Ngôn ngữ của người kể chuyện thuộc ngôi thứ ba

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn của hoàng ngọc tuấn (Trang 125 - 127)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.2.Ngôn ngữ của người kể chuyện thuộc ngôi thứ ba

Ngoài cách kể chuyện theo phương thức ngôn ngữ trần thuật chủ quan, truyện ngắn của Hoàng Ngọc Tuấn còn được kể dưới hình thức ngôn ngữ trần thuật khách quan. Đây là một hình thức phổ biến của tác phẩm tự sự. Đó là cách “trần thuật từ ngôi thứ ba không nhân vật hoá mà đằng sau là tác giả”. Ở lối kể này, câu chuyện được kể với “người kể chuyện như đứng kín đáo ở một chỗ nào đấy, chứng kiến hết mọi sự việc xảy ra nhưng không tự mình trực tiếp tham gia vào các diễn biến”. Nhà văn là người biết hết mọi việc nhưng đứng ở vị trí khách quan và “xuất hiện như một người tường thuật vô nhân xưng đứng ngoài tác phẩm của mình” và “không được nhân vật hoá”. Giữa nhà văn và nhân vật, do đó luôn tồn tại một khoảng cách. Câu chuyện được kể lại một cách khách quan bởi ở đây “người trần thuật nói về các sự kiện với một sự yên tĩnh điềm đạm, anh ta vốn một cái tài “biết hết” và hình tượng anh ta là hình tượng của một sinh thể sống trên thế giới mang lại cho tác phẩm một màu sắc khách quan tối đa”.

Để tiến hành kể chuyện theo phương thức này, Hoàng Ngọc Tuấn cũng dùng lời gián tiếp để tái hiện lại câu chuyện, sự việc hoặc miêu tả giọng điệu, tính chất của lời nói nhân vật ở những đoạn đối thoại giữa các nhân vật. Lời trực tiếp của nhân vật cũng thường thể hiện ở những đoạn đối thoại thuần tuý

giữa các nhân vật. Ngoài đối thoại Hoàng Ngọc Tuấn cũng chú ý miêu tả độc thoại nội tâm của nhân vật. Để tái hiện những độc thoại nội tâm này, nhà văn thường dùng xen kẽ lời gián tiếp của người kể để “giải mã” những cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật với lời văn trực tiếp để tái hiện lời nói bên trong của nhân vật. Truyện ngắn Tiếng hát hoang đường, Hoàng Ngọc Tuấn đã dùng ngôn ngữ độc thoại nội tâm để nói lên tâm trạng của nhân vật:

“Nàng ngồi nghe tiếng hát của mình nghe một người khác, thật thú vị. Nàng gọi chị người làm ở nhà dưới đi mua một ổ bánh mì, và nàng bắc chảo lên lò bếp đập vỡ quả trứng gà, pha hai ly sữa nóng, sửa soạn buổi điểm tâm cho con.

Nàng nhìn mình trong gương, những nét mệt nhọc đã tan biến gần hết sau một đêm ngủ say, một người bạn nào đó đã nói rằng khuôn mặt nàng có những nét tội lỗi. Nàng nhìn chăm chú trong gương và mỉm cười đồng ý. Đôi mắt nàng không to, trong sáng như mắt bồ câu, đôi môi nàng cũng không thắm hồng như môi con gái mới lớn. Dĩ nhiên ngày xưa nàng cũng có một đôi môi như thế, nhưng bây giờ đôi môi nàng xanh xao, hơi nặng trĩu xuống như một trái cây chín ửng vàng.

Làm xong trứng vàng, nàng chọn một chiếc áo bà ba vải thô màu đen mặc vào, chiếc áo có ba túi, nàng bỏ bao thuốc là vào túi trên, tay áo nàng xắn lên cao như một chú cao bồi. Một người bạn trai nào đó đã nói với nàng: tôi thích được trở thành bao thuốc lá của chị. Nàng ngạc nhiên: sao thế? Anh cười đùa: Tại vì bao thuốc lá nằm trong ngực áo của chị, chỗ đó thật êm ái. Nàng nhớ lại và bật cười như một đứa trẻ” [36, 42].

Trong đoạn này chủ yếu là lời gián tiếp của người kể khi tái hiện lại những dòng suy nghĩ miên man của cô gái. Để tránh sự đơn điệu trong cách miêu tả nội tâm, tác giả đã xen vào những dòng độc thoại nội tâm ấy, lời nói nội tâm được tái hiện trực tiếp của nhân vật.

Đây là một đoạn trong Tiếng hát hoang đường, cô gái đã diễn tả những cảm giác ấm áp khi nàng tìm được cuộc sống mới:

“Anh gọi tên nàng. Những bước chân nàng ngạc nhiên dừng lại, và như thế là nàng cũng chấm dứt luôn đời sống nhàm chán vô ích, kéo dài lê thê trong phòng trà đêm đêm, ở một tỉnh lỵ lạnh lùng. Nàng vứt điếu thuốc xuống vũng nước mưa, thắp lên môi một điếu thuốc mới. Ánh lửa rực rỡ sáng một đám hồng hào trong đêm tối tăm, nàng bắt đầu hút một điếu thuốc mới. một quãng đời vui mới, một trái tim nồng mới và một hạnh phúc êm ái mới” [36, 52].

“... Em suy nghĩ nhanh lắm. Quyết định rồi, em về. Em không cần tiền nữa, bây giờ chỉ cần có người hiểu mình, thành thật thích nghe mình, họ thèm nghe cũng như em thèm hát.

Tự dưng nàng nghĩ đến mây trời. Một đám mây cứ nằm mãi trên trời cao thật vô ích và buồn chán biết bao, sao không biến thành cơn mưa ngọt ngào rơi tràn ngập trên những cánh đồng lúa khô cạn” [36, 54].

Ở đoạn này phần đầu nhà văn dùng lời trực tiếp để thể hiện lời nói bên trong của nhân vật, phần sau là lời gián tiếp của người kể để tái hiện nội tâm nhân vật. Cách thể hiện này làm cho những suy nghĩ của nhân vật được tái hiện khách quan và lời văn cũng bớt đơn điệu hơn.

Một phần của tài liệu Phong cách truyện ngắn của hoàng ngọc tuấn (Trang 125 - 127)