7. Cấu trúc của luận văn
1.2.2. Hoàng Ngọc Tuấn cây bút tiêu biểu cho một hướng viết, một nhu cầu văn học
nhu cầu văn học
1.2.2.1. Sự chuyên nhất của Hoàng Ngọc Tuấn với đề tài tình yêu, tình bạn, tuổi trẻ
Hoàng Ngọc Tuấn, một cái tên đã rất quen thuộc với bạn đọc trẻ tuổi ở miền Nam trước năm 1975. Sở dĩ họ biết đến ông bởi vì ông là một nhà văn đã mang đến cho họ những kỷ niệm ngọt ngào của tuổi trẻ, những câu chuyện tình yêu của tuổi mới lớn đầy mơ mộng nhưng không kém phần hấp dẫn. Sinh ra ở một mảnh đất thơ mộng, những kỷ niệm êm đẹp của tuổi ấu thơ đã ăn sâu trong kí ức nhà văn. Những kỷ niệm thiếu thời đã theo ông vào những trang viết sau này. Hoàng Ngọc Tuấn đã thành danh khá sớm. Trong số rất nhiều gương mặt chuyên viết cho tuổi trẻ như: Đoàn Thạch Biền, Từ Kế Tường, Mường Mán, Nguyễn Thị Ngọc Minh..., tác phẩm của Hoàng Ngọc Tuấn vẫn có những nét riêng, có sức hấp dẫn số đông người đọc.
Đề tài về tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình quê hương là đề tài muôn thuở của văn học. Trong tác phẩm Hình như là tình yêu, Hoàng Ngọc Tuấn cũng chỉ chuyên đề cập đến đề tài tình yêu, tình bạn, tuổi trẻ. Trong hai mươi ba truyện ngắn in trong tập Hình như là tình yêu thì có tới hai mươi truyện
ngắn đề cập đến đề tài tình yêu trừ ba truyện: Sông Hương nước chảy lên bờ, Mai Khôi, Thiết lộ đề cập đến tình bạn, tình mẹ con. Con số đó đủ nói lên rằng đề tài tình yêu được Hoàng Ngọc Tuấn quan tâm đặc biệt. Nhân vật trong tác phẩm Hình như là tình yêu là những người trẻ tuổi, ngoại trừ một vài nhân vật có tuổi được tác giả nhắc tới theo kiểu điểm xuyết làm tăng sự hấp dẫn cho tác phẩm. Đó là ông Trân trong Mùa xuân cuối cùng, người ông của Châu trong Hình như là tình yêu, bà mẹ trong Cuối cùng như em muốn, bà ngoại trong Mưa Huế, người mẹ trong Thiết lộ... Hầu hết các nhân vật trong tác phẩm đang ở tuổi mới lớn, tuổi học trò, sinh viên. Tình bạn, tình yêu, kỷ niệm tuổi học trò luôn đan cài vào trong từng câu chuyện khiến nhiều lúc họ phải băn khoăn tự vấn: phải chăng là tình yêu? Hình như là tình yêu?
Các truyện trong tuyển tập truyện ngắn Hình như là tình yêu không có nội dung gì mới lạ. Thường chỉ xoay quanh những câu chuyện tình lãng mạn, những day dứt khắc khoải của tình yêu đầu đời, những hoài vọng về quê hương gia đình. Nhưng những vấn đề nhà văn đề cập đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu được đối với bạn đọc giữa lòng đô thị miền Nam lúc bấy giờ. Văn Hoàng Ngọc Tuấn nhẹ nhàng, bàng bạc chất thơ. Tác giả đã khám phá những điều sâu kín không dễ bộc bạch trong tâm hồn con người. Nhà văn nắm bắt đúng tâm lý của tuổi mới lớn, tuổi học trò, vì thế người đọc tìm thấy trong từng câu chuyện có sự đồng điệu tâm hồn với nhân vật. Cảm nhận về cuộc đi xa, người đọc bùi ngùi thương cảm khi chứng kiến tâm trạng của nhân vật tôi và không khỏi cảm thấy như chính mình là người trong cuộc: “Tàu chưa ra khỏi Huế, còn chạy dọc theo con đường bờ sông An Cựu. Cứ một quãng, tôi lại nhìn thấy những cây cầu ngắn, những cành phượng đỏ ối, những ghe đò lùi xa dần cho đến khi mất biệt hoàn toàn ngoài tầm mắt. Tôi tiếc không nhìn thấy trường học của tôi trong lúc này, không thấy cầu Tràng Tiền, không thấy quán bún bò trong thành nội, không thấy những quán
chè trái cây trong rạp chớp bóng. Đến một lúc, thành phố Huế như một đôi mắt đỏ bùi ngùi, dần dần khép lại” (Thiết lộ [36, 348]). Nhà văn như sống thật với tâm trạng của người trong cuộc và người đọc một lần nữa lại thấy tâm trạng của nhân vật rất giống với tâm trạng của chính mình trước những chuyến đi xa.
