7. Cấu trúc của luận văn
2.2.1. Hoài niệm về Huế mảnh đất nguồn cội
Điều làm nên phong cách văn chương Hoàng Ngọc Tuấn chính là tình cảm thắm thiết sâu nặng của ông đối với quê hương. Tấm lòng đối với quê
hương, đất nước là một nội dung quan trọng trong sáng tác của Hoàng Ngọc Tuấn. Có thể nói, xuyên suốt những trang văn của Hoàng Ngọc Tuấn là một tình yêu đất nước quê hương đằm thắm, thiết tha. Đặc biệt là tình cảm của nhà văn đối với Huế, mảnh đất nơi mình sinh ra, gắn bó máu thịt với nhà thơ.
Hình như là tình yêu là tập truyện thể hiện dòng hoài niệm chan chứa về quê hương. Cảm thức này đã được hình thành ngay từ khi nhà văn còn là một cậu bé nhạy cảm và biết nhận thức mọi thứ, mọi việc xảy ra xung quanh. Lúc trưởng thành, nhận thức ấy lại được khắc đậm thêm. Trong tuyển tập Hình như là tình yêu, người đọc nhận thấy những tình cảm đằm thắm, sâu thẳm của nhà văn đối với Huế. Hoàng Ngọc Tuấn không chỉ viết nhiều mà còn viết hay về Huế. Tình yêu xứ Huế vừa là tình yêu nước Việt nói chung, vừa là tình yêu quê hương đúng nghĩa.
Viết nhiều về xứ Huế với tư cách là một người con sinh ra và lớn lên của đất cố đô, “nhà văn đã hé mở cho người đọc rất nhiều nét riêng của Huế. Huế thơ mộng, Huế xinh tươi, Huế của những cô nữ sinh yêu kiều áo dài rợp bóng sông Hương...”. Những cây phượng ven bờ sông Hương “trước kia vẫn xanh ngắt, nay đã thêm màu đỏ rực của bông hoa”. Trên con đường ở Huế, mỗi lần phượng đỏ rực bờ sông là xuất hiện những “những tiếng ve kêu trong nắng tươi tắn của mặt trời” là hồi chuông báo hiệu mùa hè đã đến.
Trong kí ức của Hoàng Ngọc Tuấn, khu vườn ở Huế hiện lên rất đỗi thân thương. Không gian Huế hiện ra trong tuyển tập Hình như là tình yêu thật thanh bình, yên ả. Tâm hồn của nhà văn trào dâng một tình yêu vô bờ khi đưa người đọc chứng kiến một vùng đất nên thơ: “Khu vườn với hàng dừa xiêm thấp bên bờ ao, một vườn bắp nhỏ, biết bao thứ hoa leo trước mái hiên và rực rỡ trước ngõ”. Nhà văn miêu tả rất chi tiết về khu vườn, bởi nơi đây ghi dấu tuổi thơ của ông đã trải qua những năm tháng vui buồn, đói khổ bên cạnh bà ngoại và các cậu, các dì. Khu vườn nhà bà ngọai hiện lên rất tĩnh lặng, trong
trẻo với “những tàu lá chuối xanh mềm”, “trên những cây trứng cá rậm rạp, với trái chín đang lôi cuốn bầy chim chào mào”. Khu vườn bà ngoại hiện lên với rất nhiều loại cây. Mỗi loại cây gắn liền với một kỷ niệm rất riêng của tuổi thơ tinh nghịch, hồn nhiên. Khu vườn như những người bạn thân mà ở nơi đó, tuổi thơ dại tìm thấy bao nhiêu là niềm vui. Đó là “cây ổi có vài trái chín ửng vàng trên cành, những trái mãng cầu trong lòng bàn tay làm tôi chảy nước bọt”, nào là “những trái mãng cầu ngọt lịm”. Khu vườn như một thiên đường nhỏ dại thời thơ bé. Tuổi thơ của Hoàng Ngọc Tuấn đã từng chui rúc trong từng bụi cây, chạy loanh quanh khắp khu vườn, dể thưởng thức mùi thơm của “những nhánh huệ trắng”. Những buổi trưa nắng gắt đầy sân nhưng khu vườn “vẫn có nhiều bóng mát”. Những loài cây tưởng chừng như vô tri vô giác ấy lại chứa trong mình nó một kỷ niệm không thể nào quên trong tuổi thơ của Hoàng Ngọc Tuấn: “Vườn nhà tôi quanh năm cây đầy trái. Mùa nào cũng có một thứ trái cây vùa ửng chín, thay phiên nhau cống hiến quả ngọt cho tôi không bao giờ thiếu vắng. Hết nhãn lồng đến mãng cầu, trứng cá, trứng gà, cam, quýt, thanh trà, mít, khế ngọt, ổi... Khu vườn hòan toàn dành riêng cho trẻ thơ”. Mãi sau này khi phải xa Huế, khu vườn nhà bà ngoại trở thành nỗi nhớ, niềm tự hào của nhà văn khi nhớ về nó.
