Hoài niệm về những con người như là hiện thân của quê hương

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn của hoàng ngọc tuấn (Trang 81 - 87)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.2. Hoài niệm về những con người như là hiện thân của quê hương

Có thể nói trong truyện ngắn trữ tình giai đoạn 1954- 1975, ít có nhà văn nào viết về Huế với một niềm thương yêu sâu sắc, da diết như Hoàng

Ngọc Tuấn. Để có những trang viết sâu sắc như thế, phải có một sự gắn bó sâu sắc với con người, cảnh vật quê hương. Như trên đã nói, Huế là nơi gắn bó với Hoàng Ngọc Tuấn từ thời thơ ấu. Hoàng Ngọc Tuấn yêu Huế bằng một tình yêu cụ thể, gắn liền với những kỷ niệm của cả một thời quá khứ. Ở đó mỗi cảnh vật, mỗi con người đều gợi lên ở Hoàng Ngọc Tuấn một nỗi khắc khoải, đau đáu. Đó là hình ảnh mái trường với những kỉ niệm về thầy cô gần gũi, thân thương. Những kỉ niệm “nhất quỷ nhì ma...” tinh quái của tuổi học trò, những lần trốn học, những buổi tập văn nghệ dựng lại hình ảnh trận đánh trên sông Bạch Đằng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đọng lại những ấn tượng khó phai mờ. Trong MưaHuế hình ảnh cô giáo Dạ Thảo vừa là người cô nghiêm khắc với học sinh, vừa là người mẹ yêu thương học sinh hết mình. Kí ức tươi đẹp về cô giáo yêu thương luôn hiện về sống động. Hoàng Ngọc Tuấn ca ngợi hết lời về cô giáo, cô là hình ảnh tươi sáng lấp lánh mà ông mang theo trong suốt chặng đường: “một cô giáo xuất sắc nhất trên đời”. Cô không chỉ giỏi về chuyên môn mà cả ngoại hình của cô cũng khiến cho bọn học trò hết lời khen ngợi, tự hào: “Chúng chỉ mê mẩn ngắm những chiếc áo dài mềm mại mà cô mặc thay đổi mỗi ngày. Khi thì áo màu tím, màu xanh, hay màu trắng, màu nào trông cũng thật quý phái. Mái tóc đen óng ả, làn da trắng, đôi mắt trong và nụ cười thắm của cô, tất cả đều dễ thương quá nên chẳng có đứa nào sợ cô cả”. Hình ảnh cô giáo đẹp, quyến rũ như một nàng tiên khiến học trò “nhìn cô không chớp”. Tất cả giờ học của cô đều hấp dẫn, thú vị. Giờ dạy của cô quyến rũ đến mức nhân vật tôi trong Mưa Huế đã “dần dần bỏ bê hết tất cả những môn học nào ngoài môn Việt văn, suốt ngày chúi đầu đọc một lô sách truyện đủ thứ, tiểu thuyết tiền chiến, truyện trinh thám ái tình, truyện kiếm hiệp... để được “văn chương thấm vào người” như cô Dạ Thảo nói”. Cứ mỗi lần trong bài luận văn bạn nào điểm cao nhất, cô Dạ Thảo đều đọc trước lớp và được cô khen ngợi. Cử chỉ việc làm của cô thể hiện tình

cảm yêu thương, sự khích lệ động viên tinh thần rất lớn cho học sinh. Trong một lần, làm bài luận về cảnh biệt ly trong gia đình, nhân vật tôi điểm cao nhất. Những cử chi khen ngợi, động viên của cô gây ấn tượng sâu sắc đối với nhân vật: “Cô Dạ Thảo gọi tôi đứng dậy. Tôi lắng nghe tên mình phát ra từ đôi môi dễ yêu của cô... Cô dùng năm ngón tay trắng mềm mại xoa lên mái tóc tôi. Tôi lén ngước mặt lên và bắt gặp vội vàng đôi mắt của cô âu yếm lạ thường”. Cô giáo, người mẹ thứ hai của tuổi thơ luôn dịu dàng, âu yếm và rất chăm lo cho học sinh. Trong cuộc đời, những tình cảm chân thành nhất để bảo ban, khuyên nhủ ân cần nhất chính là tình cảm của mẹ cha và cô giáo. Những ánh mắt buồn bã của cô giáo trong ngày chia tay với học sinh chuẩn bị nghỉ hè, những lời nói dịu dàng từ đôi mắt buồn của cô vang lên như một khúc ca tiễn biệt: “Ngày mai là các em được nghỉ học. Cô chúc các em một mùa hè thật vui vẻ bên cạnh gia đình. Sang năm có lẽ cô còn gặp lại đầy đủ các em, nhưng không dạy các em nữa”. Lời chia tay của cô giáo giản dị nhưng xúc động vì đó chính là lời nói thể hiện tình cảm thương yêu chân thành của cô dành cho học sinh. Hoàng Ngọc Tuấn đã thể hiện rất thành công tâm trạng của cô giáo: “Đôi mắt cô giáo hơi buồn, cô đứng trên bục gỗ nhìn khắp lớp học như muốn ghi nhớ hết những khuôn mặt của bọn học trò đã làm cô mệt óc trong chín tháng qua”. Những kí ức thân thương của tuổi cắp sách tới trường thường để lại những khoảnh khắc khó quên. Những kí ức đó luôn hiện diện rõ trong tim để rồi trở thành niềm khát khao cháy bỏng, ước ao trong khát vọng: cho tôi một lần nữa được cắp sách đến trường. Hình ảnh mái trường thân yêu, hình ảnh thầy cô với những kỉ niệm rất học trò thường lưu giữ rất lâu trong kí ức tuổi học trò. Những kỉ niệm thời xưa dù đã trôi qua nhưng hình ảnh cô giáo “mặc chiếc áo dài đỏ như màu hoa phượng”, những giọng nói quen thuộc trong lúc cô giảng bài không thể nào quên trong tâm hồn của nhà văn.