Trong truyện ngắn Hình như là tình yêu và cũng là tên của tuyển tập truyện ngắn, hình ảnh Châu, người con gái có nụ cười duyên cứ ảm ảnh người đọc mãi không thôi. Cũng là tình yêu nhưng trong Đừng đến sân ga, Toàn và Lục lại đến với nhau như định mệnh đã sắp đặt. Đó là tình yêu của những con người đã chịu bao thăng trầm của cuộc đời. Tình bạn trong Hình như là tình yêu cũng là vấn đề được Hoàng Ngọc Tuấn quan tâm. Gia đình, bạn bè là miền ký ức đẹp, sâu thẳm trong tiềm thức của mỗi con người. Huế thơ mộng, bình yên vì ở đó có bà ngoại, có nhà, có những vườn cây trái sum suê được ăn thỏa thích. Nhưng Huế cũng in đậm trong tác giả một nỗi đau còn mãi từ thời thơ dại khi chứng kiến người bạn thân Hùng Vồ ra đi vì một tai nạn trong mùa mưa lũ trong truyện Sông Hương nước chảy lên bờ. Cái chết của người bạn thân là Hùng Vồ luôn ám ảnh, day dứt, khắc khoải Tí Đường: “Ngay trong xóm này, có một thằng tên là Hùng Vồ vừa mới qua đời, nó không kịp được học thêm một chữ, làm thêm một bài toán nào nữa. Và không có Hùng Vồ trên đời, tôi cũng không phải là thằng Tí Đường này nữa” (Sông Hương nước chảy lên bờ [36, 188]). Cái chết của Hùng Vồ gieo một nỗi đau âm ỉ trong tâm hồn ngây thơ của Tí Đường. Gương mặt của nó trở nên lầm lì như mặt đưa đám. Lần đầu tiên trong đời, Tí Đường ý niệm rất rõ về sự mất mát trong tình bạn, nỗi đau khi người bạn qua đời.
Trong tuyển tập Hình như là tình yêu, hình ảnh nhân vật nữ hiện lên rất chân thực. Hình ảnh những người con gái hiện lên đầy nữ tính và mộng mơ. Đó là những Sao Mây, Bích Câu, Tiểu Muội, Lục, Mai, Ngâu, Thùy, Châu,
Sông Nhuệ... Ở họ, tập trung những vẻ đẹp dịu dàng, quyến rũ, nhưng cũng đầy hồn nhiên, trong sáng, thùy mỵ, đoan trang. Các cô gái vừa có những nét tinh ngịch hồn nhiên của tuổi học trò, vừa có sự chăm chỉ, lo toan, bao dung, độ lượng của những người chị, người mẹ, của người phụ nữ Việt Nam nói chung. Chính những điều này tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn độc giả đến với những trang viết của Hoàng Ngọc Tuấn.
1.2.2.2. Sự đáp ứng tích cực của Hoàng Ngọc Tuấn đối với những nhu cầu nhân bản của độc giả trong thời chiến tranh
Văn học là một loại hình nghệ thuật đặc biệt, một bộ môn nghệ thuật dùng ngôn từ làm chất liệu và phương tiện để phản ánh cuộc sống, qua đó giúp con người tư duy và cảm nhận về cuộc sống. Tác phẩm văn học là “con đẻ” của nhà văn, là kết quả của quá trình “thai nghén” vất vả, nghiền ngẫm, suy tư. Tác phẩm văn học thực chất là tiếng nói của nhà văn về cuộc sống, về tất cả những điều nhà văn cảm nhận, suy nghĩ, yêu ghét.
