Vai trò, vị trí của Hiệu trưởng trường Tiểu học

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao chất lượng quản lý hoạt động dạy học của hiệu trưởng các trường tiểu học huyện thường xuân, tỉnh thanh hóa luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 25 - 28)

Ngày nay do sự phát triển, yêu cầu cao của xã hội đối với giáo dục và đào tạo và tính phức tạp của nền kinh tế thị trường, người quản lý nói chung và Hiệu trưởng trường Tiểu học nói riêng có một vai trò, vị trí rất quan trọng.

Sau khi Nhà nước có Luật phổ cập giáo dục Tiểu học và Luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt là ngành giáo dục và đào tạo đã thực hiện nhiều công việc và có nhiều biện pháp tích cực về tổ chức và quản lý bậc học Tiểu học. Nhà nước ta coi giáo dục Tiểu học là cấp nền tảng đặt cơ sở ban đầu cho việc hình thành phát triển toàn diện nhân cách con người, là nền móng vững chắc cho giáo dục phổ thông và cho toàn hệ thống giáo dục quốc dân. Giáo dục Tiểu học có các tính chất: phổ cập và phát triển. Vì vậy, nhà trường Tiểu học ngày nay một mặt phải tập trung nỗ lực vào rèn luyện ban đầu cho học sinh đồng thời nâng cao chất lượng dạy học. Mặt khác, phải lắng nghe nhu cầu giáo dục của cả cộng đồng; nó phải đáp ứng nhu cầu xã hội sư phạm; sau cùng phải huy động các nhân lực, vật lực, tài lực của cộng đồng, để làm đầy đủ sứ mệnh của nó, trong khuôn khổ hợp tác gồm nhiều thành phần giáo dục. Như vậy, rõ ràng người Hiệu trưởng nhà trường Tiểu học phải đương đầu với trách nhiệm mới là “không gian mở”, đó là liên kết về nghĩa vụ và trách nhiệm với cộng đồng sẽ ngày càng mở rộng.

Hiệu trưởng là thủ trưởng, đại diện cho nhà trường về mặt pháp lý, có trách nhiệm và thẩm quyền cao nhất theo luật định trong nhà trường. Như vậy, Hiệu trưởng phải nắm được các văn bản pháp quy từ trung ương đến địa phương về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đảm bảo sự liên hệ của nhà trường với cấp trên và các cấp quản lý ở địa phương; đảm bảo sự vận hành bộ máy của nhà trường trên tất cả các lĩnh vực; biết tổ chức, phối hợp với môi trường xã hội xung quanh để thực hiện mục tiêu, kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Một số đặc điểm khác biệt trong quản lý của Hiệu trưởng trường Tiểu học là học sinh Tiểu học đang còn nhỏ tuổi, do vậy giáo dục bằng nêu gương có tác dụng rất lớn. Hiệu trưởng phải là người thầy, vừa phải là người cha, người mẹ của học sinh, nên họ phải có nhân cách tốt để làm gương giáo dục học sinh.

1.4.2. Chức năng quản lý của Hiệu trưởng trường Tiểu học

Các hoạt động quản lý của Hiệu trưởng trường Tiểu học có nhiều chức năng, trong đó có các chức năng chính đó là:

- Chức năng lập kế hoạch.

Kế hoạch hóa là chức năng cơ bản trong một số các chức năng của quản lý, nhằm xây dựng các quyết định về mục tiêu, chương trình hành động và bước đi cụ thể trong một thời gian nhất định của một hệ thống quản lý.

Kế hoạch chung hoạt động cho nhà trường gồm kế hoạch dài hạn, kế hoạch trung hạn, kế hoạch ngắn hạn, đột xuất cho các lĩnh vực trong đó trọng tâm là kế hoạch dạy học. Cụ thể hoá mục tiêu giáo dục chung thành những hoạt động thực tiễn, định ra những chỉ tiêu phấn đấu cho nhà trường, các tổ chức đoàn thể, các tổ chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm lớp... trong đó có những phương pháp, biện pháp và điều kiện để thực hiện các chỉ tiêu; hoạch định trình tự tiến hành công việc dạy học và giáo dục; định thời gian, địa điểm để hoàn thành từng phần việc cho đến cùng.

- Chức năng tổ chức thực hiện.

Nếu coi kế hoạch là phần “xương sống” thì tổ chức thực hiện chính là phần còn lại của “cơ thể” quản lý trường học.

Tổ chức là xác định một cơ cấu chủ định về vai trò, nhiệm vụ được hợp thức hoá. Tổ chức là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn tới thành công hay thất bại trong hoạt động của một hệ thống và giữ vai trò to lớn trong quản lý.

Trước khi xem xét để tổ chức thực hiện người Hiệu trưởng phải tự đặt ra để trả lời các câu hỏi như: Tổ chức bộ máy đã phù hợp với mục đích, nhiệm vụ đặt ra chưa? Phân công, phân nhiệm cho các thành viên trong tổ chức có hợp lý không? Mối quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân trong trường có thúc đẩy được guồng máy chung hay

không? Có được sự ủng hộ từ các cấp quản lý, các tổ chức và từng thành viên cán bộ, giáo viên, học sinh hay không? Quyền hạn, trách nhiệm đã rõ ràng, minh bạch hay chưa? Chính sách khuyến khích, động viên đã thỏa đáng đúng quy định chưa? Quyền làm chủ, tính chủ động, sáng tạo của các tổ chức, cá nhân có được phát huy tích cực hay không? Có cơ sở khoa học, tính thực tiễn để thực hiện kế hoạch không? Có đầy đủ hành lang pháp lý, quy chế chặt chẽ để giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả chưa?...

Việc tổ chức thực hiện trong nhà trường được coi là hợp lý khi hoạt động đạt được mục tiêu đề ra cả về số lượng, chất lượng và những bài học kinh nghiệm được đúc rút qua thực tiễn. Ngoài ra còn đảm bảo tính liên tục với xu thế phát triển và hội nhập.

- Chức năng điều chỉnh và động viên trong quá trình hoạt động.

Trong hoạt động quản lý chức năng điều chỉnh nhằm sửa chữa những sai lệch nảy sinh trong quá trình hoạt động của hệ thống để duy trì các mối quan hệ bình thường giữa các bộ phận điều khiển và bộ phận chấp hành. Giữa bộ máy quản lý với hoạt động các bộ phận, các cá nhân sao cho nhịp nhàng ăn khớp với nhau.

Động viên là nhằm phát huy khả năng vô tận ở mỗi con người vào quá trình thực hiện mục tiêu của nhà trường.

- Chức năng kiểm tra đánh giá.

Kiểm tra trong nhà trường nhằm đảm bảo các kế hoạch thành công, phát hiện những sai sót, tìm ra nguyên nhân và biện pháp sửa chữa kịp thời những sai sót đó. Kiểm tra là tai mắt của Hiệu trưởng trong quá trình quản lý.

Đánh giá là chức năng cuối cùng và rất quan trọng của nhà quản lý đối với mọi hệ thống yêu cầu phải chính xác với các yếu tố định lượng được. Tuy nhiên để đánh giá hiệu quả phải có thước đo phù hợp với các tiêu chuẩn của các yếu tố cả định tính và định lượng trên cơ sở chuẩn đặt ra cho mỗi nhà trường, mỗi cấp học, mỗi lớp học, mỗi cán bộ giáo viên...

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao chất lượng quản lý hoạt động dạy học của hiệu trưởng các trường tiểu học huyện thường xuân, tỉnh thanh hóa luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 25 - 28)