Bức tranh xứ Huế hiện lên trong nỗi nhớ của nhà văn thực sâu lắng. Nhà văn miêu tả chân thực đến từng chi tiết. Người đọc luôn có cảm giác như không phải nhà văn đang miêu tả về làng quê của mình mà là đang được chính Hoàng Ngọc Tuấn dẫn về thăm quê hương xứ Huế để tận mắt ngắm nhìn và cảm nhận khung cảnh cố đô thanh bình, đầm ấm. Không gian xứ Huế luôn trở đi trở lại trong tác phẩm Hình như là tình yêu như một nỗi ám ảnh, một tình yêu thương sâu sắc đến quặn lòng. Khi nói về quê hương xứ Huế, nhà văn nói nhiều đến hình ảnh dòng sông, con đường. Sông Hương đã trở thành đề tài cho rất nhiều nghệ sĩ khi viết về Huế yêu dấu. Sông Hương, cầu
Tràng Tiền, thành Nội, núi Ngự Bình... được Hoàng Ngọc Tuấn nhắc rất nhiền lần trong tác phẩm với một tình yêu tha thiết, tự hào. Huế thâm trầm, cổ kính, những con đường rợp mát hàng cây ven đường: “Trên con đường ven bờ sông Hương ngợp bóng phượng, qua cầu Tràng Tiền tóc tai bay bổng mát rượi nhờ gió thổi từ sông vào những con đường bóng mát thật êm ả trong Đại Nội”.
Một khu vườn tĩnh lặng, dòng sông Hương lững lờ trôi, những con đường tới trường “dưới những tán cây già cỗi” in đậm trong kí ức nhà văn. Hình ảnh những cô nữ sinh “lũ lượt ngập tràn màu trắng lồng lộng của tà áo dài” làm cho con đường “im vắng âm u của Huế trở thành những dải lụa mềm kết bằng tiếng guốc khua vang của tuổi xuân xanh”. Huế trong hoài niệm tuổi thơ của ông là một bức tranh rất mực gần gũi bởi nó là những hình ảnh cụ thể gần gũi với con người và cảnh vật: “con đường vắng, một bên là hàng cây trĩu nặng me chua, một bên là con sông nhỏ. Con sông cứ thỉnh thoảng lại có cây cầu nhắn nối hai bờ. Chỉ một con đò chở đầy gạch ngói hay rong xanh cũng làm dợn sóng”. Không gian con đường thật bình yên, mang những nét riêng của Huế: “những cành cây khẳng khiu gầy guộc trên đường”, “những loài cỏ dại không tên cứ đến sáng sớm là ướt mềm sương óng ả”. Những con đường một thuở thân thương ghi dấu ấn nhiều kỉ niệm. Trên những con đường bình yên quen thuộc, hình bóng người thân gần gũi, quen thuộc, yêu thương “suốt cả con đường” Trần Thúc Nhẫn “toàn là nhà người bà con, người quen biết thân mật”.
Nhắc đến Huế, tác giả dành cho Huế một tình yêu đặc biệt, một niềm tự hào rất đỗi thiêng liêng. Trong kí ức của nhà văn, xứ Huế hiện ra rõ nét. Người đọc có thể hình dung ra trong sáng vô ngần của tác giả khi say mê khám phá cảnh sắc của quê hương. Huế mang vẻ đẹp cổ kính thanh bình như bao làng quê Việt Nam. Viết về quê hương bằng một tình yêu cụ thể gắn liền với những kỷ niệm của cả một thời quá khứ. Kỉ niệm của những lần trốn học,
về mái trường, về thầy cô, bạn bè: “Đối với những người còn mặc áo trắng học trò, nhất là học trò bé con của một thành phố êm đềm như Huế, mùa hè là mùa thiên đàng” (Thiên đường nhỏ dại [36, 265-266]). Ở đó, mỗi cảnh vật, mỗi con người đều gợi lên ở trang viết của Hoàng Ngọc Tuấn một nỗi nhớ khôn nguôi. Trở về với Thiên đường nhỏ dại là những trò cá cược trẻ con khi thách đố nhau bày tỏ tình cảm với bạn gái cùng lớp bằng cách hét tướng lên, là kỷ niệm những buổi đạp xe đi ăn chè cùng những thằng bạn thân... để rồi lại tiếc nuối thiên đường có thật của tuổi thơ trong khung cảnh rất Huế: “Mùa hè còn có biết bao trò vui tuyệt vời khác. Những buổi tắm sông, lội qua bên bờ bẻ trộm mía... Ngày leo lên núi Ngự Bình để nhìn trọn thành phố Huế nhỏ bé nằm dưới chân, ngày rong ruổi trên con đường đầy tiếng ve kêu. Sáng sớm mai săn sóc khóm hoa hồng, buổi chiều vun xới vườn bắp nhỏ. Buổi trưa ngủ mơ màng dưới bóng lá cây xanh, những bài thơ tình vụng về đầu tiên được làm nên vào thời khắc êm ái ấy... Mùa hè rồi cũng đi qua. Nhưng ở Huế, mùa đông, mùa xuân, mùa thu hay mùa hè, đều là mùa thiên đàng cả” [36, 278].