Sau khi hiệp định Geneve được kí kết, hoà bình được lập lại, đất nước tạm thời chia cắt. Đồng bào miền Nam buộc phải sống dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ. Song song với mưu đồ thống trị miền Nam bằng bạo lực quân sự và dòng thác viện trợ kinh tế, đế quốc Mỹ rất có ý thức trong việc nô dịch nhân dân bằng con đường văn hoá văn nghệ. Chúng cho du nhập văn hoá phương Tây, đặc biệt là bộ phận văn học suy đồi, phản động với các loại sách báo ồ ạt. Mặt khác, chúng ra sức ngăn chặn dòng văn học cách mạng ở miền Bắc và văn học ở vùng giải phóng miền Nam vào đô thị bằng nhiều con đường khác nhau. Đứng trước một thế lực mới, tinh vi và xảo quyệt, Đảng chỉ đạo chặt chẽ các phong trào chính trị, quân sự cũng như các hoạt động báo chí ở thành thị miền Nam. Trên tinh thần xem “văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận”, các chiến sĩ trên mặt trận ấy đã lao vào cuộc chiến, bất chấp mọi khó khăn gian khổ kể cả mất mát hy sinh. Hai mươi năm (1954 - 1975), miền
Nam chìm đắm trong khói lửa chiến tranh. Thực tế này không khỏi dẫn đến những xáo trộn của văn học. Ở miền Nam, thời kỳ này “cũng không ít nhà văn im lặng chuyển nghề và cũng có lớp nhà văn nặng nợ với non sông. Tác phẩm của họ mang đầy tính nhân văn... Các nhà văn lặng lẽ viết theo thị hiếu người đọc và viết theo lương tâm của người cầm bút. Có những thị hiếu lành mạnh, mang tính nhân văn về hạnh phúc lứa đôi, về tình yêu trắc trở, về cái đẹp chưa hoàn thiện...” (Văn xuôi lãng mạn miền Nam, Tập 3, 1946 - 1975, Lời dẫn, Hoàng Lại Giang). Trong những hoàn cảnh chiến tranh đặc biệt ấy, sự đáp ứng của tác giả đối với nhu cầu bạn đọc là rất cần thiết.
Giữa bầu không khí chiến tranh ngột ngạt trùm phủ trên khắp nẻo đường quê hương, truyện ngắn Hoàng Ngọc Tuấn như cơn gió tươi mát ăm ắp tình yêu thổi qua bộ mặt u ám của phận người trong cuộc chiến tàn khốc. Chúng cũng như nguồn nước mát trong ngần dành cho người đang khát đi trên sa mạc. Tác phẩm của Hoàng Ngọc Tuấn đã đáp ứng nhu cầu của đa số độc giả vùng đô thị miền Nam trong thời kỳ này. Trong những ngày sống trong sự lùng sục gắt gao của Mỹ ngụy, của chế độ thiết quân luật, độc giả tìm đến những trang viết của Hoàng Ngọc Tuấn là tìm đến một thế giới bình yên, không có tiếng súng, không có những cái chết đang rình rập. Nếu không có cái tên Hoàng Ngọc Tuấn và những trang viết đầy chất thơ nói về tình yêu, tình bạn, tình cảm quê hương, người ta dễ nghĩ rằng cuộc sống ở đô thị miền Nam những năm ấy chỉ có đầy bóng tối. Điều đó đã nói lên được phần nào sự đóng góp của Hoàng Ngọc Tuấn đối với văn học miền Nam giai đoạn 1954- 1975. Hòa Bình, người bạn thân của Hoàng Ngọc Tuấn đã viết: “Tôi mang ơn tác giả vì ông đã tặng cho tuổi trẻ chúng tôi những tác phẩm văn chương tạo bằng những gì tinh anh, tươi thắm, cùng với những đớn đau âm thầm trong tâm hồn ông” [21]. Không chỉ có Hòa Bình mà rất nhiều độc giả Nam bộ đều có chung suy nghĩ như vậy. Họ đã âm thầm theo dõi những bước chân của
nhà văn mình ngưỡng mộ trên mọi nẻo đường. Họ vui mừng đón nhận những truyện ngắn mà ông trình làng như đón nhận món ăn tinh thần không thể thiếu được trong cuộc sống. Sau khi hay tin Hoàng Ngọc Tuấn qua đời, nhiều người hết sức bàng hoàng và vô cùng thương tiếc nhà văn, tiếc cho tác giả của nhiều truyện ngắn một thời để yêu, một thời để nhớ gắn liền với tuổi trẻ Sài Gòn những tháng ngày đầy bom đạn. Sống trong thời loạn ly, thiếu thốn về vật chất, cái chết luôn cận kề nhưng với những khát khao của tuổi trẻ, Hoàng Ngọc Tuấn đã cho ra đời những tác phẩm gây dấu ấn sâu đậm. Trước kia và sau này cũng thế, độc giả vẫn nhớ đến Hoàng Ngọc Tuấn với những tác phẩm làm mát dịu trái tim họ. Tấm lòng hâm mộ, biết ơn của người đọc trải dài nhiều thế hệ, từ trong nước đến nước ngoài.
