp còn nghèo nàn lạc hậu. Toàn huyện chưa có một cơ sở sản xuất công nghiệp. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp có nhiều tiến bộ, ngành nghề truyền thống được duy trì và phát triển. Các sản phẩm chủ yếu là đan lát, khai thác vật liệu xây dựng, rèn dụng cụ cầm tay được quan tâm phát triển.

Về hoạt động thương mại và dịch vụ: Hoạt động thương mại có bước phát triển mạnh. Hệ thống trao đổi hàng hóa hình thành và phát triển ở các tụ điểm dân cư, đảm bảo hàng hóa phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.

Giao thông vận tải: Cơ sở vật chất ngành giao thông vận tải được đầu tư nâng cấp, đáp ứng yêu cầu vận chuyển, đi lại, giao lưu kinh tế văn hoá của nhân dân. Hầu hết các xã có đường giao thông(cấp phối, đổ nhựa đi qua)

Nhìn chung tình hình kinh tế của huyện Thường Xuân còn gặp không ít khó khăn. Các lĩnh vực kinh tế chưa được khai thác hết tiềm năng. Mặc dù đã có nhiều thay đổi nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Kinh tế khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến các lĩnh vực văn hoá giáo dục của huyện.

* Tình hình văn hoá, xã hội

Thường Xuân là một trong 62 huyện nghèo nhất của cả nước. Toàn huyện có 17 xã,Thị Trấn; có 14 xã thuộc chương trình 135, trong đó có 8 xã đặc biệt khó khăn. Dân số toàn huyện là 87 386 người gồm 3 dân tộc chính cùng sinh sống(Kinh, Thái, Mường) . Trong đó dân tộc Thái chiếm: 55,5% ; dân tộc Kinh 41,3%; dân tộc Mường 3,2 %. Thành phần dân cư chủ yếu là nông dân với nghề làm Nông - Lâm nghiệp. Một số ít là những tiểu thương sống ở khu vực thị trấn và trung tâm các cụm xã.

Về trình độ dân trí nhìn chung còn hạn chế. Các hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân. Đặc biệt là tư tưởng trọng nam, cưới xin, ma chay.

Tuy mỗi thành phần dân tộc có một tín ngưỡng và tập tục riêng, nhưng nhìn chung nhân dân trong huyện đều có mối quan hệ gắn bó, đoàn kết. Những năm gần đây, nhiều chương trình mục tiêu quốc gia đã được triển khai nên đời sống nhân dân và trình độ dân trí đã được nâng lên và cải thiện rõ nét. Nhân dân nơi đây có tinh thần dân tộc rất cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho huyện phát triển về mọi mặt, trong đó có giáo dục và đào tạo.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao chất lượng quản lý hoạt động dạy học của hiệu trưởng các trường tiểu học huyện thường xuân, tỉnh thanh hóa luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 29 - 31)