Huế còn là phần góc khuất trong tâm hồn nhà văn khi nhớ về kí ức đau buồn với người bạn thân là Hùng Vồ phải ra đi trong những ngày lũ lụt. Trong tác phẩm Sông Hương nước nhảy lên bờ, người đọc chứng kiến một con sông Hương rất khác với những gì các nhà văn xưa miêu tả. Đó là con sông Hương đục ngầu với dòng nước dâng cao đã nhấn chìm người bạn thân dưới dòng nước lũ: “Cả thân người nó đã ngã nhào chìm trong dòng nước chảy ào ào như thác”. Từ trong sâu thẳm của Hoàng Ngọc Tuấn, thiên nhiên trong hoài niệm tuổi thơ ông là một bức tranh rất gần gũi, là những hình ảnh cụ thể của một miền quê đẹp nhưng buồn bởi nó gắn với những kỉ niệm đau buồn của học trò. Trong suy nghĩ của Tí Đường sau khi chứng kiến cái chết của Hùng Vồ, lụt lội ở Huế “không chỉ có câu cá, lội nước, chèo thuyền mà thôi, nó còn là chết chóc, đói rét nữa”. Một nỗi đau khôn tả thấm đẫm trong
cảm xúc của Tí Đường. Sự trưởng thành trong suy nghĩ từ sau cái chết của Hùng Vồ khiến Tí Đường trở thành một con người khác. Nó đã mang một bộ mặt “ lầm lì, ủ dột như người đi đưa đám ma”.
Ở tuyển tập Hình như là tình yêu, Hoàng Ngọc Tuấn triết lý không nhiều, nhưng những điều mà tác giả trăn trở viết ra đều để lại sự suy tư chiêm nghiệm về cuộc sống trong lòng người đọc. Có được tình cảm ấy, tác giả đã trải lòng mình bằng những tình cảm rất thực, chân thành từ trái tim mong được chia sẻ, tri âm: “ Về sau khi lớn lên, ý nghĩ đầu tiên từ thuở nhỏ của tôi vẫn không thay đổi. Tất cả những cái gì gây ra sự chết: chém giết, hận thù, bệnh tật, thiên tai, nghèo đói... đều đáng ghê tởm”. Trong tình cảm của nhà văn, Huế không chỉ đơn thuần là quê hương, Huế là kết tinh những gì nhà văn đã từng gắn bó thân thương máu thịt. Huế là tất cả tuổi thơ và một phần tuổi trẻ. “Huế là mảnh đất sanh trưởng, có biết bao sợi dây quấn chặt những đứa con của nó, dầu là đứa bạc tình nhất”. Hoàng Ngọc Tuấn yêu quê hương bằng một tình yêu thầm kín, hướng về cội nguồn nơi chôn nhau cắt rốn thấm đượm ân tình sâu xa. Hình ảnh con người xứ Huế hiện lên với vẻ đẹp đôn hậu, bình dị, đáng yêu. Hoàng Ngọc Tuấn đã hướng về cố hương bằng tất cả tấm lòng ngưỡng vọng sâu sắc. Mặc dù ông đã có một thời gian dài xa Huế, nhưng những kỉ niệm cũ vẫn in đậm trong tiềm thức của nhà văn. Sống ở nơi đất khách quê người, phải chịu cảnh rày đây mai đó, nhớ lại thời hoàng kim của mình mà lòng ông đau nhói. Tấm lòng hướng về cội nguồn của nhà văn tha thiết đến mức bất cứ một cảnh vật, một con người nào cũng gợi nhớ về cố đô. Hình bóng người thân cứ trở đi trở lại trong tác phẩm của ông với một tình yêu khôn tả.