1.2.2.3. Đóng góp của Hoàng Ngọc Tuấn trong việc làm nên những điểm khả thủ của một bộ phận văn học
Tác phẩm nghệ thuật là đứa con tinh thần của người nghệ sĩ. Mỗi nhà văn nhà thơ khi sáng tạo tác phẩm đều xuất phát từ một nguồn cảm xúc nhất định. Đó là những trăn trở, dằn vặt, những rung động mãnh liệt của tác giả trước cuộc sống. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất thơ mộng nhưng Hoàng Ngọc Tuấn lại chọn Sài Sòn là nơi lập nghiệp. Vốn mang trong mình dòng máu văn chương, dù sống trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng ngọn lửa văn chương không thể dập tắt trong tâm hồn ông. Trong giai đoạn không dài của thời gian sáng tác, Hoàng Ngọc Tuấn cho ra mắt trên dưới 50 truyện ngắn. Số lượng như thế không phải đã thật nhiều, nhưng ý nghĩa của chúng thì rất lớn, không chỉ riêng đối với việc khẳng định một văn tài, một khuynh hướng sáng tác mà còn đối với việc góp phần khẳng định những giá trị không phủ nhận được của văn học đô thị miền Nam.
Mấy chục năm qua, không phải văn học đô thị miền Nam không được chú ý tìm hiểu, và không phải nó chỉ thuần hứng chịu những quy kết nặng nề.
Tuy vậy, mới chỉ có một phần nhỏ của nó là được biểu dương, vì chúng là sáng tác của những cây bút thiên tả, có liên hệ với cách mạng ở mức độ này hay mức độ khác. Đây chính là một điều bất cập cần khắc phục. Đã đành, những sáng tác đề cập trực tiếp các nghịch cảnh trong lòng xã hội thực dân kiểu mới hay thể hiện lòng yêu nước, bộc lộ nỗi niềm hướng về những ngày kháng chiến cũ là rất đáng quý, nhưng phải đâu chỉ có chúng mới đáng được nhắc tới? Còn một bộ phận sáng tác khác, như của Hoàng Ngọc Tuấn, chẳng nhẽ vô giá trị? Thực tế đã có cách chứng minh khác. Cho đến nay, nhiều giá trị bị khuất lấp lần lượt được làm sáng tỏ. Nhiều văn phẩm có giá trị của một thời, được viết bởi những người không công khai đứng trên lập trường cách mạng được in lại. Với những sáng tác như của Dương Nghiễm Mậu, Kiệt Tấn, Hoàng Ngọc Tuấn được in lại gần đây, ta nhận ra một gương mặt mới của văn học đô thị miền Nam, phức tạp hơn, phong phú hơn, có giá trị nhiều mặt hơn, cần được đánh giá một cách công bằng. Một tác phẩm như Hình như là tình yêu chẳng phải có thể làm vinh dự cho cả một bộ phận văn học hay sao? Một môi trường văn học, một không khí sáng tác đã hỗ trợ cho sự ra đời của những sáng tác kiểu đó, thì môi trường ấy, không khí ấy nhất định phải có những điểm khả thủ, cần được nhìn nhận với thái độ công bằng, không nên để các định kiến chính trị chi phối.