Đọc tuyển tập Hình như là tình yêu của Hoàng Ngọc Tuấn, ta thấy những hình ảnh, kỉ niệm về người mẹ in đậm trong kí ức tuổi thơ của nhà văn. Từ nhỏ, Hoàng Ngọc Tuấn sống chủ yếu với bà ngoại nên thiếu thiếu thốn tình cảm gia đình từ nhỏ. Khát vọng cháy bỏng được sống cạnh bố, mẹ trở thành niềm khắc khỏai, nỗi đau buồn trong trái tim nhà văn. Từ nhỏ, Hoàng Ngọc Tuấn không được sống cảnh êm ấm trong gia đình với mẹ và anh em: “Tôi không biết gì về cảnh đó, tôi không được sống trong mái nhà êm ấm mà trẻ thơ nào cũng mơ ước. Tôi mất cha từ nhỏ, chưa hề thấy mặt người. Mẹ tôi yêu thương tôi nhưng bà cũng yêu thêm một người đàn ông khác”. Chính sự thiếu thốn tình cảm và những ngày sống xa mẹ đã khiến ông hiểu rõ hơn ai hết sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Những ngày được sống bên mẹ là những giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Mẹ là niềm an ủi, là điểm tựa tinh thần cho những đứa con yêu dấu. Có món quà nào hơn là tình cảm thiêng liêng của tình mẹ con: “Một năm tôi được mẹ về khoảng hai lần, ngày tết và mùa hè nghỉ học. Từ một miền cao nguyên mù xa đó, bà chẳng có quà gì cho tôi, nhưng cần gì một món quà nào nữa. Tôi chỉ cần nhìn khuôn mặt đỏ hồng và thân hình phục phịch của bà, chỉ cần nghe tiếng nói oang oang của bà suốt ngày, chỉ cần ngã vào lòng bà hít thở trong khi đầu tóc của mình bị bàn tay bà vò nát bù xù. Có món quà nào quý hơn quà tặng của mẹ, không biết gọi tên rõ ràng là gì nhưng thắm thiết như trút sang một dòng máu nóng” (Thiết lộ [36, 344-345]). Mẹ là niềm vui, là ánh sáng, vì thế, con nguời cần mẹ hơn tất cả mọi thứ trên đời. Phải xa mẹ, điều ấy thật kinh khủng. Hoàng Ngọc Tuấn ghi lại thật xúc động tâm trạng khi phải chia tay mẹ trong nỗi cô đơn, ngậm ngùi: “Một cậu nhỏ vừa tiễn mẹ ra đi, sớm mai lủi thủi ôm mặt khóc qua cầu trở về, bao tiếng động thành phố như câm lặng hết, chỉ ổ bùng trong tai tiếng còi tàu rúc lên từng hồi như tiếng cú kêu suốt đêm thăm thẳm”.

Trong tuyển tập Hình như là tình yêu, hình ảnh bà ngoại được tác giả nhắc đi nhắc lại nhiều lần với một tình yêu thương trìu mến, vô bờ. Dấu ấn bà

ngoại trong kí ức tuổi thơ của nhà văn thật sâu sắc. Từ nhỏ, nhà văn từng sống bên cạnh bà ngoại, các cậu, các dì. Kỉ niệm tuổi thơ của nhà văn in đậm hình ảnh những người thân bên ngoại. Đã có rất nhiều nghệ sĩ viết về hình ảnh bà ngoại thật cảm động. Nam Cao nhớ về bà ngoại “chủng chẳng nhai cơm nguội vào những buổi chiều” với tấm lòng thương nhớ, xót xa. Nhà thơ Nguyễn Duy nhắc về bà ngoại trong bài thơ Đò Lèn với hoài niệm rưng rưng, xúc động. Nói tới bà ngoại là nhắc kỉ niệm của tuổi ấu thơ trên mảnh đất quê hương “ra cống Na câu cá..., bắt chim sẻ..., đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần”. Hình ảnh bà ngoại hiện ra thật cụ thể, rõ nét với cuộc sống nghèo, bươn chải, gánh gồng: “Bà mò cua xúc tép..., bà đi gánh chè..., bà đi bán trứng”. Hình ảnh bà ngoại hiện về khi nhà thơ đã quá nửa đời phiêu bạt, nghĩ về người xưa thật nghẹn ngào: khi nhận ra tình cảm, biết thương, biết yêu thì “Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi”. Cũng như các nhà nghệ sĩ, Hoàng Ngọc Tuấn nhớ về bà ngoại bằng một tình yêu pha lẫn sự kính trọng. Khi xa Huế, xa bà ngoại, nhà văn đã bộc bạch lòng mình: “Bà ngoại về quê chắc sáng mai mới về nhà. Mày nói với bà là tao sẽ nhớ bà ghê lắm, tao thương bà cũng như thương má tao”. Trong tiềm thức của Hoàng Ngọc Tuấn, bà ngoại hiện về thật cụ thể với những lời nói dịu dàng, đầy ắp yêu thương, đong đầy tình cảm. Những lúc đi xa, tạm biệt bà ngoại, trong sân ga trước giờ phút lên tàu: “Lòng tôi cũng nôn nao khi nhìn thấy khuôn mặt nhăn nheo và mái tóc bạc phơ của ngoại tôi ra đưa tiễn” (Thiết lộ).

Tình thương cháu của bà ngoại đượ Hoàng Ngọc Tuấn thể hiện chân thành, cảm động. Bao nhiêu tình cảm, bà dồn hết cho đứa cháu sớm mồ côi cha, sống xa mẹ, thiều thốn tình cảm. Bà ngoại lẩm bẩm nói nói với đứa con gái út của mình về đứa cháu: “... Còn cái thằng Tí Đường, ba nó mất sớm, mẹ nó lại đi xa, nói mãi nó mới để thắng Tí ở đây cho tao dạy dỗ. Có một mụn cháu mà không thương răng được”. Khi nhắc về Tí Đường, bà ngoại và tất cả người dì, cậu trong gia đình đều dành cho Tí Đường những tình cảm yêu thương, nâng niu, trìu mến: “Trong nhà, ai cũng thương thằng Tí Đường nhất. Cả dì Út nữa...,

mỗi lần đi xi-nê, dì vẫn dẫn nó đi theo, xem xong lại còn cho nó ăn một li chè trái cây nữa”. Với bà ngoại, mỗi lần tan trường vào mùa nước lũ chưa thấy bóng dáng Tí Đường trở về nhà, lòng bà ngoại thấp thỏm không yên. Mọi vui buồn của bà đều từ Tí Đường mà ra, bà băn khoăn, ra ngóng vào trông: “Đường sá ngập nước như ri không biết thằng Tí Đường nó có về được không”. Rồi không chịu nổi khi đứa cháu yêu vẫn chưa về, bà thúc dục con gái út đi đón Tí Đường về cho bằng được: “làm ơn mặc áo tơi lên trường đón cháu nó về đây cho tui yên bụng”. Sống trong ngôi nhà bình yên của tình máu mủ ruột thịt, trong vòng tay êm ái chăm sóc yêu thương của ngoại, của dì Út, nhà văn cảm thấy bình yên, hạnh phúc: “Trong ngôi nhà cổ kính có vẻ lạnh lùng của bà ngoại, tôi cảm thấy bình yên vì ở đó không có người lạ”. Tuổi nhỏ thường ngây thơ, khờ dại, những lúc trốn học bỏ nhà đi chơi thường để lại trong lòng nỗi ân hận khi nhìn ánh mắt không vui của bà ngoại: “Đôi mắt của bà ngoại sau làn kính trắng, nhìn tôi thóang trách móc nhẹ làm tôi thấy hối hận”. Những nỗi lo âu, sự quan tâm săn sóc của bà ngoại luôn làm ấm lòng đứa trẻ thơ khi phải sống trong cảnh thiếu thốn tình mẫu tử.

Những con người ở Huế: bà ngoại Sao Mây, Tiểu Muội, Bich Câu, Thúy, dì Út... luôn thể hiện những vẻ đẹp rất riêng của con người xứ Huế. Họ là những người phụ nữ vừa chăm chỉ, siêng năng, biết lo toan công việc của người phụ nữ trong gia đình. Không chỉ có thế, dưới con mắt của Hoàng Ngọc Tuấn, những người phụ nữ trong tuyển tập Hình như là tình yêu thể hiện những nét đẹp của vùng đất cố đô giàu truyền thống văn hóa. Huế không chỉ đẹp ở những góc phố, con đường với tà áo dài của nữ sinh Đồng Khánh, Huế còn đẹp ở những con người nơi đây từ giọng nói, cách ứng xử đến những phong tục tập quán. Miêu tả những con người nơi đây, cảm hứng của Hoàng Ngọc Tuấn thiên về ca ngợi. Sự thanh lịch, duyên dáng của con người xứ Huế trong giọng nói, cách ứng xử, văn hóa ẩm thực, văn hóa đọc đã làm nên nét riêng của con người xứ Huế.

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn của hoàng ngọc tuấn (Trang 81 - 87)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(140 trang)
w